Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 11:23 GMT+7

Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm: Nặng lòng với sự ổn định và phát triển của lực lượng

Biên phòng - Cứ mỗi buổi sáng sớm, trên tầng thượng của ngôi nhà 3 tầng nằm khiêm tốn trên một con phố nhỏ của Hà Nội, người ta lại thấy một vị tướng già một mình lặng lẽ ngồi trầm ngâm bên tách trà, vầng trán trĩu nặng suy tư. Dù đã giã từ quân ngũ, trở về với đời thường, song tâm hồn, trái tim vị tướng ấy vẫn nặng lòng với biên giới, với đồng bào các dân tộc và người lính Biên phòng. Những năm tháng gắn bó với biên thùy vẫn sáng lung linh trong từng trang ký ức, và với ông, nó sâu nặng suốt cả cuộc đời. Ông là Thiếu tướng, Tiến sĩ Đặng Vũ Liêm, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị Bộ đội Biên phòng, người đã có nhiều cống hiến trong lĩnh vực công tác Đảng, công tác chính trị, với một tấm lòng luôn vì biên cương, vì sự ổn định, phát triển của lực lượng Bộ đội Biên phòng thời kỳ đổi mới.

Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm, Đại biểu Quốc hội Khóa X, Phó Tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng (1996-2004). Ảnh: Tư liệu

Quê ông ở Việt Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên, ông sinh năm 1942, ở thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, lớn lên ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Tuổi ấu thơ của Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm là những tháng năm nhọc nhằn, vất vả với biết bao kỷ niệm không thể nào quên. Vừa tròn 4 tuổi, ông đã phải nếm mùi cay đắng của cảnh đời, bố mất sớm, mẹ một mình phải bươn chải nuôi 11 người con vượt qua cái đói, cái rét, để từng bước trưởng thành. Người anh cả trong gia đình ông lúc đó mới 16 tuổi, còn cậu út vừa tròn 1 tuổi. Ông là con thứ 9 trong gia đình. Là người con hiếu thảo, thấy gia đình lâm vào cảnh bần hàn, ông thương mẹ lắm. Ông còn nhớ rõ cái dáng bé nhỏ, cặm cụi của mẹ ngược xuôi, buôn bán tương, cà, mắm, muối, rong ruổi khắp các chợ từ Phú Thọ đến Việt Trì. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, mẹ vẫn định hướng cho các con: Đói ăn nhưng không được "đói chữ", "nghèo nhưng không hèn", nghèo lại càng phải học để thoát khỏi cái nghèo. Thế là, các con của mẹ, chẳng ai bảo ai, đều gắng sức vươn lên. Người lớn dìu dắt em nhỏ, vừa chăm chỉ học hành, vừa đi làm thuê để giúp mẹ. Cuối cùng, mọi người đều trưởng thành, là những vị tướng, nhà giáo ưu tú, là giáo sư, tiến sĩ...

Hồi tưởng lại những năm tháng tuổi thơ, trái tim vị Tướng như còn thấy nhói lên một nỗi đau. Ông được mẹ kể lại, mùa đông năm 1945, khi cách mạng Tháng Tám vừa thành công, quân Tưởng Giới Thạch cùng bọn Quốc dân đảng tràn vào thị xã Phú Thọ quấy nhiễu, cướp bóc tài sản, đe dọa tính mạng của nhân dân, rình rập vây bắt thanh niên trai tráng đi lính. Mẹ ông, người đàn bà mảnh mai yếu ớt là vậy nhưng phải gồng mình ra bao bọc, chở che lo cho 11 người con trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khắc nghiệt ấy. Mẹ đêm ngày thấp thỏm, âu lo cho những đứa con, làm sao thoát khỏi "nanh vuốt" của lũ giặc cùng bè lũ bán nước. Khi người con trai thứ 2 trong gia đình là Đặng Vũ Can bị bọn chúng vô cớ bắt giam 2 lần, mẹ nhiều lần rơi nước mắt. Cũng chính trong thời khắc quan trọng ấy, mẹ đưa ra một quyết định lớn lao: Đưa các con mình trực tiếp tham gia kháng chiến! Đó chính là bước ngoặt quan trọng quyết định sự phát triển của gia đình.

Rồi một buổi sớm mùa đông năm 1946, gửi 9 người con nhỏ cho xóm giềng, mẹ cùng 2 người con trai lớn "vào vai" những người đi tảo mộ để che mắt bọn lính Tưởng Giới Thạch và mật thám ngoài đường, lặng lẽ trà trộn vào dòng người đi tản cư. Vượt qua hàng rào kiểm soát gắt gao của địch, cuối cùng 3 mẹ con cũng tới được một đơn vị Vệ quốc đoàn. Mẹ đã run run trao tận tay hai người con trai lớn yêu quý của mình cho những người chỉ huy. Khoảnh khắc ấy đã mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ mà tất cả các con của mẹ đều lần lượt thoát ly, tham gia trực tiếp vào 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng nước nhà, xây dựng đất nước sau này.

Thời gian trôi đi, năm 1961, khi đang là học sinh lớp 9/10 của trường cấp 3 Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, chàng trai trẻ Đặng Vũ Liêm lòng tràn đầy nhiệt huyết lên đường nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Lúc này, các anh lớn đã thoát ly, gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn, rất cần sự có mặt của ông bên cạnh mẹ già để dìu dắt 2 em nhỏ. Nhưng với trách nhiệm của một thanh niên trước Tổ quốc, và cũng là để mẹ bớt đi gánh nặng, ông quyết định bước vào con đường quân ngũ, bỏ lại sau lưng cả tuổi thơ nhọc nhằn, cả những dự định, ước mơ về con đường học hành còn dang dở. Sau này, dù quân hàm, chức vị cao, ông vẫn luôn tận dụng thời gian để học mọi lúc, mọi nơi và học vị Tiến sĩ mà ông có được đã chứng minh điều đó.

