Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 12:18 GMT+7

Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng - Suốt đời tâm huyết với biên cương

Biên phòng - Tôi gặp Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng vào những ngày cuối tháng 12/2012, sau Đại hội Cựu Chiến binh Việt Nam lần thứ V. Lúc này, ông đang làm công tác bàn giao chức Phó Chủ tịch thường trực Hội cho người kế nhiệm của Ban Chấp hành mới. Lần đầu tiên được làm việc với ông, vị tướng ở tuổi 75, mà sức vẫn "cường", trí vẫn "mẫn", một con người thực sự tâm huyết, nhiệt thành, thẳng thắn.

Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, Tư lệnh BĐBP (1996-2000). Ảnh: Tư liệu

Ít lời xã giao ngắn gọn, ông vào việc ngay. Từ cặp da màu đen, ông rút ra tập tài liệu dày khoảng 30 trang giấy A4 đưa cho tôi. Tôi lướt vội, trang bìa trên cùng in dòng chữ "Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng", giữa trang là tiêu đề tài liệu: "Một số bài phát biểu của Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới". Cuối trang bìa ghi thời gian ấn phẩm "Năm 2000". Rồi ông nói thêm:

- Đây là tài liệu do Phòng khoa học - Công nghệ tập hợp các bài tôi viết đăng trên các Tạp chí Trung ương, các bài nói của tôi ở một số hội nghị. Anh nghiên cứu làm tài liệu tham khảo. Anh yêu cầu gì cứ trao đổi với tôi, tôi sẵn sàng đáp ứng.

Đối với tôi, viết về chân dung vị Tướng thì tài liệu kia chỉ phản ánh một phần rất nhỏ trong thân thế, sự nghiệp của ông. Chính vì vậy, buổi làm việc với ông hôm nay, tôi muốn tìm hiểu cặn kẽ quá trình hoạt động, những cống hiến của ông đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng. Ấn tượng của tôi với ông là phong cách làm việc cởi mở, dễ gần, rất chỉn chu, cẩn trọng. Xen lẫn những câu chuyện hệ trọng trong đời, trong nghiệp là kinh điển, phương ngôn kim cổ Đông, Tây mà ông đã trải nghiệm, thật hóm hỉnh. Ông làm cho không khí buổi làm việc nghiêm túc, nhưng thư thái, nhẹ nhàng. Tôi thực sự bị lão tướng chinh phục.

Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng sinh ngày 10/7/1937 tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Vùng quê của ông xưa kia quanh năm nghèo khó. Dân gian từng có câu "Được mùa Nông Cống, sống mọi nơi". Đó là câu than phiền về sự khó khăn, khắc nghiệt trong sản xuất nông nghiệp của quê ông. Như bao gia đình, nhà ông cùng chung số phận, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vẫn chẳng đủ ăn. Trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là vùng tự do, là hậu phương vững chắc, cung cấp nhiều nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến. Nghe theo tiếng gọi của Cụ Hồ, thanh niên trong vùng nô nức tham gia kháng chiến. Có người gia nhập Vệ quốc đoàn, có người vào thanh niên xung phong, có người tham gia dân công hỏa tuyến. Cụ thân sinh ra ông, cũng từng tham gia đoàn quân ấy, nhưng ông cụ bị thương, phải trở về, công tác ở địa phương. Tiếp bước cha, cùng thanh niên trong làng, Phạm Hữu Bồng gia nhập đội thanh niên xung phong lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Một lần theo bộ đội vào chiến dịch, ông đã bị thương. Chàng trai 17 tuổi can trường phải rời vị trí, về tuyến sau. Một nỗi buồn đè nặng trong lòng, người thanh niên xứ Thanh chỉ mong vết thương chóng lành để được về đơn vị tiếp tục phục vụ chiến đấu.

Sau thời gian điều trị, vết thương ổn định, ông may mắn được chuyển từ thanh niên xung phong về Đại đội 2, Cục Cảnh vệ Trung ương. Về đơn vị mới, ông càng có điều kiện nuôi dưỡng niềm ao ước bấy lâu là tiếp tục được cống hiến. Có một điều khiến ông rất trăn trở, đó là vết thương của mình. Không báo cáo chỉ huy đơn vị, xem như không trung thực, nếu báo cáo, phải kiểm tra lại sức khỏe, có khi bị loại vĩnh viễn khỏi quân ngũ. Chỉ nghĩ nếu bị ra quân, ông đã thấy rùng mình, thế là ông giấu nhẹm vết thương, tập trung để cùng đồng đội công tác bình thường, đồng thời ông tranh thủ thời gian rèn luyện sức khỏe. Cứ buổi chiều sau giờ công tác, ông có mặt ở bãi thể thao tập kéo xà đơn, nâng tạ, chạy bộ... Chính sự kiên trì và quyết tâm rèn luyện, cùng với các khoa mục đạt khá giỏi, ông đã lọt vào "tầm ngắm" của cấp trên.

Từ một người lính cảnh vệ thuộc Đại đội 2, thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa IIl) về thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới và các mục tiêu quan trọng ở nội địa, ông có vinh dự là một trong những người lính thuộc các đơn vị đầu tiên của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), và được cấp trên tuyển chọn đi đào tạo tại Trường sĩ quan Lục quân khóa 12.

Ba năm học tập, rèn luyện tại Trường sĩ quan Lục quân là bước ngoặt trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Từ người lính, nay ông được học tập, rèn luyện cả kiến thức, bản lĩnh, tư duy của người chỉ huy tương lai. Năm 1963, tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan Lục quân, ông được điều động về Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng), làm giáo viên chuyên ngành quân sự. Làm giáo viên quân sự, ông thực sự thấm thía quá trình học tập, rèn luyện của mình tại Trường Sĩ quan Lục quân, với những năm tháng "luộc quân" ở mảnh đất Sơn Tây khắc nghiệt. Những bài tập kỹ, chiến thuật dưới cái nắng oi nồng của mùa hè vùng đồi đá ong như nồi áp suất khổng lồ khiến bộ đội sém da rát thịt. Rồi những ngày đông giá buốt, tập tình huống rạp sát mặt đất chống bom pháo, cái rét thấm đẫm mặt cỏ lan tỏa lên thân người lính nhức buốt đến tận xương. Vất vả, gian khổ nhưng cũng rất lạc quan, yêu đời, đã tôi luyện nên bản lĩnh và phẩm chất của người sĩ quan cách mạng.

Trên cương vị là giáo viên quân sự, ông tìm hiểu và biết, Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang mới thành lập, lại trong thời chiến, nên mọi thứ từ giảng đường, thao trường, bãi tập, giáo án, mô hình học cụ... đều thiếu thốn. Trường rất cần một thao trường có cấu trúc phù hợp với chiến trường, rất cần giáo viên có kiến thức bài bản, có kinh nghiệm huấn luyện chính quy. Nghiên cứu giáo án huấn luyện quân sự, ông tìm tòi văn bản hướng dẫn của trên và tài liệu tham khảo của các trường sĩ quan của quân đội, để tìm ra nội dung, hình thức, biện pháp trình bày bài giảng, phù hợp với học viên sĩ quan Công an nhân dân vũ trang. Với lòng say mê nghề nghiệp, ông đã nhanh chóng trở thành giáo viên mẫu mực, có năng khiếu sư phạm, được học viên tín nhiệm, đồng nghiệp đánh giá cao. Nhằm đáp ứng nhu cầu huấn luyện của nhà trường, năm 1973, ông được cử về Trường Đại học Công an dự lớp đào tạo giáo viên Trinh sát - pháp luật. Kết thúc khóa học, ông trở về trường cũ với cương vị giáo viên Trinh sát - pháp luật. Vốn là một giáo viên quân sự có năng lực, nay được đào tạo thêm chuyên ngành an ninh, ông càng vững tin khi đảm nhiệm giáo viên khoa mục mới. Ông hiểu, đào tạo nên người sĩ quan Công an nhân dân vũ trang phải có chuyên môn toàn diện quân sự và nghiệp vụ.

Từ một giáo viên, ông được bổ nhiệm làm Tổ trưởng bộ môn, Phó khoa, quyền Trưởng khoa, Trưởng phòng đào tạo rồi Phó Hiệu trưởng. Ở bất kỳ cương vị nào ông cũng để lại dấu ấn của sự cải cách, đổi mới, để lại những bài học có giá trị về cả lý luận và thực tiễn cho công tác đào tạo sĩ quan của nhà trường. Những ngày làm công tác quản lý huấn luyện, ông biết, cùng một bài giảng, nhưng chất lượng giáo viên giảng dạy khác nhau. Nhìn nhận đúng thực trạng, thể hiện đặc trưng của việc đào tạo chính trị, quân sự, nghiệp vụ như Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, ông yêu cầu các khoa, tổ bộ môn tăng cường công tác trao đổi chuyên môn: thông qua bài giảng, dự giờ, thí giảng, bình giáo, tập giảng nhiều lần cho giáo viên nhuần nhuyễn, thuần thục giáo án. Ông luôn đòi hỏi giáo viên phải tự nghiên cứu, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, có nhiều ví dụ thực tiễn để minh họa cho tính khái quát của lý luận, tìm tòi cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Giáo viên phải biết gợi mở cho học viên có tư duy học tập và nghiên cứu sáng tạo, chứ không đơn thuần là thầy đọc, trò chép. Ông thường xuyên xuống các khoa dự giờ, tăng cường kiểm tra huấn luyện để bổ sung, góp ý cả về kiến thức và năng lực thực hành trên thao trường cho giáo viên. Căn cứ tình hình thực tế của các khoa, nắm chắc trình độ chuyên môn của từng giáo viên, ông chỉ đạo các khoa phân công giáo viên giỏi kèm cặp giúp đỡ giáo viên trung bình, từ đó nâng dần năng lực giảng dạy của giáo viên. Với cách làm nghiêm túc và chặt chẽ, vừa khoa học, vừa sát thực tiễn công tác và chiến đấu của lực lượng, ông đã góp phần quan trọng, thiết thực trong công tác đào tạo tại chỗ, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cả về lý luận, về nghiệp vụ và kỹ, chiến thuật.

Mười hai năm làm thầy, làm cán bộ quản lý, ông tự hào đã cùng với Ban Giám hiệu, đội ngũ cán bộ, giáo viên đào tạo nhiều thế hệ học viên có phẩm chất năng lực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trên các tuyến biên giới, vùng biển của Tổ quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, lúc bình thường cũng như trong chiến đấu, trước những khó khăn phức tạp. Tuy nhiên ông không khỏi trăn trở mỗi lần dự họp Bộ Tư lệnh, nghe Chỉ huy các địa phương, đơn vị phản ánh về chất lượng đội ngũ cán bộ, sản phẩm do nhà trường đào tạo. Ông buốt lòng khi có những sĩ quan vi phạm kỷ luật, năng lực kém. Ông ghi chép tỷ mỷ những phản ánh từ đơn vị cơ sở. Ông không tự ái mà xem đây là những phản hồi tích cực, để từ đó bổ sung, khắc phục khiếm khuyết cho quá trình đào tạo. Sự kết hợp giữa nhà trường và đơn vị trong quá trình đào tạo là quan hệ hữu cơ giữa học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tế chiến đấu, công tác của người sĩ quan. Chính từ sự kết hợp đó đã tạo ra ý tưởng để ông đề xuất với Ban Giám hiệu báo cáo Bộ Tư lệnh cho giáo viên nhà trường đi thực tế làm cán bộ chỉ huy các đơn vị Biên phòng để bồi dưỡng kiến thức thực hành cho quá trình giảng dạy. Những giáo viên và học trò năm xưa, nhiều người nay đã trưởng thành, giữ cương vị quan trọng trong và ngoài lực lượng Bộ đội Biên phòng, gặp lại ông, họ đều tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với người thầy của mình.

