Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:32 GMT+7

Sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tiễn

Biên phòng - Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (viết tắt là Luật Sĩ quan) được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2000 và được sửa đổi, bổ sung năm 2008, năm 2014 và năm 2019 theo Luật Dân quân tự vệ. Đến nay, qua hơn 23 năm đi vào cuộc sống, Luật Sĩ quan là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước để xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cà Mau tổ chức tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Ảnh: Hoàng Tá

Ngay sau khi Luật Sĩ quan và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn được ban hành, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, làm cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, đảng viên thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Quân đội nói chung, đội ngũ sĩ quan nói riêng, từ đó, chấp hành và thực hiện nghiêm túc; quan tâm giáo dục, động viên, giúp đỡ để đội ngũ sĩ quan thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục Luật Sĩ quan đến các đối tượng giáo dục theo quy định; quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, cần sớm sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Theo Đại tá, Tiến sĩ Lê Đình Quang, Chủ nhiệm khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng: Tại khoản 1, Điều 31 Luật Sĩ quan quy định: Sĩ quan tại ngũ được hưởng tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc; trong đó, chế độ tiền lương và phụ cấp có đề cập đến việc “bảng lương của sĩ quan tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt...”.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp chưa tính hết các vấn đề liên quan đến chức danh chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ và quy định về phụ cấp chức vụ cũng chưa phù hợp, chiếm tỉ trọng nhỏ trong tiền lương của sĩ quan quân đội, trong đó, có sĩ quan Biên phòng - lực lượng công tác, chiến đấu ở khu vực biên giới và biển, đảo, nơi có nhiều khó khăn, gian khổ. Tiến sĩ Lê Đình Quang đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan về vấn đề này theo hướng: Tính đến chế độ đối với chức danh chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ và quy định về phụ cấp chức vụ có tỉ trọng cao hơn.

Cũng theo Đại tá Lê Đình Quang, tại khoản 7, Điều 31 Luật Sĩ quan quy định: Sĩ quan “được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, việc bảo đảm “hưởng phụ cấp nhà ở” và “bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật” của các đơn vị quân đội và BĐBP còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều cán bộ có nhu cầu cấp thiết về nhà ở công vụ nhưng mới giải quyết được cho một bộ phận nhỏ, phần lớn sĩ quan chưa được hưởng chế độ này, gây khó khăn cho việc ổn định đời sống, công tác của sĩ quan và chưa đảm bảo công bằng giữa số sĩ quan được hưởng với số sĩ quan chưa được hưởng chế độ này. Đến tháng 6/2023, vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về chế độ phụ cấp nhà ở; hiện nay, số sĩ quan toàn quân được tham gia các dự án nhà ở xã hội mới đạt 17,79%, bảo đảm nhà ở công vụ đạt 36,7%, chưa đáp ứng về nhà ở đối với tổng số sĩ quan có nhu cầu.

Mặt khác, nhiều thế hệ sĩ quan BĐBP đã và đang thực hiện phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Tiến sĩ Lê Đình Quang đề nghị sửa đổi Luật Sĩ quan theo hướng: Đối với sĩ quan chưa được bảo đảm về chính sách nhà ở thì được hỗ trợ một khoản tiền (phụ cấp nhà ở) cho việc tự bố trí chỗ ở (thuê hoặc tự mua...) và bổ sung vào tiền lương, phụ cấp hàng tháng của sĩ quan. Đối với các lực lượng có tính chất đặc thù như BĐBP, cần nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể về chính sách, cơ chế để xây dựng, bảo đảm đồn Biên phòng thực sự là nhà của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, góp phần cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP an tâm công tác, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đối với các quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương theo Luật Sĩ quan, Đại tá Trần Quang Tùng, Phó Chính ủy BĐBP Lạng Sơn nêu ý kiến: "Luật Sĩ quan chưa quy định cụ thể cấp đồn Biên phòng tương đương với cấp nào trong hệ thống các chức vụ cơ bản của sĩ quan trong Quân đội (Điều 11 Luật Sĩ quan). Việc này dẫn đến những bất cập, vướng mắc, như: Cùng một nhóm chức vụ, chức danh và hệ số chức vụ, nhưng trần quân hàm lại không đồng nhất. Ví dụ: Đồn trưởng, Chính trị viên đồn Biên phòng, hệ số chức vụ là 0,6, nhưng cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tá; hệ số chức vụ Phó Đồn trưởng là 0,5, trần quân hàm cao nhất của Phó Đồn trưởng, Chính trị viên phó cũng là Trung tá. Cấp bậc quân hàm cao nhất của Đồn trưởng, Chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế là Thượng tá. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của đồn Biên phòng; chức trách, nhiệm vụ của các chức danh cơ bản giống nhau”.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lạng Sơn giúp dân trồng lúa. Ảnh: Hà Mi

Cũng theo Đại tá Trần Quang Tùng, về tiền lương đối với sĩ quan đã giữ cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ đang đảm nhiệm như quy định, hướng dẫn hiện nay, sẽ được xét nâng lương lần 1 và lần 2, mỗi lần nâng lương bằng 1/2 hệ số lương quy định tại bậc quân hàm kế tiếp và không nâng lương quá 2 lần. Tuy nhiên, trên thực tế, sĩ quan đã có cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ đảm nhiệm giữ chức 12 năm trở lên, nhưng không có hướng dẫn xét nâng lương, do đó, tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ đang công tác, hoặc chuẩn bị nghỉ hưu.

Theo Khoản 1, Điều 13 Luật Sĩ quan sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quy định: hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: Cấp úy: nam 46, nữ 46; Thiếu tá: nam 48, nữ 48; Trung tá: nam 51, nữ 51; Thượng tá: nam 54, nữ 54. Tuy nhiên, so với quy định tại Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ năm 2020, lao động nam nghỉ hưu đóng đủ bảo hiểm xã hội 20 năm (lao động nữ từ năm 2018 là 15 năm) được hưởng mức lương hưu bằng 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa 75%. Như vậy, đối với sĩ quan từ cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu được rất ít số năm công tác nên lương hưu sẽ rất thấp.

Vì vậy, Đại tá Trần Quang Tùng đề nghị nghiên cứu, tăng tuổi phục vụ tại ngũ cho phù hợp để sĩ quan có cấp bậc quân hàm Thiếu tá, Trung tá khi nghỉ hưu được hưởng mức tối đa 75% để tính lương hưu, đỡ thiệt thòi cho cán bộ khi nghỉ hưu. Cụ thể, điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu đối với quân hàm Thượng tá từ 54 tuổi lên 56 tuổi, Trung tá từ 51 tuổi lên 55 tuổi, Thiếu tá từ 48 tuổi lên 54 tuổi để không lãng phí nguồn nhân lực; đồng thời, bảo đảm chế độ cho sĩ quan có đủ thời gian đóng bảo hiểm 35 năm.

Trần Đức

Bình luận

ZALO