Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 16/09/2024 03:48 GMT+7

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa - Giản dị và trách nhiệm

Biên phòng - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (giai đoạn 1982-1988), sinh tháng 10/1927 tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ở tuổi 87, nhưng dáng vẻ ông vẫn toát lên một phong thái đĩnh đạc, khoan thai, khỏe khoắn của vị Tướng đã nhiều năm lăn lộn chiến trường.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (1982-1988).

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có phong trào cách mạng sôi nổi, ông đã sớm tiếp nhận ánh sáng của Đảng và Bác Hồ. Vì vậy, tháng 8/1947, ông đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, quá trình hoạt động cách mạng đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam, các nước bạn Lào, Cuba trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý.

Nhắc lại những câu chuyện đã lui vào quá khứ, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa vẫn không khỏi xúc động. Trước khi bắt đầu câu chuyện với tôi, ông chậm rãi nhấp một ngụm trà nóng, ánh mắt nhìn xa xăm. Lúc bấy giờ, tôi mới để ý, đôi mắt của ông đã mờ đục bởi thời gian và cuộc chiến. Ông bắt đầu kể lại từng dấu ấn cuộc đời chiến đấu của mình gắn liền với các mốc lịch sử của dân tộc.

... Sau khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), phong trào Việt Minh ở ngoại thành Hà Nội phát triển mạnh. Những tổ du kích các xã ngoại thành ra đời, phong trào tập luyện quân sự của nhân dân rất sôi nổi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lúc ấy mới 18 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Mạnh Thoa đã phải vào ở và làm thuê cho người chú tại 27 Hàng Đào. Ở đây, giữa khu vực nội thành, tinh thần yêu nước và quyết tâm chống Pháp của nhân dân diễn ra quyết liệt, đã thúc giục Nguyễn Mạnh Thoa tham gia vào lực lượng tự vệ chiến đấu ở tiểu khu Đông Kinh Nghĩa Thục, do Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Cũng từ đó, chàng trai trẻ Nguyễn Mạnh Thoa quyết dấn thân trên con đường cách mạng trường kỳ gian khổ, với ý chí quyết tâm cống hiến sức lực và trí tuệ cho đất nước và nhân dân.

Sau khi Hiệp định Sơ bộ giữa Việt Nam với Pháp được ký kết ngày 6/3/1946, thực dân Pháp đưa quân vào đóng trong thành phố Hà Nội thay cho quân của Tưởng Giới Thạch rút về nước. Tình hình lúc này vô cùng căng thẳng, bọn Pháp và bọn Việt gian bán nước ra sức khiêu khích, gây hấn với bộ đội ta. Nhận thấy ông là người có tố chất lãnh đạo, Thành đoàn Hà Nội đã cử ông đi học các lớp quân sự, chính trị ngắn ngày, đào tạo cán bộ tiểu đội, trung đội. Sau đó, ông cùng một số anh em tự vệ chiến đấu được bổ sung cho lực lượng Vệ quốc đoàn, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt chống quân xâm lược Pháp, ông đã nhanh chóng trưởng thành về nhiều mặt. Từ Đại đội trưởng Đại đội 32, Bộ đội chủ lực tỉnh Hà Đông, chỉ một thời gian ngắn ông tiếp tục được đề bạt chức Thị đội trưởng thị xã Hà Đông, rồi Tham mưu trưởng Tỉnh đội Hà Đông. Ông đã trực tiếp chỉ huy các đơn vị dưới quyền, chặn đánh quân Pháp hàng chục trận rất quyết liệt, tiêu diệt hàng trăm tên, buộc địch phải co cụm, không dám đưa quân càn quét ở địa bàn Hà Đông.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7/5/1954), miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông lần lượt được bổ nhiệm làm chỉ huy Tiểu đoàn 835 rồi Tiểu đoàn 922, thuộc Trung đoàn 46, với chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác. Lúc này nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là làm công tác dân vận, nhất là việc vận động đồng bào theo đạo Thiên chúa các địa bàn Kim Sơn, Phát Diệm (Ninh Bình), Hải Hậu (Nam Định) không theo địch di cư vào Nam.

Năm 1958, ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Quân báo của Liên khu 3. Từ năm 1961-1963, ông giữ chức Trưởng phòng Trinh sát Bộ đội tình nguyện Việt Nam, kiêm Trưởng đoàn Chuyên gia Phòng 2 của Bộ đội Pa-thét Lào. Với nhiệm vụ chính là: Nắm tình hình địch qua các cơ quan, nắm địch của các Tỉnh đội, Thành đội. Ông cùng lực lượng vũ trang của Bạn triển khai thành lập cơ quan Cục 2, tổ chức các đơn vị Quân báo, Trinh sát ở cấp Quân khu và các đơn vị cho nước Bạn. Đồng thời ông và các cán bộ đoàn chuyên gia đã rất tích cực, nhạy bén làm cố vấn nhiều vấn đề giúp cho các đơn vị này của Bạn nhanh chóng ổn định tổ chức và đi vào hoạt động có hiệu quả thiết thực.

Giữa năm 1963, ông được điều về Trường Trung cao Quân sự (nay là Học viện Quốc phòng), giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Trinh sát Quân báo, tham gia đào tạo cán bộ trung, cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cương vị công tác giảng dạy của mình ở nhà trường, với những kiến thức, kinh nghiệm thực tế đầy ắp ông đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ của nhà trường đối với công tác quân báo.

Cuối năm 1966, ông được giao nhiệm vụ giữ chức Trưởng phòng Tác chiến, Tham mưu phó Quân khu (chiến đấu tại chiến trường Trị-Thiên). Với cương vị của mình, ông hăng hái bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị chiến trường và tổ chức huấn luyện bộ đội, kịp thời phục vụ cho chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968. Trong chiến dịch này, ông được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Tham mưu tiền phương, giúp các đồng chí Tư lệnh và Phó Bí thư Khu ủy chỉ huy, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn thành phố Huế (119 ngày đêm) và các địa phương trong toàn Quân khu Trị-Thiên. Ông tỏ ra là một cán bộ có năng lực trong công tác tham mưu và triển khai nhiệm vụ.

Tháng 6/1968, Quân khu quyết định thành lập Mặt trận 6 gồm 3 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (phía Bắc Huế), ông được cử làm chỉ huy trưởng và đồng chí Vũ Thắng làm Chính ủy, với nhiệm vụ chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 6, Bộ đội chủ lực Quân khu, phối hợp với các đơn vị Pháo binh, Đặc công và Công binh trực tiếp triển khai nhiều trận chiến đấu ác liệt giành thắng lợi; đồng thời duy trì phong trào du kích ở 3 huyện đồng bằng nói trên hoạt động có hiệu quả. Mặt khác, còn để tạo thế trận làm chủ ở vùng giáp ranh, giúp cơ quan của Quân khu và Khu ủy lui về căn cứ phía sau chỉ đạo, khôi phục nhiều phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang trong toàn Quân khu giành nhiều thắng lợi.

Năm 1969, phong trào du kích của Quân khu Trị-Thiên và các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn. Ông được cấp trên tin tưởng điều về làm Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Trị, cùng với cấp ủy địa phương tập trung vực dậy phong trào quần chúng nhân dân, chuẩn bị điều kiện để năm 1972 giải phóng hoàn toàn tỉnh này.

Có thể nói, trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, không ai là không biết đến chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Theo Trung ương đánh giá, tỉnh Quảng Trị giữ một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Bảo vệ Quảng Trị là bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hiểu được tầm quan trọng to lớn ấy, quân và dân ta đã chiến đấu hết sức kiên cường, anh dũng, quyết giữ bằng được vị trí đầu cầu này...