Sau thời gian huấn luyện ở Phú Thọ, ông được điều động về đơn vị cơ động, canh giữ Trại tạm giam và bảo vệ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. Tháng 10/1961, ông được đơn vị cử đi học ở Trường Văn hóa Công an nhân dân vũ trang. Học xong, ông được điều động về khu Công an nhân dân vũ trang Tây Bắc và sau đó về Công an nhân dân vũ trang tỉnh Sơn La. Năm 1965, ông được tuyển chọn đi đào tạo ở trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang. Tốt nghiệp vào loại giỏi, ông được Bộ Tư lệnh điều về làm giáo viên khoa Lịch sử Đảng, Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang. Từ năm 1977 đến năm 1980, ông học nghiên cứu sinh tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, ông được trao quyết định ở lại trường làm giảng viên của khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng ông đề đạt được trên chấp thuận điều trở lại trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang. Từ năm 1980 đến năm 1987, ông lần lượt là giáo viên, Tổ trưởng bộ môn, Phó khoa, Trưởng khoa Khoa học xã hội và được bầu là Đảng ủy viên dự khuyết của Đảng bộ nhà trường, là Bí thư Đoàn trường. Những năm tháng làm giảng viên trên giảng đường, ông luôn là một nhà giáo ưu tú, mẫu mực, với nhiều bài giảng có tính nghiên cứu, chuyên sâu, được nhiều thế hệ học viên ngưỡng mộ, coi ông là một tấm gương sáng để tích cực học tập, noi theo.

Năm 1987, để tăng cường cho biên giới phía Bắc, Bộ Tư lệnh điều động ông làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng. Năm 1988, ông được bổ nhiệm Chỉ huy phó về Chính trị, Bí thư Đảng ủy của Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng. Những năm tháng ông ở Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng là những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng đáng nhớ nhất. Khi đó, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra từ năm 1979 và kéo dài đối đầu căng thẳng hơn 10 năm. Đây là thời kỳ ông được thử thách, rèn luyện toàn diện, tạo tiền đề cho sự phát triển sau này.

Thời kỳ này, tại tỉnh Cao Bằng, những cuộc chiến đấu vũ trang tuy có giảm nhiều, nhưng những xung đột nhỏ như tập kích, phục kích vẫn diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, phía bên kia biên giới tiến hành "chiến tranh phá hoại nhiều mặt", tăng cường hoạt động tình báo, cài cắm cơ sở vào nội bộ ta; đồng thời đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tung hàng hóa qua biên giới (lúc đó gọi là hàng tâm lý chiến). Tình hình trên đã tác động lớn đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng. Trong khi đó, đời sống của nhân dân trên toàn tuyến biên giới vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhiều người đổ xô vượt biên trái phép mua hàng hóa về dùng và bán lại, làm cho tình hình trên toàn tuyến biên giới Cao Bằng diễn biến phức tạp cả về bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự khu vực biên giới.

Tỉnh Cao Bằng được coi là một trong những "điểm nóng" của biên giới phía Bắc với nhiều vấn đề nổi cộm. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng: Quân đội lui lại tuyến sau, Bộ đội Biên phòng dâng lên giáp đường biên giới, bố trí mỗi xã một đồn Biên phòng. Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng từ 14 đồn lên 32 đồn và là tỉnh có nhiều đồn Biên phòng nhất thời kỳ đó, đồng thời lập 5 Ban chỉ huy Biên phòng huyện. Quân số tăng cường cho các đơn vị Biên phòng phía Bắc được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng điều động bổ sung, nhưng so với biên chế còn thiếu nhiều. Trong khi nội bộ một số đơn vị cơ sở nảy sinh mất đoàn kết kéo dài, vi phạm kỷ luật rất nghiêm trọng.

Khi đó, với cương vị là Phó Chỉ huy về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, Trung tá Đặng Vũ Liêm trăn trở, lo lắng. Nhưng ông tin, bằng nhiệt huyết từ trái tim mình, với tình cảm yêu lính, thương dân, ông sẽ cùng tập thể Đảng ủy và Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đề ra chủ trương, giải pháp toàn diện để đưa Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng ra khỏi thời kỳ "khủng hoảng". Đảng ủy và Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng xác định: Phải tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ: Vừa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vừa chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Sau nhiều đêm suy tư đi tìm lời giải cho bài toán khó ấy, cuối cùng, Trung tá Đặng Vũ Liêm đã đưa ra giải pháp, cùng Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng tập trung vào giải quyết 2 khâu đột phá. Trước tiên là, củng cố việc chấp hành kỷ luật. Đây là thời kỳ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng có tỷ lệ vi phạm kỷ luật cao nhất. Các trường hợp vi phạm thường là uống rượu say, gây gổ đánh nhau, bắn nhau trong nội bộ đơn vị và với đơn vị bạn đứng chân ở khu vực biên giới. Cán bộ quân phiệt đánh chiến sĩ, chiến sĩ sát hại lẫn nhau bằng súng đạn, lá ngón... Các vi phạm kỷ luật khác cũng mang tính phổ biến là bắt giữ, biển thủ hàng hóa mà nhân dân mua từ Trung Quốc về. Đây là một nguyên nhân gây mất đoàn kết trong nhiều đơn vị; mất đoàn kết với dân, có nơi dẫn tới xung đột giữa đồn Biên phòng với nhân dân địa phương. Đã có lúc, có nơi dân "bức xúc" kéo lên đồn Biên phòng, đòi hạ cờ, đuổi đồn Biên phòng đi nơi khác. Điển hình là Đồn Biên phòng Lý Quốc, huyện Hạ Lang. Giải quyết vụ việc này, ông đã cùng với đồng chí Hoàng Hiền, Bí thư Huyện ủy Hạ Lang, đến từng hộ gia đình nắm tình hình; chỉ đạo họp chi bộ thôn, tổ chức họp dân để làm rõ đúng, sai của mỗi bên. Trên cơ sở đó đề ra giải pháp sửa chữa, từ đó tình hình ổn định dần.

Khâu đột phá tiếp theo là chỉ đạo đổi mới công tác vận động quần chúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VIII, thông qua đó để lấy lại lòng dân biên giới.

Để giải quyết 2 khâu đột phá trên, ông và Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thống nhất chủ trương tiến hành toàn diện, đồng bộ các biện pháp tổng hợp: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; kiện toàn, củng cố cấp ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, phát huy vai trò lãnh đạo; củng cố, duy trì thực hiện nghiêm các chế độ, nề nếp công tác, sinh hoạt trong các tổ đội công tác biên phòng; rà soát, đánh giá đúng nguyên nhân các vụ vi phạm kỷ luật, tập trung xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ việc. Trên cơ sở đó, Thường vụ và Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các đơn vị thuộc quyền, với quyết tâm làm chuyển biến thực sự tình hình, thiết thực lập thành tích chào mừng 30 năm Ngày truyền thống lực lượng (3/3/1959-3/3/1989).

Đích thân Trung tá Đặng Vũ Liêm và các đồng chí trong Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phân công nhau đi đến từng đồn Biên phòng, ông đảm nhận những nơi phức tạp nhất, tổ chức sinh hoạt chính trị, đối thoại trực tiếp để nghe cán bộ, chiến sĩ bày tỏ tâm tư nguyện vọng, tự phê bình và phê bình; "hiến kế" giải pháp củng cố, xây dựng đơn vị. Về tổ chức đời sống, ông đề xuất với Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quy định thống nhất xóa các bếp ăn riêng từng bộ phận, khôi phục bếp ăn tập thể; cán bộ chỉ huy từ tỉnh đến đồn đều ăn chung với bộ đội. Thông qua đó, tình đồng đội, sự san sẻ, yêu thương, gắn bó keo sơn giữa những người lính được nhân lên gấp bội, tạo chuyển biến mới từng bước vững chắc trong xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ công tác Biên phòng trong tình hình mới.

Điều khiến vị chỉ huy trẻ tuổi nhưng đầy năng lực, trách nhiệm và tâm huyết luôn khắc ghi khi ở Cao Bằng, đó là: Để bảo vệ biên giới quốc gia, điều quan trọng nhất là phải xây dựng cho được "Biên giới lòng dân", phải thực hiện tốt kế sách mà cha ông ta đã tổng kết, với phương châm: "Giữ dân để giữ nước, giữ nước gắn liền với giữ dân". Bảo vệ biên giới phải dựa vào dân, phát huy vai trò lớn lao của nhân dân - là chân lý muôn thuở, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để phát huy được sức dân, ông đã bàn bạc thống nhất trong Đảng ủy, Thường vụ, Ban Chỉ huy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đồn Biên phòng triển khai sâu rộng các phong trào quần chúng bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh, chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố đoàn kết quân dân... dưới các hình thức. Đó cũng chính là quan điểm tư tưởng chủ đạo mà ông luôn trăn trở và gắn bó say sưa trong cả quá trình cống hiến sau này.

Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm luôn coi trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng trong Bộ đội Biên phòng thời kỳ đổi mới. Đây cũng chính là đề tài mà Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm ấp ủ, theo đuổi hơn 10 năm, bắt đầu từ viết luận án Phó Tiến sĩ Triết học "Nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới phía Bắc" (1996). Từ đó, ông tiếp tục nghiên cứu, mở rộng và phát triển đề tài vận động quần chúng dưới nhiều góc độ và phạm vi khác nhau.

Ông nhớ lại một kỷ niệm ngày 29 Tết năm 1990, ông đi kiểm tra tình hình chuẩn bị Tết ở Đồn Biên phòng Thị Hoa. Khi đoàn công tác đến nơi, thấy đồn vắng hoe vắng hoắt, bếp lửa lạnh tanh, bánh chưng không, rượu, thịt cũng không, ông không khỏi lo lắng. Nắm được băn khoăn của đoàn, chỉ huy đồn cười tươi rói và nói: Thủ trưởng cứ yên tâm, mai là có hết. Sáng sớm mai, vừa tỉnh giấc, ông đã thấy các mẹ, các chị cùng đồng bào các dân tộc ùn ùn "vác" thịt bò, thịt lợn, bánh chưng, rượu lên đồn. Một bà mẹ người dân tộc Tày nói: "Dân thương bộ đội như con, vì bộ đội quý dân, không rời xa dân, lo cho dân từng bữa ăn giấc ngủ. Những lúc khó khăn, bộ đội luôn giúp đỡ dân thì nay dân chăm lo cho bộ đội là điều bình thường thôi mà". Ông tươi cười và nói với anh em: Đúng là "Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Thời gian công tác ở tỉnh Cao Bằng chỉ có 3 năm, nhưng đã để lại trong ông không ít những kỷ niệm vui buồn và nhiều kinh nghiệm quý giá trong công tác Đảng, công tác chính trị, nhất là lĩnh vực công tác vận động quần chúng. Ông luôn quan tâm và "nhạy cảm" trước mọi tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của dân, để lại cho quân và dân tỉnh Cao Bằng những tình cảm sâu nặng. Năm 1993, lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh mời ông lên Cao Bằng để nhận Huy chương "Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ". Rời Cao Bằng mấy năm rồi mà bà con vẫn nhớ và quan tâm, hiểu được tâm tư của ông, trong buổi lễ trao tặng, chị Nông Thị Trưng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng nói: Phần thưởng này là của quân và dân Cao Bằng dành riêng cho các chiến sĩ biên phòng "Đi dân nhớ, ở dân thương". Còn đối với ông, đó là phần thưởng nghĩa tình cao quý mà Cao Bằng đã dành tặng cho ông.

Cuối năm 1990, ông được Bộ Công an bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng. Một năm sau, Trung tá Đặng Vũ Liêm lại nhận quyết định bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Chính trị, là người có cấp hàm thấp nhất giữ trọng trách Chủ nhiệm Chính trị từ trước đến nay. Nhiệm kỳ 1991-1995, ông được bầu là Ủy viên Ủy ban kiểm tra của Đảng ủy Công an Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng. Ở thời điểm này, ông thuộc diện cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng. Vốn là giáo viên dạy giỏi chuyên sâu công tác Đảng, công tác chính trị và được qua thử thách, rèn luyện ở Cao Bằng, một địa phương khá phức tạp về công tác Biên phòng đã tôi luyện cho ông những kiến thức, kinh nghiệm phong phú để trong ông hội tụ đủ các yếu tố cả về lý luận và thực tiễn. Ông bắt tay vào thực hiện chức trách, nhiệm vụ trên cương vị mới, tiếp nối người tiền nhiệm một cách vững vàng. Ông đã cùng lãnh đạo Cục Chính trị phát huy cao độ vai trò của cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng, vừa tham mưu, đề xuất nhạy bén cho sự lãnh đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng; vừa chỉ đạo, hướng dẫn sâu sắc nhiều nội dung, nhiều mặt công tác có ý nghĩa thiết thực, nhất là trong công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, công tác vận động quần chúng...

Tháng 3/1995, ông được bổ nhiệm Phó Tư lệnh về Chính trị và được bầu là Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng. Năm 1998, ông được Nhà nước thăng quân hàm Thiếu tướng. Cũng năm đó, ông được bầu là Đại biểu Quốc hội tại tỉnh Hà Giang, là Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Từ đó đến khi nhận thông báo nghỉ hưu, ông vẫn giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị Bộ đội Biên phòng. Có thể nói, trong gần 14 năm tiến hành chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng vừa tuân thủ những nguyên tắc, nội dung, phương pháp... Tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị chung trong toàn quân, vừa làm rõ tính đặc thù trong Bộ đội Biên phòng; nhiều vấn đề được chỉ đạo sớm và có hiệu quả cao, góp phần xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong công tác Đảng, công tác chính trị và luôn nhận được sự tin cậy, yêu mến, kính trọng của mọi người.

Trên cương vị của 10 năm là Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm tiếp tục khẳng định mình thông qua cương vị người chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị. Ông luôn coi trọng việc nghiên cứu, chỉ đạo tổng kết các mặt công tác để rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời ông sâu sát với tác phong làm việc tỉ mỉ, cụ thể, vừa chỉ đạo, vừa coi trọng khơi dậy, phát huy cao độ vai trò của Cục Chính trị và các cơ quan, bộ máy giúp việc trực tiếp thường xuyên nhất. Vốn là người có tính Đảng, tính nguyên tắc cao, ông luôn coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách xây dựng quy chế, làm việc theo quy chế, duy trì nghiêm nề nếp, chế độ sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình và phê bình.

Trước hết, trong công tác lãnh đạo chung, hàng năm và từng thời điểm, ông thống nhất trong Đảng ủy vừa coi trọng ra các Nghị quyết lãnh đạo toàn diện, vừa tập trung ra các Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo chuyên sâu với các lĩnh vực, các vấn đề nổi lên một cách thiết thực, không dàn đều chung chung. Với công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ ông cũng luôn coi trọng, chỉ đạo sâu sát các đơn vị quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của trên và thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục chính trị thường xuyên phù hợp với đặc điểm của Bộ đội Biên phòng; đồng thời ông coi trọng việc giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện tác phong, đạo đức, lối sống cho cán bộ cấp dưới; chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện tư tưởng lệch lạc, yếu kém. Gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn Nghệ thuật, Điện ảnh Biên phòng; Báo Biên phòng phát hành rộng rãi. Ông còn coi trọng việc tổng kết chuyên sâu các mặt, các lĩnh vực công tác Đảng, công tác chính trị, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để có định hướng đúng đắn cho giai đoạn tới.

Đối với công tác cán bộ, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm là người quan tâm trước hết là quy trình, nguyên tắc tập thể Thường vụ quyết định công tác cán bộ. Trong thời gian ông làm Bí thư Đảng ủy, người chủ trì về công tác cán bộ, ông đã sớm khởi xướng thống nhất trong Đảng ủy ra các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch chuyên đề có tầm chiến lược, rất cơ bản như: Năm 1995 ra Nghị quyết về xây dựng độ ngũ cán bộ dân tộc; năm 1996 tiến hành đánh giá lại tình hình công tác cán bộ 10 năm trước, đề ra chủ trương, phương hướng cho năm 1996-2000. Và chủ trương đổi mới kế hoạch, quy hoạch đội ngũ cán bộ các cấp; công tác đào tạo bồi dưỡng; đổi mới công tác chính sách, công tác quản lý cán bộ, nhất là việc chấp hành nguyên tắc. Năm 1997 ra nghị quyết về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, cũng năm này đã tập trung biên soạn tiêu chuẩn chức danh đội ngũ cán bộ trong Bộ đội Biên phòng. Năm 1998 ra nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới; sắp xếp kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; chỉ thị về tăng cường cán bộ cho cơ sở. Năm 2000 có kế hoạch sắp xếp 2 cán bộ chính trị ở cơ sở làm tiền đề thực hiện chế độ Chính trị viên; và kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ 2000-2005, với mục tiêu phấn đấu đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Năm 2002 ra nghị quyết về tổ chức thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Năm 2004 Bộ Tư lệnh có kế hoạch luân chuyển cán bộ; đồng thời Thường vụ Đảng ủy quan tâm đến các vấn đề về chính sách, nhà ở, chính sách hậu phương, quân đội...

Trong công tác xây dựng Đảng, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm luôn coi trọng việc phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy. Ông chỉ đạo sát sao việc ban hành các quy chế, duy trì nghiêm việc thực hiện quy chế, phát huy dân chủ. Những biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, gia trưởng, độc đoán, tiêu cực, ông trực tiếp đến sinh hoạt với tập thể lãnh đạo hoặc mời lên để chấn chỉnh, nhắc nhở, phê bình. Ông thường nhấn mạnh Bí thư của cấp ủy phải luôn giữ vững sự lãnh đạo tập thể, là trung tâm đoàn kết trong đơn vị; người chỉ huy phải có tính Đảng cao, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trên cơ sở các nguyên tắc, và với công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ông quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng ra nghị quyết. Ông tập trung chỉ đạo việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, tham mưu đề xuất với cấp trên quy định cụ thể về hệ thống tổ chức Đảng trong Bộ đội Biên phòng; chức năng, nhiệm vụ các loại hình tổ chức cơ sở Đảng trong Bộ đội Biên phòng, nhất là việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở đồn Biên phòng, nơi có 30 đảng viên trở lên được ông tập trung chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu đề xuất nâng cấp thành Đảng bộ. Trong thực hiện ông sâu sát chỉ đạo Phòng Tổ chức Cục Chính trị xây dựng đề án để có đề xuất cụ thể, chọn 2 đồn ở Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn nơi có nhiều Đội, Trạm quân số đông và đủ điều kiện về số lượng đảng viên làm điểm. Trung tá Nguyễn Xuân Quảng là Trưởng phòng Tổ chức được giao trực tiếp thực hiện. Mặc dù lúc đó còn nhiều nhận thức khác nhau, chưa thống nhất nhưng với sự sâu sắc, nhìn xa trông rộng, ông kiên trì tập trung chỉ đạo thành công. Sau 1 năm thực hiện, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng trong các Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố. Từ đó, phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở đồn Biên phòng, nâng cao vị thế cho đồn Biên phòng trong quan hệ, làm việc thuận lợi với chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành bên ngoài.

Trong thời kỳ 1991-2004, ở 3 cương vị: Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Chính trị nhất là trên cương vị Phó Tư lệnh về Chính trị, trước hết, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm vừa là người khởi xướng nhiều vấn đề rất sâu sắc để thống nhất trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh thành những chủ trương lãnh đạo, vừa trực tiếp tập trung chỉ đạo cơ quan chính trị và các đơn vị đổi mới công tác vận động quần chúng, biện pháp công tác cơ bản của công tác Biên phòng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới. Nhất là việc tổ chức các phong trào quần chúng được ông quan tâm chỉ đạo, đổi mới cách thức tham gia xây dựng hệ thống chính trị các xã biên giới. Trước đây, các đội công tác biên phòng là lực lượng trực tiếp tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Tuy có một số kết quả cụ thể, nhưng còn nhiều hạn chế. Từ giữa những năm 1990, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, các xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn bố trí một cán bộ tăng cường làm nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về một số mặt cụ thể, tuy có hiệu quả hơn, nhưng hiệu lực không cao. Vì cán bộ làm nhiệm vụ tăng cường xã gần như chỉ đóng vai trò như một "cố vấn", góp ý với cấp ủy, chính quyền, còn tiếp thu như thế nào thì tùy từng nơi. Trước tình hình trên, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm đã tập trung chỉ đạo khảo sát thực tế một số tỉnh như Cao Bằng, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh... để tiến hành sơ kết, từ đó rút ra vấn đề: Cán bộ tăng cường xã cần phải gắn với một chức danh cụ thể của địa phương như Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thì hiệu quả sẽ cao hơn. Và qua thực tế nghiên cứu, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm cho rằng: Nên giao cho cán bộ tăng cường xã đi sâu vào hai nhiệm vụ lớn là phụ trách về xây dựng hệ thống chính trị; củng cố quốc phòng và an ninh ở địa phương. Số cán bộ tăng cường này do Bộ Biên phòng trả lương, chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương, đảm bảo thực hiện đúng quy định về tổ chức và sinh hoạt của Đảng.

Ngày 20/8/1998, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng ra Nghị quyết số 24, Bộ Tư lệnh ra Chỉ thị số 34 về việc Bộ đội Biên phòng tham gia các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo; Chủ trương đưa cán bộ Bộ đội Biên phòng về tăng cường xã biên giới đã được Đảng ủy Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chỉ huy các tỉnh vận dụng, mở rộng, phát triển. Đến nay, số cán bộ tăng cường các xã biên giới đã lên tới trên dưới 400 người với nhiều chức danh khác nhau. Đó là kết quả của một chủ trương mới, giải pháp mới của Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở các xã biên giới. Qua thực hiện đưa cán bộ Bộ đội Biên phòng về tăng cường các xã biên giới ở Nghệ An cho thấy, đây là mô hình hay, có tác dụng tốt, phát huy được vai trò của cán bộ tăng cường xã. Vì số cán bộ này có chức danh, có thực quyền, do đó tạo thuận lợi chuyển những ý định của Bộ đội Biên phòng thành những chủ trương của địa phương. Quá trình triển khai thí điểm, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm đã làm việc thống nhất với các Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Trung ương, tạo được sự nhất trí cao của các ngành.

Cuối những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ XX, trong tổ chức quản lý và bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng đã xuất hiện một số hình thức tự quản: Tổ tự quản, tàu thuyền tự quản, thanh niên làm chủ đường biên... Đó là những hình thức manh nha ban đầu về "Tự quản đường biên mốc quốc giới". Tuy mới chỉ là bước đầu nhưng kết quả của nó đã có những hứa hẹn, triển vọng tốt. Từ đây đặt ra cho Đảng ủy Bộ đội Biên phòng và Cục Chính trị là phát triển phong trào đó như thế nào? Nội dung, phương pháp tiến hành ra sao? Vấn đề này được đưa ra thảo luận tại hội nghị cán bộ chính trị của Bộ đội Biên phòng năm 1999. Sau hội nghị này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đề nghị cho đơn vị được làm trước để rút kinh nghiệm. Từ đó, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng là nơi chỉ đạo điểm của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Từ những ý tưởng ban đầu của Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm, đến năm 2002, những nội dung cơ bản của phong trào quần chúng tự quản đã hình thành ở Biên phòng Cao Bằng. Trên cơ sở kết quả 3 năm chỉ đạo điểm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng phối hợp tổ chức tổng kết. Kết quả chỉ đạo điểm và kết quả hội nghị tổng kết về phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc giới đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng mở rộng, phát triển thành "phong trào quần chúng tự quản đường biên giới, mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản biên giới". Đây là phong trào toàn diện, bao trùm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị Bộ đội Biên phòng.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8b, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thảo luận nhiều lần và xác định động lực phong trào quần chúng bảo vệ biên giới là nâng cao giác ngộ cách mạng và chăm lo lợi ích chính đáng của đồng bào các dân tộc. Sự giác ngộ của đồng bào các dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn của chủ nghĩa yêu nước, huy động được sức mạnh của quần chúng trong xây dựng bản làng, bảo vệ biên giới quốc gia. Mặt khác, phải đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân. Đó là định hướng cơ bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và với các ngành ở địa phương tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, chăm lo lợi ích thiết thực của đồng bào. Vấn đề này trước đây lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã làm tốt và nay đã được kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới, toàn diện và hiệu quả hơn. Việc Bộ đội Biên phòng tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới chính là góp phần củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc với Đảng, tạo động lực cho xây dựng phong trào quần chúng khu vực biên giới thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm còn đề xuất giải pháp "kéo" các cấp, các lực lượng, các ngành chức năng có liên quan tham gia sâu, rộng hơn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia. Đó là ý tưởng mới để nhiệm vụ bảo vệ biên giới thực sự là của toàn dân. Thực ra trước đây, Bộ đội Biên phòng cũng đã có những phối hợp với các lực lượng, các ngành, các cấp nhưng sự phối hợp đó chưa có chiều sâu, thiếu thống nhất và tiến hành không được thường xuyên, liên tục, nhất là thiếu một cơ chế để duy trì, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các lực lượng khi tham gia phối hợp. Vậy làm thế nào để huy động được sức mạnh của các cấp, các ngành tham gia có hiệu quả hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới? Đó là trăn trở nhiều năm của các cấp lãnh đạo, nhất là của Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm. Ông đã cùng chỉ huy Cục Chính trị và một số phòng chức năng của Cục trao đổi nhiều lần và cuối cùng thống nhất: Làm tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức ký kết chương trình phối hợp với một số ban, ngành ở Trung ương với mục đích, nội dung phối hợp cụ thể, trách nhiệm của mỗi bên. Mở đầu là ký kết chương trình phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Sau đó ký kết với các ban, bộ, ngành khác như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thông tin, Ủy ban Dân tộc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... Trong từng chương trình phối hợp, xác định rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp; trách nhiệm của từng cơ quan phối hợp; chế độ kiểm tra, sơ tổng kết, khen thưởng định kỳ. Căn cứ vào bản ký kết ở cấp Trung ương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết chương trình phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh và cùng chỉ đạo cơ sở thực hiện. Hàng năm, vào dịp 3/3, cấp tỉnh, cấp đồn tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp; 5 năm một lần, tiến hành tổng kết ở cấp Trung ương. Thông qua sơ, tổng kết đánh giá việc gì đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân và đề ra chủ trương, giải pháp thực hiện tiếp theo. Trong từng thời kỳ, sự phối hợp luôn được định hướng với những mục tiêu, nội dung, yêu cầu, biện pháp cụ thể, thiết thực. Về phía các ngành, các lực lượng đã thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới.

Với cách làm như trên, nội dung "Ngày Biên phòng toàn dân" đã được cụ thể hóa bằng những nội dung thiết thực và tổ chức thực hiện thường xuyên, sát với thực tiễn từng đơn vị, địa phương. Mặt khác, sự phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các bộ, ngành được đa dạng, phong phú, hiệu quả hơn và được chỉ đạo tập trung, thống nhất, thường xuyên, một cách nghiêm túc, hiệu quả hơn.

Sự phối hợp trên còn được vận hành theo một cơ chế tổ chức chặt chẽ. Ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, mỗi chương trình có Ban chỉ đạo riêng; có bộ phận thường trực theo dõi, đôn đốc kiểm tra, tham mưu, đề xuất về nội dung, giải pháp với Ban chỉ đạo và lãnh đạo hai cơ quan; được chỉ đạo sơ, tổng kết theo định kỳ, có chế độ biểu dương, khen thưởng. Với cơ chế đó, đảm bảo cho sự phối hợp được thực hiện chặt chẽ, liên tục và có hiệu quả. Bằng kết quả thực hiện ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các ngành đưa lại nhiều hiệu quả cụ thể, bên cạnh việc thực hiện các nội dung chương trình còn được đầu tư thêm kinh phí, cơ sở vật chất, xây dựng các công trình thiết yếu như đường, trường, trạm, các công trình văn hóa - xã hội cho các vùng dân cư, dân tộc và đồn Biên phòng, làm cho tính chất "Ngày Biên phòng toàn dân" ngày càng sâu sắc; sức mạnh tổng hợp của cả nước và sức mạnh tại chỗ ở khu vực biên giới được phát huy tốt hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia.

Từ thực tiễn sinh động trên trong triển khai công tác vận động quần chúng, ông đã tập trung chỉ đạo việc hệ thống hóa, góp phần bổ sung, hoàn thiện và phát triển những vấn đề lý luận cơ bản của công tác vận động quần chúng, đó là: Xác định vị trí, vai trò công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng; đối tượng vận động quần chúng; lực lượng tham gia vận động quần chúng; mục đích vận động quần chúng, nội dung vận động quần chúng; phương châm, phương pháp tiến hành vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng; những giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng. Việc khái quát, hoàn thiện lý luận cơ bản của công tác vận động quần chúng có ý nghĩa rất quan trọng để các cấp ủy, chỉ huy trong Bộ đội Biên phòng vận dụng chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác vận động quần chúng của các đơn vị trong từng thời kỳ.

Cùng với những đóng góp của mình, với sự lãnh đạo qua các cương vị đảm nhiệm, ông đã thể hiện rõ vai trò cá nhân, nhất là trên cương vị Bí thư, Phó Tư lệnh Chính trị với công tác xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm còn góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển của Bộ đội Biên phòng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Trưởng thành từ người chiến sĩ, gắn bó với lực lượng trong suốt cuộc đời quân ngũ, ông hiểu rõ các bước thăng trầm của lực lượng, chuyển đi chuyển lại nhiều lần, lúc ở Bộ Công an, khi ở Bộ Quốc phòng, vẫn chưa có sự ổn định lâu dài, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng lực lượng. Trước sự kiện có tính bước ngoặt.

Ngày 18/3/1995, Bộ Chính trị đã họp để nghe báo cáo và cho ý kiến về việc chuyển Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Tại hội nghị này, trên cơ sở phân tích tình hình mọi mặt, Bộ Chính trị quyết định chuyển Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Bộ Chính trị giao đồng chí Lê Khả Phiêu, Thường trực Ban Bí thư chủ trì chỉ đạo cơ quan. Văn phòng Quân ủy Trung ương phối hợp với Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Dự thảo Nghị quyết. Trên cương vị Phó Tư lệnh về Chính trị, ông đã cùng đồng chí Tư lệnh Trịnh Trân và tập thể Thường vụ Bộ Tư lệnh đóng góp nhiều ý kiến làm rõ sự cần thiết, cơ sở lý luận và thực tiễn về chức năng, nhiệm vụ và hệ thống tổ chức của lực lượng nòng cốt chuyên trách bảo vệ biên giới, những hạn chế, bất cập của Nghị quyết 22 chuyển Bộ đội Biên phòng về các Quân khu, Tỉnh đội, từ đó góp phần quan trọng để ngày 8/8/1995, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 11/NQ-TW về xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới, là nghị quyết đề cập tương đối toàn diện về nhiệm vụ và tổ chức lực lượng Bộ đội Biên phòng; những vấn đề vướng mắc, nhất là về chức năng, nhiệm vụ và hệ thống tổ chức sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức chỉ huy của Bộ đội Biên phòng đã được khẳng định. Đây là tiền đề và điều kiện để xây dựng Bộ đội Biên phòng ổn định, lâu dài.

Sau khi có Nghị quyết 11, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Chính trị, ông đã có vai trò quan trọng cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai có hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, ông cũng góp phần cùng tập thể lãnh đạo Bộ Tư lệnh xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật như: Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh về Bộ đội Biên phòng. Trong khi Nghị quyết đang đi vào cuộc sống thì trên có chủ trương tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 11. Ông đã dày công cùng tập thể Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vừa tập trung chỉ đạo các đơn vị nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự trên các địa bàn biên phòng, vừa tập trung khắc phục những sơ hở, thiếu sót, nhất là công tác kiểm soát các cửa khẩu, khắc phục nhanh chóng những biểu hiện tiêu cực và chấn chỉnh tình trạng vi phạm kỷ luật, pháp luật. Đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến việc xem xét chức năng, nhiệm vụ và hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng. Mặt khác, ông đã chủ trì cùng các cơ quan chức năng giúp Bộ Tư lệnh chuẩn bị sâu sắc, đầy đủ, cụ thể các văn bản phục vụ cho việc tổng kết ở các cấp, đồng thời ông trực tiếp chuẩn bị những văn bản có tính phản biện với những ý kiến trái chiều, không phối hợp. Bộ Tư lệnh còn chỉ đạo, phát huy vai trò của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh làm tham mưu cho Thường trực các Tỉnh ủy. Để mở đầu việc tổng kết ở cấp tỉnh, Bộ Tư lệnh đã quyết định chỉ đạo điểm ở khánh Hòa để rút kinh nghiệm. Ông trực tiếp đến trao đổi với Thường trực Tỉnh ủy và ông dự hội nghị có bài phát biểu sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa thiết thực giúp cho hội nghị có cơ sở thuận lợi trong thảo luận, kết luận. Từ kinh nghiệm ở Khánh Hòa được phổ biến sâu rộng đến các địa phương khác một cách thiết thực. Cũng là kinh nghiệm để Bộ Tư lệnh phân công nhau đi dự hội nghị ở các tỉnh, thành, ông và Tư lệnh đảm nhận đến dự hội nghị ở những nơi còn nhận thức khác nhau. Từ đó, góp phần tạo sự thống nhất cao, ở các tỉnh, thành có biên giới đều có chung quan điểm, kiến nghị với Trung ương tiếp tục giữ ổn định tổ chức, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng.

Trong các hội nghị chuẩn bị tổng kết thực hiện Nghị quyết 11, đặc biệt trong hội nghị lãnh đạo và chỉ huy toàn quân để nghe Bộ Tổng Tham mưu trình bày một số đề án về tổ chức của Quân đội, trong đó phương án kiện toàn tổ chức của Bộ đội Biên phòng thay đổi căn bản, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm đã thay mặt Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giải trình về trạng thái không ổn định về tổ chức của Bộ đội Biên phòng trong suốt 40 năm qua, đã ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức xây dựng lực lượng và thực hiện nhiệm vụ chính trị cùng những nguyên nhân của sự không ổn định đó. Ông đã phân tích làm rõ những vấn đề cơ bản cả về lý luận và thực tiễn, tính tất yếu, khách quan của việc xác định chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức, chỉ huy thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở đối với lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và những vấn đề cụ thể, trái với Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, trái với những quy định trong một số văn bản pháp luật hiện hành. Qua phân tích của ông cho thấy, Đề án đó không phù hợp, lặp lại những vấn đề mà Bộ Tổng Tham mưu (giai đoạn 1980-1987) đã phải sửa sai. Đồng chí Đặng Vũ Liêm thay mặt Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng mạnh dạn, tự tin nêu lên đề nghị: Nếu kiến nghị của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng không được chấp nhận thì Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xin được báo cáo trực tiếp Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị quyết định, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Biên phòng nghiêm túc chấp hành.

Sau 2 năm tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị ở cấp tỉnh và quân khu, lại nảy sinh vấn đề mới đặt ra, đó là đầu năm 2002, khi ông đang đi công tác ở Tây Nguyên, Tư lệnh Trịnh Ngọc Huyền điện cho Phó Tư lệnh Chính trị Đặng Vũ Liêm, yêu cầu về ngay để bàn một số việc hệ trọng: Bộ Quốc phòng đã quyết định chuyển giao nhiệm vụ quản lý kiểm soát các cửa khẩu sang Bộ Công an, thế là ông hỏa tốc lên đường, về đến Bộ Tư lệnh, một cuộc hợp bất thường của Thường vụ và Bộ Tư lệnh được triệu tập, sau khi bàn bạc thống nhất, ông chủ trì soạn thảo một văn bản gửi thẳng lên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Nội dung nêu rõ tính khách quan, cơ sở lý luận và thực tiễn, phải đặt nhiệm vụ quản lý, kiểm soát cửa khẩu trong sự chỉ huy, chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Bộ đội Biên phòng. Đồng thời đăng ký xin được trực tiếp báo cáo thêm với Tổng Bí thư. Sau khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc văn bản, đã mời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà và Tư lệnh Trịnh Ngọc Huyền, Phó Tư lệnh Chính trị Đặng Vũ Liêm đến làm việc. Các ý kiến của Tư lệnh và Phó Tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng đã làm sáng tỏ thêm một số vấn đề quan trọng giúp cho Tổng Bí thư kịp thời cho ý kiến chỉ đạo...

Ngày 10/8/2004, Đảng ủy Quân sự Trung ương chủ trì phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức hội nghị tổng kết cấp Trung ương. Ngày 28/10/2004, Bộ Chính trị họp về vấn đề trên. Sau khi nghe Thường vụ Đảng ủy quân sự Trung ương báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Đề án tổ chức Bộ đội Biên phòng, Bộ Chính trị đã kết luận, trong đó có một số quan điểm nổi bật: Bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy; bảo đảm cho Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt 3 chức năng trong quản lý nhà nước về an ninh, quốc phòng và đối ngoại ở khu vực biên giới; giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; bảo đảm thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở với 3 cấp cơ bản.

Thông báo số 165 của Bộ Chính trị về đề án tổ chức của Bộ đội Biên phòng đã kết thúc một thời kỳ thiếu sự ổn định của Bộ đội Biên phòng và mở ra một thời kỳ phát triển mới. Đó là kết quả sự nỗ lực của cấp ủy, chỉ huy các cấp, của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng, sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó có phần đóng góp quan trọng của Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm. Giờ đây, Bộ đội Biên phòng vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia; vừa tham gia xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt. Tuy nhiên, để đạt được vấn đề đó ông rút ra điều tâm huyết là phải có một thái độ khách quan, nghiêm túc, thận trọng, vững vàng, bản lĩnh, với tính Đảng, tính nguyên tắc cao, vì lợi ích của quốc gia dân tộc để kiên trì kiến nghị, giải trình với cấp trên về chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng, bên cạnh đó là việc quan tâm chăm lo củng cố, kiện toàn bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Đó là điều kiện quan trọng để Bộ đội Biên phòng giữ được sự ổn định và phát triển vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Giờ đây, về với đời thường, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm vẫn không quên những năm tháng gắn bó với biên cương Tổ quốc. Cả một thời, cả một đời vị tướng ấy đã sống và dâng hiến trọn vẹn tuổi xuân cho biên cương, cho đất nước. Tất cả những gì mà ông và lớp lớp thế hệ đi trước để lại là những thành quả quý giá, đáng trân trọng cho thế hệ đi sau. Đó là bài học về công tác vận động quần chúng, bảo vệ biên giới lòng dân vững chắc. Mỗi lần nhắc đến tên ông, các thế hệ Bộ đội Biên phòng không khỏi xúc động, tự hào trước một vị Tướng luôn nhiệt thành, sáng tạo và năng động trong công việc, hết lòng với lực lượng, với biên cương và với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.

Nhắc đến Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm, người ta không quên một gia đình có truyền thống cách mạng, có 11 người con đều tham gia cách mạng, trong đó có 2 vị tướng. Anh trai ông là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Vào sinh ra tử, lăn lộn trên khắp các chiến trường, một phần đời quan trọng của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp gắn bó với nhiều vùng đất ở biên giới mà sau này, ông ghi chép lại thành cuốn "Ký ức Tây Nguyên", trở thành nguồn tư liệu quý về chiến tranh cách mạng. Chiến tranh kết thúc, ông vẫn luôn là người cán bộ lãnh đạo tài năng, đức độ của toàn quân, nhất là trong chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị nói chung và công tác chính sách nói riêng ở cấp chiến lược. Đến tuổi nghỉ hưu, Thượng tướng vẫn không nghỉ ngơi mà dành dụm chút thời gian còn lại của mình trên cương vị là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đứng lên để bảo vệ quyền lợi cho đồng bào, đồng đội của mình. Nối tiếp những chiến công của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, người anh mẫu mực trong gia đình, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm đã ghi thêm những "thành tích" quý giá vào trong "bảng vàng" truyền thống của gia đình. Truyền thống đó đã được các thế hệ con cháu trong gia đình kế thừa phát huy, tiêu biểu là cháu Đặng Vũ Sơn, Thiếu tướng, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ là con trai người anh thứ 3, Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Vũ Hoạt.

Gặp Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm tại tư gia, vẫn nụ cười đôn hậu, ấm áp luôn nở trên môi, ông kể cho tôi nghe những kỷ niệm khó quên về đời lính của mình. Nghe trong giọng nói của ông có chút gì nghèn nghẹn, tôi hiểu đó là những khoảnh khắc hạnh phúc ông sống lại với quá khứ, với biết bao kỷ niệm vui buồn. Khi tôi hỏi về những cống hiến, những chiến công thầm lặng của ông trong suốt cuộc đời gắn bó với màu áo xanh biên phòng, ông cười và bảo rằng: Thành tích của ông luôn gắn liền với tập thể. Hãy nói nhiều về những anh hùng, liệt sĩ, những cán bộ, chiến sĩ bao năm lăn lộn, gắn bó với biên giới, với đồng bào các dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự bình yên của biên cương. Đó chính là những "chủ nhân" chính, thực sự là những thành tựu mà lực lượng Biên phòng đã đạt được hơn 50 năm qua. Vị tướng ấy bao giờ cũng vậy, lặng lẽ đến khiêm nhường khi nói về mình và luôn tôn vinh những chiến công của tập thể mà ở đó có sự đóng góp rất lớn của ông. Bà Lộc (cũng là một cựu chiến binh), người bạn đời đã gắn bó bên ông suốt mấy chục năm trời, ngồi bên cạnh cười hiền hậu. Ông bảo, nếu không có bà, chắc ông không bao giờ có được ngày hôm nay. Ai cũng hiểu, người phụ nữ ấy phải tận tụy, hy sinh hết mực vì ông đến nhường nào để ông hết lòng, dốc tâm, dốc sức làm việc, cống hiến cho nước nhà. Âu cũng là do tình yêu thương vô bờ bến của bà dành cho ông, tuy không nói ra bằng lời nhưng nó sâu nặng, mênh mông lắm.

Thời gian còn lại với ông giờ đây là những chuỗi ngày quý giá. Thời gian ấy, ông dành để quây quần, vui vầy bên cháu con, gia đình và những người thương yêu nhất của mình. Những phút giây lắng đọng, ông lại một mình miệt mài bên ngọn đèn, đọc và tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành, cấp Bộ Tư lệnh... Ông còn là Chủ nhiệm các đề tài khoa học: "Xây dựng mô hình An ninh cộng đồng ở biên giới nước ta hiện nay, lấy Đồn Biên phòng làm nòng cốt"; "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị Bộ đội Biên phòng trong giai đoạn cách mạng mới"; "Tổ chức Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia"; "Nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng trong phòng, chống tuyên truyền đạo trái pháp luật và di dịch cư tự do ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc, Tây Nguyên". Ngoài ra, ông còn viết hơn 40 bài trên các tạp chí chuyên ngành có tín nhiệm như: Tạp chí Cộng sản, tạp chí Tư tưởng văn hóa, tạp chí Xây dựng Đảng, tạp chí Nghiên cứu lý luận, tạp chí Công an nhân dân, tạp chí Quốc phòng toàn dân; tham gia hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh, hướng dẫn học viên cao học, tham gia các hội đồng chấm luận án, chấm luận văn. Hiện nay ông đang tham gia nghiên cứu 2 đề tài cấp nhà nước "Chiến lược biên giới quốc gia" và "Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới". Với ông, niềm vui chính là được làm việc, góp sức cho sự phát triển, lớn mạnh của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Ông bảo, ông ít khi nghỉ ngơi và không bao giờ cho phép mình rời xa kiến thức.

Và với tôi, vị Tướng ấy không bao giờ già. Bởi tuổi trẻ, mồ hôi và nước mắt của ông đã ở lại trên nhiều mảnh đất biên cương, song hành cùng đất nước, góp phần cho biên cương mãi mãi được bình yên. Bởi hơn 43 năm sống trong quân ngũ và hơn 10 năm được nghỉ ngơi, ông vẫn có những đóng góp quan trọng về xây dựng lực lượng và công cuộc xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Thu Hà

Bình luận

ZALO