Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 07:18 GMT+7

Tầm nhìn mới để báo chí phát triển

Biên phòng - Mới đây, tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện tốt nhất cho báo chí hoạt động và xây dựng, phát triển đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 13/6/2023. Ảnh: TTXVN

98 năm qua, các cơ quan báo chí cùng những người làm báo cả nước đã luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, luôn đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Những năm qua, các cơ quan báo chí ngày càng khẳng định vai trò, sứ mệnh của nền báo chí cách mạng nước nhà; là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội. Vai trò quan trọng của báo chí trong cổ vũ, đoàn kết, tập hợp sức mạnh quần chúng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nước, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động báo chí vẫn còn những tồn tại, khó khăn về cơ chế, chính sách, tổ chức, biên chế, kinh tế báo chí, cơ sở vật chất. Đặc biệt, tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”; thông tin giật gân, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Mục tiêu phát triển theo định hướng Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, đòi hỏi báo chí phải phát huy hơn nữa vai trò đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Để hoàn thành sứ mệnh trên, các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí kiến nghị Chính phủ quan tâm, tháo gỡ các khó khăn, thách thức để báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời hoàn thiện pháp luật về báo chí. Theo đó, trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 định hình những quan điểm, tầm nhìn, kế hoạch mới để báo chí Việt Nam phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thực tế, sau 6 năm triển khai thực hiện, Luật Báo chí đã bộc lộ bất cập do không theo kịp với sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin trong thời kỷ nguyên số. Thậm chí, 27 nội dung, nhóm nội dung trong luật có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Điển hình như chưa quy định về báo in và tạp chí in, thiếu sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khăn cho công tác quản lý và triển khai quy hoạch báo chí.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí, truyền thông; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông; chưa thể chế hóa các giải pháp bảo đảm hạ tầng số, đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ với báo chí; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan báo chí phù hợp với nhu cầu phát triển của báo chí và điều kiện, hoàn cảnh đất nước.

Rõ ràng, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về công tác báo chí và hoạt động báo chí sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí phát triển trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, để báo chí đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO