Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 06:35 GMT+7

Tạo cơ hội lớn để cùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững

Biên phòng - Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tổng nhu cầu vốn dự kiến để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của địa phương giai đoạn 2021 - 2025 là 3.578,981 tỷ đồng.

Trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 5,37%. Ảnh: Kim Ngân

Trong số đó, ngân sách Trung ương là 2.386,161 tỷ đồng; ngân sách tỉnh: 269,614 tỷ đồng; ngân sách huyện: 85,929 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách: 623,586 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác: 213,991 tỷ đồng.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, với nguồn lực đầu tư như trên, đây là cơ hội rất lớn để vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh phát triển một cách toàn diện, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống, thu nhập của người dân, thu hẹp dần khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng…

Trong năm 2022, tổng vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 378,388 tỷ đồng, trong đó, 369,994 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh; 198 triệu đồng vốn ngân sách huyện; 8 tỷ đồng vốn tín dụng.

Kết quả giải ngân các nguồn vốn năm 2022 là 261,69 tỷ đồng. Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh là 258,035 tỷ đồng, tỷ lệ 69,74%; vốn ngân sách huyện là 20 triệu đồng, tỷ lệ 10,1.

Năm 2023, Tổng vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 719,575 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh là 699,842 tỷ đồng; Vốn ngân sách huyện là 4,633 tỷ đồng; Vốn tín dụng là 15,1 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2023, tỉnh Quảng Ngãi đã giải nhân được 154.644 triệu đồng vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, đạt tỷ lệ 22,10% và 1 triệu đồng vốn ngân sách huyện tỷ lệ 0,02%.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương.

Ban Dân tộc tỉnh cùng các Sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực; UBND tỉnh đã quyết liệt, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành có liên quan tham mưu triển khai Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ, các Thông tư, văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương theo từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình.

Đến nay, các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Chương trình thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh đã được ban hành; các Sở, ban ngành và UBND các huyện đã triển khai thực hiện đạt được một số kết quả nhất định.

Trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 5,37%, từ 35,64% xuống còn 30,27% (đạt mục tiêu đề ra là giảm 4%); tỷ lệ hộ cận nghèo là 13,99%.

Kim Ngân

Bình luận

ZALO