Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:02 GMT+7

Sa mộc vùng biên

Biên phòng - Năm 2012, trong quá trình làm phim về Cột cờ Lũng Cú, tôi vỡ òa cảm xúc khi biết, kể từ đầu kỷ nguyên trước, Thái úy Lý Thường Kiệt đã dựng một cây Sa mộc làm cột cờ và truyền cho đồng bào cực Bắc một khẩu trống đồng để báo động khi biên cương có giặc. Trải qua ngàn năm, trên đỉnh núi Rồng vẫn luôn có một cây Sa mộc lớn cho đến khi được thay thế bằng cột cờ lớn hiện nay.

Cây sa mộc. Ảnh minh họa.

Sa mộc là loài cây cùng họ với thông, phi lao, dương liễu... lá kim, dáng thẳng, cành ngang theo từng lớp, tán cây hình chóp nón, cây to sống lâu năm cao tới gần 60 mét, vỏ thân cây sần sùi. Loại cây này thường được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên, những nơi có biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và Campuchia. Sa mộc có sức sống bền bỉ, dẻo dai trên các triền núi đá với thời tiết và khí hậu rất khắc nghiệt.

Hẳn là vì thế mà không ít người coi loại cây này như là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và lâu bền, bất chấp phong ba, bão táp, thiên tai và cả nhân tai của dân tộc Việt nói chung và các dân tộc thiểu số sống ở vùng phên giậu của Tổ quốc nói riêng. Không thể không liên tưởng rằng vùng đất đặc trưng cây Sa mộc chỉ kéo dài hơn một ngàn ba trăm cây số trên toàn bộ hơn bốn ngàn năm trăm cây số đường biên đất liền của xứ sở chúng ta, nhưng đó cũng là hơn ngàn cây số chất chứa chịu đựng nhiều nhất những thăng trầm của lịch sử.

Nhìn cây, tôi liên tưởng đến những trang sử quật cường của dân tộc ở những miền biên viễn đã ít nhiều bị lớp bụi thời gian che mờ, làm khuất lấp và trở thành huyền tích, dã sử nên nảy ra suy nghĩ, phải chăng cùng với đá ngàn năm, thì cỏ cây biên giới, nhất là những loài cổ thụ như Sa mộc chính là chứng nhân của những sự kiện đó. Sa mộc cho tôi một hình dung sinh động để lựa chọn giọng kể theo phong cách hùng ca, vạch dựng cõi biên cương đầy màu sắc nhân chủng và văn hóa tộc người - một đường biên-thùy-bằng-người, lấp lánh bao nhiêu vẻ sáng rực rỡ của phong tục lạ thường, bao nhiêu lễ hội đẹp sơ nguyên huyền hoặc, với các huyền thoại và huyền sử.

Điều lý thú là khi tìm hiểu về loài cây này, tôi nhận ra rằng từ ngàn xưa, ở những vùng biên viễn xa xôi, đâu có con người cư ngụ là ở đấy có Sa mộc. “Người Kinh nhớ Sa mộc kiêu hãnh/ Người Hán gọi Lãnh sam/ Giữa bản Tày, Nùng cây là Máy-vạc/ Màu nhuộm Co-may thắm sắc váy Dao/ Thang thuốc vị Vân du thơm lời xòe Thái/ Thủy tùng, Xà nu đi vào huyền thoại bazan/ Ra biển thành Phi lao, Dương liễu...” - Dù cho ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc có cách gọi tên Sa mộc khác nhau, nhưng bản tính ngay thẳng và sức sống bền lâu của Sa mộc thì không bao giờ thay đổi. Thậm chí, loài cây này còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như đời sống thường nhật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong tâm trí tôi, Sa mộc không chỉ là biểu trưng cho ý chí quật cường, lòng dạ kiên trung của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống dọc miền biên ải, mà nó đã trở thành biểu tượng của những cột mốc sống nơi biên cương để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Ở khía cạnh khác, với tôi, cây Sa mộc không chỉ tượng trưng cho rừng núi và các sắc dân biên thùy, mà còn là tượng trưng cho người lính Biên phòng và rộng ra là tất cả những người lính đã chiến đấu, hy sinh giữ gìn cương thổ quốc gia. Văn chương cho tôi cơ hội cảm nhận thấu đáo và sâu sắc đối với nhiều vấn đề, nhiều kiểu người trong xã hội, từ đó thôi thúc tôi chia sẻ nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn.

Mượn hình tượng Sa mộc, tôi mong muốn vẽ bức tranh người chiến sĩ Biên phòng bằng thơ, như một điểm nhấn, một vì sao trên bầu trời biên cương của Tổ quốc. Họ là thế hệ cha anh của tôi và cũng chính là đồng đội của tôi hôm nay đã và đang kiên gan bám trụ vì sự nghiệp bảo vệ bờ cõi non sông của ông cha để lại đang chờ các anh. Với tôi, những người lính Biên phòng luôn bao dung, chịu đựng, đức hy sinh, lòng dũng cảm, thẳng ngay như cây Sa mộc vốn trời sinh ra như thế: “Sa mộc ưỡn ngực trai/ Đồn xa xanh áo lính/ Mồ hôi ươm chồi biếc/ Da sạm hong mùa vàng...”.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO