Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 01:03 GMT+7

Sắc áo Blouse trắng bên dòng Sekong

Biên phòng - Buổi sáng 5/12, trên những nẻo đường dẫn về bản Nongphamay, huyện Sanxay, tỉnh Attapeu, Lào thấp thoáng bóng những người phụ nữ Lào vượt đường xa đất đỏ đến điểm khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc. Từ tuần trước, tin tức về đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam gồm 70 y, bác sĩ sang phối hợp với lực lượng quân y của Lào khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc và tặng quà cho nhân dân Lào đã được thông báo đến các địa phương ở khu vực gần sông Sekong.

Thiếu tá Cao Xuân Hải làm phiên dịch để các y, bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho bà Nang Xep. Ảnh: Văn Chương

Bác sĩ người Lào có cái tên rất dài là Hat Phan Kon Đuong Ma Ny Cham Se chỉ vào những người phụ nữ ngồi dưới gốc cây dầu và cho biết, họ đến từ các bản Tamo, Antoun, Khang Loun, Tamaleuy nằm cạnh sông Sekong. Có nhiều người đến đây trước 1 ngày trên chiếc xe công nông băng qua những con đường đất đỏ bụi mù mịt, rất khó đi. Bà con rất vui vì được đến đây, phấn khởi như ngày hội lớn.

Tôi chợt nhớ ra dòng sông Sekong đang được nhắc đến trên nhiều diễn đàn trong các cuộc họp của Chính phủ Việt Nam khi bàn về dòng chảy xuyên qua 3 quốc gia là Campuchia, Lào và Việt Nam. Phía Campuchia gọi sông này là Tonle Sap, phía Việt Nam gọi là sông A Sép và phía Lào gọi là sông Sekong. Sát điểm chữa bệnh là con sông Sê Suc, một nhánh phụ của sông Sekong. Dòng sông này đã đi vào bài hát ca ngợi tình hữu nghị giữa nhân dân 3 nước.

Thiếu tá Cao Xuân Hải, nhân viên phiên dịch của BĐBP Kon Tum phiên dịch cho các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 87, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng để tìm hiểu về căn bệnh của một nữ bệnh nhân tên là Nang Xep đang nhăn nhó bởi các cơn đau bụng. Khi các y, bác sĩ hỏi bệnh nhân về chế độ ăn uống hằng ngày, bà Nang Xep chỉ ra dòng sông Se Suc nằm gần điểm khám bệnh rồi cho biết, phần lớn bà con sử dụng nước sông, suối đun sôi để sử dụng. Rất nhiều người dân Lào đến khám, chữa bệnh và được các bác sĩ quân y của 2 nước chẩn đoán bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bên cạnh đó là các bệnh về mắt, đau nhức xương khớp, thoái hóa khớp do thiếu kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe.

Bà Nang Xep được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm đường ruột do các loại vi khuẩn gây ra. Bác sĩ khám bệnh khuyến cáo, thường xuyên rửa tay trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh. Bà Nang Xep nghe nói vậy bối rối vì chưa bao giờ rửa tay như lời bác sĩ căn dặn. Khi nghe các bác sĩ tiếp tục dặn về việc "phải uống nước đun sôi để nguội, không được uống nước sông, nước suối tự nhiên; ăn thức ăn bảo quản hoặc nấu chín, không được ăn thức ăn đã ôi, thiu”, bà Nang Xep gật đầu đồng ý sẽ thay đổi nếp sinh hoạt, ăn uống.

Bà Nang Xep cũng như nhiều người dân khác đến khám bệnh, bên cạnh việc được cấp phát thuốc còn được hướng dẫn về vệ sinh y tế. Do điều kiện chăm sóc sức khỏe chưa tốt, vì vậy, có những phụ nữ mới ở tuổi 50 mà bề ngoài đã khá già nua, đi đứng chậm chạp vì các căn bệnh về cơ, xương. Nhiều người khi được hỏi về thức ăn, cách bảo quản để tránh các căn bệnh đường ruột, đều có câu trả lời thể hiện cuộc sống khá giản đơn, ít hiểu biết về chăm sóc sức khỏe, mong muốn được sang Việt Nam để có điều kiện khám, chữa bệnh tốt hơn.

Nhiều người dân Lào chia sẻ về việc có bệnh nặng là chuyển sang Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum để khám, chữa bệnh, bởi bác sĩ bên Việt Nam giỏi, bệnh viện cũng đẹp. Đây có thể cũng là một trong những vấn đề từng dẫn tới Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Hồi bị quá tải. Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam từng tổ chức khám, chữa bệnh tại huyện Bachiangchaleunsouk, tỉnh Champasak và các bác sĩ ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người từ khắp nơi tập trung đến đây. Có những bản, bà con sử dụng xe máy cày để đưa phụ nữ, trẻ em đến và chia sẻ rằng: "Nghe bác sĩ Việt Nam qua là mừng lắm!”.

Nửa buổi sáng 5/12, trời nắng gắt và thoảng nhẹ hương rừng Sepian, lưng áo blue của nhiều y, bác sĩ đã thấm mồ hôi vì công việc diễn ra liên tục dưới ngôi nhà lợp tôn nóng bức. Các y, bác sĩ phải nói chậm từng câu để các phiên dịch của BĐBP Kon Tum nói lại với người dân Lào về chế độ sử dụng thuốc đúng liều lượng.

Anh Thao Vo đưa mẹ đi khám bệnh. Ảnh: Văn Chương

Tôi bắt chuyện với anh Thao Vo vừa đưa người mẹ già là bà Nang Tha vào phòng khám bệnh. Anh cho biết, 2 mẹ con phải “đi từ rất xa, đến rất sớm” vì mong muốn được các bác sĩ người Việt Nam khám bệnh. Từ ngày hôm trước, anh Thao Vo đã chuẩn bị một gói xôi, để sáng sớm lên đường đưa mẹ già cùng người con băng qua sông bằng phà, đến bản Nongphamay để chờ đoàn y, bác sĩ khám bệnh. Sau khi khám xong và nhận thuốc, những người đi cùng anh tụ họp dưới gốc cây để chờ bà con cùng vượt sông Sekong trở về làng. Với người dân Lào, sự kiện quân y 2 nước Việt Nam - Lào về tận bản Nongphamay tổ chức khám, chữa bệnh thực sự là dấu ấn khó quên.

Sau một ngày làm việc tất bật, tiếp nhận hàng trăm phiếu làm xét nghiệm máu, chức năng sinh hóa gan, thận, Thiếu tá Chu Thị Tầm, điều dưỡng Khoa A3, Bệnh viện Quân y 87 bị mất giọng khi cho tôi biết cho biết: Đến được bản Nongphamay, các thành viên trong đoàn công tác đều mệt lử vì đường xấu, nhưng thấy bà con người Lào hồ hởi chào đón thân thương, mọi người quên hết mệt mỏi, tập trung vào công tác thăm khám, chuẩn đoán, hỗ trợ điều trị cho những người dân nghèo còn thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe. Tôi rất mong có thêm nhiều đoàn từ thiện xã hội, các tổ chức y tế đến đây để chia sẻ khó khăn với bà con, hỗ trợ trẻ em suy dinh dưỡng.

Trong chuyến khám, chữa bệnh cho người dân Lào, phía Việt Nam đã bố trí các bàn khám nội khoa, ngoại khoa, nhi, răng, mắt, sản-phụ khoa, tai-mũi-họng, X-quang, siêu âm, điện tim, xét nghiệm. Ngay trong buổi sáng đầu tiên triển khai, Trung tướng Vanthong Bouttavong, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Lào đã đến thăm hỏi các y, bác sĩ, đồng thời phát biểu ca ngợi “hoạt động khám chữa bệnh cho người dân tạo sự gắn bó giữa quân đội 2 nước, thể hiện tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị, giúp nhau cùng phát triển”.

Hoạt động quân đội Việt Nam, Lào, Campuchia phối hợp khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân ở khu vực biên giới của 3 nước nằm trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất. Tổng cộng có gần 3.000 người dân ở khu vực biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia được khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 200 suất học bổng trị giá 400 triệu đồng cho các em học sinh; tặng 40 con bò giống trị giá 720 triệu đồng cho bà con.

Văn Chương - Kim Nga - Văn Lâm

Bình luận

ZALO