Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 04:44 GMT+7

Thấy gì từ việc Iran làm chậm quá trình làm giàu uranium?

Biên phòng - Đầu tuần này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã có báo cáo cho thấy, Iran đang làm chậm quá trình làm giàu uranium. Động thái này làm khơi dậy những kỳ vọng đang nguội lạnh về việc “hồi sinh” Kế hoạch Hành động chung toàn diện, hay còn gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA).

Máy ly tâm của Iran được trưng bày trong một sự kiện ở Thủ đô Tehran, Iran vào tháng 6/2023. Ảnh: Reuters

Đầu tháng 9/2023, các thanh sát viên của IAEA cho hay, kho dự trữ uranium làm giàu cấp độ cao của Iran chỉ tăng 7% trong 3 tháng qua so với mức tăng 30% của quý trước. Con số này cho thấy mức suy giảm mạnh nhất kể từ khi Iran khởi động tiến trình tăng tốc làm giàu uranium cấp độ cao từ năm 2021.

Giới quan sát an ninh, chính trị quốc tế bình luận, con số mà IAEA vừa công bố cho thấy những tín hiệu tích cực trong vấn đề hạt nhân Iran. Tín hiệu này có thể có được là nhờ kết quả của nhiều tháng ngoại giao tích cực giữa Iran và Mỹ. Nổi bật nhất trong những kết quả đó là việc hai nước đạt được thỏa thuận vào tháng trước về việc thả tự do cho các tù nhân Mỹ bị giam giữ tại Iran, đổi lại, Iran nhận hàng tỷ USD bị “đóng băng” ở nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lưu ý rằng, những kết quả ngoại giao giữa Mỹ và Iran cần được tách bạch khỏi các cuộc đàm phán chính thức về việc hồi sinh JCPOA. Điển hình như tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trên truyền thông quốc tế cho hay, những diễn biến tích cực giữa Mỹ và Iran không liên quan đến bất kỳ khía cạnh nào khác trong chính sách của siêu cường quốc với quốc gia Hồi giáo. Mỹ sẽ hoan nghênh bất kỳ bước đi nào mà Iran thực hiện để thực sự giảm leo thang căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.

Nhiều chuyên gia chính trị cho rằng, trước đây, Iran đã từng điều chỉnh sản lượng uranium để báo hiệu sự sẵn sàng ngoại giao. Điển hình nhất cho đường hướng này thể hiện ở việc JCPOA đạt được vào năm 2015 giữa Iran và nhóm P5 +1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức). Tuy nhiên, đến năm 2018, Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này, khiến JCPOA được ví von là “chết yểu”. Sự kiện này kéo theo hàng loạt các bước đi leo thang căng thẳng, gây nên những lo ngại rất lớn về việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân, mặc dù quốc gia Hồi giáo luôn kiên định phủ nhận và nhiều lần tuyên bố, việc phát triển hạt nhân để phục vụ các mục đích tốt đẹp cho đời sống xã hội.

Vì vậy, dù có những lời phủ nhận sự liên quan giữa những tiến bộ ngoại giao Mỹ - Iran với JCPOA, song, giới quan sát vẫn tin rằng, hai vấn đề này có những liên kết ở mức độ nhất định. Đặc biệt, trong tuần trước, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Khamenei chia sẻ rằng, có thể đã đến thời điểm Iran cần sẵn sàng liên lạc với tất cả các chính phủ khác.

Trong một chia sẻ trên truyền thông quốc tế vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng gửi gắm những thông điệp tích cực, cho rằng, dựa trên thông tin cho đến giai đoạn này, dựa trên tiến độ của các thỏa thuận, tiến trình đang diễn ra tốt đẹp, Iran hy vọng thỏa thuận trao đổi tù nhân Mỹ và giải phóng số tiền của Iran bị phong tỏa sẽ được thực hiện đầy đủ trong vòng hai năm. “Điều này sẽ tạo cơ sở cần thiết để xây dựng niềm tin cho sự tiến bộ trong các lĩnh vực khác” - người đứng đầu ngành ngoại giao Iran nói.

Được biết, Iran bắt đầu làm giàu uranium cấp độ 60% sau vụ tấn công nhằm vào nhà máy nhiên liệu hạt nhân lớn nhất ở Natanz năm 2011. Tuy việc làm giàu uranium vẫn thấp hơn mức 90% thường được sử dụng để sản xuất vũ khí, nhưng mức độ tinh khiết vẫn cao hơn nhiều so với giới hạn 3,67% được nêu trong JCPOA.

Truyền thông quốc tế dẫn nguồn tin từ giới chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nới lỏng việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với việc bán dầu của Iran, giúp khôi phục sản xuất của nước này lên mức cao nhất kể từ khi các hạn chế được áp dụng cách đây 5 năm. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của các thanh sát viên IAEA cũng thừa nhận rằng, vẫn còn những rào cản đáng kể trong nỗ lực khôi phục JCPOA.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO