Biên phòng - Sau Tết Nguyên đán, Trung thu có lẽ là cái Tết được lũ trẻ nhà quê chúng tôi mong đợi nhiều nhất. Bắt đầu từ rằm tháng Bảy, khắp làng trên xóm dưới đã râm ran chuẩn bị cho một mùa Trung thu với biết bao nhiêu niềm vui và háo hức.
Tối tối, khi chú gà trống choai cuối cùng lên chuồng cũng là lúc từng hồi trống ếch gióng giả vang lên. Tiếng trống bắt đầu từ xóm Miễu, diễu hành qua xóm Chùa, sau đó, chạy ùa sang xóm Cầu Đá... Tiếng trống đi đến đâu, lũ trẻ chúng tôi rồng rắn đi theo đến đấy. Cuối cùng, tiếng trống dừng lại ở sân Đình. Ở đây, tiếng trống gióng lên từng hồi dồn dập như thúc giục những bạn cuối cùng còn đang bận việc ở nhà ra vị trí “tập thiếu nhi”.
Hồi đó, những năm đầu của thập niên 90, “tập thiếu nhi” là hoạt động Hè vô cùng vui thích. Chi đoàn thôn trực tiếp tổ chức mọi hoạt động công tác Đội thay cho nhà trường trong thời gian học sinh nghỉ Hè. Các anh chị đoàn viên được phân công thành những cán bộ phụ trách Đội. Ban ngày, họ là những người thợ, người nông dân chân lấm, tay bùn. Nhưng tối đến, trong buổi tập, họ như những “nhà sư phạm” thực thụ. Dưới ánh trăng thanh tươi mát, họ dạy cho thiếu niên và nhi đồng những trò chơi tập thể. Chúng tôi được vui chơi thỏa thích những trò chơi như: Đếm sao, dung dăng dung dẻ, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba, cướp cờ hay kéo co... Còn nghi thức Đội và hát múa là những nội dung học tập chung, thống nhất theo sự hướng dẫn của Ban Chấp hành Đoàn xã, mỗi năm mỗi khác. Đây cũng chính là những nội dung để đến Tết Trung thu, các chi đoàn tham gia hội thi, trong đội hình toàn xã.
Gần đến ngày hội diễn, việc tập luyện càng trở nên hăng hái và tập trung hơn. Những bạn múa đẹp, hát hay được chọn lựa vào đội hình chính thức, tập luyện cả ban ngày. Sau bao nhiêu mong chờ, háo hức thì ngày Tết Trung thu cũng đã đến.
Sáng ngày mười bốn tháng Tám âm lịch, các chi đoàn có mặt tại sân vận động xã bốc thăm nhận đất, cắm trại. Trước đó, tất cả các bạn đều phải chuẩn bị những cọc tre và làm ngôi sao, nộp cho chi đoàn để trang trí trại. Việc làm những ngôi sao tuy khó nhưng thật vui. Chúng tôi tỉ mỉ chuốt từng nan tre, thanh nứa sao cho vừa đều, vừa mỏng nhưng phải thật dẻo dai để đến khi lên khung, ngôi sao vừa đẹp, vừa chắc chắn và phải vừa nhẹ để dễ dàng đung đưa trong gió.
Giấy dán sao có thể là giấy màu, cũng có bạn chỉ đơn giản dùng những trang vở cũ, lột mỏng làm hai, nhẹ như giấy làm diều. Các anh chị phụ trách sẽ chấm điểm. Sao bạn nào điểm cao sẽ được treo ở vị trí trung tâm của trại, được lựa chọn để đi thi sao đẹp. Còn những ngôi sao khác sẽ được treo trên cao hay trang trí xung quanh, cốt sao cho trại thật nhiều sao, muôn màu sặc sỡ.
Cổng trại là điểm nhấn quan trọng, đẹp và ghi dấu ấn nhất của trại. Nó được các anh chị đoàn viên và những người khéo tay trong thôn thiết kế. Có cổng trại làm bằng gỗ, có cái bằng tre, cũng có cái được làm bằng khung nhôm, sắt bọc giấy màu xanh đỏ. Có cổng trại thiết kế hình một ngôi sao thật lớn, cũng có cái hình Khuê Văn Các trong Văn Miếu, hình con rồng hay một đài sen... với những đường nét tinh xảo. Đó đều là sự thể hiện những ý tưởng độc đáo của những nghệ nhân trong từng thôn. Nhưng dù trang trí ra sao thì trên cổng trại, cờ Đảng, cờ Tổ quốc luôn ở vị trí trang trọng nhất, kế đến là biểu tượng của Đoàn, của Đội.
Tôi nhớ cổng trại thôn tôi được làm bằng gỗ mít vàng, sơn hai màu xanh đỏ, mang dáng dấp cổng làng với hình tam quan cách điệu. Hai bên cổng trại có treo cặp đèn lồng và đôi câu đối: “Em vui khi Tết Trung thu đến/ Ơn Bác chỉ đường cháu ấm no”. Biết bao nhiêu vui thích khi được ngắm nhìn cổng trại của các thôn khác với đủ các sắc màu rực rỡ, nhưng cho đến tận bây giờ, trong tâm trí tôi, cổng trại thôn nhà vẫn là đẹp nhất.
Trưa ngày mười bốn, các chi đội diễu hành từ thôn mình đi qua những cánh đồng về sân vận động xã. Thật đúng như câu thành ngữ “trống giong, cờ mở”, đoàn diễu hành đi đến đâu, cờ hoa rực rỡ, tiếng trống rộn ràng đi đến đấy. Dẫn đầu là hai con kỳ lân sư tử hình thù dữ tợn bay lên, hạ xuống vờn nhau như muốn ăn tươi nuốt sống mấy đứa trẻ đứng xem bên vệ đường. Tiếp đến là chú tễu khổng lồ mặt cười toe toét, bụng to như cái trống, tay cầm cái quạt mo cau có viền xanh đỏ phất pha phất phẩy... Từ đây cho đến hết chiều ngày mười lăm, các phần thi múa hát, kéo co, hội trại... lần lượt diễn ra.
Tối ngày mười bốn là phần thi những tiết mục văn nghệ chọn lọc của các chi đội. Sáng mười lăm thi đồng diễn nghi thức đội và hát múa, thi sao và chấm trại. Buổi chiều, ban tổ chức tập trung công bố giải và bế mạc hội trại. Sau đó, các chi đội đưa trại trở về thôn mình, niềm vui lại nối tiếp niềm vui, kéo dài như bất tận.
Nhớ mãi những lần được ăn cỗ Trung thu. Sau mỗi buổi tham gia văn nghệ, tất cả thiếu niên và nhi đồng trong thôn được tập trung ăn cỗ. Cứ sáu em một cỗ. Cỗ của trẻ con cũng chẳng khác gì người lớn, cũng giò nem ninh mọc, ba xào, ba nấu, rau thơm đủ cả. Đây là những món mà chỉ ngày Tết chúng tôi mới được thưởng thức. Ngon nhất vẫn là những miếng giò lụa đặc sản quê tôi, được các bác, các chú giã bằng tay vừa giòn, vừa béo ngậy. Mãi về sau này tôi mới biết, để có những mâm cỗ thịnh soạn cho ngày hôm ấy, các cụ trong thôn đã phải tính toán, dành dụm, tiết kiệm từ những khoản tiền hoa lợi của thôn trong cả một năm trời.
Trăng đêm rằm Trung thu là ánh trăng sáng nhất trong cả năm và phá cỗ là niềm vui sướng nhất. Hồi đó chưa có điện. Dưới ánh trăng trong thanh, sáng xanh vằng vặc, lũ trẻ chúng tôi quây quần bên các anh chị phụ trách đội, vừa chơi trò chơi vừa hát vang những bài yêu thích. Nhiều bạn còn thắp lên những ngọn lửa lung linh, lấp lánh. Chúng được làm từ những hạt bưởi phơi khô, xâu thành chuỗi, khi cháy nổ lách tách và tỏa mùi thơm hăng hắc. Những ngôi sao được trả về chính chủ và được nối cán cao ngất ngưởng. Mâm cỗ đêm rằm hôm ấy đủ đầy những sản vật của quê hương: Những quả hồng chín mọng, những quả bưởi căng tròn, những quả chuối trứng cuốc thơm lừng, những chiếc bánh dẻo trắng trong xếp quanh một chiếc bánh nướng thật to màu vàng sậm tỏa mùi thơm phức cùng rất nhiều kẹo và cốm là quà thưởng từ những phần thi trong hai ngày hội trại. Cuối cùng, chúng được chia đều cho tất cả trong sự náo nức đợi chờ và niềm vui khôn xiết.
Rồi Tết Trung thu qua đi, chúng tôi lại bước vào một năm học mới với biết bao nhiêu niềm vui sướng khi được học, được chơi đúng với lứa tuổi học trò.
Nguyễn Hội