Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 10:24 GMT+7

Thao thức Trường Sa

Biên phòng - "27 năm rồi, vậy mà những giấc mơ lần nào cũng y hệt. Tôi mơ thấy đồng đội tôi chơi đánh bài quỳ, đánh bài nhéo đùi, rồi nói khích chọc tức nhau. Trong giấc mơ, tôi vui đến độ tỉnh dậy còn thấy miệng mình cười khùng khục". Lời tâm sự mang đầy nỗi nhớ thương đồng đội của cựu binh Trường Sa Nguyễn Văn Dũng khiến chúng tôi thổn thức. Nhiều năm nay, những bước chân khập khiễng, nhọc nhằn của người thương binh 2/4 trở về từ Trường Sa này vẫn xuôi ngược trên hành trình kết nối đồng đội và xoa dịu nỗi đau cho người thân của những người đã mãi mãi nằm lại Trường Sa.

600x494_10-1.JPG
Những cựu binh Trường Sa quây quần bên mẹ Niệm, ôn lại kỷ niệm về những đồng đội đã hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma.    
 
Giỗ người đồng đội

Đúng hẹn, chúng tôi đến điểm tập kết tại nhà cựu binh Trường Sa Nguyễn Văn Thông, hiện là chủ một quán phở nhỏ trên đường Duy Tân, TP Tuy Hòa. Hôm ấy là ngày những cựu binh Trường Sa về Hòa Phong cúng giỗ lần thứ 27 cho liệt sỹ Phan Tấn Dư. Những bó hoa cúc, hoa huệ, hoa cẩm chướng tươi thắm, những túi quà gồm bánh kẹo, trái cây, rượu, thịt vừa được hai anh Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Lanh đi chợ mua từ sớm, chuẩn bị mang lên xe.

Vượt chặng đường hơn 20 cây số, chúng tôi lên xã Hòa Phong trong cái nắng hầm hập của vùng quê lúa Tây Hòa một ngày giữa tháng Ba. Ngôi nhà liệt sỹ Phan Tấn Dư nằm ở cuối xóm, trên một gò đất cao nhìn ra cánh đồng bát ngát xanh. Những cụm hoa chuối, hoa cánh bướm rực rỡ sắc màu nằm dọc theo con đường đất dẫn vào nhà như xua bớt cảnh quạnh quẽ của ngôi nhà nơi có người mẹ lưng còng, nhiều năm ngóng đợi đứa con từ Trường Sa trở về.

Mẹ Lê Thị Niệm vui mừng, chậm chạp bước ra sân đón những đứa con Trường Sa. Những nụ cười vui giữa khung cảnh rộn ràng vẫn không thể xóa được niềm mong đợi khắc khoải trong lòng người mẹ. "Đêm nào má cũng khấn thằng Dư, má nói, nhà mình đã được đồng đội con sửa lại tươm tất, khang trang rồi. Con hãy về thăm nhà, cho má thấy mặt con một lần. Vậy mà chờ miết..." - Mẹ Niệm nghẹn ngào.

Những đứa con Trường Sa sà xuống hiên nhà, quây quần, ríu rít bên mẹ Niệm như đứa trẻ mới lớn. Những đôi tay đàn ông gân guốc soạn giỏ đồ cúng, tỉ mỉ cắm từng cành hoa, xếp những đĩa trái cây, bánh ngọt lên bàn thờ người đồng đội. "Má nhớ hết mấy đứa không, thằng Oanh, Thông, Thoại, Tùng đó. Giỗ này, tụi con còn đưa Lanh về nữa. Lanh cũng đi trên tàu HQ 604 với Dư và anh em trong trận chiến đấu giữ đảo Gạc Ma đó má" - Cựu binh Nguyễn Văn Dũng xúc động nói.

Chỉ vào dấu tích trên cánh tay bị thương của anh Lanh, anh Dũng giải thích: "Trận chiến đấu đó, Lanh bị thương trúng đạn ở ngực và cánh tay, nhưng đã vượt lên giữ lấy lá cờ trên đảo Gạc Ma, khi Thiếu úy Trần Văn Phương trúng đạn ngã xuống". Mẹ Niệm lặng người như tê dại trong niềm đau. Giây lát, mẹ run run đưa bàn tay lên xoa nắn cánh tay thương tật của anh Lanh, rồi xoa đầu anh, nước mắt mẹ giàn giụa chảy xuống đôi gò má nhăn nheo.

Mẹ Niệm sinh được 12 người con, liệt sỹ Phan Tấn Dư là người con thứ 11. Từ ngày anh Dư nhập ngũ, mẹ chỉ biết tin tức của con theo từng lá thư ít ỏi gửi về. Tết năm 1988, anh Dư về phép, nói với cả nhà qua Tết, con sẽ ra đảo. "Nó nói, má đừng lo, ra đảo vậy mà thong thả, công tác xong thì con về. Vậy mà nó đi luôn...", giọng mẹ Niệm nghẹn trong tiếng nấc. Rồi mẹ cho chúng tôi biết, khi thấy sức mình đã yếu, mẹ định giao người con trai lớn làm giỗ, nhưng những đồng đội của anh Dư không chịu. "Tụi nó nói, má cứ để giỗ của Dư ở nhà má, anh em tụi con tập trung về, giỗ chung cho ấm áp, đứa nào có cái gì thì đóng góp cái đó. Giỗ năm nào tụi nó cũng về đông đủ hết" - Mẹ Niệm kể.

"Trong tâm niệm, mình luôn nghĩ, Dư đã chết thay mình khi xảy ra trận Gạc Ma năm đó" - Cựu binh Nguyễn Văn Dũng mở đầu câu chuyện. Ngày đó, Nguyễn Văn Dũng và Trung sỹ Phan Tấn Dư ở cùng Đại đội Thông tin của Lữ đoàn 146 đóng tại Cam Ranh. Tháng 3-1988, đơn vị nhận lệnh điều động chiến sỹ ra đảo. "Lẽ ra, chuyến đó tôi đi chứ không phải Dư. Chiều trước ngày lên đường, thủ trưởng gọi tôi lên nhận nhiệm vụ, tôi báo cáo đã sẵn sàng" - Anh Dũng nhớ lại.

Nhưng chứng viêm họng trước đó nhiều ngày đã khiến cổ họng anh khô khốc, khàn đặc, mỗi lần nói, âm giọng cứ nghe khào khào chứ không rõ tiếng. Phát hiện điều này, thủ trưởng bảo rằng, làm thông tin mà cổ họng như vậy đi sẽ không đảm bảo nhiệm vụ. "Tôi bị "đuổi" về phòng rồi có yêu cầu gọi Dư lên. Dư đã đi và vĩnh viễn nằm lại ở đảo" - Anh Dũng nghẹn ngào.

Mấy ngày sau sự kiện Gạc Ma, anh Dũng cũng được lệnh lên đường ra đảo. Một buổi chiều đang trực chốt tại trạm đảo Sinh Tồn, phát hiện hệ thống thông tin bị đứt, mất liên lạc, anh liền leo lên trụ ăng-ten tiếp sóng để sửa chữa, nhưng bị trúng liền ngay một đường đạn. Khi tỉnh dậy, anh biết mình đã được đưa vào điều trị tại Bệnh viện 175, với nhiều vết thương ở xương chậu và chân. Qua gần nửa năm nằm viện điều trị, vết thương phần mềm ổn định, nhưng thương tích ở xương chậu khiến anh bị tật vĩnh viễn, những bước đi khập khiễng, xiêu vẹo.

"Dù vậy tôi biết, chỉ cần hai tay vẫn linh hoạt, đôi tai còn tinh tường, giọng rõ, tốt thì có thể đảm đương được nhiệm vụ thông tin" - Anh Dũng nhớ lại. Sau khi vết thương lành, anh đã đề đạt nguyện vọng và được tiếp tục ra đảo. Thêm 6 năm thực hiện nhiệm vụ, bằng nghị lực, vượt qua đau đớn của thân thể mang thương tật và cả đời sống vật chất khó khăn, thiếu thốn trên đảo, năm 1993, anh Dũng đã được xuất ngũ trở về địa phương.

Hành trình tri ân

Ngày xuất ngũ, anh Dũng về quê nhà ở TP Nha Trang. Cơ thể anh lúc đó chỉ nặng 36kg, tay chân liêu xiêu, phản xạ kém, bước chân đi đứng khó khăn. Anh biết, chỉ có nỗ lực tập luyện mới giúp mình thoát khỏi tình trạng tàn phế. Vậy là, lặng lẽ một mình như Rô-bin-sơn, anh ra bãi biển dưới chân núi Cô Tiên, "nơi này trống trải, không có đường sá, ít người qua lại. Hơn nữa, ở đây mỗi ngày được hít thở gió biển, nhìn ghe đánh cá trở về, lòng mình bớt nhớ đảo" - Anh Dũng tâm sự.

Anh Dũng xếp đá dựng vách chắn, đắp nền, chặt cây rừng phủ trên mái thành cái chòi để ở. Rồi anh cũng tự tạo cho mình những dụng cụ để luyện đôi tay cho khỏe, phản xạ nhanh, tập cơ bắp chân cho to ra để bước đi vững chãi. "Đồng đội, bạn bè tìm đến thăm, thấy khung cảnh nơi này hay hay, khích lệ tôi mở một cái quán nhỏ bán thức ăn tươi ở biển" - Anh Dũng nhớ lại.

Khi cơ thể dần hồi phục, anh Dũng đã nung nấu quyết tâm ra Phú Yên để tìm cho được nhà liệt sỹ Phan Tấn Dư. "Hồi đó, các phương tiện liên lạc, xe cộ đi lại đều khó khăn. Ngoài cái tên Phan Tấn Dư, tôi chỉ biết Dư sống ở Phú Yên. Trong tay lại không có tiền... Tôi hiểu, không thể vội vàng, phải bắt tay ngay, làm cái gì đó để kiếm tiền".

Người cựu binh Trường Sa gây dựng một cửa hàng ăn uống, bán hải sản ở ven biển Nha Trang và bắt đầu thực hiện kế hoạch, mùa nắng buôn bán, mùa mưa ít khách sẽ đóng cửa đi ra Phú Yên tìm nhà đồng đội. Mất ba năm, hàng chục chuyến đi về giữa Nha Trang - Tuy Hòa mà không lần ra một dấu vết nhà đồng đội. Cho đến một buổi chiều, đang đứng bán, bất chợt anh Dũng nghe có giọng nói của người Phú Yên ở một nhóm khách. "Như mọi lần, tôi tiến đến hỏi thăm quê quán anh ấy và chìa tấm các-vi-dít.

Vị khách nói, ông từng nghe, ở xã Hòa Phong quê ông có người đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa hy sinh. Nghe tôi đề nghị giúp đỡ, ông hẹn sáng sớm hôm sau, tôi ra bến xe để cùng ông về Tuy Hòa". Hơn 5 tiếng đồng hồ trên chuyến xe đò cọc cạch vượt chặng đường 120 cây số là chừng ấy thời gian, anh Dũng nôn nao, bồi hồi, trong đầu nảy lên biết bao nhiêu hình ảnh.

"Hôm đó, đi vào nhà, tôi thấy một bà má lưng còng ngồi trước cửa. Đưa mắt quanh nhà tìm xem bàn thờ nơi nào nhưng không thấy, bụng dạ tôi thấy lo lo. Đứng lại bên má, tôi dò hỏi: Má có bao nhiêu người con, các anh chị làm gì. Má đọc tên từng đứa con, khi nghe tiếng "thằng Dư", tim tôi như thắt lại. Tôi đến gần bên, níu đôi tay của má, "Dư đi bộ đội Trường Sa hả má? Con là đồng đội của Dư đây!". Trong giây phút nhớ nhớ, quên quên của tuổi già, má lại lầm tưởng tôi là thằng Dư, má ôm tôi mừng quấn quýt, khóc nghẹn" - Anh Dũng nhớ lại.

Từ ngày tìm được nhà anh Dư, anh Dũng thường xuyên đi về với người mẹ. Anh xin bà nhận anh làm con nuôi để được gần gũi, đi về thăm nom. Rồi anh tìm lại những bạn bè, đồng đội, hằng năm tổ chức gặp mặt, kết nối anh em ở Phú Yên, Khánh Hòa từng đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Biết ở đâu có thân nhân đồng đội hy sinh ở Trường Sa, anh cùng anh em cựu binh Trường Sa tìm đến thăm hỏi, đóng góp vật chất, công sức để hỗ trợ những gia đình khó khăn sửa lại nhà cửa cho khang trang, tặng sổ tiết kiệm cho các bà mẹ, giúp đỡ con các liệt sỹ có điều kiện học hành đàng hoàng.

Chị Nhung, người em gái út của anh Dư xúc động kể, cả nhà mấy anh em đều làm ruộng nên ai cũng nghèo, thiếu trước, hụt sau, không ai có điều kiện đỡ đần cho má. Sau khi tìm được gia đình, anh Dũng đã dành phần tiền tích góp riêng, cùng với nguồn địa phương hỗ trợ đã cho gọi thợ tráng lại nền xi măng thay cho cái nền đất cũ, đồng thời sửa chữa, quét vôi lại ngôi nhà của má sáng láng hơn. Cùng khoản tiền gửi về lập cho má sổ tiết kiệm, hằng tháng, anh còn chu đáo lo thuốc men, gửi thức ăn ngon để bồi dưỡng cho má.

Năm trước đang vào mùa lạnh, về thăm má, anh cứ xót xa, "ở đây gió buốt quá. Trời lạnh, má già như thế mà ra giếng múc nước xối ào ào, làm sao chịu nổi". Vậy là, anh đi vận động bạn bè hỗ trợ, cùng với những đồng tiền mình tích cóp được và gọi thêm cựu chiến binh Trường Sa góp công, chỉ trong nửa tháng, anh và bạn bè đã làm cho má một phòng tắm sạch sẽ, ấm áp.    

Phương Oanh

Bình luận

ZALO