Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:00 GMT+7

Tấm lòng của các bác sĩ đến từ đất nước Triệu Voi

Biên phòng - Không chỉ tham gia khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt, Lào, Đoàn y, bác sĩ Cục Quân y QĐND Lào đã đến thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để thực hiện sứ mệnh thầy thuốc với người bệnh. Việc được các y, bác sĩ Lào thăm khám và tư vấn, chữa bệnh miễn phí là việc trước nay chưa từng diễn ra tại thị trấn vùng biên này.

Đại tá Văn Pheng Đuông Sa Vạ Đi (ngoài cùng bên trái) và Đại tá Nguyễn Vân Giang (thứ 4 từ phải sang) trao đổi với các đồng nghiệp về việc tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Trong suốt những ngày Đoàn y, bác sĩ Cục Quân y QĐND Việt Nam và Lào tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân hai huyện biên giới Sê Pôn và Hướng Hóa, Đại tá Văn Phêng Đuông Sa Vạ Đi, Phó Cục trưởng Cục Quân y QĐND Lào là người có mặt từ đầu đến cuối để đôn đốc, chỉ đạo các y, bác sĩ Lào thực hiện nhiệm vụ. “Câu chuyện Việt Nam” của nữ Đại tá QĐND Lào này càng khiến mọi người tin yêu bà hơn.

Năm 1969, tỉnh Xiêng Khoảng bị máy bay Mỹ đánh phá, gia đình bà và nhiều người khác phải rời quê hương sang tỉnh Nghệ An lánh nạn. Khi ấy, cô bé Văn Phêng Đuông Sa Vạ Đi mới 6 tuổi, được chính quyền địa phương đưa ra huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa để theo học tại trường học dành cho trẻ em Lào. Năm 1975, đất nước được giải phóng, bà theo gia đình trở về Lào. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là, cho đến giờ, bà vẫn nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt rất tốt.

Đã nhiều lần làm việc chung với Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó Cục trưởng Cục Quân y QĐND Việt Nam, bởi vậy, tại chương trình khám bệnh lần này, Đại tá Văn Phêng Đuông Sa Vạ Đi luôn tìm được tiếng nói chung với người đồng cấp. Hai người lãnh đạo, hai người bạn, cũng là hai đồng chí luôn có mặt, động viên các y, bác sĩ khắc phục khó khăn để thăm khám thật nhiều cho người bệnh với chất lượng tốt nhất.

Tham gia chương trình khám, chữa bệnh của Quân đội hai nước Việt Nam - Lào lần này gồm 76 y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 354, Bệnh viện Quân y 4, 268, Quân khu IV và 20 y, bác sĩ thuộc Bệnh viện Quân y của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sa Vẳn Na Khệt và Bệnh viện Quân y 109, Cục Quân y QĐND Lào. Hầu hết các y, bác sĩ của QĐND Lào đều từng học tập ở Việt Nam, bởi vậy mà ngôn ngữ không còn là rào cản khi họ thăm khám cho người bệnh cũng như trao đổi chuyên môn với các y, bác sĩ của Việt Nam. Ở đây, không còn là người Lào, người Việt, chỉ có những người anh em, đồng chí.

Trung úy Đệt Say, bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 chia sẻ về câu chuyện của mình. Tháng 10-2021, Trung úy Đệt Say tốt nghiệp Học viện Quân y (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Theo lẽ thường, anh sẽ được nghỉ một thời gian trong khi chờ quyết định nhận công tác mới. Thế nhưng, thật bất ngờ, anh nhận được lệnh về ngay Bệnh viện Quân y 109 để tham gia đoàn công tác khám bệnh tại huyện Sê Pôn và thị trấn Lao Bảo - một hoạt động bên lề của Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ nhất. Nhớ đến những gì mà con người, đất nước Việt Nam đã dành cho mình những năm qua nên Trung úy Đệt Say đã “hoãn” việc về thăm nhà để lên đường làm nhiệm vụ. Với quãng thời gian học tập ở Việt Nam, Trung úy Đệt Say tự tin về chuyên môn để tham gia vào việc khám bệnh, khả năng hỗ trợ các đồng nghiệp khi khám chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào.

Như Đại tá Nguyễn Vân Giang nói, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực biên giới thì đợt khám bệnh này là cơ hội để các y, bác sĩ QĐND Lào giao lưu, học hỏi về trình độ chuyên môn trong khám chữa bệnh và tổ chức công tác quân y. Có thể thấy, lực lượng y, bác sĩ của QĐND Việt Nam và QĐND Lào tham gia khám bệnh lần này cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại siêu âm, điện tim, X-quang, xét nghiệm máu giống như một bệnh viện đa khoa thu nhỏ.

Bác sĩ của QĐND Lào và QĐND Việt Nam trao đổi chuyên môn trong quá trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đại úy, bác sĩ Chăn Su Đa, Bệnh viện Quân y thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sa Vẳn Na Khệt rất “nể” trình độ chuyên môn và tinh thần làm việc của các y, bác sĩ Việt Nam. Đại úy Chăn Su Đa dành thời gian để tìm hiểu về các thiết bị y tế của Đoàn y, bác sĩ Việt Nam mang theo lần này, bởi nhiều máy móc, trang thiết bị tại bệnh viện chị công tác chưa có. Điển hình là máy chụp X-quang kỹ thuật số cơ động của Bệnh viện Quân y 4. Đây là loại máy có khả năng chụp được hình ảnh rõ nét và cho ngay phim chưa đầy 1 phút. “Hiện nay, Bệnh viện Quân y của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sa Vẳn Na Khệt chưa có máy chụp X-quang này. Tôi rất mong sẽ được sang Học viện Quân y Việt Nam để học chuyên khoa, bởi thấy những bác sĩ từng học ở đây về đều làm việc rất giỏi, có nhiều kiến thức để áp dụng trong công việc” - Đại úy Chăn Su Đa chia sẻ.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, tất cả các y, bác sĩ đều mặc bảo hộ khi làm việc. Bởi vậy, nếu không để ý giọng nói thì khó có thể phân biệt được đâu là các y, bác sĩ Lào, đâu là y, bác sĩ Việt Nam. Ông Phạn Văn Mạnh (khu dân cư An Hòa, thị trấn Lao Bảo) từng có thời gian công tác tại tỉnh Xiêng Khoảng nên khi ngồi vào bàn khám bệnh, ông chợt nhận ra giọng của bác sĩ khám có nét gì quen thuộc, dù rằng gương mặt đã bịt khẩu trang che quá nửa.

Ông Mạnh hỏi: “Có phải bác sĩ người Lào không?”. Khi nhận được câu trả lời: “Đúng rồi. Chúng cháu là bác sĩ của Bệnh viện Quân y 109 ở tỉnh Sa Vẳn Na Khệt”, ông Mạnh vui lắm. Nếu không phải là đang khám chữa bệnh, nếu không phải đang có dịch Covid-19, ông đã ôm chầm lấy người lính ấy. Ông muốn cảm ơn vì họ đã khám bệnh cho ông và bà con ở đây, cảm ơn vì giúp ông sống lại kí ức một thời trai trẻ trên đất nước Triệu Voi.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO