Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:14 GMT+7

Sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp nên sát tình hình thực tế

Biên phòng - Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2020, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã giải quyết cho hơn 1 triệu người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 16.282 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề; số tiền chi trợ cấp thất nghiệp tăng 49,3% so với năm 2019. Riêng trong 7 tháng của năm 2021, đã giải quyết hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp cho 415.752 người, trong đó, có 406.650 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 9.102 người được hỗ trợ học nghề.

Lao động tại thành phố Hà Nội đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Thanh Thư

Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, đã có gần 80.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; 557.000 người bị mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh... Trước diễn biến của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, Cục Việc làm đã đưa ra 3 kịch bản (tốt - bình thường - xấu) cho thị trường lao động. Cụ thể, với kịch bản xấu nhất là tới hết năm, nếu dịch Covid-19 không được đẩy lùi, sẽ có khoảng 40 triệu lao động trong cả nước chịu tác động tiêu cực, trong đó, các ngành như: Du lịch, dịch vụ, hàng không, vận tải... sẽ là những ngành gặp khó khăn nhiều nhất.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thời điểm làn sóng dịch lần thứ 4 ập đến cũng là lúc hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ, lâm sản bị ảnh hưởng khi các đối tác đều ở khu vực phía Nam. Trước dịch, Hiệp hội có khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp với khoảng 60.000 lao động. Tuy nhiên, do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên chuỗi sản xuất bị ảnh hưởng. Lượng hàng xuất khẩu 8 tháng qua chỉ đạt 40% so với cùng kỳ năm 2020, khiến 50-60% lao động không có việc làm, riêng tại Bình Dương và Đồng Nai lên đến 65-75%.

Với ngành dệt may, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, số lượng lao động phải ngừng việc do giãn cách xã hội liên tục tăng. Chỉ tính riêng Tổng Công ty Việt Tiến đã có khoảng 35.000 lao động phải ở nhà, do công ty không thể sản xuất kể từ khi thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Còn lại các công ty thành viên khác, số lao động phải nghỉ việc cũng lên đến hàng nghìn người/đơn vị.

Trong bối cảnh cả người lao động lẫn doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân sách phải gồng gánh chi cho công tác chống dịch thì nhiều quỹ tài chính độc lập lại đang có lượng kết dư lớn. Mới đây, báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, số kết dư quỹ bảo hiểm xã hội chuyển sang năm 2021 gồm 3 quỹ thành phần: Quỹ ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng; quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng; quỹ hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỷ đồng... Đáng chú ý, số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp liên tiếp tăng và ở mức cao, hiện đã lên tới gần 90.000 tỷ đồng.

Trước bối cảnh trên, ông Đỗ Xuân Lập cho biết: “Hiệp hội nào cũng mong muốn sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, bởi không có lúc nào bằng lúc này, không có thời điểm nào bằng thời điểm này”.

Bà Phạm Nguyên Hạnh cũng cho biết, Tập đoàn Vinatex đã nhiều lần kiến nghị sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp nhưng chưa được giải quyết. Việc này hoàn toàn phù hợp với mục đích của quỹ. Cũng giống như Nhà nước phải xuất nguồn dự trữ để hỗ trợ người dân, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được dùng để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Bởi, nếu lao động thất nghiệp sẽ để lại hệ lụy cho an sinh xã hội.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn để giải quyết kịp thời một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm; hỗ trợ họ học nghề, duy trì việc làm và tìm việc làm mới. Ngoài ra, quỹ này cũng cho phép hỗ trợ chính chủ doanh nghiệp khi gặp khó khăn, cần cơ cấu lại sản xuất kinh doanh.

Từ đây, ông Lợi đề xuất, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, Luật Việc làm chưa thể sửa được ngay, có thể dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động theo 2 hướng. Thứ nhất, có thể giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0,5%; thứ hai, dành một phần nguồn lực hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động đã tham gia đóng quỹ. Theo tính toán, chỉ tính riêng bảo hiểm thất nghiệp, nếu giảm mức đóng xuống còn 0,5% thì mỗi năm doanh nghiệp và người lao động có khoảng gần 10.000 tỷ đồng dành để sản xuất kinh doanh cũng như chăm lo đời sống cho người lao động.

Tuy nhiên, để thực hiện được, ông Lợi cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể yêu cầu Chính phủ chuẩn bị phương án trình ra Quốc hội cho ý kiến và quyết định.

Hoàng Vân

Bình luận

ZALO