Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 07:42 GMT+7

Tạo chuyển biến tích cực trong phong trào toàn dân giữ gìn, tham gia bảo vệ chủ quyền trên khu vực biên giới biển, đảo

Biên phòng - Hiện, các quốc gia ven biển trong khu vực đã tăng cường các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên trên biển, các tàu cá xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta, đánh bắt thủy hải sản trái phép làm cho tình hình vùng biển có nhiều diễn biến phức tạp...

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn phát biểu tại Chương trình "Vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” tổ chức tại Phú Yên. Ảnh: CTV

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị BĐBP tuyến biển tổ chức lực lượng, chủ động nắm chắc tình hình tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn đóng quân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là công tác tuyên truyền về các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề chủ quyền, lãnh thổ về biển, đảo. Để tìm hiểu cụ thể hơn về nội dung này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP.

- Thưa Thiếu tướng, BĐBP xác định việc hỗ trợ bà con ngư dân sẽ tạo thuận lợi gì trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc?

- Từ việc hỗ trợ, giúp đỡ của BĐBP, bà con ngư dân đã yên tâm vươn khơi, bám biển khai thác thủy sản; quá trình hoạt động trên biển, những năm qua, bà con ngư dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị về lĩnh vực chủ quyền biển, đảo và an ninh trật tự trên biển cho BĐBP và các lực lượng chức năng, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các tình huống, vụ việc đột xuất xảy ra, không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, giữ vững an ninh trật tự trên khu vực biển, đảo của Tổ quốc.

Thông qua việc hỗ trợ, giúp đỡ bà con ngư dân vươn khơi, bám biển đã góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, huy động sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Các “Tổ tàu thuyền an toàn” thực sự là hạt nhân tích cực trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật và tham gia với các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

- Đồng chí đánh giá thế nào về những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của bà con ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và về chấp hành pháp luật trên biển?

- Có thể nói, qua công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, giúp đỡ bà con ngư dân vươn khơi, bám biển đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, các đơn vị BĐBP đã tập trung tuyên truyền cho nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 khóa 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường..., qua đó trang bị những kiến thức cần thiết, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi vươn khơi, bám biển, không vi phạm vùng biển nước khác; khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, thông qua những mô hình như: “Tiếng loa Biên phòng”; “Tổ tuần tra, bảo vệ an ninh, trật tự, khu vực biên giới biển”; “Tổ, đội sản xuất an toàn trên biển”; “Câu lạc bộ phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” và “Ăn sáng cùng ngư dân”; “Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn vươn khơi bám biển”..., bà con ngư dân đã nắm, hiểu được những quy định của luật pháp quốc tế và Việt Nam khi tham gia đánh bắt hải sản trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ. Từ đó, ý thức được trách nhiệm của mình để chung tay tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản nước ta.

Bà con ngư dân đã xác định rõ đâu là vùng biển, đảo của Việt Nam, từ đó quyết tâm vươn khơi, bám biển. Số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ của nước ta hiện diện ngày càng tăng tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Đồng thời, bà con ngư dân đã tích cực tham gia đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

- Là một trong những lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo và đồng hành cùng bà con ngư dân vươn khơi bám biển, xin đồng chí chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà BĐBP đang nỗ lực tháo gỡ hiện nay?

- Một trong những khó khăn của BĐBP hiện nay là công tác giám sát hành trình các tàu cá của bà con ngư dân để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hiện, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá được trên 95% tổng số tàu cá của cả nước, song tình trạng mất tín hiệu, mất kết nối vẫn còn xảy ra. Thứ hai là do đặc điểm, tập quán khai thác của ngư dân ta một chuyến biển thường kéo dài từ 20 đến 30 ngày, nên các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác tiếp cận với chủ tàu và các thuyền viên để triển khai công tác tuyên truyền.

Khó khăn thứ ba là một bộ phận người dân, mặc dù đã được các lực lượng chức năng tuyên truyền, giáo dục, song nhận thức, ý thức còn hạn chế, chưa thấy được tác hại của khai thác IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam. Họ đã vì lợi ích cá nhân mà cố tình vi phạm các quy định về khai thác hải sản, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để “qua mắt” lực lượng chức năng sang vùng biển nước khác khai thác hải sản trái phép.

- Trong thời gian tới, BĐBP có những kế hoạch, phương hướng ra sao trong công tác hỗ trợ bà con vươn khơi bám biển, bảo vệ biên giới quốc gia, thưa Thiếu tướng?

- Có thể khẳng định rằng, nhiều năm nay khi ngư dân gặp khó khăn trên biển, kể cả lúc trong lúc gặp thiên tai hay "nhân tai" thì các chiến sĩ quân hàm xanh luôn có mặt kịp thời hỗ trợ hoặc cứu trợ. Đặc biệt, những người lính Biên phòng luôn chủ động bám dân, bám địa bàn tuyên truyền cho ngư dân hiểu về những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền biên giới, biển, đảo. Vì vậy, trong thời gian tiếp theo, đầu tiên, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho địa phương triển khai hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Đồng thời thường xuyên phối hợp, tham gia củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tàu thuyền đoàn kết, tổ bến bãi an toàn, tổ an ninh trật tự; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, túi sơ cấp cứu, phao cứu sinh, tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho ngư dân..., giúp ngư dân yên tâm trong quá trình khai thác hải sản trên biển.

Bên cạnh đó, BĐBP sẽ chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai hiệu quả các phong trào, chương trình, mô hình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Trong đó chú trọng thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển. Đây là những việc làm thiết thực để hỗ trợ ngư dân có điều kiện vươn khơi, bám biển, làm cho ngư dân yên tâm sản xuất, tích cực tham gia cùng với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Xây dựng, luyện tập các kế hoạch, phương án, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đấu tranh, ngăn chặn các phương tiện tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo. Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, giúp cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Duy Khiêm (thực hiện)

Bình luận

ZALO