Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 24/06/2024 01:52 GMT+7

Tạo sinh kế từ khai thác tiềm năng nông nghiệp

Biên phòng - Hiện nay, mô hình du lịch nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở Quảng Trị, đặc biệt là tại huyện miền núi Hướng Hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (NTM).

Khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại vườn hoa Chân Trời (thôn Tân Vĩnh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa). Ảnh: Tiêu Dao

Tạo ra thu nhập ổn định cho đồng bào

Farmstay là mô hình kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, phù hợp với những vùng nông thôn, ngoại ô có không gian xanh, yên bình và đặc sản hấp dẫn, gắn kết với đời sống thôn quê. Farmstay là sự kết hợp giữa farm (nông trại) và stay (nơi lưu trú), nghĩa là khách du lịch có thể lưu trú tại nông trại, tham gia các hoạt động nông nghiệp, trải nghiệm văn hóa địa phương và thưởng thức các sản phẩm nông trại. Mô hình Farmstay không chỉ mang lại trải nghiệm du lịch mới lạ, khác biệt cho khách hàng, mà còn tạo ra nhiều dòng tài chính cho chủ đầu tư.

Hướng Hóa hiện là địa phương có những điều kiện đa dạng sinh học về sản xuất nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa vùng miền đặc sắc, hệ thống di tích, lịch sử cách mạng như: Sân bay Tà Cơn, Làng Vây, Nhà tù Lao Bảo... đã tạo ra nguồn tài nguyên vô cùng phong phú cho các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Hiện, huyện có 12 mô hình du lịch nông nghiệp, cùng với những con đường hoa, cánh đồng điện gió, nét đẹp văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Cô... những tiềm năng sẵn có về địa hình, khí hậu, nhiều nông trại là điều kiện thích hợp để phát triển du lịch nông nghiệp giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo bền vững. Điều thú vị của loại hình Farmstay, đó là các trải nghiệm hay tour, tuyến đều gắn với nông nghiệp, nông thôn và văn hóa bản địa, nên sản phẩm tour, tuyến du lịch nông nghiệp tạo ra luôn linh hoạt và mang đầy những trải nghiệm mà khách hàng thường rất thích thú, nhất là những vị khách yêu văn hóa và ham thích về với thiên nhiên.

Hiện nay có một số mô hình như: Khe Sanh Valley Farm, ở thị trấn Khe Sanh, có diện tích 3,5ha là đất trồng cây lâu năm được sử dụng vào mục đích phục vụ nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, dịch vụ ăn uống....; Bảo Nguyên Xanh ở xã Hướng Tân, có diện tích gần 2ha sử dụng đất vào mục đích dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải trí, lưu trú, trong đó có 800m2 đất ở tại nông thôn và hơn 11.000m2 đất trồng cây lâu năm; và một số mô hình khác như: Rose Farm, vườn hoa Chân Trời, vườn dâu tây Tà Cơn... Các mô hình du lịch nông nghiệp đã góp phần hiệu quả quảng bá, thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Theo chị Trương Thị Hạnh, chủ vườn dâu tây Tà Cơn ở xã Tân Hợp, mặc dù hiện tại lượng khách chưa ổn định vì mới khai trương, nhưng mô hình đã được nhiều du khách trên địa bàn huyện cũng như những nơi khác biết đến và tới trải nghiệm. Vườn dâu được trồng hoàn toàn bằng phân bón sinh học nên đảm bảo an toàn cho du khách yên tâm tới hái và sử dụng tại vườn. “Ngoài những khoản thu từ du khách tới trải nghiệm và sử dụng dâu tây, vườn dâu tây Tà Cơn còn bán các sản phẩm dâu tây tươi với giá dao động từ 250.000 đến 400.000 đồng/kg và mứt dâu ra thị trường. Hiện, vườn dâu đang tạo công ăn việc làm cho 3 nhân công lao động địa phương với thu nhập ổn định” - chị Hạnh chia sẻ thêm.

Ông Trần Chỉnh, ở Hải Dương, đang cùng vợ trải nghiệm và thưởng thức tại vườn dâu tây Tà Cơn cho biết: "Đến Hướng Hóa, chúng tôi thấy nơi đây có khí hậu, cảnh quan như một tiểu Đà Lạt, nhưng lại có địa hình đồi núi mang vẻ đẹp của Tây Bắc, có sự độc đáo với những cánh đồng điện gió, cùng với đó là những vườn dâu sạch giúp chúng tôi an tâm sử dụng. Vườn cà phê đẹp và thưởng thức ly cà phê Khe Sanh cũng thật ngon. Chúng tôi được con người nơi đây chào đón rất thân thiện, mang lại cảm giác rất dễ chịu, thoải mái như đang ở nhà mình vậy".

Du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại Hướng Hóa. Ảnh: Tiêu Dao

Chị Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Nông sản Khe Sanh ở xã Hướng Tân cho biết, hiện, HTX đã quy hoạch vùng trồng với 8 tổ nhóm hộ dân liên kết, quản lý khoảng 100ha cây cà phê Arabica giống THA1, trong đó có tổ nhóm với 46 hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Bụt Việt (xã Hướng Phùng). Ngoài diện tích cà phê để khách du lịch tham quan, HTX còn có cửa hàng chế biến cà phê với sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP, các farm để du khách trải nghiệm và lưu trú.

“Việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP nhằm giải quyết thêm được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động trẻ nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo. HTX cũng đang có kế hoạch để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp gắn liền với du lịch hơn nữa, qua đó khai thác triệt để thế mạnh của vùng, miền nhằm góp phần phát triển kinh tế nông thôn” - chị Hằng nói.

Cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị khẳng định, hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang có nhiều nhà đầu tư trong tỉnh và những tỉnh khác quan tâm, đặc biệt là huyện Hướng Hóa với nhiều yếu tố thuận lợi như cánh đồng điện gió, khí hậu mát mẻ... Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái còn tự phát, chưa đáp ứng đầy đủ các cơ sở pháp lý về quản lý đầu tư, du lịch; chất lượng dịch vụ vẫn chưa đảm bảo, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, thiếu sự kết nối, gắn kết giữa doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch... Còn tồn tại một số bất cập, nhất là vấn đề về cơ chế sử dụng đất đai trong hoạt động du lịch nông nghiệp chưa được quy định rõ ràng. Việc này khiến dòng chảy đầu tư cũng như việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp chưa được khai thác đúng mức, chưa tận dụng tối đa các tiềm năng đầu tư của người dân tại địa phương. Nhận thấy những bất cập trên, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh triển khai các giải pháp xử lý phù hợp.

Từ kiến nghị của trung tâm, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, tập trung xây dựng các đề án để đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt là cơ chế đất đai, quy hoạch xây dựng... để tạo điều kiện cho bà con cũng như doanh nghiệp và HTX ở những vùng đang khó khăn tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế.

Tết Nguyên đán năm 2024, Hướng Hóa đã đón lượng khách vượt trội, đa số cơ sở và nền tảng hạ tầng du lịch của địa phương này chưa thực sự đáp ứng được lượng khách tăng quá nhanh. Trước sức hút của du lịch nông nghiệp, chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc để tạo ra liên tục các khóa đào tạo, gia tăng năng lực phục vụ du lịch của người dân, cơ sở dịch vụ tại Khe Sanh, tiến tới phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.

Tiêu Dao - Trần Thủy

Bình luận

ZALO