Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 03:12 GMT+7

Tạo sức hút đầu tư cho biên giới

Biên phòng - 25 tỉnh biên giới đất liền nước ta có mức tăng trưởng dương, trong đó, 20 tỉnh có mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và 17 tỉnh có chỉ số phát triển công nghiệp cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Đây thực sự là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực tăng trưởng chậm lại từ đầu năm đến nay.

Sự “trỗi dậy” của các địa phương biên giới càng đáng ghi nhận trong điều kiện thắt chặt quản lý biên giới, cửa khẩu, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan qua biên giới. Theo chuyên gia kinh tế, sự linh hoạt trong duy trì hoạt động thương mại, xuất khẩu với các nước láng giềng đã giúp các tỉnh biên giới vượt qua khủng hoảng, giữ vững được tăng trưởng kinh tế.

Khu vực biên giới đang giữ lợi thế thu hút đầu tư rất lớn trong tiến trình hội nhập sâu rộng. Trên 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc đã hình thành 26 khu kinh tế cửa khẩu, 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799ha (chiếm 36,6% số lượng cụm công nghiệp của cả nước). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các địa bàn biên giới đang được đầu tư đồng bộ về giao thông, điện, dịch vụ viễn thông, du lịch và hệ thống chợ, trung tâm thương mại...

Song, kinh tế vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung cả nước; hạ tầng công nghiệp, thương mại dịch vụ còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, nông nghiệp tuy là ngành chủ đạo nhưng còn manh mún, tự phát, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung và chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ; sản phẩm, hàng hóa sức cạnh tranh yếu...

Điều này thể hiện qua quy mô thương mại các tỉnh biên giới còn quá nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Năm 2020 đạt 30 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng kim ngạch của cả nước, bằng 21,5% tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Rõ ràng, khu vực biên giới còn nhiều tồn tại cần được quan tâm tháo gỡ. Bên cạnh những khó khăn nội tại như quy hoạch thiếu tính dự báo, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển..., thì “điểm nghẽn” lớn nhất là vốn đầu tư phát triển thiếu và bị phân tán, dàn trải. Đến nay, 23/25 tỉnh vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách Trung ương; chỉ có 2 tỉnh Quảng Ninh và Quảng Nam là tự chủ ngân sách.

Đáng lo ngại là tâm lý e ngại của tư nhân khi đầu tư vào khu vực biên giới do sợ rủi ro, lợi thế cạnh tranh thấp vì hạ tầng thương mại biên giới trống vắng các trung tâm logistics, kho hàng, trung tâm thương mại...

Là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương biên giới của Việt Nam với các địa phương biên giới của các nước láng giềng, nhưng kinh tế cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu phát triển.

Bởi, chúng ta vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống cửa khẩu. Trong khi việc nâng cấp, mở mới cửa khẩu, lối mở biên giới chậm; thủ tục cấp phép, thông quan còn rườm rà; áp dụng công nghệ trong quản lý cửa khẩu còn hạn chế.

Theo các chuyên gia, cơ hội phát triển kinh tế khu vực biên giới là rất lớn thông qua giao thương với Trung Quốc và các nước ASEAN. Do vậy, Chính phủ cần sớm triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu trong giai đoạn 2021-2030. Ngân sách Nhà nước cần đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực biên giới và tương thích với quy mô, đầu tư phát triển của các nước láng giềng.

Mặt khác, các địa phương sớm ban hành chính sách đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút các doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực phát triển cho phên dậu của đất nước. Đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO