Biên phòng - Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng là cửa ngõ giao thương quốc tế, là đầu mối giao thông quan trọng trên hành lang kinh tế của tỉnh với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và là nơi diễn ra hoạt động thương mại biên giới nhộn nhịp nhất của tỉnh Cao Bằng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng ở cửa khẩu, trong đó có BĐBP đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra bình thường.
Tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả
Thực tế, có thời điểm hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng bị ngưng trệ, khó khăn do phía Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng dịch. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan vào khu vực cửa khẩu.
Khu kinh tế Cửa khẩu Tà Lùng được quy hoạch chi tiết 336,3 ha, phân thành 3 khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan; khu ở và các trung tâm phục vụ công cộng, hành chính; khu công nghiệp chế biến lắp ráp. Công tác quản lý, quy hoạch được triển khai thực hiện tốt, đến nay đã điều chỉnh quy hoạch xây dựng giai đoạn 2012 - 2030, chủ động tham gia đóng góp ý kiến trong công tác quy hoạch xây dựng thị trấn Tà Lùng trở thành đô thị loại IV, định hướng tầm nhìn đến năm 2040.
Hiện, khu kinh tế Cửa khẩu Tà Lùng có 27 công ty, doanh nghiệp thực hiện đầu tư 35 dự án (7 dự án FDI, 28 dự án trong nước), đã được cấp chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư với tổng nguồn vốn 5.615 tỷ đồng và 20 triệu USD. 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK qua Cửa khẩu Tà Lùng đạt trên 98,4 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 79,7 triệu USD.
Hiện tại, mỗi ngày có từ 20-40 xe hàng được làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng. Theo thông tin từ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, việc ngưng trệ, khó khăn thời gian qua chủ yếu do phía Trung Quốc thắt chặt biện pháp phòng dịch. Về phía cửa khẩu Việt Nam, tất cả các thủ tục đều được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng đã duy trì 10 tổ chốt phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát, ngặn chặn xuất nhập cảnh trái. Tại khu vực cửa khẩu chính, tất cả phương tiện, người và hàng hóa đều được lực lượng BĐBP phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng cũng kiểm soát chặt đội ngũ lái xe chuyên trách tại cửa khẩu, đồng thời tạo mọi điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, đúng quy định và đúng pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sao cho thuận lợi, hiệu quả nhất.
Trong đó, lực lượng Biên phòng phối hợp với Ban quản lý cửa khẩu và các lực lượng Hải quan, Kiểm dịch xây dựng phương án giao nhận hàng, giúp đỡ doanh nghiệp giao nhận hàng, đăng ký lái xe qua cửa khẩu, hỗ trợ khai báo Hải quan… Tùy tình hình thực tế, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng tăng cường lực lượng túc trực, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, chủ hàng thực hiện thủ tục thông quan qua cửa khẩu.
Hiện tỉnh Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng đang triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện dừng đỗ, bố trí thêm lái xe trung chuyển và nhân lực nhằm hỗ trợ thông quan hàng hóa nhanh nhất.
Không chỉ tạo điều kiện thông quan hàng hóa thuận lợi, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng còn thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng đã đi tham gia đi chợ và vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu giúp nhân dân bị phong tỏa tại xóm Nà Quan, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa và tặng quà các chốt chống dịch quanh khu vực phong tỏa thuộc xã Mỹ Hưng.
Xây dựng các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu
Ông Phạm Văn Hoài - Trưởng Ban quản lý Cửa khẩu Tà Lùng cho biết, Ban Quản lý cửa khẩu và các lực lượng chức năng trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Tà Lùng đã xây dựng một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc xuất nhập khẩu hàng hóa nhất là mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Tà Lùng.
Theo đó, để nắm rõ thông tin về nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của cả 2 nước tại cửa khẩu Tà Lùng đã lập các nhóm nắm bắt thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa bao gồm các thành viên đại diện: cơ quan Ban Quản lý cửa khẩu, lực lượng Hải quan, Biên phòng, kiểm dịch và một số tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Nhóm này có nhiệm vụ thường xuyên tìm hiểu nhu cầu xuất nhập khẩu, thông tin hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trong tỉnh, trong khu vực và trên toàn tuyến biên giới phía Bắc (bao gồm cả thông tin bên phía nước bạn) để kêu gọi thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu đến với cửa khẩu Tà Lùng.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tập trung thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan cho một xe hàng hóa. Tại cửa khẩu đã lập lên các nhóm cung cấp thông tin xuất nhập khẩu qua mạng xã hội như nhóm một cách nhanh nhất như: khi một tổ chức, doanh nghiệp chuẩn bị có xe hàng xuất nhập khẩu thì sẽ thông tin trước cho các lực lượng chuyên ngành, sau khi xác nhận thông tin chính xác từ các doanh nghiệp các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu sẽ thực hiện các thủ tục tiếp nhận cơ bản trước và khi xe hàng đến thì hoàn thiện các bước tiếp theo. Cách làm này đã giảm thiểu một cách đáng kể về thời gian xe hàng lưu tại cửa khẩu qua đó góp phần rút ngắn thời gian thông quan 1 xe hàng theo đúng quy trình xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cửa khẩu Tà Lùng và lực lượng BĐBP cùng các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trao đổi với phía Chính phủ nhân dân huyện Long Châu, Ban Quản lý cửa khẩu Thuỷ Khẩu - Trung Quốc nhằm đưa ra các phương án xuất nhập khẩu thích hợp trong từng thời điểm. Trong 10 tháng đầu năm 2021 hai bên đã tổ chức hội đàm, trao đổi được 5 lượt, qua trao đổi thì việc xuất nhập khẩu hàng hoá qua lại được thuận lợi hơn.
Ngọc Lan