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa bỗng chùng giọng khi nói về 81 ngày đêm máu lửa ấy: "Mỗi ngày, để giữ được thành cổ, bộ đội ta phải chịu thương vong trên 100 cán bộ, chiến sĩ, tương đương với 1 đại đội". Nói đến đây, người ông như run lên, trên gương mặt những nếp nhăn xô lại nơi vầng trán và khóe mắt. Đôi mắt ông bỗng nhòe đi. Tôi như cảm nhận được trong những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ ấy, ông đã chứng kiến biết bao cảnh đau lòng mà quân giặc đã gây ra cho đồng đội, đồng bào mình. Những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi, tóc còn xanh và ánh mắt còn lấp lánh nhiều ước mơ... đã vĩnh viễn nằm lại nơi thành cổ huyền thoại. Ông cảm thấy mình may mắn còn sống sót là một hạnh phúc lớn.

Sau 81 ngày đêm, cả hai bên đã phải chịu quá nhiều tổn thất. Mỹ ngụy xua quân tái chiếm thị xã Quảng Trị và một số xã của huyện Triệu Phong, Hải Lăng trong thế "sức tàn lực kiệt". Từ phía Bắc sông Thạch Hãn đến Vĩnh Linh là vùng quân ta vừa giải phóng. Trong thời điểm khó khăn này, đơn vị do ông chỉ huy được cấp trên giao nhiệm vụ xây dựng, củng cố lại vùng mới giải phóng, chọn nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhận nhiệm vụ, ông nghĩ ngay đến công việc trước mắt, ông và các đồng chí của mình phải chú ý tới công tác đối ngoại, tiếp đón đại sứ các nước đến trình Quốc thư, công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó có lãnh tụ Fidel Castro (Cuba). Đó là một niềm vinh dự lớn lao đối với ông và ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tháng 4/1974, ông được điều về Bộ Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên, giữ chức Tham mưu phó thứ nhất và là Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu. Nhiệm vụ chính nổi lên lúc này là đề xuất chủ trương lãnh đạo về quân sự của Khu ủy và giúp Bộ Tư lệnh Quân khu chuẩn bị kế hoạch tác chiến, xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn Quân khu Trị-Thiên. Đồng thời, chi viện sức người, sức của cho các quân khu ở phía Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mọi công việc diễn ra nhanh chóng và rất khẩn trương buộc ông và cơ quan tham mưu lúc này phải rất nhạy bén để tham mưu đề xuất đúng và trúng các vấn đề trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Ông và các cán bộ dưới quyền ông đã cật lực làm việc với khí thế bừng bừng trong trào lưu chung của quân giải phóng. Ông và cơ quan tham mưu Bộ Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được điều ra Bắc, tham gia xây dựng Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) và được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Khoa Quân sự địa phương, giảng dạy về chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân. Do Học viện mới thành lập, ông phải ngược xuôi đi các quân khu, quân binh chủng xin cán bộ về làm giảng viên. Đồng thời, ông cùng cán bộ khoa xây dựng chương trình và biên soạn bài giảng để kịp khai giảng khóa bổ túc đầu tiên của Học viện (năm 1977). Ông lại tiếp tục lao vào công việc đúng với tinh thần của người cán bộ đã từng trải trong chiến trận. Trong không khí hòa bình thống nhất đất nước, ông càng hăng say làm việc, làm việc rất hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của Học viện, của cấp trên.

Đầu năm 1982, ông được Bộ Quốc phòng điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Đại tướng Hoàng Văn Thái lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách công tác cán bộ, đã xuống Học viện Quân sự cấp cao, trực tiếp trao quyết định cho ông với sự có mặt đông đủ của toàn thể Ban Giám đốc Học viện. Nói đến đây, gương mặt ông rạng rỡ như muốn chia sẻ với tôi niềm vui, niềm tự hào ấy. Ông tâm sự: "Đối với tôi, đây là sự kiện quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của mình". Ông vừa mừng, vừa lo, bởi đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ. Với phương châm "vừa học vừa làm", cộng với tinh thần trách nhiệm cao, ông đã cố gắng hết mình để làm tốt chức trách và nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ này.

Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phân công phụ trách 3 mặt công tác: Thứ nhất, chịu trách nhiệm theo dõi chỉ đạo các đơn vị ở phía Nam, thuộc các Quân khu 5, 7 và 9. Trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Trường Bổ túc Biên phòng 2, Trường Hạ sĩ quan Biên phòng 2, Hải đoàn 18 và một số đơn vị khác. Thứ hai, thay mặt Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giữ mối quan hệ hiệp đồng với Tư lệnh các Quân khu 5, 7, 9 và Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố thuộc 3 Quân khu nói trên về công tác biên phòng. Thứ ba, giúp Tư lệnh chỉ đạo công tác nhà trường của Bộ đội Biên phòng. Ngoài ra, hằng năm ông còn đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Thi quốc gia tại Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng).

Với trọng trách nặng nề trên, một lần nữa lại đặt lên đôi vai người lính đã cống hiến quá nửa cuộc đời cho Tổ quốc, ông tâm sự: "Sau khi nhận sự phân công, tôi thấy đây là một công việc không hề dễ dàng và rất mới mẻ. Tuy nhiên, đó là sự tín nhiệm của Đảng ủy và tập thể Bộ Tư lệnh mà tôi phải lấy đó là một thuận lợi cơ bản để động viên, khích lệ mình". Song trong thâm tâm, ông tự thấy phải nỗ lực hết mình, phải tôn trọng, lắng nghe, dựa vào tập thể lãnh đạo Bộ Tư lệnh để thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần cầu thị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, khiêm tốn học hỏi. Ông đã hoàn thành tốt cương vị Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Những ngày đầu nhận nhiệm vụ Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, để tiện nắm tình hình và học tập kinh nghiệm của các đồng chí đi trước và cán bộ trong cơ quan có nhiều năm gắn bó với biên giới, với lực lượng Bộ đội Biên phòng, ông đề nghị Văn phòng Bộ Tư lệnh xếp cho mình một chỗ nghỉ trong đơn vị. Hai tháng ròng rã ông đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng chuyện trò với rất nhiều cán bộ trong cơ quan, vừa trao đổi, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, vừa nắm bắt tình hình. Mỗi tối, ông lại mời một cán bộ Cục hoặc phòng giới thiệu nội dung, kinh nghiệm về công tác biên phòng, đặc biệt là những mặt công tác ông cảm thấy mình còn thiếu hụt.

Ông khiêm tốn nói: "Tôi nghĩ rằng, các đồng chí ở cơ quan Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Trinh sát và Phòng Pháp chế, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, là những người thầy mà tôi phải học hỏi, để những đồng chí đó giúp mình làm tốt nhiệm vụ được giao". Nhờ tinh thần và trách nhiệm cao đối với công việc, sự nhiệt tình học hỏi, ông đã được cán bộ, chiến sĩ quý mến và tận tình giúp ông nhanh chóng nắm bắt được các khâu then chốt của công tác biên phòng.

Cuối năm 1983, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Nguyễn Mạnh Thoa đi khảo sát tình hình khu vực cửa khẩu Mộc Bài, thuộc tỉnh Tây Ninh, nơi giáp ranh với nước bạn Campuchia. Qua khảo sát, ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy những tội phạm bị Bộ đội Biên phòng bắt giữ, lại không được giam tại đó, mà phải chuyển sang Bộ Công an "nhờ giữ hộ". Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Bộ Công an lại không có quyền xét hỏi, không có kinh phí nuôi phạm nhân "ngoài luồng", nên chỉ giam giữ được mấy ngày, phạm nhân lại được "phóng thích". Ông cho rằng, không thể nói trước được điều gì khi những phạm nhân này được "sổ lồng".

Nhận thấy ngay sự bất ổn về mối quan hệ hiệp đồng giữa các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường... Ông trăn trở, có quá nhiều lực lượng ở khu vực cửa khẩu, nhưng lại không có sự phối hợp chặt chẽ, đã tạo nên kẻ hở để bọn xấu lợi dụng, xâm nhập vào nước ta hoạt động phá hoại.

Bằng con mắt của một nhà trinh sát dày dạn kinh nghiệm, cộng với sự từng trải từ công tác tham mưu quân sự, ông đã đưa ra một kết luận: "Phải có một thông tư liên bộ giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng để có sự phân công rõ ràng, hợp lý giữa các lực lượng với nhau". Tuy nhiên, việc chờ thông tư liên bộ được thông qua, ví như "ruộng hạn chờ mưa" mà tình hình lại vô cùng cấp bách, có những việc cần phải nhanh chóng giải quyết. Vậy là, ông lập tức đến "gõ cửa" Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách các tỉnh phía Nam - đồng chí Cao Đăng Chiếm.

Trước tình hình thực tế ở biên giới Tây Nam, ông đã trình bày những suy nghĩ bấy lâu của mình và đặt vấn đề một cách thẳng thắn với đồng chí Cao Đăng Chiếm. Cuối cùng, ông nói vừa như tâm tình, vừa mở hết cõi lòng mình: "Tôi và Thứ trưởng không làm việc này thì chúng ta sẽ có tội với Tổ quốc", khiến đồng chí Cao Đăng Chiếm rất cảm phục. Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm nói: "Để làm được việc này cần có sự đồng ý của đồng chí Phạm Hùng - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công an anh ạ". Nói là làm, ông đã nhờ Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm gọi điện cho đồng chí Phạm Hùng xin một cuộc hẹn giúp ông. Quá bận bịu với công việc nhà nước, đồng chí Phạm Hùng chỉ dành cho ông chút thời gian vào buổi tối. Nhận được tin vui này, Phó Tư lệnh Nguyễn Mạnh Thoa cùng với thư ký của mình mau chóng tới nhà riêng Phó Thủ tướng Phạm Hùng.

Không để cho đồng chí Phạm Hùng phải đợi lâu, ông trình bày luôn những vấn đề cấp bách ở biên giới các tỉnh phía Nam một cách sâu sắc, chặt chẽ và ông nhận được sự đồng thuận của Phó Thủ tướng. Ông còn cẩn thận đến mức xin giấy xác nhận đã làm việc với Phó Thủ tướng Phạm Hùng, để mang về đưa cho đồng chí Cao Đăng Chiếm.

Trong lúc chờ đợi Thông tư liên Bộ, Thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Thường trực Bộ Công an đã soạn thảo 1 bản quy chế tạm thời, nêu rõ phương hướng hoạt động và những vấn đề cần phối hợp giữa hai lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng đứng chân ở biên giới Việt Nam - Campuchia, khắc phục dứt điểm tình trạng sơ hở trên biên giới.

Câu chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa làm tôi thấy vô cùng cảm phục về sự sắc sảo, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, sự khiêm tốn học hỏi, luôn đề cao tinh thần đoàn kết giữa các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên phòng.

Với những cố gắng không mệt mỏi của Phó Tư lệnh Nguyễn Mạnh Thoa, một Thông tư liên Bộ đã được ban hành. Thông tư nêu rõ trách nhiệm của Công an, Bộ đội Biên phòng ở các tỉnh phía Nam; sự phối hợp trong phòng chống tội phạm, chống buôn lậu và một số mặt công tác khác có liên quan đến nhiệm vụ của hai bên. Việc giao ban tuần, tháng được tiến hành đều đặn, thường xuyên. Khi có các vụ việc xảy ra, hai lực lượng phối hợp bàn bạc thống nhất cách giải quyết. Từ đó, Công an và Bộ đội Biên phòng vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa hai lực lượng. Riêng đối với Bộ đội Biên phòng, công tác phòng chống tội phạm có nhiều thuận lợi hơn.

Tuy được phân công theo dõi, chỉ đạo Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Nam, song ông cũng tận tâm, tận lực với công tác đào tạo trong hệ thống nhà trường của Bộ đội Biên phòng. Ngày ấy, ông làm được hai việc quan trọng cho Trường Sĩ quan Biên phòng, đó là: Từng bước nâng cao đời sống cho học viên và góp phần cải tiến phương pháp giảng dạy của nhà trường.

Thời đó, Trường Sĩ quan Biên phòng nằm nép mình dưới những tán cây xanh ở thị xã Sơn Tây. Những bức tường gạch, đá ong trải qua mưa nắng, đã rêu phong và tróc lở. Đặc biệt, bức tường bao quanh nhà trường nhiều chỗ đã bị thủng. Nhìn ngôi trường, lòng ông như se lại. Thật khó có thể xây dựng cơ ngơi khang trang hơn trong điều kiện kinh phí khó khăn ở những năm 80 của thế kỷ trước.

Hàng ngày, sau khi học trên lớp, học viên không chỉ rèn luyện sức khỏe để sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc cần, mà còn phải đóng gạch để xây dựng một số công trình trong nhà trường, phục vụ việc học tập, ăn ở và sinh hoạt, mất rất nhiều công sức. Thế nhưng, phần lớn bữa ăn của học viên chỉ có cơm rau, mắm, muối. Cơm lại không đủ no, nhiều thời gian học viên phải ăn hạt bo bo thay cơm. Cái đói luôn rình rập, ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của học viên. Nhìn cảnh tượng ấy, ông không khỏi xót xa. Nếu những người cha, người mẹ của học viên thấy cảnh này, chắc họ còn xót xa hơn ông.

Buổi tối, trường không có điện. Mỗi người chỉ có một cây đèn dầu tù mù. Học được một giờ, bụng đói có khá nhiều học viên thường trốn ra ngoài ăn quà vặt. Nhà trường biết điều ấy, nhưng chẳng lẽ lại bắt học viên ôm cái bụng đói meo về chịu phạt. Một số học viên vì không chịu được khổ đã đào ngũ.

Trước thực trạng ấy, nhiều đêm ông suy nghĩ: Ngôi trường cũ kỹ thì phải chịu, vì hiện tại chưa có kinh phí để xây trường mới. Nhưng chẳng lẽ cứ để tình trạng thiếu giáo viên, thiếu điện, nước, thiếu lương thực... thế này mãi sao? Phải làm gì để cải thiện cuộc sống cho học viên đây? Những câu hỏi ấy làm cho ông nhiều đêm không ngủ. Sau những ngày trăn trở, tính toán, ông đã trao đổi quan điểm và hướng giải quyết của mình với đồng chí Đại tá Phan Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường. Ông quả quyết: "Khó đến mấy cũng phải làm. Nhiệm vụ và kết quả học tập của học viên phải được đặt lên hàng đầu. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải triển khai các kế hoạch, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao đời sống cho học viên".

Đầu tiên là việc thực hiện kế hoạch "đưa điện về trường". Ông bảo: "Trước hết, nhà trường phải có điện. Chỉ khi có điện, anh em mới có ánh sáng để học vào buổi tối. Có điện, mới có thể tổ chức sinh hoạt, vui chơi, sẽ giảm được tối đa tiêu cực"... Ông đã trực tiếp gặp và làm việc với đồng chí Lưu Viết Thụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây ngày đó và xin được điện về cho nhà trường. Cả trường vui mừng khôn xiết. Thế là công việc đầu tiên đã thành công.

Có điện, việc học tập, sinh hoạt của nhà trường, nhất là các tiết học buổi tối của các học viên được cải thiện rất nhiều.

Nhưng còn điều băn khoăn, trăn trở nữa trong ông, cụ thể là các bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ và các học viên còn rất đạm bạc, phải tính sao đây? Ông đề nghị nhà trường phát động phong trào "tăng gia tự túc", đồng thời đưa tiêu chí về kết quả tăng gia của các đơn vị vào bình xét thi đua hằng năm. Khi bàn về kế hoạch tổ chức thực hiện, ông đề nghị kết hợp chương trình rèn luyện, hoạt động dã ngoại với hoạt động tăng gia sản xuất tự túc của các lớp, các khóa học viên, nhằm tận dụng sức trẻ để tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm bổ sung cho bữa ăn hằng ngày của từng đơn vị. Vốn sẵn có mối quan hệ thân tình với các đồng chí lãnh đạo địa phương, ông cùng với Ban Giám hiệu nhà trường đến gặp, đề nghị địa phương cấp cho nhà trường một số diện tích đất để cấy trồng, chăn nuôi.

Những lần đến thăm hay làm việc với nhà trường, câu đầu tiên ông hỏi là, bữa ăn của anh em bây giờ thế nào? Sản phẩm tăng gia có gì mới không? Đủ thấy được tấm lòng cảm thông, chia sẻ của ông, luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ, học viên trong nhà trường như thế nào!

Nhờ có điện, một lần, ông xuống Kho 101 của Bộ đội Biên phòng, nhìn thấy cái máy "Top" bỏ không. Máy "Top" ấy vốn là máy kiểm tra hàng hóa ở cửa khẩu do nước bạn Hungary tặng. Ông nhận thấy, một số bộ phận của máy tuy hỏng nhẹ, nhưng vẫn có thể sửa chữa, sử dụng được. Lại được biết, máy ấy nếu lắp thêm bộ phận chuyên dùng sẽ có chức năng như máy chiếu bây giờ. Mừng quá, ông về báo cáo lại với Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, xin luôn cái máy về cấp cho Trường Sĩ quan Biên phòng để làm đồ dùng giảng dạy cho học viên. Từ khi có máy "Top", nội dung bài giảng và phương pháp giảng dạy không còn đơn điệu nữa. Học viên tiếp thu bài nhanh và hiệu quả hơn nhiều. Quan trọng nhất là, học viên không còn bỏ học. Phương pháp này đã được Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng biểu dương trong toàn hệ thống các nhà trường Quân đội.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa nhớ lại, năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Quốc khánh 2/9, Bộ đội Biên phòng được lệnh tham gia lễ duyệt binh chào mừng. Đang thường trực ở phía Nam, ông được Bộ Tư lệnh triệu tập ra Bắc để phụ trách việc này. Đây quả là một nhiệm vụ khó khăn, bởi ông chưa từng tham gia tổ chức duyệt binh bao giờ. Vấn đề đầu tiên nảy sinh, đó là việc giải quyết chế độ bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia tập luyện duyệt binh. Theo quy định của Bộ, mỗi chiến sĩ được ăn bồi dưỡng trong 3 tháng luyện tập. Dù tập ở doanh trại hay nơi tập trung thì vẫn được thực hiện chế độ ấy. Thế nhưng, Phòng Tài vụ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lại có suy nghĩ, cán bộ, chiến sĩ tập luyện ở doanh trại thì có thể tiết kiệm, nên cắt suất ăn thêm của anh em trong một tháng rưỡi, chỉ cho ăn bồi dưỡng khi tập trung hợp luyện ở sân bay Hòa Lạc.

Vốn là người tính tình thẳng thắn, ông đã gặp riêng Trưởng phòng Tài vụ và nói cho đồng chí ấy hiểu. Ông nêu rõ quan điểm: "Anh hãy nhớ, về tài chính nên rõ ràng công khai và công bằng. Huống chi, đây là chuyện liên quan đến sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ. Anh em tập ở nhà cũng mất rất nhiều sức lực, mồ hôi. Phải đảm bảo sức khỏe cho bộ đội ngay từ lúc đầu thì sau đó, anh em mới luyện tập tốt được. Với sức khỏe của anh em, một xu cũng không nên tiết kiệm, cắt xén. Anh hãy làm thế nào để cấp dưới quý mến, kính trọng, cấp trên không chê trách mới là điều phải, là có tình thương yêu cán bộ, chiến sĩ".

Không chỉ là người luôn tôn trọng sự công bằng, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa còn là tấm gương thực hành tiết kiệm. Cũng trong lần tổ chức duyệt binh ấy, ông mời Cục phó Cục Hậu cần-Kỹ thuật, Hiệu trưởng các trường Sĩ quan, Hạ sĩ quan và chỉ huy các đơn vị tham gia duyệt binh lên để phổ biến kế hoạch, rồi nói: "Năm nào cũng vậy, sau khi chúng ta duyệt binh xong, tất cả các nhà làm tạm để cán bộ, chiến sĩ ở đều phá bỏ. Tôi thấy rất lãng phí. Vậy năm nay, sau khi duyệt binh xong, tôi đề nghị các trưởng trại, đơn vị nào mang trại của đơn vị đó về để dùng cho những năm sau, hoặc dùng vào việc gì đó cho phù hợp. Nước ta còn nhiều khó khăn, nên tận dụng những thứ còn có thể dùng được". Nghe xong, ai nấy đều vui vẻ tán thành. Năm ấy, kết thúc 3 tháng luyện tập duyệt binh, trên sân tập không còn "bãi chiến trường" như trước đây nữa. Mọi thứ đều được thu dọn để những năm sau dùng tiếp. Nghe Thiếu tướng kể, đôi mắt ông ánh lên niềm vui, tôi biết, lễ duyệt binh năm ấy đã rất thành công.

Trước khi gặp Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa, tôi cứ nghĩ ông là một vị tướng khó tính, khó gần. Nhưng bây giờ, tôi có cảm giác như đang ngồi trước người ông của mình. Nghe ông tâm sự về cuộc đời người lính, những bước thăng trầm, những câu chuyện... để từ đó, tự rút ra những bài học ý nghĩa, tôi càng yêu mến, cảm phục ông. Ông bảo: "Muốn làm bất cứ việc gì cũng phải hết lòng, hết sức, phải gây dựng mối quan hệ tốt với đồng chí, đồng đội, phải dân chủ và đặc biệt là phải sống thật lòng. Thật lòng với mọi người, thật lòng với công việc, thật lòng với chính mình".

Qua tìm hiểu tôi còn được biết, trong quân ngũ, ông là cán bộ tận tụy, hết lòng với nhiệm vụ. Trong gia đình, ông là người chồng, người cha luôn yêu thương, chăm lo cuộc sống cho vợ con. Không khí trong gia đình lúc nào cũng đầm ấm, đầy ắp tiếng cười, kể cả khi ông đã nghỉ hưu. Nói chuyện với Thiếu tướng, tôi bỗng nhận ra, ông chính là hình mẫu cán bộ mà sinh thời, Bác Hồ từng mong mỏi, đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Và tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Bác, luôn được ông khắc cốt, ghi xương.

Tuy tuổi đã cao, nhưng ngày ngày, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa vẫn đọc báo để nắm tình hình trong nước và thế giới. Ông luôn đau đầu về đạo đức con người và quan tâm đến tình hình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trước khi chào Thiếu tướng ra về, ông nói với tôi một câu làm tôi trăn trở mãi. Ông bảo: "Giờ tôi già rồi, không làm được gì nữa. Chỉ mong tất cả chúng ta hãy sống với nhau tốt đẹp hơn, yêu thương, đùm bọc nhau hơn. Trong lực lượng, cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, tôi rất tâm đắc và quan tâm tới Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khởi xướng. Thực hiện tốt Cuộc vận động này, nhất định lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ có những chuyển biến mới, xứng đáng là đơn vị hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân..."

Vũ Trang (Theo Những vị tướng Biên phòng, 1959-2016)

Bình luận

ZALO