Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 03:47 GMT+7

Tham vọng đột phá của Thổ Nhĩ Kỳ

Biên phòng - Vừa qua, thông tin về việc Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan (hàng đầu, ở giữa) tại cuộc họp hội đồng bộ trưởng BRICS mở rộng tại Nga vào ngày 11/6. Ảnh: Reuters

Khai phá không gian mới

Mong muốn gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện thông qua một thông báo của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây. Ông Fidan trả lời báo giới rằng: “Tất nhiên, chúng tôi muốn trở thành thành viên của BRICS. Hãy xem chúng ta có thể đạt được gì trong năm nay”.

Vấn đề này cũng được thảo luận tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao BRICS mở rộng tại Nga trong tháng trước với sự tham dự của ông Fidan. Giới quan sát chỉ ra rằng, mong muốn gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ đã từng xuất hiện vào năm 2018. Cụ thể là tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2018 có sự tham dự của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập BRICS vào năm 2022. Song điều này đã không xảy ra và được nhận định chỉ là một sự trì hoãn. Những động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập BRICS đang cho thấy, thành viên NATO này vẫn “nung nấu” ý định đứng trong hàng ngũ của cả hai tổ chức vốn được xem là “đối đầu”.

Ông Murad Sadygzade, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, giảng viên tại Đại học HSE (Nga) nhìn nhận, việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS phản ánh rằng, thành viên NATO này coi trọng việc tăng cường ảnh hưởng quốc tế và tiềm năng kinh tế của mình. Dễ thấy, mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ được xuất phát và thúc đẩy bởi nhiều yếu tố liên quan đến các khía cạnh kinh tế, chính trị và địa chiến lược.

Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn nhất Trung Đông, ôm tham vọng đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế, cũng như tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển nhanh. BRICS quy tụ các quốc gia “mới nổi” là “mảnh đất” rất phù hợp, đặc biệt là giúp tiếp cận một thị trường rộng lớn và có cơ hội tăng trưởng thương mại, đầu tư. Điều này là một “lời giải” vô cùng quan trọng trong bối cảnh thách thức và bất ổn kinh tế toàn cầu, khi việc đa dạng hóa các đối tác trở thành yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững.

Theo ông Sadygzade, trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phải đối mặt với những khó khăn về tài chính và các hạn chế do các tổ chức tài chính phương Tây áp đặt. Việc gia nhập BRICS sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận được nguồn tài chính mới, giúp bảo đảm các nguồn tài trợ theo các điều khoản thuận lợi hơn và ít cam kết chính trị hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay ôm tham vọng duy trì sự độc lập về kinh tế và giảm thiểu áp lực từ bên ngoài đất nước. Quốc gia thành viên NATO này cũng tích cực ủng hộ ý tưởng về một thế giới đa cực với cán cân quyền lực được phân bổ đều hơn giữa các khu vực và quốc gia khác nhau. Đồng điệu với Thổ Nhĩ Kỳ, BRICS ủng hộ đa cực và quản trị toàn cầu công bằng. Vì vậy, BRICS trở thành một nền tảng hấp dẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang nỗ lực tăng cường sự độc lập chính trị khỏi phương Tây.

Lợi ích lớn, thách thức lớn

Theo một số phân tích đáng chú ý từ giới chuyên gia, trong nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ có những nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU), song một số quốc gia thành viên EU phản đối kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Không gia nhập được EU cũng được xem là yếu tố thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến BRICS như một lựa chọn thay thế về nền tảng hội nhập.

Trong kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ thực sự trở thành thành viên của BRICS, vị thế của quốc gia này trong tổ chức là rất đáng kể. Bởi xét ở vị trí địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ là “mắt xích” quan trọng kết nối châu Âu, châu Á và Trung Đông. Nếu là thành viên BRICS, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng hiệu quả vị trí chiến lược để thúc đẩy lợi ích và tăng cường quan hệ với các nước thành viên khác, cũng như nâng cao vai trò của mình trên trường quốc tế, đặc biệt là trong hàng loạt lĩnh vực trọng yếu như an ninh, chiến lược kinh tế và chính trị toàn cầu.

Tựu trung lại, việc trở thành thành viên BRICS sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ mở ra một không gian mới với nhiều cơ hội phát triển kinh tế, tiếp cận các tổ chức tài chính thay thế, củng cố sự độc lập chính trị, lợi ích địa chiến lược, tăng cường ảnh hưởng quốc tế. Tuy nhiên, lợi ích lớn luôn đi kèm với thách thức lớn. Để trở thành thành viên BRICS không phải là con đường dễ dàng với Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vào đó, quốc gia thành viên NATO này sẽ phải đối diện với hàng loạt rào cản “khó nhằn”.

Theo giới chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải vượt qua các rào cản phức tạp về chính trị trong nước, thách thức kinh tế và áp lực từ phương Tây. Ở trong nước, chính trường Thổ Nhĩ Kỳ có một lực lượng rất lớn ủng hộ phương Tây vì những vấn đề liên quan đến tư cách thành viên NATO. Điều này sẽ gây ra những “sóng gió” đáng kể cho mong muốn gia nhập BRICS, nhất là trong bối cảnh đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lãnh đạo đã có những dấu hiệu cho thấy sự yếu hơn so với đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa (CHP) vốn có truyền thống ủng hộ các quan điểm thân phương Tây.

Về kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ quân sự và kinh tế chặt chẽ với phương Tây khiến vấn đề gia nhập BRICS đi kèm với những thay đổi phức tạp. Bởi phương Tây thường coi BRICS là mối đe dọa nên việc tạo ra áp lực cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là điều tất yếu. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng tồi tệ, lạm phát cao và có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào phương Tây. Trong khi đó, các nước BRICS chủ yếu là các nền kinh tế đang phát triển và không thể cung cấp các khoản đầu tư đáng kể so với phương Tây.

Ở phía BRICS, dù có tiềm năng kinh tế lớn, nhưng các quốc gia này vẫn phải đối mặt với các vấn đề kinh tế nội bộ và không thể hỗ trợ tài chính mọi lúc cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ngắn hạn, điều này sẽ là vấn đề kém hấp dẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới chuyên gia, việc gia nhập BRICS là một viễn cảnh tươi sáng, nhưng để Thổ Nhĩ Kỳ hiện thực hóa điều này sẽ là một chặng đường vô cùng phức tạp với tầng tầng lớp lớp rào cản.

BRICS ra đời từ khoảng những năm 2006-2009. Năm 2011, BRICS có 5 thành viên, tên nhóm được cấu thành từ chữ cái đầu tiên trong tên tiếng Anh của các quốc gia, gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ngày 1/1/2024, Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chính thức trở thành thành viên BRICS. Saudi Arabia hiện cũng đã được mời gia nhập khối và đang tiến hành các bước để trở thành thành viên. Hiện nay, BRICS chiếm hơn 40% sản lượng dầu thô toàn cầu, chiếm gần một nửa tổng dân số toàn cầu với gần 3,6 tỉ người.

Hà Thu

Bình luận

ZALO