Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 07:20 GMT+7

Gia Lai:

Tan hoang những cánh rừng phòng hộ

Biên phòng - Nhiều cánh rừng bị xóa trắng bởi các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và nạn phá rừng làm rẫy. Thực trạng nhức nhối này đã xảy ra dai dẳng nhiều năm nay ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Đằng sau chuyện phá rừng để lấy đất làm nương rẫy, có phải do thiếu đất sản xuất như cách đổ lỗi lâu nay, hay do sự buông lỏng quản lý bảo vệ rừng?

 93510a.gif
Nhiều cánh rừng ở huyện Ia Grai đã và đang bị người dân triệt hạ.
Những con số đáng lưu tâm

Nhiều cánh rừng phòng hộ tại xã Ia Chía, huyện Ia Grai, hiện đã mất đi, thay vào đó là những đồi cà phê, sắn và lúa của đồng bào các dân tộc. Đáng tiếc hơn, ngay trên tuyến Quốc lộ 14C đi qua địa phận xã Ia Chía, hàng chục héc-ta rừng phòng hộ đã bị một số đối tượng chặt phá, cây rừng đổ ngổn ngang, nằm la liệt. Có tận mắt chứng kiến cảnh tượng này tại cánh rừng phòng hộ mới thấy, nguồn tài nguyên rừng đang "chảy máu" với tốc độ vô cùng khủng khiếp. Tại đây, nhiều loại cây đã và đang bị đốn hạ bừa bãi. Nhiều cây cổ thụ đã bị triệt hạ nằm ngổn ngang. Tiếp tục đi sâu vào bên trong khu rừng phòng hộ này, chúng tôi bắt gặp những cây gỗ có đường kính từ 20-60cm vừa bị đốn nằm la liệt. Tiếng cưa máy và tiếng cây bị đốn ngã rào rào vọng lại ngày một gần hơn. Tại đây, hàng loạt cánh rừng phòng hộ bị bức tử. Lẩn khuất trong những cánh rừng loang lổ vì nạn khai thác bừa bãi, ven khe, suối là những lán trại được dựng lên với đầy đủ thiết bị hậu cần, lương thực làm nơi trú ngụ cho các đội quân phá rừng.

Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2013 của BĐBP Gia Lai, hai Đồn BP Ia Chía và Pô Cô đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai đã phát hiện và bắt giữ 24 vụ/8 đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ gần 200m3 gỗ các loại và nhiều phương tiện phục vụ cho việc vận chuyển gỗ trái phép. Cụ thể, tháng 1-2013, Đồn BP Ia Chía phát hiện tại khu vực dốc ba tầng, xã Ia Chía có 3 đối tượng đang dùng xe độ chế vận chuyển gỗ trái phép ra vị trí tập kết. Đội tuần tra đã tổ chức lực lượng bắt giữ, tang vật thu được gồm 2 xe độ chế và 13,213m3 gỗ các loại. Ngày 19-5, Đồn BP Pô Cô phát hiện 1 xe ô tô chở gỗ trái phép, đơn vị đã tiến hành bắt giữ. Tang vật Đồn BP Pa Cô thu được, gồm 1 xe tải và 15,235m3 gỗ các loại. Tiếp đó, ngày 25-6, Đồn BP Ia Chía phát hiện 13 khúc gỗ bằng lăng xẻ hộp tại cánh rừng thuộc xã Ia Chía vô chủ và phát hiện, thu giữ hàng loạt những vụ gỗ vô chủ bị lâm tặc triệt hạ trên địa bàn huyện Ia Grai. Những vụ phá rừng được phát hiện trên địa bàn huyện Ia Grai thời gian gần đây là minh chứng xác đáng nhất để trả lời cho câu hỏi "vì sao mất rừng?". Đó là thực trạng những cánh rừng trên địa bàn huyện Ia Grai bị lâm tặc xâm hại liên tiếp bằng những vụ khai thác gỗ với khối lượng lớn, hàng loạt cây gỗ bằng lăng, cà chít, căm xe... bị triệt hạ chỉ còn trơ lại gốc. Gần đây nhất, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ một đường dây buôn lậu gỗ "khủng" tại khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 3A, thuộc bến làng Tung, xã Ia Khai, huyện Ia Grai với khối lượng lên đến hàng chục mét khối gỗ các loại. Cứ thế, rừng ở huyện Ia Grai liên tiếp bị "cạo trọc", bất chấp nỗ lực bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng. Dù bị lực lượng chức năng ngăn chặn, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các nhà tạm, lán trại và phá bỏ các loại cây trồng trái phép, đồng thời vận động bà con không phá rừng trái phép, nhưng sự việc dường như không có gì chuyển biến, người dân hai xã Ia O và Ia Chía, huyện Ia Grai vẫn ngày ngày phá rừng làm rẫy.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung tá Phạm Quang Phòng, Phó Đồn trưởng Quân sự Đồn BP Ia Chía bức xúc: "Trong 6 tháng đầu năm 2013, Đội tuần tra của đơn vị đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ khai thác lâm sản trái phép và ngăn chặn người dân khai thác rừng làm rẫy trên địa bàn xã Ia Chía. Chúng tôi đã tiến hành lập biên bản hiện trường và bàn giao đối tượng cho Ban quản lý rừng phòng hộ và Kiểm lâm huyện. Qua những vụ phát hiện, bắt giữ như vậy, chúng tôi đều báo cáo bằng văn bản lên UBND xã Ia Chía và UBND huyện Ia Grai nhưng vẫn không thấy kết quả phản hồi".

Người dân ồ ạt phá rừng

Bên cạnh những hành vi khai thác rừng vì nguồn lợi bất chính, một nguyên nhân nữa làm cho nguồn tài nguyên rừng ở Gia Lai ngày một cạn kiệt là việc lén lút đốt rừng và lấn chiếm trái phép đất rừng để làm nương rẫy của một số đồng bào dân tộc ít người. Điều này cũng dễ lý giải, bởi dân cư Gia Lai đa số là người dân tộc địa phương, trình độ dân trí hạn chế, sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, đời sống, kinh tế còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, trong những năm gần đây, do áp lực về tăng dân số, tách hộ nên đồng bào các dân tộc sống tại địa phương thiếu đất ở và sản xuất, từ đó dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Rừng bị tàn phá với tốc độ chóng mặt, nhưng chính quyền địa phương lại phản ứng yếu ớt và có chiều hướng buông xuôi, không có giải pháp quyết liệt, cụ thể để ngăn chặn triệt để vấn nạn này. Từ thực tế những gì chúng tôi chứng kiến, đến con số phá rừng của chính quyền thống kê đã có sự chênh lệch rất lớn. Trong 13 vụ phá rừng do UBND xã Ia Chía phát hiện và tiến hành lập biên bản xử lý, tất cả chỉ có hơn 6,64ha rừng bị triệt phá? Trong khi đó, theo sự chứng kiến của chúng tôi, chỉ cần 3 cánh rừng bị phá (trong số 13 vụ) đã lớn hơn con số mà UBND xã Ia Chía đưa ra. Rừng bị phá nham nhở, nhưng số liệu thực tế mà cơ quan chức năng nắm được mới chỉ là con số lẻ về số vụ vi phạm cũng như diện tích rừng bị bức tử.

 99810b.gif
Gỗ lậu được Đồn BP Pô Cô thu giữ. Ảnh: Hoàng Đồng

Để có được thông tin nhiều chiều, chúng tôi tìm về UBND huyện làm việc với ông Huỳnh Quang Thái, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, nhưng lần nào đến, cán bộ của huyện đều nói là vị Chủ tịch này bận công việc và hẹn khi khác. Theo giấy hẹn, chúng tôi đi lại nhiều lần mà vẫn không nhận được bất kỳ sự hồi âm nào từ UBND huyện Ia Grai. Điều đáng nói, các đối tượng phá rừng, xâm chiếm đất rừng trái phép không chỉ xảy ra một ngày, một giờ mà diễn ra liên tục và thường xuyên nhiều năm qua. Nếu trước đây dùng hình thức thủ công, chặt phá, thì nay bọn lâm tặc đã chuyển sang hình thức triệt hạ bằng máy móc, triệt phá đến đâu san lấp, cải tạo mặt bằng đến đó... Từ những cánh rừng đại ngàn bỗng qua một đêm đã biến thành những thửa ruộng trồng mì, bắp hay những đồi cà phê... Trong khi đó, hoạt động lực lượng Kiểm lâm chưa đủ mạnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và chính quyền địa phương để bảo vệ rừng còn mang tính hình thức, nhiều vụ việc phá rừng bị phát hiện nhưng vẫn chưa xử lý nghiêm minh, dứt điểm... Ngoài các "điểm nóng" phá rừng nêu trên, ở địa bàn huyện Ia Grai hiện còn nhiều "điểm nóng" phá rừng khác mà các ngành chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Điều đáng nói ở đây là, trên tuyến giao thông huyết mạch vào rừng của xã Ia Chía chỉ duy nhất một con đường độc đạo và ngay tại hai đầu đường đều có chốt của Trạm Kiểm lâm, nhưng nạn phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra công khai trước mặt nhà chức trách.

Với cách quản lý buông lỏng, "làm cho có" của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ở Ia Grai, chuyện bất lực trước nạn khai thác trái phép lâm sản và nạn phá rừng làm nương rẫy là điều dễ hiểu. Nếu chúng ta không kiên quyết ngăn chặn, không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ giá trị của rừng thì một ngày không xa, rừng Ia Grai chỉ còn lại những đỉnh núi trơ trọi và thảm họa sẽ rất khó lường.

Lê Đồng - Xuân Hoàng

Bình luận

ZALO