Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 11:26 GMT+7

Sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với nhà ở không đảm bảo an toàn

Biên phòng - Theo thông tin từ cơ quan khí tượng, chiều tối nay (19/9), bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Để ứng phó với bão số 4, các địa phương đã ban hành công điện chỉ đạo; tổ chức trực ban, theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo và đang gấp rút triển khai các phương án ứng phó với gió mạnh và mưa lũ sau bão.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền ứng phó với bão số 4. Ảnh: Võ Tiến

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 19/9, các đơn vị đã kiểm đếm, hướng dẫn 66.960 tàu/306.725 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh, trong đó 199 tàu/868 người hoạt động khu vực ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, các tàu đã nắm được thông tin và di chuyển về bờ.

Bên cạnh việc kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão, các địa phương cũng kêu gọi, hướng dẫn người trên các chòi, bè canh nuôi thủy sản vào nơi trú tránh an toàn. Theo thống kê, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Bình Định hiện có 80.031ha, 22.152 lồng, bè và 684 chòi canh nuôi trồng thủy sản.

Hiện, các địa phương đã rà soát phương án ứng phó với tình huống bão đổ bộ vào đất liền, trong đó tập trung phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ sản xuất.

Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cho học sinh nghỉ học ngày 19/9. Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi đã cấm biển từ 12 giờ ngày 18/9 và tỉnh Quảng Bình cấm biển từ 0 giờ ngày 19/9.

Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 4 gây ra, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh vùng đồng bằng, ven biển tiếp tục kêu gọi tàu thuyền và triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại nơi neo đậu tránh trú và các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch, dịch vụ ven biển.

Sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ.

Đồng thời chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công. Khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhà cửa, trụ sở, nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước.

Tập trung lực lượng thu hoạch diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, sẵn sàng các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

BĐBP Quảng Trị phối hợp với các lực lượng tổ chức canh gác tại các tuyến đường ngập lụt, không cho người dân đi qua lại để đảm bảo an toàn. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Đối với miền núi cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Sẵn sàng tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.

Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO