Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:10 GMT+7

Thiếu tướng Ngô Kiếm - Người xây dựng nền móng công tác hậu cần Biên phòng

Biên phòng - Sau cữ rét đậm kéo dài, buổi trưa trời bất chợt hửng nắng. Cảnh vật bỗng rực rỡ như vừa thay áo mới. Tôi đã được nhìn thấy ảnh ông trong khung kính đặt trên bàn thờ nhà Đại tá Ngô Văn Xuân, con trai út của ông. Nét mặt ông nghiêm trang có vẻ như hơi hà khắc, song nhìn vào ánh mắt ông, vẫn sâu thẳm nét đôn hậu, độ lượng và bao dung.

Đó là cảm tưởng đầu tiên khi tôi thắp nén nhang trước chân dung Thiếu tướng Ngô Kiếm, nguyên Phó Tư lệnh về Hậu cần Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).

Thiếu tướng Ngô Kiếm, Phó Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (1976-1977).

Thiếu tướng Ngô Kiếm sinh ngày 16/11/1915 tại xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Quê ông nằm bên tả ngạn sông Chu, một vùng đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cây cối tốt tươi, cũng như bao miền quê khác. Từ nhỏ, cậu bé Kiếm đã chứng kiến cảnh đánh đập, tra tấn dã man của bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai trong các đợt thu thuế, bắt xâu, bắt lính. Bọn chúng "người nách thước, kẻ tay dao, đầu trâu mặt ngựa" sục vào từng nhà vơ vét đến cả chiếc nồi mẻ cuối cùng của người nông dân. Miền quê hiền lành với những mái tranh nghèo bao trùm sự ngột ngạt, sợ hãi.

Khi cậu bé Kiếm tròn 15 tuổi, làng quê bỗng thì thầm chuyện gì đó xem ra rất hệ trọng, rồi đi đến công khai nổi dậy. Đó là tin truyền đi về cuộc biểu tình rầm rộ của công nhân khu công nghiệp Bến Thủy, tỉnh Nghệ An và nông dân 5 xã quanh thành phố Vinh vào ngày 1/5/1930. Làn sóng cách mạng hừng hực khí thế đòi nhân quyền, đánh đổ địa chủ, thành lập chính quyền Xô Viết... làm rung động bộ máy cai trị của thực dân phong kiến. Phong trào nhanh chóng phát triển, lan ra 97 xã trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mọi người đều biết rằng, đằng sau những vụ việc đó là sự chỉ đạo của một chính đảng đại diện cho người lao động và quần chúng nghèo khổ. Là vùng đất có truyền thống yêu nước của người anh hùng Lê Lợi, xứ Thanh tiếp nhận nhanh chóng tinh thần Xô Viết.

Chưa đầy 2 tháng sau, vào ngày 25/6, chi bộ Đảng Hàm Hạ Đông Sơn được thành lập, rồi đến Phúc Lộc, huyện Thiệu Hóa 10/7/1930, Yên Trường, Thọ Xuân... ngày 29/7/1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Lớp thanh niên trẻ với lòng tràn đầy nhiệt huyết nô nức tham gia vào phong trào cách mạng địa phương, trong số đó có người thanh niên Ngô Kiếm. Năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng. Năm 1942, ông bị địch bắt giam tại nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, ông vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng, giữ vững phẩm chất sáng ngời của người đảng viên cộng sản.

Sau khi ra tù trở về địa phương, ông tiếp tục hoạt động, tham gia cướp chính quyền trong khí thế sôi sục của Cách mạng tháng Tám. Tháng 4/1946, ông gia nhập lực lượng Tiếp phòng quân, được giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng. Tháng 5/1946, là Chính trị viên Đội Tiếp phòng quân. Tháng 6/1946, là Chính trị viên Đại đội vệ binh Liên khu 4. Tháng 2/1949, làm Chính trị viên Tiểu đoàn Vệ binh. Tháng 1/1950, ông chuyển sang làm Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị Quân khu 4. Tháng 4/1950, làm Tỉnh đội phó Tỉnh đội Thanh Hóa. Tháng 5/1951, ông làm Tỉnh đội phó Nghệ An. Tháng 3/1954, làm Trung đoàn phó E.53. Tháng 2/1955, ông làm Hiệu trường trường Quân chính F.350. Tháng 7/1955, ông là Trung đoàn trường E.244 thuộc F.350. Năm 1957, ông làm Trưởng phòng Cán bộ Bộ Tư lệnh Bộ đội Bảo vệ. Trong quá trình công tác, dù ở cương vị nào, làm bất cứ công việc gì, ông đều tỏ ra vững vàng trước mọi gian nan, thử thách, hòa nhập, thích ứng nhanh và tận tâm với công việc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngày 3/3/1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang thành lập. Ngày 24/4/1959, Bộ Công an bổ nhiệm Trung tá Trung đoàn trưởng Ngô Kiếm giữ chức quyền Cục trưởng Cục Hậu cần Công an nhân dân vũ trang. Sau đó là Cục trưởng rồi Phó Tư lệnh phụ trách công tác Hậu cần Công an nhân dân vũ trang. Từ mốc thời gian này, ông bắt đầu tập trung sức lực, trí tuệ cùng các cấp lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chức năng lo toan công tác Hậu cần, Kỹ thuật, đảm bảo cho hoạt động, chiến đấu, công tác và xây dựng một lực lượng vũ trang mới với muôn vàn khó khăn, thách thức đang chờ ở phía trước...

Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương được thành lập trên cơ sở Bộ Tư lệnh Bộ đội Bảo vệ chuyển sang, lấy khung sư đoàn 350 làm nòng cốt. Đang ở đơn vị có chế độ ổn định, có vai trò, vị trí quan trọng, sang một lực lượng mới chưa rõ tương lai sẽ ra sao? Trong anh em nổi lên tư tưởng băn khoăn, chưa an tâm công tác, một số người muốn phục viên, đặc biệt là số người chuyển về Cục Hậu cần không vừa lòng, kém phấn khởi. Anh em cho rằng, làm công tác hậu cần ít được quan tâm, chú ý, chậm được cất nhắc đề bạt, khó phát triển. Cán bộ Cục từ quân chính chuyển sang làm chuyên môn mới lạ, bỡ ngỡ, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Tư tưởng chờ việc, giao việc thì làm, chưa hiểu nhau, dè chừng, bằng mặt nhưng không bằng lòng... tồn tại trong không ít cán bộ. Cán bộ đã vậy thì chắc chắn và tất yếu chiến sĩ không khỏi dao động, phân tâm.

Sau hơn một tháng tìm hiểu, nắm tâm tư nguyện vọng của anh em, ông quyết định tổ chức đợt học tập để anh em hiểu rõ nhiệm vụ rất quan trọng, và trách nhiệm của công tác hậu cần. Ông nhấn mạnh yếu tố đoàn kết nội bộ, động viên anh em tích cực chủ động trong công tác, đồng thời nhanh chóng kiện toàn bộ máy giúp việc và lãnh đạo Cục. Từ đó tạo nên sự vận hành nhịp nhàng, chuyển biến tích cực trong mọi mặt hoạt động của các phòng, ban, đơn vị trong Cục. Phát huy được vai trò cơ quan đảm bảo công tác Hậu cần cho toàn lực lượng, phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, hoạt động chiến đấu, công tác của cán bộ, chiến sĩ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu.

Một khởi đầu không mấy thuận lợi nhưng đã vượt qua. Sẽ còn nhiều công việc khó khăn hơn gấp nhiều lần đang chờ, thách thức người đứng đầu cơ quan Cục. Ông đã từng làm việc ở cơ quan F.350, rồi Bộ Tư lệnh Bộ đội Bảo vệ, việc lo hậu cần cho một sư đoàn tập trung đóng tại Thủ đô không mấy khó khăn: Giao thông thuận lợi, phương tiện trang bị; lương thực, thực phẩm đầy đủ; quân nhu, vũ khí, xe máy được ưu tiên... Nay phải lo cho cả lực lượng Công an nhân dân vũ trang quân số đông gấp bội, hoạt động trải dài, phân tán khắp các vùng sâu, vùng xa trên toàn miền Bắc, công tác bảo đảm hậu cần gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, quả là một bài toán nan giải.

Một lực lượng non trẻ vừa mới ra đời, cái gì cũng khó khăn, thiếu thốn, từ nơi ăn, chốn ở, trụ sở làm việc, phương tiện trang bị của các cơ quan, đơn vị thuộc ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương đến các đơn vị cơ sở. Từ cái ô tô tải, com-măng-ca cho lãnh đạo, chiếc máy chữ, đến cái nhỏ như đèn pin, áo đi mưa, bộ đồ cắt tóc... những thứ thiết yếu nhất có tính đặc thù của lực lượng Công an nhân dân vũ trang đều phải tính toán, lo toan. Rõ ràng, bước đầu "tay không bắt giặc" - riêng việc xây dựng doanh trại cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương, cơ sở vật chất làm việc cho đến tìm địa điểm để xây dựng các đơn vị trực thuộc rồi kinh phí mua tranh, tre, gỗ, nứa, sắt thép, xi măng xây dựng trường sĩ quan; trường Huấn luyện chó nghiệp vụ; trường Huấn luyện ngựa; trạm xá; kho tàng (101), xưởng sửa chữa vũ khí, doanh trại Tiểu đoàn vận tải (22)... Chỉ trường văn hóa Cầu Chui là có sẵn của Sư 350... Rồi xây dựng Trạm 30 (sau Bộ Công an lấy làm Bệnh viện 19/8, C.500 làm trường Đại học An ninh), đồng thời ông đã từng triển khai nhiều lớp tập huấn, các lớp học ngành nghề ở đây như các lớp lái xe mô tô, cơ công, y tá...

Việc xây dựng doanh trại cấp tỉnh, các đồn trọng điểm có nhiều khó khăn, ông đã giúp Bộ Tư lệnh chỉ đạo triển khai, khai thác vật liệu ở rừng và đào tạo thợ mộc tại chỗ để lập đồn, trạm, bảo đảm nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ.

Không có xe cơ giới và đường xá dốc, đèo khó khăn, ông chỉ đạo dùng ngựa thồ, thuyền mảng và huy động sức dân, cung cấp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm lên các đồn Biên phòng. Đồng thời ông rất chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị đẩy mạnh chăn nuôi, tăng gia sản xuất tự túc... nên chỉ năm 1963, toàn lực lượng đã thu hoạch 185 tấn lương thực, 165 tấn thịt cá, hàng vạn tấn rau xanh. Mùa mưa lũ, ông đề nghị các cấp chính quyền lấy thuế nông nghiệp hằng năm ở địa phương đóng bằng thóc, cung cấp lương thực cho các đồn Biên phòng. Thức ăn chủ yếu là cá khô, vừng, muối... Thuốc chữa bệnh là ký ninh, thuốc đỏ và cao đắng chuyên trị sốt rét, lở loét và ruồi vàng, bọ chó đốt...

Thời chiến, ông chủ trương dự phòng từ 1 đến 2 tháng lương thực và ông trực tiếp sang Bộ Quốc phòng xin xe vận tải, súng đạn, súng 75 ly cho hơn 100 đồn và triển khai tự sản xuất lương khô cung cấp cho các đơn vị. Ông lo đủ mỗi đồn một y tá hoặc quân y sĩ, ở đơn vị trọng điểm có bác sĩ và trạm quân y dã chiến. Việc cung cấp cho các đơn vị hỏa tuyến rất được ông chú ý. Riêng Đại đội vận tải 22 đã chạy hàng trăm ngàn km vận chuyển lương thực, vũ khí cho các đơn vị từ khu Bốn đến Việt Bắc, Tây Bắc...

Về vũ khí, khí tài, phần lớn các đơn vị từ các tiểu đoàn địa phương chuyển sang mang theo, có gì dùng nấy, chủ yếu là súng trường K44 và CKC, chất lượng kém, không đồng bộ, lại thiếu thốn. Nhiều đơn vị có súng, mà không đủ cơ số đạn, thậm chí không có đạn. Năm 1960, lực lượng tổ chức nhiều đợt tuyển quân dồn dập để bổ sung cho toàn tuyến biên phòng. Theo đó, công tác hậu cần phải bảo đảm lo toan nhiều thứ, với số lượng lớn vật chất trang bị, phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ mới. Trước hết, là nhà ở thiếu trầm trọng, thậm chí có đơn vị phải mượn tạm nhà dân để ở. Địa bàn phân tán, 50% tuyến đường giao thông đến các đồn, trạm biên giới là lối mòn và đường ngựa thồ. Khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, lại xa các đơn vị đóng quân. Sự thiếu hụt lương thực, thực phẩm dự trữ luôn là nỗi lo canh cánh của cán bộ, chiến sĩ trên toàn tuyến biên giới. Bộ đội ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm, lại thêm bệnh sốt rét hoành hành. Đó là những thách thức thực sự không dễ giải quyết trong buổi đầu khởi nghiệp với người chỉ huy và cơ quan hậu cần. Song với tư tưởng chỉ đạo "Hướng về đồn, đại đội để phục vụ chiến đấu", khắc phục khó khăn, tự lực tự cường, lấy bảo đảm hậu cần tại chỗ là chủ yếu.

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, để chủ động cho việc đảm bảo đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên các tuyến biên giới, qua thực tế các chuyến công tác của cán bộ Cục, trong đó có nhiều đợt ông trực tiếp đi khảo sát tình hình, từ đó hình thành một chương trình, kế hoạch đã được ông cùng tập thể thống nhất chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách. Phong trào tự lực cánh sinh, tăng gia sản xuất tại chỗ, cải thiện bữa ăn được các đơn vị, đồn, trạm tích cực triển khai, mục tiêu là: Đảm bảo tự túc 100% rau xanh, 50% thịt bò, lợn, gia cầm. Gạo, muối đủ dự trữ từ 1-3 tháng, xây bể dự trữ nước ăn ít nhất đủ 1 tuần. Đồng thời tích cực khai thác nguyên vật liệu tại chỗ, từng bước thay thế nhà tranh xập xệ, dột nát, đảm bảo nơi ăn, chốn ở an toàn vào mùa mưa lũ và đủ ấm vào mùa lạnh cho cán bộ, chiến sĩ. Công tác dân vận, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân được ông đưa lên hàng đầu trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nhờ làm tốt công tác dân vận và phát động phong trào "ba tại chỗ" mà cơ sở vật chất, chất lượng cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên các tuyến biên giới được cải thiện rõ rệt, hạn chế được tình trạng dịch bệnh nhất là sốt rét, bảo đảm quân số khỏe để công tác, chiến đấu; đồng thời đã huy động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia tích cực đẵn gỗ, cắt tranh, gùi từng viên gạch, ngói, cát... đóng góp hàng nghìn ngày công, nhờ đó nhiều đồn, trạm đã được ngói hóa, tường gạch chắc chắn. Đang dở dang việc xây dựng hệ thống đồn, trạm Biên phòng thì đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân nhiều địa phương trên miền Bắc Việt Nam. Nhiều đồn, trạm, nhà cửa phải dựng đi, dựng lại nhiều lần do bị bom đạn địch đánh phá. Có đồn di chuyển nhiều lần một năm như đồn Cà Roòng, tỉnh Quảng Bình. Song công tác bảo đảm như đào hào, làm hầm tránh bom đạn, sơ tán tài sản vào hang sâu đảm bảo đời sống, sinh hoạt vẫn đáp ứng cho các hoạt động bám trụ chiến đấu với máy bay địch và làm công tác an ninh ổn định tình hình nhân dân khu vực biên phòng.

Trên tuyến bờ biển, hải đảo cũng nhiều vấn đề nan giải đặt ra. Việc xây dựng các thủy đội tàu thuyền phục vụ cho chiến đấu, công tác trước tình hình mới cũng gặp rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính đến năm 1963, các thủy đội tàu thuyền toàn tuyến biển mới chỉ có 5 tàu vận tải vỏ sắt cũ, tốc độ chậm, không chịu được sóng to. Ca nô chỉ huy chỉ có 3 chiếc cũ, nhiều khi không nổ được máy. Số còn lại chủ yếu là thuyền buồm, gồm 105 chiếc. Trong khi yêu cầu kế hoạch phải có ít nhất là 14-16 thuyền máy cơ động được trên sóng cấp 7 và đạt tốc độ 30 hải lý/giờ.

Từ tháng 4/1965, giặc Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại miền Bắc nhằm ngăn chặn con đường tiếp tế của hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam. Theo đó, chúng tăng cường hoạt động gián điệp, biệt kích xâm nhập hậu phương miền Bắc, tiến hành các hoạt động phá hoại cầu đường, kho tàng, cơ sở hạ tầng; nhen nhóm, xây dựng các tổ chức phản động phá hoại ta từ bên trong. Công tác biên phòng phải đương đầu với những khó khăn, phức tạp mới. Một mặt, phải phối hợp với các lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ địa phương đánh trả máy bay địch; mặt khác, phải tăng cường lực lượng, tiến hành biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, truy lùng, tiêu diệt các toán gián điệp biệt kích, xâm nhập từ biên giới đất liền, vùng duyên hải, bờ biển vào nội địa.

Trong bối cảnh đó, công tác hậu cần đảm bảo cho chiến đấu gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ sở thu mua, phân phối, tiếp tế từ các địa phương bị ách tắc, không đảm bảo thường xuyên và thiếu hụt trầm trọng. Nhiều đồn, trạm không đảm bảo được định mức ăn, phải rút xuống 50-60%. Anh em phải kiếm thêm để bù đắp một phần lương thực, thực phẩm từ rừng và thiên nhiên. Hầm hào, kho tàng luôn ẩm ướt nên không bảo đảm được nguồn dự trữ cho chiến đấu. Có những đợt truy quét biệt kích dài ngày, từ đất ta sang đất bạn Lào, công tác đảm bảo hậu cần gặp nhiều khó khăn không kịp đáp ứng cho chiến đấu nên hạn chế phần nào hiệu suất chiến đấu. Đó là một thực tế để ông kịp thời nghiên cứu rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo đối với ngành Hậu cần.

Tuy khó khăn chồng chất, song ông luôn trăn trở khơi dậy, phát huy vai trò giúp việc của các cơ quan, nghiên cứu tìm phương thức ưu việt nhất để tham mưu cho Bộ Tư lệnh có chủ trương lãnh đạo và các phương án chỉ đạo kịp thời, trong các lĩnh vực, từng vụ việc, đồng thời ông sâu sát triển khai các công việc cụ thể của ngành Hậu cần, đáp ứng tốt nhất công tác đảm bảo cho mọi hoạt động chiến đấu, công tác của toàn lực lượng; kết hợp chặt chẽ với công tác chính trị tư tưởng, động viên anh em khắc phục mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với thông qua việc động viên, khai thác, phát huy sức mạnh tại chỗ của công tác hậu cần, đã tranh thủ được sự giúp đỡ tận tình của đồng bào các dân tộc và sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương vùng biên giới, biển, đảo, các đồn, trạm từng bước tiếp tục được xây dựng củng cố đảm bảo tốt hơn nơi ăn, chốn ở và cải thiện đời sống; cũng qua đó góp phần tích cực thắt chặt mối quan hệ quân dân gắn bó, thế trận biên phòng toàn dân được nâng lên. Qua khó khăn, thử thách và thực tiễn phong phú, cán bộ Cục đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong việc hoạch định chiến lược hậu cần cho lực lượng sau này. Có thể nói, Cục trưởng Cục Hậu cần Ngô Kiếm là mội cán bộ có tầm nhìn chiến lược trong công tác đảm bảo Hậu cần ngay từ những năm đầu thành lập lực lượng. Tất cả vị trí đóng các đồn, trạm biên phòng đã được tính đến các yếu tố đảm bảo đời sống sinh hoạt, bên cạnh yếu tố sẵn sàng chiến đấu, mà những năm sau này vẫn có ý nghĩa thiết thực.

Sau hơn 10 năm lăn lộn với thực tế công tác, chiến đấu trong thời bình và thời chiến, năm 1970, báo cáo tổng kết công tác của Cục Hậu cần được Bộ Tư lệnh đánh giá cao. Không chỉ đạt được nhiều thành tích xuất sắc, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác chỉ đạo thực hiện, mà còn đúc kết, đề ra những vấn đề có tính nguyên tắc, làm cơ sở lý luận cho việc xây dựng các phương án, kế hoạch có tính thực thi, toàn diện, khoa học các mặt công tác bảo đảm hậu cần. Ngày 17/7/1970, Bệnh xá 265 được nâng cấp lên Bệnh viện loại B, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng. Đội ngũ bác sĩ, y sĩ, y tá, vệ sinh viên các đồn trạm đủ khả năng giải quyết việc khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Bên cạnh đó, Cục Hậu cần kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, đề xuất các chính sách, tiêu chuẩn, chế độ phù hợp với thực tế, yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Trước đây, chiến sĩ mới lên công tác ở các đồn, trạm biên giới phải chống chọi với cái rét cắt thịt, cắt da, rất cơ cực, bởi chăn phát cho quá mỏng, chỉ nặng 0,7kg. Cán bộ còn có tiền lương dành dụm mua thêm chăn 3kg, chiến sĩ chỉ có phụ cấp 5 đồng/tháng nên phải gom chăn lại ngủ chung để tận dụng hơi ấm của nhau. Từ đầu năm 1971, đã chấm dứt được tình trạng này. Công tác tự túc tại chỗ được đẩy lên một bước mới. Tổng kết hằng năm, toàn lực lượng đã tự túc được gần 400 tấn gạo, 49 tấn thịt, 100% rau xanh. Đời sống cán bộ, chiến sĩ không ngừng được cải thiện, tạo nên không khí phấn khởi, yên tâm công tác và chiến đấu.

Một vấn đề không nhỏ góp phần quan trọng vào sự thành công của công tác hậu cần đó là tinh thần tiết kiệm triệt để trong toàn lực lượng do Cục Hậu cần phát động và trực tiếp chỉ đạo. Trong điều kiện khó khăn về trang bị kỹ thuật, khan hiếm xăng xe, anh em các đội xe luôn tâm niệm với ý thức cao của mỗi người là: "Yêu xe như con, quý xăng như máu, an toàn trong mỗi chuyến đi". Phong trào tiết kiệm, chống lãng phí từng viên đạn, lon gạo, mớ rau, giọt xăng... được ông và cán bộ, chiến sĩ trong Cục thực hiện trước, làm gương cho các đơn vị noi theo.

Một chiến sĩ Trạm 120 kể lại, trong chuyến công tác tại Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh, ông xuống thăm Trạm 120 và Trạm Cửa Ông - đơn vị vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi đến, ông gặp một nhóm chiến sĩ đang ngồi bóc ngô, với tác phong quần chúng, dân dã, ông ngồi xuống cùng bóc ngô, trò chuyện, hỏi thăm đời sống, gia đình, công việc của anh em. Thỉnh thoảng ông lại pha trò làm các chiến sĩ cười sảng khoái. Khi cán bộ Trạm phát hiện ra ông là Phó Tư lệnh, đã vội vã mời ông lên phòng làm việc của Trạm, các chiến sĩ cứ nhìn nhau, từ ngỡ ngàng đến kính trọng về tác phong sâu sát, gần gũi chiến sĩ của ông. Sau khi nghe báo cáo về công tác của trạm, ông biểu dương tinh thần tiết kiệm của anh em, bảo quản tốt vật tư, vũ khí, lương thực, thực phẩm dự trữ, cần được phát huy và không bao giờ được quên vấn đề tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí. Rồi ông nói chuyện về tình hình quốc tế, trong nước, dặn dò anh em đoàn kết, thương yêu nhau, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Rời Trạm 120 tới Cọc 8, trụ sở Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh. Lúc này đang giờ nghỉ trưa, ông không muốn anh em mất giấc ngủ nên đi loanh quanh khu đóng quân, vừa để kiểm tra doanh trại, vừa để chờ đến giờ làm việc, khỏi phiền đơn vị. Sau khi thăm hỏi mọi người, nghe Ban Chỉ huy báo cáo tình hình công tác hậu cần thời chiến, ông trao đổi, chỉ đạo một số công việc cần làm ngay, rồi vội lên đường xuống thăm Trạm Cửa Ông. Chào mọi người và thăm hỏi mươi phút, ông cùng đồng chí Nguyễn Văn Đức, Chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh lên ca nô thị sát tình hình vùng ven biển hơn 2 giờ mới quay lại đơn vị. Thay mặt Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, ông biểu dương những thành tích xuất sắc của tập thể cán bộ, chiến sĩ trạm. Ông cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục và giao trách nhiệm cụ thể cho đơn vị phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới để xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Nhà nước phong tặng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Cận (sau này là Cục trưởng Cục Hậu cần Bộ đội Biên phòng) nhớ lại: Khi anh còn là lính lái xe thuộc Đại đội vận tải 22, Cục Hậu cần - một đơn vị cơ động chuyên vận chuyển hàng hóa, vật tư kỹ thuật cho các kho tàng của lực lượng, ngày tháng liên miên xuôi ngược trên các cung đường địch đánh phá ác liệt nên ít có điều kiện gặp Cục trưởng. Đơn vị anh có một đồng chí lái xe hay đi công tác vùng núi phía Bắc. Nghe đồng bào nói có loại rượu dân tộc rất quý, uống vào thì hết mỏi mệt nên anh tìm mua đôi ba chai. Lần đó, Thủ trưởng Cục Hậu cần đến thăm và kiểm tra đơn vị. Trong bữa cơm cũng có chén rượu đãi khách. Ông khen, rượu gì mà hay thế. Thương ông đi đường xa vất vả, sau bữa, anh rón rén cầm một chai đến biếu để ông bồi dưỡng sức khỏe. Ai dè ông nghiêm sắc mặt hỏi: "Tụi bay lấy tiền ở đâu mà mua rượu biếu tao hả?". Anh ngượng đến chín mặt, không biết trả lời ra sao. May có anh em đỡ lời cho. Rồi ông chỉnh cho một chặp về việc đảm bảo an toàn khi lái xe. Cần phải tiết kiệm, chống lãng phí, không chỉ của công mà ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày.

Sau lời phê bình nghiêm khắc, Cục trưởng cũng cười xòa độ lượng, rồi vui vẻ nói: "Thôi đã trót mua cứ giữ lấy mà dùng, tớ còn khỏe chán, chưa cần đến sự trợ lực đâu, khi đã ngồi bên tay lái thì một hớp rượu cũng không được uống", hãy nhớ cho kỹ. Qua những câu chuyện tương tự như vậy ở các đơn vị, vào các thời điểm khác nhau, mọi người bảo nhau chớ có dại mà mang quà cáp đến biếu ông, kể cả là trong những dịp lễ tết. Ông là thế, Không bao giờ tơ hào đến một xu, một hào nếu đó là của công. Ông không bao giờ lợi dụng chức quyền bắt người khác phục vụ, biếu xén quà cáp. Có lẽ ông là người tiêu biểu đại diện cho một thế hệ Bộ đội Cụ Hồ có phẩm cách Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư.

Sau một thời gian Đế quốc Mỹ thực hiện ném bom hạn chế (từ vĩ tuyến 19 trở vào), năm 1972, Nixon, Tổng thống Mỹ hiếu chiến mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc với phương thức mới, cực kỳ nguy hiểm. Chúng sử dụng các phương tiện chiến tranh hiện đại được đưa vào thể nghiệm trên chiến trường Việt Nam. Cây nhiệt đới rải xuống khắp các vùng rừng núi, dọc theo các con đường vận tải chiến lược để phát hiện sự chuyển động của xe, pháo, các cuộc hành quân của bộ đội ta. Nó truyền tín hiệu, chỉ dẫn cho máy bay phản lực và cả B52 đến ném bom hủy diệt. Đặc biệt nguy hiểm là bom Laze - một loại vũ khí mới với công nghệ sóng âm phản hồi khi gặp những vật thể là sắt thép, kim loại. Hệ thống cầu cống, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp của ta bị tàn phá nặng nề. Đây là giai đoạn miền Bắc bị tổn thất nghiêm trọng nhất. Các cung đường khu 4, đường Trường Sơn bom đạn ngút trời. Hàng ngàn mét vuông nhà cửa, kho tàng, hầm hào của Công an nhân dân vũ trang bị địch đánh phá hư hại, vừa đứng chân chỗ này đã phải sơ tán đi nơi khác. Công tác hậu cần được huy động tổng lực nhưng chẳng thấm vào đâu. Cùng thời gian này là sự chuyển quân lớn và liên tục từ miền Bắc tăng cường cho chiến trường miền Nam. Việc chồng lên việc, vừa lo hậu cần tại chỗ cho các đồn trạm, vừa phải đảm bảo đủ trang bị vũ khí gọn nhẹ và yêu cầu vật chất cho cán bộ, chiến sĩ đi B.

Trong một thời điểm đầy biến động, dồn dập, cán bộ Cục Hậu cần luôn có mặt tại các điểm nóng để trực tiếp chỉ đạo tuyến biên giới trọng điểm Khu 4, vừa khắc phục hậu quả của những đợt ném bom, vừa tổ chức lại công tác hậu cần là: Dựa vào dân, khai thác tiềm năng trong dân để ổn định đời sống của cán bộ, chiến sĩ, tiếp tục chiến đấu chia lửa với miền Nam ruột thịt.

Ghi nhận những công lao, thành tích của lực lượng Công an nhân dân vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập lực lượng (3/3/1959 - 3/3/1974), Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 22 đơn vị, 12 cá nhân, trong đó có đồng chí Lê Duy Cận, một chiến sĩ tiêu biểu của ngành hậu cần. Trong thành tích chung đó có công sức thầm lặng của bao cán bộ, chiến sĩ hậu cần dưới sự chỉ đạo của ông.

Cùng với những binh đoàn chủ lực đang khẩn trương ngày đêm, rầm rập hành quân vào chiến trường, chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, công tác chi viện cho An ninh vũ trang miền Nam của lực lượng Công an nhân dân vũ trang cũng hết sức dồn dập, đòi hỏi công tác đảm bảo vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm và chuyển quân phải rất khẩn trương. Chỉ riêng quý II năm 1975, phải đảm bảo mọi điều kiện cho 5.000 cán bộ, chiến sĩ hành quân vào miền Nam. Một khối công việc khổng lồ, phải lo gấp trong một thời gian ngắn, Cục trưởng Ngô Kiếm như ngồi trên đống lửa. Ông như con thoi, chạy qua chạy lại, liên tục làm việc cặn kẽ, chi tiết với Ủy ban Thống nhất của Chính phủ, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo công tác đảm bảo cho lực lượng tăng viện. Ông phân công cán bộ Cục và có chuyến trực tiếp đi khảo sát thực tế một số vùng mới giải phóng. Đồng thời lên chương trình, kế hoạch lo phân bố, bảo đảm công tác hậu cần, lo chế độ cho trên 20.000 cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang đang làm nhiệm vụ ở khắp miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ chỗ chỉ lo tổ chức đảm bảo hậu cần cho hoạt động chiến đấu, công tác của Công an vũ trang miền Bắc, nay phải lo trên địa bàn cả nước nhất là về công tác đảm bảo ăn, ở, sinh hoạt cho các đồn, trạm cùng một thời điểm, phải đồng loạt triển khai lại trong bối cảnh hết sức phức tạp về an ninh trật tự, là cả một vấn đề nan giải. Mặt khác, đại đa số các đơn vị mới tiếp quản vùng giải phóng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hầu như chưa có gì, đặc biệt khó khăn là các đơn vị tuyến biên giới và bờ biển, hải đảo. Ông đã nhạy bén tham mưu đề xuất và trực tiếp chỉ đạo triển khai sâu sắc, hiệu quả công tác hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác biên phòng.

Sau những ngày bị choáng vì thất bại quá nhanh chóng trước sức tấn công vũ bão của ta, lợi dụng tình hình an ninh trật tự xã hội chưa ổn định, các thế lực thù địch tổ chức lực lượng chống phá ta quyết liệt. Những kẻ giấu mặt nuôi dưỡng âm mưu thâm độc không thành đã gián tiếp tiếp tay cho các tổ chức phản động tiến hành các hoạt động phá hoại ở khắp các vùng biên giới. Trên tuyến biên giới Việt - Lào từ phía Bắc đến phía Nam, biệt kích, thổ phỉ, gián điệp liên tục xâm nhập phá hoại, gây hoang mang trong dân chúng. Tuyến bờ biển, hải đảo, biệt kích, người nhái đột nhập nhiều lần. Tuyến Việt - Trung tưởng yên bình nhất lại phải đương đầu với việc xâm lấn lãnh thổ, diễn biến an ninh chính trị hết sức phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, các đồn, trạm phải di chuyển ra sát biên giới, cắm chốt, cùng nhân dân và các lực lượng địa phương đấu tranh liên tục, dài ngày để bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống lấn chiếm.

Tuyến Việt Nam - Campuchia cũng nóng lên, báo hiệu những hoạt động bất thường dễ xảy ra xung đột vũ trang. Vì vậy, cần nhanh chóng củng cố, xây dựng đồn, trạm, tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Trong nội địa, các lực lượng an ninh phải truy quét tàn quân ngụy và bọn Fulro, xây dựng, củng cố chính quyền, ngăn chặn làn sóng vượt biên, giữ gìn an ninh trật tự khu vực, ổn định đời sống nhân dân... đòi hỏi Công tác đảm bảo hậu cần cứ âm thầm, nhiều việc không tên, lo liệu cho cả một lực lượng hùng hậu ở tuyến trước, thực sự đóng vai trò hết sức quan trọng vào mỗi chiến công của các đơn vị trên tuyến đầu biên giới của Tổ quốc.

Trên cương vị Phó Tư lệnh phụ trách công tác Hậu cần, ông tiếp tục quán xuyến toàn diện có chiều sâu và rất thiết thực lĩnh vực công tác này. Điều đáng ghi nhận là ông đã nhạy bén đề xuất với Đảng ủy - Bộ Tư lệnh, đồng thời trực tiếp chỉ đạo triển khai sát, đúng các trọng tâm công tác lớn: Đối với các đơn vị Công an nhân dân vũ trang miền Bắc tập trung củng cố, duy trì nề nếp công tác hậu cần, nghiêm chỉnh thực hiện các chế độ quy định, đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt rét ở các tuyến biên giới miền Bắc, miền Trung. Với các tỉnh phía Nam, đã khẩn trương thống nhất các chế độ tiêu chuẩn về đài thọ, đãi ngộ, ăn uống, sinh hoạt, công tác, thống nhất cấp phát trang bị và các mặt khác. Có phương thức thích hợp để thực hiện công tác đảm bảo, tập trung đảm bảo kịp thời cho tuyến biên giới Tây Nam 3.000 tấn vũ khí các loại, 273 tàu, xuồng máy và chèo tay cho tuyến biển, 30 xe ô tô tải, xe cứu thương, hàng triệu tấn xăng dầu, hàng vạn tấn lương thực và các phương tiện thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu, xây dựng doanh trại cho các đơn vị...

Về mặt tổ chức, tập trung củng cố kiện toàn các phòng, ban Cục Hậu cần đủ sức vươn ra thực hiện công tác đảm bảo trong phạm vi cả nước, đồng thời với ổn định tổ chức Ban Hậu cần các tỉnh phía Nam. Từ đó công tác Hậu cần kỹ thuật trong toàn lực lượng đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ.

Dáng người tầm thước, chắc, đậm, khuôn mặt chữ điền đầy đặn, Thiếu tướng Ngô Kiếm hội tụ đầy đủ hình mẫu của một người nông dân khỏe mạnh, hiền lành, chất phác, đôn hậu. Điều đó được biểu hiện trong cuộc sống đời thường của ông. Người thân trong gia đình và hàng xóm láng giềng không lấy làm ngạc nhiên khi một vị Tướng những ngày về quê cũng quần đùi, áo may ô xăm xăm đi xách nước, trồng rau, chăn nuôi lợn gà, nấu ăn, tắm rửa cho con cái... Là người lính chiến đấu, thường xuyên phải xa gia đình, ông thấu hiểu nỗi vất vả của người vợ, nên cố gắng chia sẻ, bù đắp phần nào sự thiệt thòi của vợ con. Ông sống hòa đồng, gần gũi với mọi người, sẵn lòng giúp đỡ họ, làm những gì mình có thể làm được. Tuy nhiên, với con cái, ông lại là người rất nghiêm khắc. Thế hệ ông không được học hành có hệ thống, đến nơi đến chốn do sống dưới chế độ thực dân phong kiến đầy áp bức, bất công. Vì thế, đôi khi ông đòi hỏi con cái những yêu cầu cao trong học tập, rèn luyện. Ông buồn khi chúng không đạt được những điều ông ngưỡng vọng. Trong các con của ông, có người nói: "Nhiều khi ông hơi thái quá, hà khắc trong dạy dỗ con cái". Có lẽ, đó không chỉ là lỗi của riêng ông. Ông là người sống nặng về nội tâm, kiệm lời, giản dị, khiêm tốn, không thích phô trương, nhưng lại rất dí dỏm trong các cuộc vui; dễ chia sẻ, tạo nên bầu không khí thoải mái, vui vẻ trong các buổi sinh hoạt tập thể.

Những người lính, những cán bộ cấp dưới được ông đào tạo, bồi dưỡng, sau này trưởng thành đều nhắc tới ông với tấm lòng biết ơn, kính nể, trân trọng; tôn vinh ông: Một cán bộ lãnh đạo mẫu mực về lối sống và đạo đức, tận tụy, trách nhiệm trong công việc, có nhiều sáng tạo trong chỉ đạo và điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hai mươi năm gắn bó với lực lượng, Thiếu tướng Ngô Kiếm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong mỗi mốc thời gian, đặc biệt là buổi ban đầu gian nan, thiếu thốn, vất vả của Cục Hậu cần và công tác hậu cần Công an nhân dân vũ trang. Từ thực tiễn chỉ đạo và tổ chức thực hiện, từng bước rút kinh nghiệm; từ những kết quả đạt được, ông đã đúc kết thành lý luận, rồi lại áp dụng vào thực tiễn một cách sát thực, hiệu quả. Những sáng kiến, đề xuất chủ trương, biện pháp của ông về tiết kiệm, "ba tại chỗ", tăng gia tự túc đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhiều đồn, trạm biên giới không chỉ tự túc được lương thực, thực phẩm, mà còn dư thừa, bán ra thị trường. Họ xứng đáng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất năng động, giỏi giang. Ông là cán bộ có tầm nhìn chiến lược. Ông vừa là người tham mưu cho Bộ Tư lệnh, vừa là người trực tiếp chỉ đạo, đưa ra những quyết định có tính quyết đoán chính xác trong công tác hậu cần, đặc biệt là trong những tình thế phức tạp, cấp thiết. Đồng thời, dự báo trước được những vấn đề nảy sinh trong từng giai đoạn để sớm có phương án đáp ứng được yêu cầu về công tác hậu cần của lực lượng. Có thể nói, ông đã có đóng góp lớn trong quá trình hình thành và phát triển của ngành Hậu cần Công an nhân dân vũ trang; là người đắp nền, xây móng của Cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ đội Biên phòng ngày nay.

Đinh Đức Cần (Theo Những vị tướng Biên phòng, 1959-2016)

Bình luận

ZALO