Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 06:05 GMT+7

Tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Biên phòng - Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Nhưng tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam còn bỏ ngỏ khi chúng ta đang chậm cải tiến, đổi mới, đột phá về mẫu mã để theo kịp với sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường.

Ảnh: minh họa

Các làng nghề Việt Nam có truyền thống lịch sử tạo ra nhiều sản phẩm thủ công từ những vật liệu mộc mạc như đất, tre, nứa, lá, gỗ... Thông qua bàn tay tinh tế, tài hoa của những nghệ nhân, thợ giỏi, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tinh hoa của đất nước, tâm hồn của người Việt được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi sự độc đáo, lạ, tinh xảo và đẹp, góp phần đưa văn hóa Việt Nam hòa nhập với thế giới.

Thế nhưng hiện nay, sức hấp dẫn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam bị giảm đi đáng kể khi không có sự thay đổi kiểu dáng và mẫu mã, trong khi nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao. Qua khảo sát, hiện có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng. Đây chính là nguyên nhân khiến mặt hàng này chưa mang lại giá trị sản xuất cao như kỳ vọng.

Ngay tại thị trường trong nước, phần lớn các sản phẩm làng nghề vẫn được sản xuất theo hình thức mẫu mã cổ truyền như tranh tứ linh, tranh tứ quý (khảm trai, sơn mài); hạc đồng, đỉnh đồng (đúc đồng); sập gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối (mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ); chụp đèn, bàn ghế (mây tre đan)... Trong khi thị hiếu người tiêu dùng đã thay đổi, nên sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh.

Đây chính là hệ quả của sự thiếu đổi mới, sáng tạo trong sáng tác, thiết kế mẫu mã sản phẩm tại các làng nghề, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nguyên nhân là do đội ngũ thiết kế vừa thiếu, vừa yếu về năng lực sáng tạo, thiết kế chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Việc thiếu liên kết trong đào tạo giữa các làng nghề với các cơ sở đào tạo và hiệp hội khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ khủng hoảng về nhân lực có chất lượng cao. Từ đó, dẫn đến các thiết kế, chế tác chỉ làm theo đơn hàng hoặc sao chép mẫu mã có sẵn trên thị trường, nên rất khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Mặt khác, các làng nghề thủ công mỹ nghệ đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức do vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ lạc hậu, trong khi khách hàng quốc tế yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.

Khuyến nghị các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cần đặc biệt quan tâm đầu tư sáng tạo các mẫu mã hàng hóa, các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, có tính thương mại cao để áp dụng sản xuất hàng loạt. Đồng thời, tích cực quảng bá hình ảnh, nét văn hóa của làng các nghề truyền thống đối với bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó kích cầu tiêu dùng và xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.

Giải pháp căn cơ lâu dài là xây dựng Luật về làng nghề nhằm bảo tồn và phát triển vững chắc các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trọng yếu, trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, “kết hợp truyền thống với hiện đại” trong từng loại sản phẩm.

Cùng với đó là các cơ chế, chính sách đầu tư cho các làng nghề phát triển thương hiệu; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường thương mại điện tử, để sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO