Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:15 GMT+7

RCEP - “lực đẩy” mạnh mẽ để phục hồi hậu Covid-19

Biên phòng - Theo đánh giá mới đây của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể đóng góp vào nỗ lực phục hồi thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 của khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM-54) diễn ra ở Campuchia. Ảnh: ASEAN

ASEAN đánh giá cao vai trò của RCEP

Sau Hội nghị Bộ trưởng RCEP diễn ra tại Campuchia, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM-54) vừa qua, ASEAN đã ra tuyên bố chung hoan nghênh RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 và mong đợi sự phê chuẩn của tất cả các nước thành viên tham gia hiệp định này. Tuyên bố nêu rõ: “Hội nghị chia sẻ quan điểm RCEP có thể đóng góp vào nỗ lực phục hồi sau đại dịch của khu vực và tạo ra chuỗi cung ứng bền vững hơn. Về vấn đề này, hội nghị AEM-54 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy khai thác RCEP để tăng cường hội nhập kinh tế khu vực”.

Cùng với đó, AEM-54 cũng ghi nhận tiến độ của Ủy ban Hỗn hợp RCEP và hoan nghênh việc thành lập bộ phận trực thuộc dưới sự giám sát của cơ quan này. Trong khuôn khổ hội nghị, các bộ trưởng cũng khuyến khích các quan chức làm việc và hành động cùng nhau để mở rộng việc thực thi RCEP và giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện hiệp định nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong khu vực. Hội nghị tái khẳng định sự cần thiết của việc kiềm chế thực hiện bất kỳ các biện pháp nào không phù hợp với các nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định RCEP.

Bộ trưởng các nước thành viên nhất trí với mong muốn, RCEP sớm thành lập Ban Thư ký theo các điều khoản được các bên đồng ý, để cung cấp hỗ trợ hành chính và kỹ thuật cho Ủy ban Hỗn hợp RCEP và các bộ phận trực thuộc ủy ban.

Mặt khác, tại AEM-54, nhiều quan điểm được chia sẻ về việc RCEP có thể đóng góp vào nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19 của khu vực và tạo ra chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn RCEP để hội nhập kinh tế khu vực sâu, rộng, đạt những kết quả thực chất.

Được biết, RCEP là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand. Hiệp định của 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương này có hiệu lực từ tháng 1/2022, bao gồm các quy định về thương mại số, trong đó có việc chuyển dữ liệu xuyên quốc gia, bảo vệ các giao dịch và người tiêu dùng trực tuyến, đồng thời mang lại cơ hội củng cố môi trường kinh doanh thương mại số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á.

RCEP được giới chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ góp phần đa dạng hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các quốc gia ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Điểm sáng nhất trên toàn cầu

Mới đây, tờ báo Khmer Times của Campuchia dẫn phân tích của giới chuyên gia kinh tế nước này cho biết, RCEP có thể tạo nên một hệ thống thị trường chung bằng cách loại bỏ nhiều hạn chế hải quan, dỡ bỏ nhiều rào cản thương mại xuất nhập khẩu và đảm bảo cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp. Một thị trường tự do được tạo ra khi 90% hàng hóa được giao dịch giữa các quốc gia được miễn thuế và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như nguồn nhân lực được khai thác tốt hơn.

Đội tàu container nước ngoài tiến vào vùng nước cảng biển Việt Nam. Ảnh: Thanh Trúc

Cùng với đó, giới chuyên gia kinh tế quốc tế cùng chung nhận định, tiềm năng của Hiệp định RCEP là không giới hạn vì triết lý đôi bên cùng có lợi và cách hiệp định này xử lý các diễn biến thị trường. Giới chuyên gia lạc quan dự báo, thành công của RCEP sẽ giành được sự ủng hộ của toàn thế giới, bao gồm cả người dân Bắc Mỹ và Tây Âu.

Trên thực tế, 8 tháng đầu tiên RCEP có hiệu lực (từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2022), các doanh nghiệp khu vực đã làm quen với RCEP thông qua các hoạt động hướng dẫn các doanh nghiệp về việc làm thế nào để hưởng lợi từ các quy tắc RCEP. Trong đó, các quy tắc, được coi là lợi ích lớn nhất trong khuôn khổ RCEP cho phép đầu vào từ Khối tính là hàng nội địa khi được sản xuất tại một thành viên RCEP, do đó, hài hòa các quy tắc xuất xứ và giảm chi phí thương mại.

Minh chứng cho những con số tăng trưởng thực tế trong 8 tháng qua, điển hình là nền kinh tế Malaysia đã tăng trưởng 8,9% trong quý II nhờ những tác động tích cực của RCEP. Con số này vượt xa các ước tính thị trường trước đó. Theo giới chuyên gia cho biết, các nền kinh tế đang phát triển nhanh khác trong khu vực cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Theo đó, trong quý II, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP là 7,7%; nền kinh tế Philippines tăng trưởng 7,4%…

Giới chuyên gia thương mại quốc tế đánh giá, RCEP đang trở thành “điểm sáng” nhất trên toàn cầu về tăng trưởng kinh tế và các công ty đa quốc gia chắc chắn sẽ tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong khu vực cùng với sự phê chuẩn đầy đủ của thỏa thuận. Các nhà quan sát cho rằng, nhiều nơi trên thế giới, bao gồm các cường quốc đang đối diện với “vòng xoáy” khủng hoảng, trong khi đó, các quốc gia thành viên RCEP lại ghi nhận sức tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là một minh chứng cụ thể nhất, dễ thấy nhất về hiệu quả của RCEP. Từ đó, tạo dựng niềm tin rằng, những lợi ích hữu hình chứng minh cho vai trò của RCEP như một “lực đẩy” mạnh mẽ dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu trong thời gian tới.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO