Biên phòng - Nguồn cung nông sản đang có nguy cơ dư thừa khi nhiều loại trái cây, lúa đang vào vụ thu hoạch cần có sự kết nối để không xảy ra tình trạng ách tắc nơi này nhưng lại thiếu hụt ở nơi khác.
Đó là cảnh báo rất quan ngại của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ước tính sản lượng rau, củ quả trong tháng 8-2021 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội lên tới hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500 nghìn tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như xoài (40 nghìn tấn), chuối (109 nghìn tấn), sầu riêng (75 nghìn tấn), cam (40 nghìn tấn), nhãn (40 nghìn tấn), dứa (30 nghìn tấn)... cung đang vượt cầu, cần sớm được lưu thông, tiêu thụ kịp thời.
Theo phản ánh của nhiều địa phương,vào thu hoạch chính vụ, nhưng một số doanh nghiệp, thương lái đang giảm thu mua vì hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối nông sản ngưng trệ do nhiều địa phương thắt chặt kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Những ngày gần đây, việc lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn nhờ áp dụng cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh”, nhưng mỗi địa phương vẫn có những quy định khác nhau nên hàng nông sản chậm đến các điểm tiêu thụ đang thực hiện giãn cách xã hội.
Mặt khác, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đang thiếu lực lượng lao động thu hoạch, vận chuyển nông sản, shipper (người giao hàng) vì vướng nhiều quy định phòng chống dịch. Nhiều loại nông sản ùn ứ, chờ tiêu thụ tại vùng sản xuất dẫn đến giá thành tụt giảm, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.
Nhấn mạnh quan điểm hoạt động sản xuất nông nghiệp cần được xem là ưu tiên thiết yếu, nhiều chuyên gia bức xúc khi có địa phương vẫn cho rằng hoạt động này chưa cần thiết. Việc đánh giá “mặt hàng thiết yếu” nghiêng về khía cạnh người tiêu dùng nhiều hơn cần được xem xét lại. Trong khi chuỗi sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản bị đứt gãy, chậm thời vụ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực.
Thật mừng là vấn đề “hàng thiết yếu” được giải quyết dứt điểm khi Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay Danh mục “hàng hóa thiết yếu”, để gỡ khó cho việc lưu thông. Hiện, Tổ công tác 970 đã kết nối được hơn 500 đầu mối tham gia tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đồng thời phối hợp các địa phương tổ chức diễn đàn trực tuyến kết nối cung - cầu nông sản, thiết lập đường dây nóng 24/7 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, tiêu thụ nông sản.
Như vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của ngành nông nghiệp là khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng cả tiêu thụ trong nước và một phần ra quốc tế.
Muốn vậy, các địa phương phải quán triệt tinh thần chỉ không cho phép lưu thông hàng hóa cấm vận chuyển, ưu tiên lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp theo “luồng xanh”, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, vật tư do khó khăn trong lưu thông.
Bài học kinh nghiệm từ Bắc Giang, Hải Dương cho thấy, mỗi tỉnh, thành phố cần thiết lập “luồng xanh” để phục vụ tiêu thụ nông sản cho địa phương mình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương chịu trách nhiệm xác nhận tính an toàn của lô hàng, lộ trình, lái xe, người tham gia vận chuyển nông sản để khơi thông những đứt gãy trong chuỗi cung ứng phía Nam.
Các chuyên gia khuyến nghị, các địa phương khẩn trương xây dựng những “vùng xanh” nông nghiệp an toàn, bảo đảm mục tiêu vừa duy trì sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vừa bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch. Việc quản lý chặt chẽ lực lượng shipper của các doanh nghiệp, siêu thị, kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... sẽ giải quyết được bài toán không đứt gãy cung ứng hàng hóa trong từng vùng, từng địa phương.
Hoàng Lâm