Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 05:34 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024)

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Nhân tố quyết định thắng lợi của QĐND Việt Nam

Biên phòng - QĐND Việt Nam ra đời xuất phát từ yêu cầu của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo. Kể từ khi thành lập đến nay, QĐND Việt Nam vinh dự được chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Sự trưởng thành và những chiến công oanh liệt của Quân đội ta đều gắn liền với sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với QĐND Việt Nam không ngừng được củng cố và tăng cường, phù hợp với đòi hỏi khách quan của cách mạng và sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một lực lượng nhỏ bé, trang bị thô sơ, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh với trang bị hiện đại, có những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ. Ảnh: TTXVN

Ngay khi “đội tự vệ công nông thường trực” mới hình thành, Đảng ta đã chỉ rõ: “Công nông cách mạng tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, Quân ủy của Đảng Cộng sản”. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ra đời. Để thống nhất ý chí và hành động, Đội tổ chức một chi bộ cộng sản, có đội trưởng và chính trị viên, thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo kết hợp với phân công cá nhân phụ trách. Bên cạnh đội trưởng và chính trị viên còn có đại diện của Đảng đi sát chỉ đạo chung về mọi mặt. Việc tổ chức, lãnh đạo và chỉ huy chặt chẽ ấy đã đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển về tổ chức sự lãnh đạo của Đảng và công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội.

Đầu năm 1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Quân ủy, giúp Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị quân sự của Đảng. Bộ máy giúp Trung ương Quân ủy chỉ đạo các lực lượng vũ trang có Ủy ban Quân sự, Ủy ban Chính trị và Ủy ban Đảng vụ. Về chính quyền có Cục Chính trị Bộ Quốc phòng và Cục Chính trị Quân ủy hội. Cuối tháng 11/1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập các Quân khu ủy. Quân khu ủy có bộ máy giúp việc là Ủy ban Quân sự, Ủy ban Chính trị và Ủy ban Đảng vụ. Về chính quyền có Phòng Chính trị. Ở cấp trung đoàn, tiểu đoàn và tương đương thành lập trung đoàn ủy, tiểu đoàn ủy, có các ủy viên phụ trách công tác quân sự, chính trị và nội bộ. Trung đoàn có Ban Chính trị. Cấp đại đội, trung đội độc lập, tiểu đoàn bộ, trung đoàn bộ thành lập chi bộ. Về chính quyền có Ban công tác chính trị đại đội, chính trị viên bố trí đến trung đội. Bên cạnh các cấp ủy nói trên, ở cấp quân khu xuống đến cấp trung đoàn còn có chính trị chỉ đạo viên. Từ cấp tiểu đoàn trở xuống có chính trị phái viên, do cấp ủy cấp trên cử xuống làm đại diện.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951), cơ chế và quy chế lãnh đạo của Đảng trong Quân đội thực hiện theo Điều lệ Đảng. Tháng 5/1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 07/NQ-TW “Về tổ chức Đảng trong bộ đội chủ lực”. Đến tháng 3/1955, Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết “Về tổ chức Đảng trong bộ đội địa phương”. Đến đây, Đảng ta đã cơ bản hoàn chỉnh việc tổ chức sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội. Ngày 10/6/1958, Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ thị về vấn đề tổ chức Đảng ở các quân khu, tỉnh đội và vấn đề quan hệ giữa các cấp ủy Đảng trong Quân đội đối với cấp ủy Đảng địa phương. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), Điều lệ Đảng ghi rõ: Tổ chức Đảng trong QĐND Việt Nam là một bộ phận tổ chức của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 2/1961, trong Nghị quyết Bộ Chính trị về nhiệm vụ quân sự 5 năm (1961-1965) xác định: “Quân ủy Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng trong Quân đội”. Trên cơ sở đó, Đảng đã từng bước hoàn chỉnh hệ thống tổ chức chỉ đạo quân sự từ Trung ương đến địa phương trên cả hai miền Nam-Bắc.

Qua hệ thống tổ chức, Đảng đã thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội. Đây chính là nhân tố quyết định để giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng của Quân đội, bảo đảm cho chiến tranh cách mạng và Quân đội cách mạng đi đúng đường lối của cuộc chiến tranh nhân dân, của một QĐND.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một lực lượng nhỏ bé, trang bị thô sơ, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh. Trải qua 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, lần lượt đánh bại mọi cố gắng quân sự của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, giành thắng lợi trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến. Lần đầu tiên ở một nước thuộc địa, một quân đội nhỏ bé, trang bị thô sơ đã đánh bại quân đội nhà nghề của một cường quốc thực dân. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong điều kiện phải đương đầu với một kẻ thù có tiềm lực to lớn, trang bị vũ khí hiện đại, Quân đội ta đã từng bước đánh bại những nỗ lực chiến tranh cao nhất của địch. Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi đi vào lịch sử với 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, giang sơn thu về một mối, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ của Quân đội ta đã không tiếc máu xương sát cánh với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chiến đấu chống kẻ thù chung, vì độc lập, tự do của nước bạn. Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta tiếp tục bước vào cuộc trường chinh mới, bảo vệ vững chắc hai đầu biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, tiếp tục giúp nhân dân Lào bảo vệ thành quả cách mạng.

Đất nước bước vào đổi mới (từ năm 1986 đến nay), Quân đội ta vẫn kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Thực hiện chủ trương của Đảng, Quân đội ta đã tích cực tham gia xây dựng kinh tế, tăng cường củng cố quốc phòng, nâng cao khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Triển khai thực hiện đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng, Quân đội đã tích cực, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, đồng thời trực tiếp triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần tạo thế và lực mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Thực tế lịch sử cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng đã quyết định sự ra đời, lớn mạnh không ngừng và chiến thắng của QĐND Việt Nam. Trong giai đoạn mới của cách mạng, những chuyển biến nhanh chóng của thời cuộc, nhất là sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học, công nghệ đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với Quân đội ta. Để tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đây là một tất yếu, khách quan đảm bảo Quân đội ta là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là một đội quân mẫu mực về tinh thần quốc tế cao cả. Mãi xứng đáng với truyền thống hào hùng của QĐND Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi: “Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, Quân đội ta là một quân đội anh hùng”.

Vũ Anh

Bình luận

ZALO