Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:21 GMT+7

Tàu cá hợp sức “tác chiến” trên biển

Biên phòng - Ngư dân làm nghề lưới vây trũ bao ở Khánh Hoà đã nghĩ ra cách hợp sức “tác chiến” trên biển, rồi đưa cá vào chợ bán với giá cao. Cuộc sống thực tiễn hun đúc muôn vàn điều hay và tốt đẹp cùng nhau, tăng hiệu quả kinh tế cho mỗi chuyến biển.

Bài 1: Trắng đêm săn tìm đàn cá

Ban đêm, biển rộng mênh mông không biết đàn cá ở chỗ nào để buông lưới đánh bắt chính xác, ngư dân buộc phải chạy tàu đi tìm đàn cá suốt đêm. Cá nằm dưới biển làm sao nhìn thấy để “chặn đầu” bao trọn cả đàn? Đây là những câu hỏi đặt ra, để tôi quyết định đi theo tàu khai thác tận mắt chứng kiến kỹ thuật điêu luyện của ngư dân.

Tàu lưới vây trũ bao của ngư dân tỉnh Khánh Hòa ban ngày tạm nghỉ ở bờ đảo, ban đêm mới hoạt động. Ảnh: Hải Luận

“Lúc tàu em chuẩn bị áp sát vào kéo chiếc tàu lưới vây trũ bao, anh phải vào ca bin tàu ngồi, không đi lại ở ngoài, dây rợ nhiều vướng chân kéo anh xuống biển tai nạn như chơi. Chỉ lúc nào tàu này cập vào mạn tàu lưới lấy cá, anh nhảy sang bên tàu đó đi suốt đêm với họ. Tàu em vẫn cứ chạy sau để hỗ trợ lúc họ bao lưới” – Thuyền trưởng “tàu lai” Lê Đình Rim, ở phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà căn dặn.

“Chặn” đầu đàn cá

Bất chợt, thuyền trưởng Rim gọi tôi vào ca bin, rồi ông tăng tốc cho tàu chạy về hướng tàu lưới nhìn thấy lờ mờ. Hai ngư dân đứng hai bên mạn tàu cầm đèn pha ngoắt qua, ngoắt lại dưới mặt nước. Thuyền trưởng Rim giải thích: “Chưa đến 7 giờ tối, tàu lưới đã buông lưới “chặn đầu” đàn cá ở đầu kia rồi, tàu em chạy đuổi cá phía ngoài, lùa nó chạy vào bên trong vòng lưới. Khi nào hai thành lưới khép kín miệng lại với nhau, vòng vây an toàn, đàn cá hết đường chạy thoát, tàu em mới tắt đèn pha”.

Tàu của thuyền trưởng Rim chạy sát vào tàu lưới vây buộc dây phía sau lái tàu, tăng ga kéo chiếc tàu lưới vây không cho tiến về phía trước. “Chân vịt của tàu lưới vây ngừng hoạt động, nó hoàn toàn phụ thuộc vào “tàu lai” của em. Hiện nay, tàu em đang nổ máy “cầm giữ” không có chiếc tàu vây tiến về phía trước ủi vào giàn lưới, cá sẽ phóng ra ngoài hết”- thuyền trưởng Rim nói.

- Tàu của em “cầm giữ” tàu lưới vây bao lâu? – Tôi hỏi.

- Lâu hay nhanh, tùy thuộc vào đội làm lưới trên tàu vây. Nếu không bị rối dây lưới, khoảng 1 giờ là xong. Nếu lưới, dây bị rối thì thời gian có thể kéo dài 5 giờ, 8 giờ không chừng.

Khoảng 30 phút, thuyền trưởng tàu vây nói qua bộ đàm: “Giảm ga, chuyển lên dây mũi”. Thuyền trưởng Rim gọi 2 ngư dân chạy ra thay đổi dây. “Tàu lai” chủ yếu chạy lùi để giữ thăng bằng cho tàu lưới vây đang cuốn lưới. Qua bộ đàm, thuyền trưởng tàu lưới vây yêu cầu, dắt lái chiếc tàu lưới sang bên phải hoặc bên trái, kéo tàu lùi ra. “Tàu lai” phải chạy qua, chạy lại đến khi tàu lưới kéo lên được đoạn lưới dây ni lông (giống như bao đựng cá khổng lồ) mới dừng lại, hoàn thành nhiệm vụ lai dắt.

Trên boong “tàu lai” chuẩn bị những phi nhựa, hầm đựng cá, xúc đá lạnh đổ vào phi sẵn. Tàu cập mạn, tôi nhảy sang tàu lưới vây xem họ cẩu cá lên đổ từng mẻ lớn ở boong tàu. Khoảng 10 người trên tàu lưới vây và 3 người trên “tàu lai” xúm vào phân loại cá, đổ vào thùng phi nhựa bảo quản. 5 người còn lại lo cuốn lại những cuộn dây, thu xếp dây chì,... để chuẩn bị đánh tiếp. Mẻ lưới này đạt sản lượng hơn 1 tấn cá các loại.

“Chạy” theo đuôi con cá

Thuyền trưởng Nguyễn Khắc Danh điều khiển tàu lưới vây chạy tách ra khỏi “tàu lai” đi tìm đàn cá mới. Từ ca bin, Danh gọi người này, người kia kiểm tra xem đã chuẩn bị lưới, dây chì,... ở tư thế “sẵn sàng chiến đấu” cao nhất. Tàu giữ vận tốc 8 hải lý/giờ. Tôi hỏi thuyền trưởng Danh:

- Tàu mình đang chạy về hướng nào?

- Vùng biển Khánh Hòa có nhiều đảo, vịnh, đầm, chỗ nào cũng có cá, mực để đánh bắt. Mỗi loại nghề lưới vây có cách thức đánh bắt khác nhau, có tàu dùng bằng ánh sáng đèn “dẫn dụ” cá về rồi đánh. Tàu em tắt đèn “chạy như câm, như mù” để dễ “canh me” đàn cá quy tụ dưới biển, cứ chạy lòng vòng tìm cá suốt đêm. Nếu tàu ở trong nhóm “bổn đạo” trúng lớn ở đâu đó, họ cho mình biết toạ độ, tăng tốc chạy tàu đến “chia phần”.

- Nhìn ra ngoài biển thấy tối đen như mực, anh nhìn vào đâu để vừa chạy tàu, vừa tìm cá?

- Máy phía trên là định vị vệ tinh, tàu chạy đến chỗ nào nó hiện ra chỗ đó. 2 màn hình dưới là máy dò cá trục đứng và dò cá trục ngang. Sợ nhất là các tàu đánh lưới, câu, giã cào,... chạy loạn xạ, mình phải liếc mắt xem ánh đèn hiệu từ xa để chủ động cho tàu tránh né.

Thi thoảng thuyền trưởng Danh giảm tốc độ tàu xuống thấp nhất, mắt chăm chú nhìn vào máy dò cá, rồi đảo tàu chạy vòng tròn truy tìm. Tiếp tục tăng ga chạy, khoảng 1 giờ sáng, tàu áp sát bờ đảo tìm được đàn cá khá dày. Do cá nằm quá sát đảo, nước lại chảy mạnh, thuyền trưởng Danh không dám ra lệnh buông lưới đánh bắt. “Tối hôm trước tàu tui đánh trúng một mẻ lưới ở vùng này, đạt hơn 1 tấn cá hồng, cá trác, cá dòng,... bán được 120 triệu đồng. Các đàn cá dưới biển nó di chuyển theo từng vùng, chứ không phải chỗ nào nó cũng ở. Kỹ thuật đánh ven đảo là khó nhất, ngoài dòng chảy mạnh, dưới đáy biển có nhiều rạng đá, coi chừng xé nát cả giàn lưới” - Thuyền trưởng Danh giải thích.

Các lao động trên tàu lưới vây trũ bao chuyển cá sang “tàu lai”. Ảnh: Hải Luận

- Cả đêm, thấy anh cho tàu dừng lại nhiều lần, máy dò xác nhận dưới biển có đàn cá, tại sao không buông lưới đánh ngay?

- Mấy lần đó dưới biển chỉ có khoảng 4 - 5 tạ cá, nên tui bỏ qua để đi tìm đàn cá trên 1 tấn mới đánh. Trừ trường hợp “quá đói”, gần sáng phải đi “đánh càn” để kiếm tiền tổn. Mẻ lưới đánh đầu hôm đã vượt tổn và có tiền chia cho bạn, nên tui đang đi lựa chọn.

Các lao động đang ngủ phía sau lái tàu, chỉ còn tôi và thuyền trưởng Danh thức chăm chú vào máy dò cá. Bất ngờ, anh bấm còi báo động, mọi người bung dậy chạy ra phía trước boong tàu chuẩn bị thả lưới. Thuyền trưởng Danh cho tàu đảo qua, đảo lại một lúc sau, cất tiếng nói: “Đàn cá chạy quá nhanh, mất tiêu đâu rồi”. Mọi người lại quay về chỗ cũ.

4 giờ sáng, thuyền trưởng Danh lại bấm chuông báo động, mọi người chạy vào vị trí đầu dây, đầu lưới, đầu chì. Anh gọi hỏi “tàu lai” về hướng gió, dòng chảy, yêu cầu chuẩn bị tiến vào đuổi cá từ hướng Đông, tàu lưới vây sẽ “chặn đầu” đàn cá ở hướng Nam. Mọi thông số kỹ thật đã đạt chuẩn. Thuyền trưởng Danh tiếp tục bấm chuông, 15 lao động trên tàu đồng loạt thả lưới, anh tăng tốc cho tàu chạy theo vòng tròn. Phía đầu kia “tàu lai” rọi đèn pha đuổi cá liên tục. Vòng lưới đã khép chặt, thuyền trưởng Danh bấm máy cuốn lưới. Mẻ lưới thứ 2 trong đêm thu được khoảng 1,3 tấn cá các loại. Tàu quay về bờ vào lúc 8 giờ sáng, kết thúc hành trình vây bắt cá đầy kịch tính.

Bài 2: Lấy chợ làm “chuẩn”

Hải Luận

Bình luận

ZALO