Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:27 GMT+7

Tăng cường các giải pháp để EU gỡ “thẻ vàng”

Biên phòng - Năm 2017, Liên minh châu Âu (EU) đã rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với Việt Nam do chưa tuân thủ các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU). Điều đó đã làm ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu. Đây được xem là hồi chuông báo động để chúng ta có những giải pháp thiết thực xây dựng nghề cá bền vững.

gw6j_12b
Cán bộ Biên phòng tuyên truyền ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản. Ảnh: Viết Ha

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đến nay, thủy sản Việt Nam xuất khẩu, kể cả nhóm khai thác và nhóm nuôi trồng đến các thị trường trên thế giới ngày một tăng. Tuy nhiên, EU đưa ra “thẻ vàng” đối với Việt Nam về IUU, đây là một định chế pháp luật để ngăn cấm chuyện khai thác hải sản bất hợp pháp, khai thác không đúng quy cách và không đúng quy ước của họ, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đại dương và kinh tế biển. 

Việt Nam là quốc gia biển với 28 tỉnh, thành phố có biển, đã hình thành nghề khai thác, thương mại về thủy, hải sản, góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương ven biển. Tuy nhiên, để phát triển nghề cá bền vững, có tránh nhiệm, nhiều điểm Việt Nam chưa đạt được. Sau khi EU cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản, nhiều giải pháp quyết liệt đã được Chính phủ và các địa phương triển khai thực hiện theo 9 khuyến nghị của EU. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các khuyến nghị của EU trùng với quyết tâm của Việt Nam nhằm xây dựng nghề cá bền vững. EU, Australia và một số nước đã ghi nhận những kết quả của Việt Nam đã đạt được, chấm dứt tình trạng khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam ở các khu vực quốc đảo Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tình trạng ngư dân đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông. Để EU thu lại “thẻ vàng”, chúng ta cần tiếp tục tập trung các nhóm giải pháp, hoàn thiện hệ thống pháp lý; chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển các nước trong khu vực Biển Đông; đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nghề cá và nguồn nhân lực cho quản trị...

Cùng với đó, tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017 và ban hành danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng và cảng cá chỉ định cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cập cảng; đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VN-FISHBASE) kết nối, vận hành thông suốt giữa Trung ương với 28 tỉnh, thành phố ven biển và với các cảng cá chỉ định...

Các địa phương cũng cần thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, bao gồm cấp phép cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm 100% tàu cá được cấp giấy phép theo quy định; thực hiện quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép đối với tàu cá nằm trong danh sách tàu cá IUU; thu hồi giấy phép khai thác đối với tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Triển khai các quy định liên quan tới theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá bao gồm các quy định về nhật ký khai thác; quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD. Do vậy, phải tập trung tái cơ cấu sâu rộng hơn, phát triển nuôi trồng ở biển, tạo nên khối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tổ chức chế biến và thương mại, góp phần thúc đẩy kinh tế biển.

Danh Anh

Bình luận

ZALO