Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:07 GMT+7

Tăng cường chống buôn lậu thuốc lá trên biên giới

Biên phòng - Sau 3 năm (từ năm 2015 đến nay) triển khai thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, các đơn vị BĐBP đã bắt giữ, xử lý 2.368 vụ với 863 đối tượng, thu giữ gần 4,3 triệu bao thuốc lá. Do siêu lợi nhuận mang lại từ buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, từ cuối năm 2016 trở lại đây, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá ngoại nhập lậu tiếp tục gia tăng trở lại.

mfqt_7b
BĐBP An Giang kiểm đếm tang vật vụ buôn lậu thuốc lá ngoại qua biên giới. Ảnh: CTV

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình trạng buôn lậu thuốc lá ngoại tại một số tỉnh trọng điểm như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Trị, Gia Lai, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... diễn ra ngày càng phức tạp.

Trên tuyến đường bộ, để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng vận chuyển không theo quy luật nhất định, vận chuyển nhỏ lẻ, thực hiện nhiều lượt trong ngày, lợi dụng thời điểm ban đêm, giờ giao ca, nghỉ trưa của các lực lượng chức năng, các đối tượng gùi, cõng hoặc sử dụng xe ô tô (cất giấu trong cabin, trong thùng dầu xe tải, xe đầu kéo), xe gắn máy chạy với tốc độ cao vận chuyển qua các đường mòn, lối tắt hai bên cánh gà cửa khẩu biên giới.

 Trên tuyến biển, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng đêm tối để hoạt động; sử dụng các loại ghe đánh bắt hải sản, tàu chở hàng để cất giấu thuốc lá điếu lẫn trong các hàng hóa khác. Trước và trong khi vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu, các đối tượng tổ chức dò, canh đường rất cẩn thận và thường xuyên giám sát chặt mọi hoạt động của lực lượng chức năng.

Tinh vi hơn, để ràng buộc trách nhiệm giữa chủ hàng với số người mang vác, vận chuyển thuê nhằm đảm bảo thuốc lá không bị thất thoát, các đầu nậu yêu cầu "cửu vạn" đặt cọc 1/2 giá trị lô hàng vận chuyển. Vì vậy, khi bị bắt giữ, "cửu vạn" rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để cướp hàng, hoặc kích động lôi kéo phụ nữ, trẻ em đến gây rối để cướp hàng.

Quán triệt sự chỉ đạo của cấp trên, các đơn vị trong BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng điều tra, xác minh đấu tranh chống nạn buôn lậu thuốc lá. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá, tích cực tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, làm tốt công tác bảo vệ nội bộ; kịp thời động viên, khen thưởng các đơn vị, cá nhân lập thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, pháp luật.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu thuốc lá, BĐBP các tỉnh, thành cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ba năm qua, các đơn vị BĐBP đã tổ chức được 3.154 buổi tuyên truyền tập trung và đơn lẻ với 534.342 lượt người dân tham gia; phát trên loa phóng thanh của các đồn Biên phòng được 562 tin, bài tuyên truyền về pháp luật liên quan biên giới quốc gia và hậu quả của việc buôn lậu thuốc lá, ảnh hưởng đến nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng...

Đồng thời, các đơn vị phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình của huyện, tỉnh và Trung ương đưa 164 tin, bài về gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm pháp luật cho nhân dân.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, các đơn vị BĐBP trong cả nước đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn, xử lý số lượng lớn thuốc lá nhập lậu.

Tại các địa bàn trọng điểm, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá không còn ngang nhiên hoạt động hoặc tấn công lực lượng chức năng như trước đây. Các đơn vị BĐBP có thành tích nổi bật trong những năm qua là: Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Gia Lai, Bình Phước, An Giang và Đoàn Đặc nhiệm miền Nam.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 trở lại đây, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu tiếp tục gia tăng trở lại với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, manh động hơn. Bên cạnh đó, một số yếu tố gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá là địa bàn biên giới rộng, hiểm trở, phức tạp, nhiều đường mòn, lối tắt, kênh rạch, thời tiết khắc nghiệt, trong khi trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đấu tranh còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; lực lượng đấu tranh chống tội phạm của BĐBP còn mỏng, thiếu so với biên chế. Một bộ phận nhân dân ở khu vực biên giới do đời sống kinh tế khó khăn, thiếu việc làm ổn định, trong khi lợi nhuận mang lại từ buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới nhanh và cao hơn nên đã tham gia vận chuyển hoặc trực tiếp buôn lậu.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, xác định đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại nói chung, chống buôn lậu thuốc lá nói riêng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Cùng với đó, các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán, không vận chuyển mặt hàng thuốc lá nhập lậu cho các đầu nậu. Đồng thời, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tại các điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu; phối hợp với các lực lượng chức năng tạo thành sức mạnh tổng hợp để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Mai Anh

Bình luận

ZALO