Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 12:02 GMT+7

Tăng cường quản lý người nghiện ma túy

Biên phòng - Theo thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng 200.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 50.962 người sử dụng trái phép chất ma túy; 14.455 người bị quản lý sau cai nghiện. Đáng lo ngại là 50% số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng đang tiềm ẩn nguy cơ rất cao phạm tội về ma túy và các tội phạm khác.

Ảnh: minh họa

Mặc dù, công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy đã đạt được những kết quả tích cực. Chỉ tính riêng trong năm 2022, lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 26.119 vụ, 40.113 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 743 kg heroin, 467 kg cần sa, 2.100 kg và 4 triệu viên ma túy tổng hợp (MTTH); lực lượng BĐBP chủ trì, phối hợp bắt giữ 848 vụ, 1.195 đối tượng, thu giữ 1.026 kg ma túy các loại...

Song, ma túy vẫn hiện diện khắp nơi, số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa; hình thức sử dụng ma túy đa dạng cùng với sự xuất hiện nhiều loại ma túy mới bóng đang gây hiểm họa khôn lường cho xã hội.

Đặc biệt, tội phạm do người nghiện ma túy gây ra, nhất là hành vi phạm tội của số đối tượng sử dụng ma túy đá bị loạn thần, ngáo đá là hết sức nguy hiểm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bất an trong xã hội, song việc quản lý, giám sát người nghiện ma túy ở ngoài xã hội còn nhiều bất cập, kết quả công tác cai nghiện còn hạn chế.

Theo các chuyên gia an ninh, sự phối hợp giữa lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, điều trị và gia đình còn khá lỏng lẻo khiến người nghiện dễ dàng tái nghiện thậm chí nghiện nặng hơn.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành quy định người sử dụng ma túy không còn bị xem là tội phạm và không bị bắt buộc cai nghiện tập trung (nếu có nơi cư trú rõ ràng) đã phát sinh mặt trái là bản thân người nghiện và gia đình không phải lúc nào cũng tự giác khai báo với chính quyền địa phương về tình trạng nghiện của đối tượng cũng khiến công tác quản lý, giám sát người nghiện, nhất là những đối tượng ngáo đá sống tự do dường như bị “thả nổi”.

Trong khi đó, việc bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện chưa đảm bảo, điều kiện, cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện ma túy chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Cả nước hiện có 110 cơ sở cai nghiện ma túy (97 cơ sở công lập và 13 cơ sở do tổ chức, cá nhân thành lập) công suất tiếp nhận tối đa hơn 60.000 người nghiện, mới chỉ đảm bảo cai nghiện chưa đến 1/3 số người nghiện hiện nay.

Thế nên, cùng với tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và nâng cao hiệu quả đấu tranh tội phạm về ma túy, Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là đối với số người nghiện ma túy đang ở ngoài cộng đồng.

Song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cá nhân, nhất là giới trẻ về hiểm họa ma túy, cần thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra. Theo đó, thực hiện nghiêm biện pháp quản lý được áp dụng ngay lần đầu phát hiện người sử dụng ma túy với mục đích hạn chế gia tăng người nghiện, giảm “nguồn cầu” về ma túy, cũng như phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ.

Trước thực trạng hành lang pháp lý quản lý người nghiện còn thiếu chặt chẽ; hành vi sử dụng ma túy chỉ bị xử phạt hành chính cao nhất 1 triệu đồng nên không đủ sức răn đe, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần có một cơ quan chuyên trách quản lý và giám sát người nghiện ma túy. Nhiệm vụ của cơ quan này là giám sát chặt chẽ người nghiện, nếu phát hiện họ sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy đá, sẽ bắt buộc đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung để tránh gây ra hậu quả cho xã hội.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO