Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 11:58 GMT+7

Sức vươn từ chiến khu huyền thoại

Biên phòng - “Rừng hát, gió lay trên cành biếc, lao xao, rì rào, dòng suối uốn quanh, làn nước trôi vòng quanh...”, câu hát bay trên những tán rừng dọc theo đường biên giới Tây Ninh khiến cho không gian xanh biếc của đại ngàn biên giới vừa khoáng đạt, vừa thân thương đến lạ. Bắt đầu từ cột mốc số 79, nằm trên địa bàn xã Tân Hòa, huyện Tân Châu tiếp giáp với tỉnh Bình Phước do Đồn Biên phòng Tống Lê Chân phụ trách, xe chạy trên những giao lộ mới được đầu tư nâng cấp dọc theo 240km đường biên giáp với nước bạn Campuchia, xuyên qua những khoảng rừng già với nhiều cây cổ thụ để đến cột mốc số 179 nằm trên địa bàn ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng giáp với tỉnh Long An do Đồn Biên phòng Phước Chỉ quản lý.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu kiểm tra dấu hiệu cột mốc 134 (3) nơi đầu nguồn sông Vàm Cỏ. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Rừng biên cương Tây Ninh là sự giao hòa giữa các hệ sinh cảnh đặc trưng của rừng khộp Tây Nguyên, rừng tràm ngập nước của Tây Nam Bộ và rừng cây họ dầu của vùng Đông Nam Bộ. Đi để thấy, miền đất chiến khu năm xưa giờ là một đô thị mới vùng biên trọng yếu về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại của cả nước nói chung và khu vực miền Đông Nam Bộ nói riêng. Nằm ở vị trí cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia; tiếp giáp với 3 tỉnh biên giới Campuchia gồm Svay Rieng, Pray Veng và Tboung Khmum, Tây Ninh có 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát cùng 3 cửa khẩu chính gồm Chàng Riệc, Phước Tân, Kà Tum, trở thành địa bàn có lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn nhất tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

Xa xưa, vùng đất này vốn thuộc Thủy Chân Lạp, với tên gọi là Romdum Ray, có nghĩa là "Chuồng Voi" vì nơi đây chỉ có rừng rậm và thú dữ cư ngụ. Đến thế kỷ 17, những cư dân người Việt theo bước thiên di đã đến đây khai khẩn ruộng vườn, lập làng dựng ấp ở các vùng đất ven sông Vàm Cỏ. Đồng thời, vào giữa thế kỷ 18, chúa Nguyễn trong buổi đầu khai phá đất phương Nam đã bố trí dọc sông Vàm Cỏ 15 đội thuyền biên cảnh cùng 720 lính dõng có nhiệm vụ trấn thủ một vùng rộng lớn kênh rạch chằng chịt, giữ gìn an ninh vùng đất biên cương và dần hình thành nên các thôn làng xung quanh. Tới năm 1832, vua Minh Mạng chia toàn Nam Kỳ làm 6 tỉnh, với tổng cộng 18 phủ, 43 huyện, vùng đất Tây Ninh thuộc trấn Phiên An. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua Minh Mạng cho đổi tên tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định, lập thêm phủ mới tên Tây Ninh và giữ tên gọi này cho đến tận hôm nay.

Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đất Tây Ninh hai lần vinh dự là nơi đứng chân của Trung ương Cục - cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Theo đó, năm 1951, Trung ương Cục miền Nam được chuyển từ Thới Bình, Cà Mau qua Sài Gòn - Gia Đình rồi thiết lập tại Tây Ninh, mang tên là căn cứ Dương Minh Châu, rồi chiến khu D, sau đó giải thể năm 1954. Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1961, Trung ương Cục được thành lập và căn cứ đóng ở Suối Nhung, tỉnh Đồng Nai; tới năm 1962, căn cứ chuyển về chiến khu Bắc Tây Ninh cho đến ngày 30/4/1975. Nằm ở khu vực biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, nơi quân Mỹ đã ném xuống không biết bao nhiêu bom đạn và triển khai hàng trăm trận càn dữ dội. Nhờ thiên nhiên và nhân dân vùng biên che chở nên bộ đội hai nước luôn giữ vững thế trận trên toàn Nam Bộ và chiến trường Lào - Campuchia.

Trong giai đoạn ác liệt đó, những chiến sĩ An ninh vũ trang miền Nam đã sát cánh cùng với nhân dân địa phương và các lực lượng vũ trang miền Nam chiến đấu dũng cảm với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu”. Suốt gần 20 năm, họ luôn vững vàng bám trụ, hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực và du kích địa phương hình thành một vành đai đánh địch. Mặc cho mưa bom, bão đạn của kẻ thù, họ đã tham gia hơn 400 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương hơn 4.200 tên địch; bắn rơi, bắn cháy 29 máy bay, phá hủy 76 xe tăng và thu nhiều súng đạn, quân trang quân dụng, bảo vệ an toàn Trung ương Cục miền Nam và nhân dân trong vùng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định năm 2005, từ tháng 7/2006, Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tiến hành thực hiện công tác phân giới cắm mốc. Số mốc chính trên địa bàn tỉnh chiếm gần 1/3 số mốc của toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia là một khối lượng công việc rất lớn. Song đến nay, hai bên đã thực hiện phân giới được 220,954/233,789km, xác định được 94/101 vị trí mốc với 102/109 cột mốc chính đã hoàn thành. Đến ngày 27/12/2017, Tây Ninh đã xây dựng hoàn thiện 218 mốc thuộc nhiệm vụ của mình, trở thành tỉnh hoàn thành sớm công tác xây dựng mốc phụ, cọc dấu trên toàn tuyến. Công tác phân giới cắm mốc của tỉnh đã đạt 94,51%, góp phần vào việc hoàn thành 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh cho biết: “Khi tôi về nhận công tác tại Tây Ninh, cũng là lúc hoạt động phân giới cắm mốc đi vào nước rút trên thực địa, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Một số đối tượng quá khích thuộc các đảng phái đối lập của Campuchia đã tuyên truyền sai lệch chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước; kích động, lôi kéo một số người dân từ nhiều địa phương xuống khu vực biên giới để tuyên truyền đập phá cột dấu, cột mốc. Đặc biệt là ở khu vực biên giới Đồn Biên phòng Phước Tân, Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu, Đồn Biên phòng Kà Tum... thường xuyên có những nhóm người Campuchia tụ tập biểu tình, phản đối gây rối nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận, làm ảnh hưởng an ninh, trật tự ở khu vực biên giới chung”.

Để chủ động xử lý các vụ việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh đã chỉ đạo các đơn vị nắm tình hình từ xa, báo cáo kịp thời với Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 nắm và xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời, căn cứ vào biên bản ghi nhớ giữa các lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đề nghị gặp đột xuất chỉ huy đơn vị các đơn vị bảo vệ biên giới đối diện yêu cầu phối hợp giữ an ninh, trật tự trên khu vực biên giới chung. Bên cạnh đó, các đơn vị lập kế hoạch đấu tranh, đề xuất phương án xử lý thích hợp, đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước và thông lệ quốc tế; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, chủ động thiết lập cơ chể trao đổi thông tin với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn nhằm ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Ngược theo dòng nước Vàm Cỏ Đông, chúng tôi lên biên giới Tây Ninh để chạm tay vào cột mốc 134 (3). Đây là cột mốc 3 duy nhất tại Tây Ninh, được cắm tại ngã ba sông Vàm Cỏ, nơi hợp lưu 2 nhánh sông từ Campuchia đổ về nằm trên địa bàn xã Phước Vinh, huyện Châu Thành thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu. Còn cột mốc 134 (1) được cắm trên bờ sông thuộc lãnh thổ Campuchia và cột mốc 134 (2) được cắm bên bờ sông phía đối diện thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đứng ở ngã ba sông, dòng nước ngọt nghĩa tình nối đôi bờ biên giới Tây Ninh - Svay Rieng, Campuchia nghìn năm nay vẫn hiền hòa chảy xuôi, miệt mài mang cá tôm nuôi dưỡng con người và bồi đắp nên những cánh đồng trù phú để nhân dân hai nước trồng trọt. Dòng sông cũng là chứng nhân cho tình hữu nghị đoàn kết keo sơn bao đời nay giữa nhân dân hai tỉnh.

Cột mốc cũng là thành quả của việc chung tay giữa BĐBP Tây Ninh và lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Svay Rieng tăng cường lực lượng xuống thực địa tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích người dân địa phương không tụ tập đông người trên khu vực biên giới, không nghe tuyên truyền sai trái, không để bị lôi kéo... Nhắc lại kỷ niệm này, Thiếu tướng Pen Sa Ron - nguyên Chỉ huy trưởng Tiểu khu Quân sự tỉnh Svay Rieng cho biết, khi nhận được lời đề nghị của BĐBP Tây Ninh, ông đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phối hợp với các đồn Biên phòng Việt Nam phối hợp bao vây chia cắt số đối tượng cầm đầu, nhóm thành viên quá khích từ xa đến, hạn chế không cho chúng tuyên truyền kích động gây rối tại khu vực cột mốc, nơi có đường biên giới quốc gia. Qua nhiều đợt tuyên truyền, nhân dân đã hiểu và đồng lòng ủng hộ chính quyền và lực lượng chức năng hai nước, các đảng phái chính trị đối lập ở Campuchia không có cơ hội tạo điểm nóng ảnh hưởng quá trình phân giới cắm mốc.

Từ chia sẻ của Thiếu tướng Pen Sa Ron, tôi như thấy được sự đoàn kết của các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới hai nước trên cung đường tuần tra chung, thấy sự cố gắng, nỗ lực và tôn trọng lẫn nhau của các đội phân giới cắm mốc và cả nụ cười rạng rỡ, hồn hậu của nhân dân hai biên biên giới. Biên giới Tây Ninh giờ đây không chỉ đổi khác bởi kinh tế-xã hội, mà còn trở nên ấm áp hơn bởi tình cảm giữa con người với con người, cùng đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua thiên tai hoạn nạn, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên. Chiến khu huyền thoại năm xưa có những người lính quân hàm xanh can trường quả cảm, thì nơi biên cương hội nhập hôm nay, màu quân hàm ấy vẫn lấp lánh tươi lành như lá trung quân, mang lại hòa bình, no ấm và vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO