Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:24 GMT+7

Thất sơn huyền thoại, một dải biên thùy

Biên phòng - Biên giới An Giang rộn ràng trong ngày Xuân mới. Mai vàng, cúc vạn thọ rực rỡ trong nắng miền Tây như mời gọi khách phương xa về chung vui với cộng đồng các dân tộc anh em Kinh, Chăm, Hoa, Khmer. Những rặng thốt nốt như hàng tiêu binh cường tráng trên các bờ ruộng vùng biên cũng ngời sức sống, như hàng trăm mặt trời xanh tỏa bóng râm cho người dân vui sạ lúa dưới bùn. Với vị trí địa lý tương đối đặc biệt, nơi đầu nguồn sông Mê Kông chảy vào lãnh thổ Việt Nam, cái tên An Giang chính thức được ghi vào hệ thống hành chính của nước ta vào năm 1832.

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khảo sát biên giới An Giang tại cột mốc 241. Ảnh: Gia Khánh

Hiện nay, đường biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang dài gần 100km, tiếp giáp với 2 tỉnh Kan Dal và Tà Keo, Vương quốc Campuchia, đi qua 5 huyện, thị xã, thành phố và 18 xã, phường, thị trấn biên giới. Theo đó, đường biên giới trên sông rạch khoảng 13,6km, đường biên giới trên đất liền khoảng 86km. Vùng biên nơi này cũng thực sự là một cõi non sông cẩm tú lưu dấu nhiều huyền tích và những trang sử hào hùng. Có thể kể đến những danh thắng như vùng đất thiêng Thất Sơn - Bảy Núi, miếu Bà chúa Xứ, kênh Vĩnh Tế, rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên, căn cứ Ô Tà Sóc, Đồi Tức Dụp, Nhà mồ Ba Sóc...

Là miền đất trù phú, sản vật đa dạng nên An Giang từ xa xưa đã ghi nhận dấu tích của một số nhóm người Kinh từ miền Trung vào khai khẩn đất đai. Dần dần, họ lập thành các điếm, các giáp... để sinh cơ lập nghiệp, rồi chia ra các nhánh khai phá các vùng đất mới. Tới năm Đinh Sửu 1817, Thống chế khâm sai thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) khởi phát một đợt di dân lập ấp lớn đến An Giang, góp phần bình định, mở mang cương thổ về phía Tây Nam vào thời nhà Nguyễn. Là một danh thần yêu nước, thương dân, Thoại Ngọc Hầu để lại trên đất An Giang những công trình mang tính chiến lược về quốc phòng, giao thông và nông nghiệp, trong đó, đặc biệt phải kể đến kênh Vĩnh Tế.

Đến đầu thế kỷ XIX, quân Xiêm nhiều lần sang xâm lấn nước ta, đánh thẳng vào vùng Hà Tiên, Châu Đốc và thọc sâu xuống Tân Châu để cướp phá. Nhưng rồi chỉ vài năm sau, người dân lại trở về chốn cũ, bám theo dòng kênh nước lành để xây dựng lại thôn làng. Lịch sử An Giang ghi nhận: “Vùng “Châu Đốc Tân Cương” là biên cương hiểm trở, vừa sản xuất, vừa phải đối phó với ngoại xâm. Mỗi người dân khẩn hoang quả là một lính thú vô danh nơi biên cương xa xôi này. Tới năm 1853, Điện hàm Đông các Đại học sĩ, Kinh lược sứ Nam Kỳ Nguyễn Tri Phương vào nhậm chức ở miền Nam đã có sáng kiến lập đồn điền biên giới nhằm ngăn giặc, yên dân. Chỉ một năm sau, đã thành lập được 21 cơ đồn điền, hai năm sau, chiêu mộ được 1.646 dân đinh, lập 159 thôn ấp ở Châu Đốc và Hà Tiên

Biên giới An Giang, nhất là vùng Thất Sơn - Bảy Núi là nơi nhiều chí sĩ yêu nước, thủ lĩnh các phong trào Cần Vương chọn làm căn cứ. Nhất là trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, quân dân ta đã bám trụ chiến đấu dựa vào hình thế núi sông vững chãi của biên cương và một vùng giáp biên rộng lớn phía Campuchia để chiến đấu và chiến thắng. Chính vì lẽ đó, dọc biên giới, những địa danh như núi Dài, núi Tượng, núi Két, núi Cấm hay đồi Ma Thiên Lãnh, Ô Tà Sóc... đều có dấu tích những hang đá mà bộ đội ta chọn làm nơi chôn cất vũ khí, ẩn nấp và chiến đấu.

Trên biên giới An Giang, vào dịp ngày 15 và 16/3 âm lịch, nhân dân trong vùng thường sửa lễ đến Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu - Phi Lai để tổ chức lễ giỗ tập thể nạn nhân Ba Chúc đã thiệt mạng do bị quân Pol Pot giết hại trong 12 ngày đêm (từ 18/4-29/4/1978). Đây được xem là lễ giỗ tập thể lớn nhất Việt Nam để tưởng nhớ những anh linh vô tội và cầu nguyện cho hòa bình cho đất nước và nhân dân biên giới Việt Nam - Campuchia. Những năm tháng biên giới Tây Nam đạn pháo mù trời, các đồn Biên phòng, bộ đội, dân quân du kích vùng biên giới đã sớm nhận diện kẻ thù, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đẩy lùi các mũi tấn công của địch về phía bên kia biên giới.

Bước vào giai đoạn mới, công tác phân giới cắm mốc (PGCM) cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang và các cơ quan chức năng ráo riết chuẩn bị triển khai. Theo báo cáo của Sở ngoại vụ tỉnh An Giang, ngày 27/12/1985, “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia” được ký kết và có hiệu lực từ ngày 22/2/1986, song, khu vực biên giới An Giang chưa được triển khai cắm mốc mà 2 bên vẫn quản lý biên giới theo hiện trạng. Theo Hiệp ước 1985 và Hiệp ước bổ sung 2005, đường biên giới tỉnh An Giang gồm 46 vị trí với 48 cột mốc. Đoạn biên giới bắt đầu từ Mốc quốc giới 241 (Vĩnh Xương) đến Mốc quốc giới 286 (Vĩnh Gia).

Trên tuyến biên giới trọng điểm này, vào ngày 9/6/2010, UBND tỉnh An Giang phối hợp cùng chính quyền tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) tổ chức lễ khánh thành cột mốc biên giới 241 nằm tại khu vực Cửa khẩu quốc tế sông Tiền, trở thành cột mốc khởi đầu đoạn biên giới giữa tỉnh An Giang và tỉnh Kandal, Campuchia. Cặp cửa khẩu quốc tế Sông Tiền- Kaomsamno được đánh giá là năng động và tăng trưởng cao nhất tuyến biên giới Việt Nam và Campuchia với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm 65% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới Việt Nam - Campuchia.

Tuy nhiên, với vị trí địa lý và lịch sử của mình, An Giang hiện cũng là địa phương có khối lượng công việc tồn đọng khá lớn. Tại Hội nghị trực tuyến giữa các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã hoàn thành khoảng 78% công tác này, phân giới được trên 76km, cắm 37 cột mốc chính, 92 mốc phụ, 63 cọc dấu. Hiện, còn khoảng 22% chưa PGCM, tập trung ở thị xã Tân Châu, huyện An Phú, thành phố Châu Đốc. Tỉnh đã duy trì quản lý biên giới theo hiện quản; chủ động phối hợp lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia duy trì thực hiện các hiệp định, hiệp nghị, thông cáo báo chí, quy chế biên giới và các văn bản thỏa thuận hai bên đã ký kết.

Đối với công tác này, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề và ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo PGCM Quân khu 9, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ PGCM trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các sở, ban ngành, các địa phương triển khai hiệu quả các nội dung theo chỉ đạo của trên. Thượng tá Bùi Văn Giang, Đội trưởng Đội PGCM số 9, tỉnh An Giang cũng cho biết thêm rằng, do đường biên giới có lịch sử phức tạp, bản đồ hiện trạng có sự sai lệch nhau về mặt định hình nên công tác PGCM gặp rất nhiều khó khăn, phải khảo sát, đo đạc nhiều lần mới có thể di đến thống nhất.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền; vận động các hộ dân có đất sản xuất sát biên giới tạo điều kiện cho công tác PGCM được thuận lợi. Hiện, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh An Giang vẫn đang duy trì 98 tổ/73 khóm, ấp giáp biên về tự quản đường biên, cột mốc và 855/855 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc... Ngoài ra, còn có 7 cặp khóm, ấp, phum, sóc tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới và có 11 Đồn Biên phòng kết nghĩa với lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện.

Ông Hai Bé, một nông dân hồn hậu ở ấp biên giới Vĩnh Hòa là người nói tiếng Campuchia thành thạo, lại có uy tín nên được người dân cả hai bên tin tưởng, trọng vọng. Ông bảo: “Nhà tui có ba chục công ruộng giáp đất ông Lên phía bên Campuchia. Trước giờ làm ruộng gần nhau nên qua lại thân thiết. Giờ biên giới được phân định. Ruộng ai nấy làm, xưa giờ không thay đổi”. Ông Pon, Chủ tịch xã Tà Ô, còn sang nhận ông Hai Bé làm anh nuôi cũng cho biết, hiện có hơn 100 hộ dân của hai xã tham gia canh tác dọc đoạn biên giới này và ai cũng có ý thức giữ gìn và bảo vệ đường biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như giữ tình cảm láng giềng tốt đẹp.

Ôn cố tri tân, mới thấy hòa bình, ổn định có ý nghĩa quan trọng đến nhường nào. Sáng ngày 19/1/2024, nhân dân biên giới An Giang hân hoan đón mừng lễ công bố quy hoạch An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt với một trong ba mục tiêu đột phá là Hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu. Vùng biên “năm non bảy núi” trên mảnh đất chín rồng với những lời sấm truyền huyền thoại về cánh cung Bảy Núi luôn bảo vệ nhân dân khỏi thiên tai, bệnh tật và giặc giã đã chuyển mình đón vận hội mới.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO