Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:22 GMT+7

Sửa Luật sĩ quan: Khắc phục vướng mắc, bất cập về hạn tuổi phục vụ, chế độ, chính sách đối với sĩ quan

Biên phòng - Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 23/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo một số ủy ban, cơ quan của Quốc hội dự phiên họp.

Về phía Quân đội có: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Chính phủ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đã báo cáo tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, từ khi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014 có hiệu lực thi hành, đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, như: Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội..., nên cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo tại phiên họp.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan. Đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm bí mật cơ cấu tổ chức của Quân đội; bảo đảm tính khả thi của dự án luật, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội.

Bố cục của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 2 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12 và Luật số 72/2014/QH13 và Điều 2: Hiệu lực thi hành.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Việc sửa đổi, bổ sung luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, kịp thời khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng và một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá, hồ sơ dự án luật bảo đảm các yêu cầu quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến….

Quang cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám tới đây.

Theo qdnd.vn

Bình luận

ZALO