Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 08:03 GMT+7

Tháo nghẽn cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Biên phòng - Kết quả giám sát của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (gọi tắt là Chương trình) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 cho thấy, cả 3 Chương trình đều khó đạt mục tiêu đề ra.

BĐBP Hà Tĩnh giúp dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thế Mạnh

Cụ thể, đến ngày 30/6/2023, cả nước mới có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; còn tới 381 đơn vị cấp huyện (59,2%) chưa được công nhận đạt chuẩn NTM. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá, kết quả Chương trình xây dựng NTM chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện.

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm trên 3% - đạt và vượt mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, các huyện nghèo chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo chưa thực sự phản ánh đầy đủ các tác động của Chương trình mà phần lớn là do tác động của các chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng và chính sách an sinh xã hội khác của Nhà nước.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ hết cho các địa phương. Nhưng hạn chế của Chương trình là việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân và đóng góp của người dân đạt kết quả thấp so với các năm trước.

Trên thực tế, đời sống đồng bào DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Mục tiêu đến năm 2025 đạt mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với năm 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn và hoàn thành các chỉ tiêu về đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư ở vùng DTTS rất khó thành hiện thực.

Đáng lo ngại là tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cả 3 Chương trình chậm, nhất là vốn sự nghiệp. Đến ngày 31/1/2023, vốn năm 2022 giải ngân chỉ đạt 42,49% kế hoạch; giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ước đến ngày 31/8/2023 mới đạt 41,9% kế hoạch.

Đoàn giám sát Quốc hội thẳng thắn chỉ ra, năng lực hạn chế của một bộ phận cán bộ, công chức trong tham mưu, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, nhất là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một số cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Cơ sở pháp lý để thực hiện một số chính sách còn chưa rõ ràng, đồng bộ, trong khi sự phối hợp thực hiện các chương trình của một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ cũng là nguyên nhân khiến 3 Chương trình chậm tiến độ.

Để thúc đẩy 3 Chương trình “về đích” đúng hạn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sửa đổi những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện để tránh tình trạng cát cứ, manh mún, phân tán, làm cho các cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền không được phát huy hiệu quả trên thực tế, làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Trước mắt, Chính phủ sớm triển khai thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để “trộn” 3 Chương trình về nguồn vốn. Nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết, có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các Chương trình cho các tỉnh khó khăn; tăng mức vay hỗ trợ giảm nghèo, nhất là vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn nông thôn...

Thiết nghĩ, 3 Chương trình sẽ có kết quả tốt đẹp khi cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, những người được thụ hưởng có một tâm thế mới, chủ động, tích cực, quyết tâm hơn để vượt qua sự trông chờ, ỷ lại.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO