Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 02:45 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2024):

Thắm xanh mái nhà Tây Bắc

Biên phòng - Được mệnh danh là “mái nhà Tây Bắc”, Sơn La là một tỉnh miền núi có 274,065km đường biên giới quốc gia, giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, là địa bàn sinh sống của cộng đồng 12 dân tộc anh em. Không những vậy, biên giới Sơn La hùng vĩ với dãy núi Pu Sam Sao hiểm trở là đường biên giới tự nhiên giữa hai tỉnh, là nơi lưu dấu bao truyền thuyết từ thuở “khai thiên, lập địa”, là nơi tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào luôn được khắc cốt ghi tâm trong lòng người dân hai bên biên giới.

Cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh và BĐBP Sơn La triển khai sơn sửa lại mốc quốc giới. Ảnh: Vì Hiện

Từ năm 1976 đến năm 1982, tỉnh Sơn La đã cùng tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang hoàn thành việc phân giới, cắm mốc, xác định chủ quyền thiêng liêng của hai nước Việt Nam, Lào. Điều đáng ghi nhận là, kể từ đó cho đến năm 2008, BĐBP Sơn La và nhân dân các dân tộc khu vực biên giới thường xuyên tuần tra, kiểm soát và hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lí, bảo vệ đường biên, mốc giới, không có hiện tượng chuyển dịch, phá hoại cột mốc. Song, qua hàng chục năm, thiên nhiên xâm thực và địa hình, địa vật cũng có nhiều biến đổi, hệ thống mốc giới cũ không đáp ứng được công tác quản lí đường biên, vì vậy, từ năm 2008 đến năm 2012, Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới tuyến Việt Nam - Lào trên đoạn biên giới của Sơn La đã được triển khai khẩn trương, hiệu quả.

Qua 5 năm, Đội cắm mốc biên giới số 1 và Đội cắm mốc biên giới số 2 của tỉnh Sơn La đã tiến hành 7 lần hội đàm, trao đổi, thống nhất kế hoạch tôn tạo, tăng dày mốc. Theo đó, đã tăng dày, tôn tạo được 125 cột mốc, từ mốc 145 đến cột mốc 269. Địa hình triển khai đa phần là núi cao, hiểm trở trên các dãy Sốp Cộp, Pu Sam Sao nên trong số 125 cột mốc phải tôn tạo, tăng dày trên toàn tuyến biên giới thì có tới 101 mốc tăng dày hoàn toàn phải xác định mới. Tuy có đủ phương tiện hiện đại được trang bị, nhưng việc xác định vị trí mốc vẫn gặp nhiều khó khăn, đa số các vị trí mốc đều nằm trên các điểm có địa hình núi cao, hiểm trở, điểm cao nhất có độ cao gần 2.000m so với mực nước biển.

Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, hai đội cắm mốc biên giới liên hợp hai nước đã tiến hành thảo luận, trao đổi dựa trên những nguyên tắc cơ bản, vừa giữ được sự đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, đi đến đồng thuận và thống nhất cao. Đồng chí Cầm Văn Phương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cắm mốc biên giới tỉnh Sơn La cho biết: “Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo cắm mốc biên giới tỉnh Sơn La đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo cắm mốc biên giới các tỉnh Luông Pha Bang và Hủa Phăn (Lào); chỉ đạo các đội cắm mốc của tỉnh Sơn La phối hợp chặt chẽ với các đội cắm mốc của các tỉnh bạn Lào liên quan trong quá trình triển khai công tác khảo sát xác định vị trí cắm mốc và thi công xây dựng mốc tại thực địa”.

Nhiều điểm mốc do địa hình phức tạp như đoạn biên giới từ cột mốc 257 đến cột mốc 259 (tiếp giáp giữa xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với bản Pa Háng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn), nhân dân hai bên dễ nhầm lẫn trong quá trình canh tác và khó khăn cho hoạt động quản lý của lực lượng bảo vệ biên giới hai bên. Tỉnh Sơn La phải đề nghị đoàn chuyên viên biên giới của hai nước Việt Nam và Lào trực tiếp tới thực địa để khảo sát, đo đạc, xác định vị trí và cắm cọc dấu các điểm đặc trưng của đường biên giới, qua đó, nhận được sự đồng thuận của chính quyền, nhân dân và lực lượng chức năng hai bên.

Để đến thăm cột mốc số 145, mốc quốc giới đầu tiên trên tuyến biên giới Sơn La, chúng tôi ngược theo sông Mã để lên với Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La. Dòng sông khiến chúng tôi cứ vấn vương mãi hình ảnh những đoàn quân Tây Tiến oai hùng đã vượt biên giới trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, giúp đỡ quân dân Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng và các căn cứ liên hoàn suốt từ Thượng Lào đến Trung Lào, Hạ Lào. Cung đường Sốp Cộp - Púng Bánh - Mường Lèo gần 60km, uốn lượn qua các sườn núi khiến chúng tôi thấu hiểu những khó khăn của một xã biên giới xa xôi, khuất nẻo và thiếu thốn bậc nhất của huyện Sốp Cộp. Nhưng từ ngày có con đường mới thay thế cho con đường rải đá cấp phối trước đây, đã giúp cho đời sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... được cải thiện nhiều.

Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo và Đại đội Biên phòng 161, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Luông Pha Băng (Lào) tuần tra chung trên biên giới, chúng tôi đã đến với cột mốc trên một đỉnh núi yên ngựa thuộc dãy Pu Sam Sao. Mốc 145 là mốc đơn, cỡ tiểu, làm bằng đá hoa cương, cắm tại điểm có độ cao 1.254,01m và tọa độ là 20.890145, 103.212158. Đây là đoạn biên giới rất hiểm trở, cần có sự phối hợp rất thiện chí và nhịp nhàng của hai đội công tác của hai tỉnh. Bên cột mốc 145 nhìn về những bản làng biên giới xanh ngời trong nắng mới, tôi bâng khuâng tự hỏi, con đường nào ngày xưa người anh hùng Nguyễn Đình Thử cùng tổ công tác 114 Công an nhân dân vũ trang Sơn La đã ngày đêm đi vạn bước chân không mỏi tiễu phỉ, diệt phản động, bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Và thật bất ngờ, những địa danh ngày đó có bước chân các anh, thấm giọt máu của các anh vẫn còn đó, với cặp bản Huổi Cát - Huổi Gai của xã Chiềng Sơ nằm cách cột mốc 4km đường chim bay. Trong những năm 1959-1963, tại hai bản nhỏ biên thùy ấy, tổ công tác 114 đã phát hiện một tổ chức bí mật âm mưu hoạt động xưng vua Mông. Bằng biện pháp vận động quần chúng, đội 114 đã phân hóa hàng ngũ địch, thức tỉnh những bà con bị bọn chúng lừa phỉnh, cưỡng ép trở về với chính nghĩa và dần từng bước phá rã tổ chức này. Năm 1967, đồng chí Nguyễn Đình Thử được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Một cột mốc khác cũng vô cùng đặc biệt trên biên giới Sơn La chính là mốc 230 thuộc xã biên giới Phiêng Xoài, huyện Yên Châu. Nơi đây, nhân dân đã đùm bọc, chở che cho người con ưu tú của cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn. Đồng chí đã được gia đình cụ Tráng Lao Khô nhận làm con nuôi. Tại vùng đất biên cương này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn đã tổ chức thành lập Quân giải phóng Lào, lấy tên đơn vị là Lát-xa-vông. Từ đây, các bạn Lào đã mở rộng căn cứ thành 4 khu: Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phông Xa Lỳ và Luông Pha Băng. Sau này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn đã đặt tên bản là Lao Khô để tưởng nhớ những người từng giúp mình và cách mạng Lào.

Mốc quốc giới số 230 là mốc đơn, cỡ tiểu, làm bằng đá hoa cương, cắm trên yên ngựa, cạnh đường đất lớn tại điểm có độ cao 1202,74m và tọa độ là 20.908186, 104.242408. Phía sau cột mốc được trồng một cây đa lớn xòe tán rộng, líu ríu tiếng chim ca. Được cắm trên mảnh đất cách mạng, nơi tình hữu nghị Việt Nam - Lào anh em là một điểm sáng mãi mãi chẳng phai mờ, nên Đội công tác cắm mốc số 1 phối hợp khá thuận lợi với lực lượng phía bạn. Cột mốc 230 cũng trở thành nơi gặp gỡ thường kỳ của nhân dân hai bản đã kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Bản Lao Khô hôm nay không chỉ là một địa danh, một biểu tượng cao đẹp của tình quân dân Việt Nam - Lào trong kháng chiến, mà còn là một điểm sáng trong công tác đối ngoại nhân dân.

Cùng chúng tôi lên mốc 230 còn có một “điểm tựa” của người dân Phiêng Khoài và các chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On. Đó là già làng Tráng Lao Lử, ở bản Lao Khô. Là con trai của cụ Tráng Lao Khô, đồng thời nguyên là Chủ tịch xã Phiêng Khoài, già Tráng A Lử đã tình nguyện hiến tặng 1ha đất để xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào. Già còn là “sứ giả hữu nghị” kết nối tình đoàn kết - thân ái giữa các dân tộc hai bên biên giới nơi đây bằng việc thường xuyên qua lại thăm hỏi, vận động bà con nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các văn bản liên quan về biên giới, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, sẻ chia khi khó khăn, hoạn nạn.

Đại tá Nguyễn Đình Huân, Chỉ huy trưởng BĐBP Sơn La, nguyên Đội trưởng Đội cắm mốc số 1 của tỉnh Sơn La nhớ lại: “Giai đoạn triển khai đầu tiên của dự án gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu đến địa điểm cắm mốc, do địa hình nơi đây phức tạp, chia cắt. Các khu vực biên giới đi qua hầu hết ở xa khu dân cư, lại núi cao, khe sâu, không có đường ô tô, việc cắm mốc chỉ thực hiện được trong mấy tháng mùa khô nên cán bộ, chiến sĩ vô cùng vất vả”.

Tôi nhìn vị Chỉ huy trưởng ấy với niềm cảm phục và trân trọng, bởi anh đã và đang cống hiến “trọn tình, vẹn nghĩa” với biên cương, đã làm rạng rỡ thêm màu quân hàm xanh nơi “mái nhà Tây Bắc”. Và trong một góc riêng, tôi hiểu anh đã tiếp nối truyền thống đầy tự hào của người cha anh hùng Nguyễn Đình Thử, trọn đời tận tụy, gắn bó với biên giới Sơn La.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO