Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:21 GMT+7

Thận trọng trước “cơn sốt” Chat GPT

Biên phòng - Ra mắt vào ngày 30/11/2022, Chat GPT là một chatbot do Công ty OpenAI của Mỹ phát triển. Công cụ để trò chuyện giữa người và máy theo thuật toán GPT (Generative Pretraining Transformer) là một chương trình được thiết kế đặc biệt để xử lý các chuỗi dữ liệu, có thể thực hiện nhiều tác vụ liên quan đến ngôn ngữ, văn bản, đàm thoại, trả lời câu hỏi, dịch thuật...

Ảnh: minh họa

Tuy phần mềm Chat GPT chưa được cung cấp chính thức ở Việt Nam, nhưng nhiều người dùng vẫn có cách thức khác nhau để sử dụng, tạo nên “cơn sốt” trên mạng xã hội. Những trải nghiệm thú vị khi sử dụng Chat GPT được chia sẻ như nhờ Chat GPT giải các bài tập, bài luận và được chấm điểm cao... Những điều này càng kích thích nhiều người tìm đến Chat GPT khiến phần mềm này lan tỏa trong cộng đồng với tốc độ chóng mặt.

Cho dù Chat GPT chủ yếu để thỏa tính tò mò, giải trí là chính, song các chuyên gia và cơ quan chức năng cho rằng, người dùng cần thận trọng khi sử dụng, cung cấp thông tin trên Chat GPT.

Theo chuyên gia công nghệ thông tin, điều làm cho Chat GPT trở thành trào lưu bởi lâu nay, người sử dụng vẫn được trải nghiệm những ứng dụng tương tự như Chat GPT, nhưng lại được đóng khung trong một nguồn dữ liệu có phạm vi hẹp hơn mà trí tuệ nhân tạo (AI) được cung cấp. Còn Chat GPT lại xử lý AI theo ngôn ngữ tự nhiên, được kết nối qua tính logic của các vấn đề với một nguồn thông tin mở. Nên khi người dùng tương tác với Chat GPT thì nhận được những câu trả lời thú vị, lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khoa học và cuộc sống bằng nhiều ngôn ngữ một cách nuột nà như con người.

Dưới góc độ tâm lý học, nhiều người đang tìm đến Chat GPT như một người bạn thật, xem nó như một kết nối xã hội và là một nguồn để cân bằng lại khỏi những áp lực, stress...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ về việc Chat GPT có thể thực sự được ứng dụng phổ biến để làm việc, ít nhất là tạo văn bản chuẩn mực ở Việt Nam.

Một trong những rủi ro của các phần mềm, ứng dụng sử dụng AI theo dạng Chat GPT chính là nguồn dữ liệu mà các AI học được. Hiểu đơn giản, mỗi người dùng Chat GPT cũng đồng thời là người thầy dạy, cung cấp thông tin cho AI. Nếu thầy dạy sai, cung cấp nguồn dữ liệu đầu vào sai hoặc cũ thì các AI sẽ cho những câu trả lời sai hoặc không đúng về thời điểm.

Điều này dễ dẫn tới việc các AI bị lạm dụng khi người dùng cố tình cung cấp những thông tin sai, hay thông tin xấu, độc. Cho dù các AI có cơ chế đối chiếu thông tin để tìm ra câu trả lời chính xác nhất, nhưng điều này cũng không đảm bảo được tính tuyệt đối, bởi AI dạng Chatbot (chương trình kết hợp với AI để tương tác với con người) chưa có tính phản biện.

Một hệ lụy khác mà người dùng ít kiểm chứng được, đó là việc OpenAI đang triển khai Chat GPT dưới 2 hai hình thức: Người dùng đăng nhập vào giao diện chạy thử; cung cấp dưới dạng API (giao diện nhị phân ứng dụng). Các công ty công nghệ dùng thuật toán của Chat GPT có thể thay đổi dữ liệu trước khi cung cấp cho người dùng. Điều đó tiếp tục đưa tới những rủi ro cho người dùng nếu gặp trường hợp các công ty trung gian không có sự chuẩn hóa dữ liệu mà cố tình làm sai lệch thông tin dữ liệu.

Hiện nay, xuất hiện rất nhiều ứng dụng giả tạo Chat GPT trên ứng dụng App Store hay Play Store đang thu tiền của người dùng để cài đặt, dù OpenAI chưa cấp quyền sử dụng chính thức cho người dùng. Người sử dụng sẽ không tránh khỏi những rủi ro, nhất là bị chiếm dụng thông tin cá nhân.

Vì vậy, người sử dụng Chat GPT hiện tại và sau này đều phải tự trang bị cho mình vốn kiến thức cần thiết để có thể sàng lọc được những thông tin chưa chính xác khi ứng dụng Chat GPT vào cuộc sống. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO