Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 11:07 GMT+7

Tăng lương tối thiểu vùng

Biên phòng - Vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2, thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7-2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ảnh: minh họa

Thông tin trên được dư luận đánh giá là quyết định đúng đắn, kịp thời và cần thiết. Tăng lương tối thiểu vùng trong thời điểm này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước với người lao động sau 2 năm chịu tác động của dịch bệnh, vì đây là một khoản hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, thay vì thông qua các gói hỗ trợ, các chính sách khác.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, mức tăng 6% là hợp lý, bởi nó cũng có sự tương xứng với mức tăng lương tối thiểu dành cho người về hưu. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, mức tăng này đảm bảo cân bằng giữa các xu hướng lạm phát, xu hướng đảm bảo an sinh xã hội.

Thế nhưng, 8 hiệp hội ngành hàng ngay lập tức kiến nghị Chính phủ lùi áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 sang ngày 1-1-2023. Các hiệp hội cho rằng, trong 2 năm 2020-2021, đại dịch đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến họ kiệt quệ. Trong bối cảnh các chi phí đầu vào như xăng dầu, vận tải... đều tăng, nhiều doanh nghiệp gần như không có lãi. Chi phí lương tối thiểu sẽ khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng thêm 3-5%.

Do vậy, lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất để cải thiện tình hình, phục hồi sản xuất để có tiền trả lương cho người lao động tương xứng với mức tăng 6%.

Một số chuyên gia cũng chia sẻ, việc cần làm hiện nay là tiếp tục phát huy các biện pháp kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và ưu tiên phục hồi toàn bộ thị trường lao động chứ không chỉ tăng lương để hỗ trợ nhóm lao động chính thức. Nếu tăng lương tối thiểu vùng trong năm nay, thì doanh nghiệp có thể khó khăn trong mở rộng sản xuất, nhiều lao động có nguy cơ mất việc do quỹ lương phình to.

Thừa nhận việc tăng lương sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuy vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, với cơ chế kinh tế thị trường và điều kiện cung - cầu lao động hiện nay, doanh nghiệp muốn duy trì chính sách tiền lương thấp thì doanh nghiệp đó khó tồn tại và đứng trước nguy cơ tự đào thải.

Đáng lẽ việc tăng lương tối thiểu vùng đã phải thực hiện từ ngày 1-1-2021, nhưng do dịch Covid-19 nên lùi lại để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tăng lương giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thu hút lao động, động viên lao động gắn bó tốt hơn với người sử dụng lao động.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia đánh giá, nếu kéo dài thời điểm tăng lương sang ngày 1-1-2023 không chỉ “trễ hẹn” tăng lương cho người lao động tới 24 tháng, mà còn gây nguy cơ bất ổn trong quan hệ lao động. Mặt khác, đến quý I-2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm gần 900 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Nhiều người lao động phải sử dụng tiền tiết kiệm của gia đình hoặc cá nhân, vay lãi suất cao, rút sổ bảo hiểm xã hội một lần...

Cần phải nhìn nhận, đây là đợt tăng lương không đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, do đó, tác động cộng hưởng của nó tới tăng giá lương, tiền như trước đây chúng ta từng trải nghiệm không diễn ra hoàn toàn.

Hơn nữa, mức tăng diễn ra trong bối cảnh sức mua của người dân không cao lắm, thị trường đang khó khăn về tiêu thụ. Do đó, không đặt nhiều những áp lực về tăng giá lương, tiền. Mặc dù trên thực tế, một số mặt hàng thiết yếu đang có xu hướng tăng.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc tăng lương lần này, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đồng thời đảm bảo dự trữ, đảm bảo các mặt hàng bình ổn, mặt hàng thiết yếu để tránh tình trạng lạm dụng tăng lương để tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO