Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 11:43 GMT+7

Tăng cường thực thi pháp luật trên biển

Biên phòng - Tỉnh Thừa Thiên Huế có chiều dài bờ biển 126km. Trong những năm qua, khu vực ven biển của địa phương này còn xảy ra tình trạng tranh chấp ngư trường, trộm cắp ngư lưới cụ, đặc biệt là hoạt động đánh bắt giã cào sai tuyến ngày càng tinh vi và manh động hơn. Trước thực trạng đó, Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế đã nỗ lực vượt khó, tăng cường tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an ninh, trật tự, duy trì môi trường an toàn cho ngư dân lao động, sản xuất đúng pháp luật.

Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế bắt giữ tàu hoạt động giã cào sai tuyến trên biển. Ảnh: Ngọc Trìu

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết, địa bàn đơn vị quản lý khá rộng, hoạt động khai thác thủy sản sai tuyến, vi phạm pháp luật còn diễn ra, trong khi đó, cán bộ chuyên ngành còn thiếu so với quy định. Trước bối cảnh đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Hải đội 2 đều tự xác định ý thức trách nhiệm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Hải đội 2 đã tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân với nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ kịp thời ngư dân làm ăn trên biển khi có sự cố xảy ra.

Nhớ lại khoảng 3 năm về trước, tình hình mất an ninh, trật tự trên biển diễn biến phức tạp, trong đó, nổi lên là hoạt động đánh bắt giã cào xâm hại vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoạt động khai thác thủy sản theo kiểu “tận diệt” này còn gây hư hỏng ngư lưới cụ của ngư dân làm các nghề khác ở vùng biển Thừa Thiên Huế, gây xung đột, mâu thuẫn giữa ngư dân nội tỉnh và ngoại tỉnh.

Trước thực trạng trên, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 đã dồn tâm sức, tăng cường thực thi pháp luật trên biển. Thiếu tá Hải cho biết, các đối tượng hoạt động giã cào rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng truy bắt, xử lý. Việc đấu tranh với loại tội phạm này vì thế tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho vùng biển, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã dũng cảm, khôn khéo, kiên trì, sử dụng mọi biện pháp nghiệp vụ để thực thi nhiệm vụ được giao.

Điển hình, đầu tháng 5/2020, lực lượng chức năng phát hiện 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi mang số hiệu QNg97267TS và QNg97279TS hoạt động giã cào cách bờ biển 2 hải lý. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế điều động 1 tàu và 3 phương tiện của ngư dân trên địa bàn tiến hành kiểm soát, bắt giữ. Khi thấy tàu Biên phòng, 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cắt lưới bỏ chạy, sau đó, gọi thêm 2 tàu khác, che biển số quay lại khiêu khích, đâm va tấn công tàu Biên phòng để lấy lại lưới.

Trước sự manh động của các đối tượng, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã điều động thêm tàu của Hải đội 2 tới hiện trường thực thi nhiệm vụ. “Khi thấy lực lượng BĐBP được bổ sung quân số, các tàu giã cào liền bỏ chạy, đổi hướng liên tục, không cho tàu của chúng tôi cập mạn. Sau đó, bằng mọi biện pháp, tổ kiểm soát đã buộc 2 phương tiện giã cào dừng lại. Kiểm tra tại chỗ, chúng tôi thu giữ nhiều loại lưới giã cào cỡ lớn, tiến hành lai dắt, đưa toàn bộ ngư dân và phương tiện vi phạm về bờ xử lý” - Thiếu tá Hải kể lại. Theo hồ sơ vụ việc, 2 tàu cá trên do Nguyễn Văn Tân (31 tuổi), ở Quảng Ngãi làm chủ và là thuyền trưởng đã bị phạt 150 triệu đồng vì hành vi khai thác thủy sản trái phép.

Cũng theo Thiếu tá Hải, nhiều vụ việc, cán bộ, chiến sĩ phải tuần tra, mật phục trong đêm tối rất vất vả để truy bắt đối tượng hoạt động giã cào. Đơn cử, hồi đầu tháng 5/2021, đơn vị tiến hành truy bắt đối tượng ngay trong đêm.

“Để tránh bị đối tượng phát hiện, chúng tôi phải tắt hết đèn trên tàu, chỉ đi bằng radar và máy định vị. Lần đó, chúng tôi bắt được 3 tàu giã cào và xử lý theo đúng pháp luật. Một lần khác, cũng vào nửa đêm, trời nổi giông, gió lớn, nhận được tin báo của người dân có 2 tàu giã cào đang hoạt động ven bờ, chúng tôi báo cáo về Bộ Chỉ huy và nhận lệnh xuất phát làm nhiệm vụ. Trong điều kiện gió lớn, việc truy bắt tàu giã cào gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, tàu này dùng mọi thủ đoạn chống đối, trốn chạy. Sau 2 giờ truy đuổi, cuối cùng, anh em cũng cập được mạn tàu vi phạm. Lúc này, chủ tàu nhảy xuống biển ôm lấy chân vịt, nhất quyết không chịu hợp tác di chuyển tàu về bờ. Chúng tôi phải thuyết phục suốt nhiều giờ đồng hồ, chủ tàu mới chịu lên đưa tàu vào bờ xử lý...” - Thiếu tá Hải kể.

Theo các cán bộ Biên phòng, các đối tượng hành nghề giã cào sai tuyến hoạt động rất tinh vi. Họ thường làm mờ biển số hoặc che biển số tàu cá bằng lốp cao su. Nếu thấy lực lượng chức năng quay phim, chụp ảnh, họ dùng vòi xịt nước làm hư hỏng máy quay. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, họ cắt lưới bỏ chạy, cố tình đâm va, không cho tàu của lực lượng chức năng cập mạn; hoặc thả dây kéo lưới để vướng vào chân vịt tàu của lực lượng chức năng. Một thủ đoạn khác là các đối tượng vi phạm đóng toàn bộ cửa trên tàu, coi như không nghe thấy lực lượng chức năng kêu gọi, yêu cầu dừng tàu... Thậm chí, một số đối tượng đánh bắt sai tuyến trên biển, nếu gặp ngư dân làm nghề ven biển, họ trắng trợn đe dọa, đuổi ngư dân đi chỗ khác để hành nghề trái phép.

Để lập lại an ninh, trật tự trên biển, hầu hết cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế đều xác định chấp nhận khó khăn gian khổ, kiên cường đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, sẵn sàng lên đường thực thi nhiệm vụ trong mọi tình huống. Với sự vào cuộc quyết liệt, năm 2019, Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế đã truy bắt được 8 phương tiện hoạt động giã cào sai tuyến; năm 2020, bắt và xử lý 4 phương tiện; năm 2021, xử lý 4 phương tiện. 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị tiếp tục tuần tra, bắt giữ 2 tàu khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển Thừa Thiên Huế, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO