Biên phòng - Sau 1 tháng yên lành, Việt Nam đứng trước nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch bệnh lần thứ tư. Tính từ ngày 27-4 đến nay, trong nước liên tiếp ghi nhận các ổ dịch mới trong cộng đồng tại các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội với gần 100 ca mắc mới.
Mặc dù chúng ta cơ bản kiểm soát tốt tình hình, nhưng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cảnh báo, đợt dịch lần này rất đáng quan ngại với nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm từ người nhập cảnh hợp pháp, nhập cảnh trái phép, sự xuất hiện của những biến chủng mới của SARS-CoV-2, cộng với tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của nhiều địa phương và người dân.
Thảm kịch do Covid-19 gây ra ở Ấn Độ chính là bài học cảnh tỉnh đối với tất cả các quốc gia về sự chủ quan trong ứng phó với đại dịch, khi hàng loạt sự kiện, lễ hội vẫn diễn ra với sự tham gia của hàng triệu người.
Ngay trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Chính phủ, Bộ Y tế liên tục cảnh báo, khuyến cáo người dân không tụ tập, vui chơi đông người và nhất thiết phải đeo khẩu trang khi ra đường. Nhiều địa phương đã hủy các sự kiện văn hóa, lễ hội, dừng các dịch vụ giải trí trước kỳ nghỉ lễ. Thế nhưng, tại nhiều khu du lịch ở Vũng Tàu, Đà Lạt, Phú Quốc, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh... vẫn đông kín người, trong đó, nhiều người không đeo khẩu trang.
Hình ảnh biển người chen chúc trên các bãi biển khiến dư luận bất bình và lo lắng vì vào thời điểm đó Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở một số địa phương. Sự vui chơi náo nhiệt, chủ quan tại một số địa phương thật phản cảm trước sự vất vả, căng thẳng của các lực lượng y tế, quân đội, công an, biên phòng trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, khoanh vùng, điều trị, dập dịch.
Đến nay, Việt Nam vẫn được thế giới coi là điểm đến an toàn, cuộc sống của người dân không quá xáo trộn bởi dịch Covid-19. Có được thành quả này là nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất hiện nay là tình trạng nhập cảnh trái phép, trốn kiểm dịch, trốn cách ly y tế dẫn tới dịch bệnh thẩm lậu và lây lan trong cộng đồng. Thậm chí, một số người không tuân thủ nghiêm quy định về cách ly, coi thường sức khỏe, tính mạng cộng đồng khiến dư luận rất bức xúc, phẫn nộ.
Điển hình là ca bệnh 2899 tại tỉnh Hà Nam đã không tuân thủ quy định tự theo dõi sức khỏe ở nhà 14 ngày khi trở về từ điểm cách ly, tổ chức liên hoan, gặp gỡ nhiều người, làm lây nhiễm Covid-19 cho 15 người khác...
Cho dù Bộ Y tế quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ 14 ngày lên 21 ngày, các chuyên gia đề nghị phải siết chặt công tác quản lý, giám sát y tế những người sau khi hết cách ly tập trung tại nơi cư trú để phòng ngừa mọi hậu họa cho cộng đồng.
Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các ngành và người dân nâng cao tinh thần “chống dịch như chống giặc” ở mức cao nhất, đồng thời yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh tại Hà Nam, Yên Bái, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng...
Rõ ràng, để giữ vững thành quả phòng chống dịch, bên cạnh công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, phòng chống nhập cảnh trái phép, cách ly triệt để, không để lây nhiễm ra cộng đồng, các địa phương cần tăng cường giám sát cộng đồng và xử lý nghiêm minh trước pháp luật mọi trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.
Như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang buộc phải học cách thích ứng và tồn tại trong trạng thái “bình thường mới”. Vì lợi ích của cộng đồng, quốc gia, dân tộc, tinh thần yêu nước của người dân trong bối cảnh hiện nay là sự tham gia tích cực vào thế trận phòng dịch toàn dân và ý thức tự giác tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Hoàng Lâm