Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 03:44 GMT+7

“Sức bật” Bản Giàng

Biên phòng - Từ ngày người Mông ở các thôn Pờ Xì Ngài, Tả Pa Cheo (xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) di chuyển về vùng đất Bản Giàng xa xôi, khai hoang, định cư, lập nghiệp, đến nay đã gần 15 năm trôi qua. Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện cho đồng bào nơi đây phát huy nội lực, nỗ lực vượt khó vươn lên, từng bước an cư, lạc nghiệp, đoàn kết chung sức xây dựng cuộc sống mới ấm no.

Một góc thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát. Ảnh: Phạm Thúy

Bản Giàng vốn được biết đến là thôn xa nhất của xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước kia, khi nhắc đến cái tên Bản Giàng, mọi người thường e ngại, chùn bước cũng bởi nơi đây xa xôi, đường giao thông đi lại khó khăn, hiểm trở, nhất là vào mùa mưa. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giờ đây, đường vào Bản Giàng đang được mở rộng, đơn vị thi công đường dây điện đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa điện phục vụ người dân.

Từ trung tâm xã Pa Cheo, theo đường trục chính qua thôn Tả Pa Cheo, chúng tôi đi sâu vào rừng già, dọc theo con đường đang được mở rộng, thi công là đường ống dây điện ngầm được công nhân điện lực kéo vắt qua những khúc cua tay áo, hiểm trở. Vượt qua những con dốc đá lởm chởm, sau gần một giờ đồng hồ ngồi trên xe máy, chúng tôi đặt chân đến Bản Giàng. Điều đầu tiên tạo ấn tượng với chúng tôi đó là một màu xanh trù phú, là những mái nhà ẩn hiện sau những thửa ruộng bậc thang, bên cạnh những nương ngô xanh mướt đang kỳ trổ cờ, phun râu.

Qua làm việc và đi thực tế, chúng tôi nhận thấy, Bản Giàng có một số lợi thế nhất định. Đầu tiên phải kể đến dân số, ở đây đa phần là người trẻ, trong độ tuổi lao động, bà con lại cần cù, chăm chỉ. Bên cạnh đó thì Bản Giàng được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu rất ôn hòa, mát mẻ; đất đai màu mỡ, trên nương thì trồng ngô, trồng cây dược liệu, trồng cây ăn quả, trồng đào lấy cành..., dưới ruộng thì trồng lúa nước bảo đảm lương thực. Song song với đó, cấp ủy, chính quyền luôn sát sao trong triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế... để người dân được tiếp cận tốt hơn.

Anh Sùng A Sáng, Bí thư Chi bộ thôn Bản Giàng cho biết: Thôn Bản Giàng hiện có 58 hộ dân với trên 280 nhân khẩu, đều là người dân tộc Mông. Đồng bào có truyền thống đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cần cù, chăm chỉ, chịu khó lao động sản xuất nên hiện không một mảnh nương, mảnh vườn nào không có rau xanh; đất trống, đồi trọc thì được trồng ngô, trồng đậu. Mặc dù cả thôn chưa có ngôi nhà nào của người dân được xây dựng kiên cố, nhưng mỗi gia đình đều có trên dưới hai chục con gà, con vịt, trong chuồng có vài ba con lợn...; ban ngày thường chỉ có người già ở nhà, còn trẻ nhỏ thì đến trường học tập, bố mẹ chúng thì lên nương trồng cấy để dành dụm bao thóc, bao ngô cho những ngày mưa gió không đi làm được. Cũng nhờ chăm chỉ như vậy nên nhà nào cũng có đủ thóc, gạo để ăn và để dành được cả sang năm sau nữa.

Đưa chúng tôi đi thực tế, anh Sáng phấn khởi khoe: "Đường bê tông trong thôn đang được thi công rồi. Kể từ khi các hộ dân chuyển về đây sinh sống năm 2009, bà con được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, đời sống của bà con được bảo đảm, nhưng do đường giao thông khó khăn, có muốn mang bao thóc, bao ngô, con lợn, con gà đi bán để mua sắm thêm vật dụng cho gia đình cũng khó. Vì vậy, khi người dân biết là sẽ được mở đường bê tông vào thôn thì bà con vui mừng lắm”. Bản thân anh Sáng cũng tham gia làm cùng bà con, vừa giám sát, vừa động viên người dân, ai đóng góp ngày công lao động thì gia đình có thêm nguồn thu.

Một khó khăn nữa của Bản Giàng phải kể đến đó là người dân trong thôn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Anh Hầu A Hử, một người dân trong thôn cho biết, đa số người dân ở thôn đều sử dụng máy phát điện đặt ở mương dẫn nước, nhà anh Hử cũng có nhưng chỉ đủ điện thắp sáng 2 bóng đèn nhỏ cho con học bài. Do nguồn nước không ổn định nên điện phập phù, lúc sáng, lúc tối nhưng vẫn phải dùng vì có còn hơn không. "Thế nên khi nhận được thông báo là chuẩn bị kéo điện lưới quốc gia đến từng nhà dân thì ai cũng mong chờ, mọi người đều đi mua thêm bóng điện, nồi cơm điện, có nhà khá hơn đã chuẩn bị đủ tiền để mua ti vi rồi! Ai nấy đều vui” - anh Hầu A Hử chia sẻ.

Đường vào thôn đang được đổ bê tông. Ảnh: Phạm Thúy

Vượt qua những vườn đào, vườn mận..., chúng tôi lên tới khu vực trồng cây lê VH6 của thôn. Từ những ngày đường đi còn hiểm trở, năm 2015, xã Pa Cheo đã chủ trương đưa giống lê VH6 vào trồng tại đây. Hơn 100 gốc lê đầu tiên đã bén rễ, sinh trưởng và phát triển tốt, cộng với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, bước đầu cây lê đã cho thu quả. Ngặt nỗi đường đi lại còn khó khăn, diện tích trồng còn ít, người dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên sản lượng thấp và chất lượng chưa cao, chưa thể trở thành hàng hóa. Đó cũng là cái khó chung của nông sản Bản Giàng chứ không riêng gì cây lê. Chính vì vậy, việc có con đường bê tông vào tận thôn và có điện lưới quốc gia đối với người dân Bản Giàng là niềm ao ước bấy lâu và đến nay, nó đang dần trở thành hiện thực khi con đường đang được đổ bê tông từng phần, trạm biến áp của điện lực đã được lắp đặt chỉ chờ ngày hoàn thành để đóng điện.

Ông Lý A Khoa, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo tự tin nói với chúng tôi: “Bản Giàng vẫn được gọi với cái tên là "thôn 3 không": Không điện, không đường bê tông, không trạm phát sóng điện thoại di động. Tuy nhiên, với nhịp độ thi công này thì tầm cuối năm nay là người dân sẽ có đường bê tông, có điện thắp sáng, còn sóng điện thoại di động thì xã sẽ tiếp tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đầu tư để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, lúc đó cái danh "thôn 3 không" chắc chắn không còn tồn tại nữa. Tới đây, xã cũng sẽ đề nghị với các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân trong thôn”.

Chia tay Bản Giàng, Pa Cheo, tin tưởng rằng, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành và trên hết là sự đoàn kết, nỗ lực, phát huy nội lực vươn lên của cấp ủy, chính quyền và đồng bào Mông nơi đây, Bản Giàng sẽ vươn mình mạnh mẽ, đẩy lùi cái nghèo, xây dựng cuộc sống mới bình yên, ấm no để đồng bào thêm vững tin vào những điều tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực mang đến cho người dân nơi đây.

Phạm Thúy

Bình luận

ZALO