Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:19 GMT+7

Sẽ “khai thông” cơ chế phát triển ngành cá ngừ đại dương Việt Nam

Biên phòng - Ngày 20-5, tại TP Tuy Hòa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.

8qh2j1r5av-62257_5066849321721370304_a3
Ngư dân Phú Yên chuyển cá ngừ lên bờ ở cảng cá Đông Tác. Ảnh: Phương Oanh

Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi được các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ NN&PTNT và 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa - những địa phương chủ lực của ngành khai thác, chế biến cá ngừ đại dương (CNĐD) thực hiện từ năm 2014-2020.

Đến nay, qua hơn 2 năm triển khai Đề án, 3 tỉnh này đã chủ động xây dựng mô hình liên kết khai thác, tiêu thụ CNĐD theo chuỗi với ngư dân. Hiện nay, tổng số tàu khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh là 2.372 tàu; có 15 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu CNĐD sang 138 thị trường thế giới, đứng đầu là Mỹ, tiếp đến là EU, Thái Lan, Israel, Nhật Bản… 

Năm 2016, tổng sản lượng cá ngừ khai thác được 92.192 tấn; kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 509 triệu USD. Các chủng loại sản phẩm CNĐD đã bắt đầu đa dạng, gồm CNĐD đông lạnh nguyên con, chế biến đông lạnh, hấp chín đông lạnh, đồ hộp… 

Hiện nay, ngư dân Việt Nam đã dần làm quen với hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị cũng như bước đầu đưa các ứng dụng nghiên cứu khoa học - kỹ thuật vào trong khai thác, chế biến cá ngừ... Chất lượng, giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương ngày càng được nâng lên. Nếu như năm 2012, giá cá ngừ giao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, đến năm 2017 tăng lên từ 95.000 đến hơn 100.000 đồng/kg. Ngư dân các tàu cá tham gia chuỗi liên kết có thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án vẫn còn một số hạn chế như việc áp dụng quy trình, công nghệ mới vào khai thác, sơ chế chưa đồng bộ và chưa tuân thủ nghiêm ngặt do tập quán, thói quen khai thác cá ngừ theo phương thức truyền thống.

Điều đáng nói, việc tổ chức thu mua cá ngừ còn theo hình thức mua xô, chưa tạo động lực để ngư dân đầu tư công nghệ khai thác, bảo quản nâng cao chất lượng mà chủ yếu vẫn chạy theo số lượng; chưa xây dựng được các cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá sản phẩm nhằm bảo đảm vệ sinh và phục vụ xuất khẩu cá ngừ tươi sống.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận, đánh giá cao kết quả cũng như những nỗ lực của 3 tỉnh trong thực hiện Đề án. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tính chất liên kết vẫn còn rời rạc và sự lan tỏa chưa cao, chưa phát huy hết năng lực doanh nghiệp và ngư dân khai thác CNĐD; chưa tạo được giá trị đáng có so với tiềm năng CNĐD ở biển Đông.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các cơ quan chuyên trách phải rà soát lại các chính sách liên quan Đề án trên, tổng kết, rút kinh nghiệm từng mô hình liên kết trên biển, khai thông cơ chế phát triển ngành CNĐD Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tập trung hướng đến việc chế biến, tiêu thụ CNĐD trong nước thay vì phụ thuộc quá nhều vào thị trường nước ngoài.

Nhân dịp này, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn cũng đi khảo sát, nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản tại một số doanh nghiệp lớn trong tỉnh Phú Yên, đồng thời khảo sát hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO