Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 14/09/2024 02:59 GMT+7

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan vươn ra thị trường thế giới

Biên phòng - Tỉnh Tây Ninh nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công truyền thống như: Làng nghề nón lá Ninh Sơn, nghề đan lát Long Thành Nam, nghề mây tre Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, nay là thị xã Hòa Thành; làng mây tre An Hòa, thị xã Trảng Bàng... Các sản phẩm từ cây tre của địa phương vừa đa dạng, vừa bền đẹp, thân thiện với môi trường, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Cơ sơ sản xuất mây tre đan của chị Dư Thị Thúy Nga ở khu phố Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Ái Vân

Nghề mây tre đan là nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, dùng các nguyên liệu mây tre, lồ ô và tầm vông. Các nghệ nhân trong nghề tạo ra nhiều sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đa dạng, từ đồ gia dụng thông thường đến các tác phẩm nghệ thuật cao cấp, phức tạp. Ở khu vực miền Bắc, miền Trung, sản xuất nhiều sản phẩm sử dụng mây tre và cói, còn khu vực phía Nam sử dụng nhiều lá buông, lục bình. Riêng ở Tây Ninh, hầu hết sử dụng nguyên liệu từ mây tre, tầm vông, hiện nay có sử dụng thêm cả lục bình.

Nghề mây tre đan ở Tây Ninh được hình thành và phát triển từ hơn trăm năm trước, một trong những làng nghề xuất hiện sớm nhất là làng nghề mây tre đan An Hòa, huyện Trảng Bàng, nay là thị xã Trảng Bàng, chuyên đóng giường, bàn tủ tre, ghế tre. Nhiều mặt hàng mới có mẫu mã hợp thời, sang trọng được xuất bán sang thị trường châu Âu và một số quốc gia khác.

Ở thị xã Hòa Thành, có nhiều cơ sở mây tre đan vượt khó, giữ nghề bằng cách tự đổi mới phương thức sản xuất, đầu tư thiết bị máy móc, tạo ra nhiều mẫu mã mới, tiếp cận thị trường nước ngoài để tìm đầu ra cho sản phẩm và đã phát triển ổn định, đó là cơ sở sản xuất hàng mây tre của chị Dư Thị Thúy Nga, ở khu phố Long Thành Trung, hoạt động từ năm 2014, với quy mô nhỏ, chỉ sản xuất bàn ghế tre, tiêu thụ trong nước, số lao động tại xưởng không quá 10 công nhân. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, nhiều cơ sở mây tre, làng nghề gặp khó khăn, buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, một số cơ sở phải ngừng hoạt động, riêng cơ sở của chị Nga trong thời điểm này tăng vốn đầu tư, mở rộng nhà xưởng, mua thêm thiết bị máy móc phù hợp, sản xuất nhiều loại mẫu mã mới. Năm 2020, cơ sở của chị Nga đã vượt qua khó khăn, trụ vững vàng. Cơ sở của chị chủ yếu sản xuất các loại mặt hàng cao cấp như ghế salon, ghế sofa xuất khẩu sang thị trường châu Âu, sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác, trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị xuất khẩu trên 1.000 sản phẩm.

Chị Dư Thị Thúy Nga chia sẻ: "Khâu xử lý mây tre bước đầu rất quan trọng, đầu tiên phải ngâm, xử lý mối mọt, rồi cắt, đánh mắt, chà nhẵn sạch sẽ rồi mới đưa cho thợ. Hồi đó, tôi bán thân tre nội địa, bàn ghế, cơ sở có khoảng 10 công thợ. Đến năm 2020, có nhiều đơn hàng xuất khẩu, tôi mở rộng diện tích nhà xưởng lên 3.000m2, công nhân cũng tăng lên gấp đôi, tháng nào cũng xuất 2-3 xe container. Hiện nay, cơ sở chỉ làm những mặt hàng cao cấp mà chỉ có 1-2 nơi sản xuất được, đó là salon và sofa để xuất đi châu Âu".

Cơ sở mây tre đan Chí Tâm ở khu phố Chí Phượng, phường Long Thành Trung do vợ chồng chị Hoàng Thị Vy Hoàng làm chủ, được thành lập từ năm 2016. Từ sản xuất những sản phẩm truyền thống, nắm bắt được thị trường, cơ sở Chí Tâm đã sản xuất nhiều mặt hàng thủ công tinh xảo, được khách hàng trên toàn quốc ưa chuộng, trong đó có các mẫu hàng mây tre như set đồ trang trí, bàn, ghế ngồi, đèn lồng mây tre đan, bộ quang cảnh trang trí ở nhà hàng, khách sạn, quán café. Một số mẫu mã mới làm từ lục bình như giỏ xách mini được khách hàng ưa chuộng, cơ sở Chí Tâm còn đầu tư nuôi trồng lục bình làm nguyên liệu sản để xuất đồ mỹ nghệ. Những sản phẩm của Chí Tâm có mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, thu hút được nhiều khách hàng quan tâm đặt hàng.

Chị Hoàng Thị Vy Hoàng, khu phố Long Chí, phường Long Thành Trung cho biết: "Lúc mới thành lập, cơ sở chỉ có 10 - 15 nhân công, hiện nay, cơ sở đã có gần 40 lao động chính, công nhân làm thời vụ còn tùy vào số lượng đơn đặt hàng. Năm 2022 là năm phát triển mạnh nhất, ngoài những đơn hàng truyền thống có sẵn, tôi mở rộng kinh doanh thêm về các công trình như: trang trí quán café, nhà hàng ăn uống, bàn ghế ốp lát, vách trang trí ở quán, ánh đèn, đuốc..., nói chung là việc gì tạo được công ăn việc làm cho người nông dân thì tôi đều làm. Thời điểm nhiều đơn hàng, cơ sở của tôi có trên 80 công thợ, thu nhập bình quân của công nhân thấp nhất là 7 triệu đồng, còn cao nhất là 21 triệu đồng/tháng".

Ngoài một số cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ mây tre đan đơn lẻ, ở phường Long Thành Trung còn có Tổ hội nghề nghiệp mây tre đan với 9 hộ thành viên, số lao động bình quân mỗi hộ là 5 công thợ, vốn đầu tư mỗi cơ sở từ 300 đến 400 triệu đồng, lợi nhuận, bình quân mỗi hộ 30 triệu đồng/tháng.

Các sản phẩm đèn trang trí của cơ sở sản xuất mây tre đan Chí Tâm được nhiều khách hành ưa chuộng. Ảnh: Ái Vân

Ở giai đoạn khó khăn nhất, các cơ sở làng nghề mây tre Long Thành Trung muốn tồn tại đã phải tự thích ứng theo nền kinh tế thị trường, còn với thợ thủ công cũng phải tự nâng cao tay nghề, sáng tạo trong gia công mẫu mới đa dạng theo yêu cầu của đơn đặt hàng. Hiện nay, ở Long Thành Trung có 35 cơ sở được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, có những cơ sở được hỗ trợ vay vốn cả tỷ đồng. Đây là nguồn vốn giúp đỡ, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất mây tre đan và làng nghề ở Long Thành Trung gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống của địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Hòa Thành nói: "Có một số cơ sở đã đầu tư trang thiết bị, máy móc mới, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh đó, họ liên kết với các doanh nghiệp khác để tìm đầu ra cho sản phẩm, do vậy, những cơ sở sẽ phát triển sẽ lớn hơn, nhanh hơn. Điển hình như cơ sở mây tre Chí Tâm, liên kết với doanh nghiệp ở miền Bắc để nhập nguồn nguyên liệu sản xuất; cơ sở Thúy Nga thì tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, nếu thiếu thì cơ sở Thúy Nga nhập nguyên liệu từ Campuchia để sản xuất, còn sản phẩm thì xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu. Hội Nông dân cũng hỗ trợ cho các cơ sở tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hành Chính sách xã hội, vốn từ quỹ việc làm, quỹ hỗ trợ nông dân để các cơ sở có thể vay vốn để phát triển sản xuất"...

Hiện nay, một số làng nghề thủ công truyền thống ở Tây Ninh có nguy cơ mai một, riêng làng nghề mây tre đan ở phường Long Thành Trung vẫn tồn tại các cơ sở chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, với nhiều mẫu mã mới đa dạng, phong phú, đẹp mắt. Các sản phẩm của các cơ sở mây tre đan ở Long Thành Trung được nhiều khách hàng trong nước ưa chuộng và đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và thị trường các nước châu Âu và thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Với việc hỗ trợ về nguồn vốn ưu đãi, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm đã giúp nghề truyền thống mây tre đan ở Long Thành Trung phát triển vững chắc, giúp người dân địa phương bảo tồn và phát huy được nghề thủ công truyền thống, độc đáo của địa phương.

Ái Vân

Bình luận

ZALO