Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 12:28 GMT+7

Tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Biên phòng - Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Hơn 70 năm qua, tình hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Ðông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang tổ chức tuần tra liên hợp thực thi pháp luật trên biên giới với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc. Ảnh: Tiến Thắng

Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt. Qua các chuyến thăm và tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, là định hướng chiến lược nền tảng, lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của hai nước. Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005).

Thực hiện các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước đã từng bước được giải quyết. Hai nước đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền (năm 1999), Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ (năm 2000), hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc (năm 2008) và ký kết 3 văn kiện về quản lý đường biên giới trên đất liền (năm 2009). Đây là những sự kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định và phát triển, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Đặc biệt, từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực. Đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập được gần 60 cơ chế giao lưu, hợp tác từ Trung ương tới địa phương, liên quan gần như tất cả các lĩnh vực, phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các bộ, ngành, địa phương của hai nước.

Hợp tác giữa hai Ðảng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quan hệ tin cậy giữa hai nước. Hai bên đã duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế giao lưu, hợp tác thường xuyên giữa các ban Ðảng, nhất là trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, xây dựng Ðảng...; tổ chức thành công Cơ chế gặp gỡ cấp cao hai Ðảng và Hội thảo lý luận để trao đổi về kinh nghiệm xây dựng Ðảng, quản lý nhà nước, đổi mới, cải cách mở cửa và hội nhập quốc tế; ký kết và triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác giữa hai Ðảng, Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai Ðảng.

Tại các sự kiện chính trị quan trọng của hai Đảng, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai bên đều có những hình thức chúc mừng đặc biệt, thể hiện sự coi trọng cao độ đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Lãnh đạo các ban Đảng ở Trung ương của hai bên cũng duy trì trao đổi, tiếp xúc thường xuyên dưới nhiều hình thức linh hoạt. Hai bên đã triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020, Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai Đảng giai đoạn 2017-2020. Tháng 4/2022, hai bên đã ký kết Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2021-2025.

Các cơ chế trao đổi giữa các bộ, ngành trọng điểm như Ngoại giao, Quốc phòng, Công an được triển khai thường xuyên, bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp đạt hiệu quả cao, được lãnh đạo cấp cao hai bên đánh giá tích cực, qua đó thúc đẩy hiệu quả hợp tác thực chất giữa hai nước. Trong các cơ chế giao lưu có điểm sáng là mô hình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Hoạt động giao lưu mang tính thường niên này đã góp phần quan trọng thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước, hai Bộ Quốc phòng và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Xe chở sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: VGP

Trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 175 tỷ USD; 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 63,2 tỷ USD. Năm 2020, vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỷ USD, năm 2021 là 2,92 tỷ USD, năm 2022 là 2,5 tỷ USD. Riêng năm 2022, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác, gồm: Hiệp định Hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc cho tài khóa 2020; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Thỏa thuận hợp tác về Dự án nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất biển khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang...

Trong những năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam. Đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 7,3 triệu liều và cung cấp thương mại khoảng 45 triệu liều vaccine. Hai bên cũng đã hợp tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát ngăn ngừa dịch bệnh lây lan qua biên giới để duy trì ổn định hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu giữa hai bên.

Trong chiều dài lịch sử, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mặc dù trải qua nhiều thử thách, nhưng đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tạo cơ sở và động lực vững chắc thúc đẩy sự phát triển quan hệ hai nước trong tương lai. Gần đây nhất, tháng 11/2022, hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 13 điểm, bao gồm cả những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực; nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Thông qua Tuyên bố chung, tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường mạnh mẽ, tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong tình hình mới, mang lại lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 8 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 9 tới tại tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa quân đội cũng như lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền địa phương và nhân dân ở khu vực biên giới chung Việt Nam - Trung Quốc.

Thu Minh (tổng hợp)

Bình luận

ZALO