Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 14/09/2024 03:09 GMT+7

Sự thật không thể chối bỏ

Biên phòng - Việc Bộ Thương mại Mỹ chưa công nhận nền kinh tế thị trường (KTTT) của Việt Nam đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế và các tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu thế giới thất vọng. Bởi, quyết định này không phản ánh đầy đủ những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền KTTT đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Ảnh minh họa.

Trong thời gian qua, các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Thương mại Mỹ cung cấp nhiều lập luận thuyết phục khẳng định kinh tế Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí KTTT theo quy định của luật pháp Mỹ. Trên thực tế, đến nay, đã có 72 quốc gia đã công nhận Việt Nam có nền KTTT. Các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc của kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hơn 60 đối tác thương mại trên thế giới.

Ngay cả Bộ Thương mại Mỹ cũng ghi nhận tính minh bạch trong điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá, đảm bảo an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng cũng như xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ được xem là đã đáp ứng một trong 6 tiêu chí quan trọng trong việc công nhận nền KTTT của một quốc gia.

Tuy nhiên, Việt Nam là nước có thặng dư thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mexico) đối với Mỹ, buộc chính phủ nước này phải tìm các giải pháp để hạn chế nhập khẩu, điển hình như điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tính đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 62 vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh từ thị trường Mỹ. Đáng lưu ý, đi cùng mức thuế phòng vệ thương mại bị đẩy lên cao. Do đó, nếu được công nhận là nền KTTT thì các rào cản cho hàng hoá Việt Nam sẽ được tháo gỡ, trong đó đặc biệt là 62 vụ đang bị điều tra sẽ được đối xử công bằng hơn, không phải chịu những gánh nặng về thuế, giá.

Theo các chuyên gia, những thành tựu của gần 40 năm đổi mới đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam về cơ bản đã hội đủ các yếu tố của nền KTTT hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế, như đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự do sản xuất, kinh doanh, lưu thông những hàng hóa mà pháp luật không cấm, các chủ thể kinh tế cạnh tranh bình đẳng, hệ thống các loại thị trường phát triển ngày càng đồng bộ; vai trò của Nhà nước về quản lý kinh tế đã được đổi mới, như quản lý bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng nguồn lực kinh tế của Nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường...

Nhờ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng, thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hạng của Việt Nam trong tất cả bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế về trình độ phát triển của thị trường, thương mại, đa dạng hóa đều được cải thiện.

Thực tế sinh động trên đã khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam được các quốc gia, tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao trong việc xây dựng cơ chế thị trường những năm qua, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thiết nghĩ, trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục thực hiện cam kết về việc phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế KTTT của Việt Nam, bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO