Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 04:11 GMT+7

Sự thật về cái gọi là khảo sát tôn giáo Việt Nam

Biên phòng - Việt Nam là một quốc gia có độc lập, chủ quyền, mọi tổ chức, cá nhân hay quốc gia muốn đến Việt Nam, thực hiện các công việc trên lãnh thổ Việt Nam đều phải được sự đồng ý, chấp thuận của Nhà nước Việt Nam. Cũng do vậy, dù chỉ là dự án hay tiến hành cuộc khảo sát thực tế của tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển” đều là cuộc khảo sát mang tính quy chụp, không đúng thực tế và không có giá trị pháp lý.

Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng thăm, tặng quà Hòa thượng Thạch Huôl, Trụ trì chùa Prey Chóp, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, thể hiện tình đoàn kết lương giáo trên địa bàn. Ảnh: Duy Anh

Nghiên cứu tìm hiểu về Nguyễn Đình Thắng và tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển”, Đại tá Đinh Quốc Triệu, Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho biết, đây thực chất là tổ chức phản động trá hình, nhằm mục đích chống phá Việt Nam. “Thời gian qua, Nguyễn Đình Thắng đã lợi dụng danh nghĩa hoạt động từ thiện, cứu trợ người tị nạn, sử dụng các nguồn tài trợ để tập hợp lực lượng, kích động, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Dưới vỏ bọc là một tổ chức phi chính phủ hoạt động cho cái gọi là dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nhưng xét về bản chất và thực chất của nó, tổ chức cứu người vượt biển là một tổ chức phản động lưu vong trá hình, luôn tìm mọi cách để chống phá Việt Nam” - Đại tá Triệu nhấn mạnh.

Tiến hành “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”, các đối tượng trong tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển” đã thu thập thông tin qua phỏng vấn, qua văn bản, tài liệu của Nhà nước Việt Nam. Thế nhưng sự thật lại không phải như vậy, bởi những đối tượng mà chúng lựa chọn phỏng vấn đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là có cả một số đối tượng liên quan đến vụ khủng bố ở Đắk Lắk trong tháng 6/2023 vừa qua; những đối tượng chức sắc tôn giáo có tư tưởng cực đoan chống phá Nhà nước Việt Nam, cũng được chúng hướng đến phỏng vấn.

Đại tá Lê Xuân Thủy, Chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phân tích: “Không khó để nhận diện một số đối tượng luôn lớn tiếng cho rằng, ở Việt Nam không có tự do, tôn giáo. Tuy nhiên, những đối tượng nguy hiểm nhất là những phần tử phản động lưu vong ở nước ngoài và được các thế lực thù địch dung dưỡng, đào tạo ở nước ngoài, hà hơi tiếp sức tung về Việt Nam cấu kết với một số thành phần cơ hội chính trị, lợi dụng các hoạt động tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm chính sách của Nhà nước ta”.

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tính đến nay, Việt Nam có 16 tôn giáo với hơn 40 tổ chức tôn giáo được công nhận và đăng ký hoạt động, cả nước có trên 27 nghìn cơ sở thờ tự với hơn 25 triệu tín đồ, giáo dân, chiếm gần 30% dân số cả nước. Nhiều nhà chức sắc, tu hành là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Một nghiên cứu về đa dạng tôn giáo gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện đã xếp hạng Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba trên thế giới về mức độ đa dạng tôn giáo. Nghiên cứu về đa dạng tôn giáo ở phạm vi toàn cầu nói trên cũng cho thấy, các quốc gia như Australia, Canada, Mỹ và các nước châu Âu không được xếp vào nhóm 12 quốc gia có sự đa dạng tôn giáo ở mức độ cao. Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện để cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Hằng năm, đồng bào dân tộc Khmer đều tổ chức lễ hội mừng năm mới Chol Chnam Thmay theo tín ngưỡng của đồng bào Khmer, trở thành nét đẹp truyền thống của cả cộng đồng người Khmer. Ảnh: Duy Quang

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo cho rằng: “Có thể nói rằng, gần như tất cả các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, đều có những cơ sở tôn giáo, hay là có nơi, không gian để sinh hoạt tôn giáo. Các tôn giáo lớn ví dụ như là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo thì có các cơ sở thờ tự, có thánh đường, nhà thờ, có các điểm nhóm, có những nhà nguyện để người dân đến sinh hoạt và cùng nhau để thực hiện các nghi lễ. Điều đó chứng tỏ Nhà nước luôn tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động, khẳng định tự do tôn giáo ở Việt Nam đang đảm bảo rất tốt".

Ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định: “Đảng, Nhà nước ta cũng có những quy định tôn trọng và bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Và Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để các tôn giáo phát huy nguồn lực của tôn giáo như là về y tế, giáo dục, dạy nghề, đóng góp cho công tác an sinh xã hội của đất nước, với mục tiêu là xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thanh bình cho nhân dân, chức sắc tôn giáo và cho đồng bào có đạo".

Hằng năm ở Việt Nam, các tôn giáo đều có những sự kiện lớn được tổ chức, với sự tham gia của đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ và giáo dân. Ví dự như năm 2009, kỷ niệm 350 năm thành lập hàng giáo phẩm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, Nhà nước đã cho phép tổ chức sự kiện kỷ niệm tại tỉnh Hà Nam, với sự tham gia của 30 giám mục, 1.200 linh mục và hơn 100 nghìn giáo dân trên khắp mọi miền đất nước. Hay kỷ niệm Ngày sinh Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập ra đạo Phật giáo Hòa Hảo, khoảng 100 nghìn tín đồ đã quy tụ tại tỉnh An Giang để tham dự buổi lễ. Tại Tòa thành Tây Ninh, hằng năm cũng thu hút hàng trăm nghìn tín đồ Cao Đài về dự Lễ hội Diêu Trì Kim Mẫu.

Đặc biệt, trong các năm 2008, 2014 và 2019, Việt Nam đã cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc. Đại lễ đã thu hút hàng trăm nghìn đại biểu đến từ các quốc gia trên thế giới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo, Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, sự kiện Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công 3 lần Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc có ý nghĩa rất lớn, vượt ra ngoài phạm vi của một lễ hội tôn giáo. Điều đó cũng khẳng định về tinh thần cởi mở và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Đoàn kết dân tộc là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đồng bào các dân tộc dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo nào đều là công dân nước Việt Nam, đều chung cội nguồn dân tộc, cùng chung mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Vì thế, mọi âm mưu, chia rẽ, kích động đồng bào tôn giáo, phá hoại đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, vạch trần bản chất, âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Diệp Chi

Bình luận

ZALO