Đầu năm 1987, Trung tá Phạm Hữu Bồng được điều động làm Chỉ huy phó, sau một thời gian ngắn được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Rời Trường sĩ quan đến với Lai Châu, miền đất tận cùng Tây Bắc vừa quen, vừa lạ. Quen vì thời làm lính tham gia chiến dịch Điện Biên, ông đã có những tháng ngày công tác trên địa bàn này. Lạ vì bao nhiêu năm "vật đổi sao dời", cuộc sống, con người đâu còn nguyên như cũ... Lai Châu, một tỉnh biên giới, phía bên kia là tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía Đông là tỉnh Lào Cai, còn Tây và Nam tiếp giáp với nước bạn Lào. Lai Châu có 60% diện tích là núi, có độ cao trung bình là 1.000m. 90% diện tích có độ dốc 25%. Xen kẽ là những thung lũng có địa hình bằng phẳng như Mường So, Tam Đường, lòng chảo Điện Biên. Ông hiểu rất rõ khí hậu vùng này. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa, nước về xối xả, lũ quét khủng khiếp. Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là mùa khô, khí hậu giá buốt, có sương muối, băng giá. Tất cả đặc điểm tự nhiên trên ảnh hưởng rất lớn đến công tác biên phòng mà người chỉ huy không thể bỏ qua. Những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Đường giao thông ở Lai Châu chưa phát triển, việc đi lại đến các đồn Biên phòng chủ yếu là đi bộ. Từ Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến đồn Biên phòng, có điểm phải đi bộ cả tuần mới đến nơi. Đặc biệt tuyến A Pa Chải, Leng Su Sìn là tuyến cực kỳ khó khăn. Việc tiếp tế cho các đồn Biên phòng mỗi chuyến đi, về mất 15 ngày, mỗi người gùi được 15kg gạo. Có lần, Phòng Hậu cần Bộ đội Biên phòng tỉnh dùng ngựa chở hàng Tết cho Đồn Leng Su Sìn, do đường đi khó khăn, đèo cao, suối sâu, ngựa chết dọc đường nên bánh kẹo, lịch Biên phòng, pin nghe đài, dầu thắp đèn, báo chí đều không kịp đến cho đơn vị đón Tết. Biết chuyện đó, Chỉ huy trưởng Phạm Hữu Bồng rất buồn. Những người lính quanh năm vất vả bám trụ cùng dân ở vùng khó khăn, hiểm trở, họ mong ngóng ngày Tết cổ truyền để chia vui với đồng bào, đồng chí, mong có pin để nghe đài, báo để đọc, lịch để biết ngày tháng, mà vẫn chưa có được. Ông giao nhiệm vụ cho Phòng Tham mưu cùng Phòng Hậu cần liên hệ thuê ngựa của dân chở bằng được hàng Tết cho Đồn Leng Su Sìn và tổ chức cho Đồn ăn Tết lại. Cái Tết năm đó, đồn Leng Su Sìn cùng dân bản Hà Nhì ăn Tết muộn, nhưng vẫn ấm áp tình cảm, bởi trong đó có sự quan tâm, chia sẻ của Chỉ huy trưởng Phạm Hữu Bồng. Bên ánh lửa bập bùng, trong tiếng trống, tiếng khèn rộn rã, từng đôi bàn tay trai gái Hà Nhì đan kết với bàn tay những chiến sĩ biên phòng cho vòng xòe thêm rộng. Nó như biểu tượng của sức mạnh, tạo nên lũy thép biên phòng nơi địa đầu biên giới.

Khi ông làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lai Châu, sau chiến tranh biên giới, trên có chủ trương bố trí lại lực lượng, triển khai mỗi xã biên giới một đồn Biên phòng. Trên một địa bàn rộng lớn, giao thông đi lại khó khăn như Lai Châu, việc triển khai mỗi xã biên giới một đồn quả là thách thức lớn. Ông đã cùng cán bộ cơ quan đi bộ cả tháng, trèo đèo, lội suối để tìm vị trí đóng đồn, lập trạm. Ông chỉ đạo sâu sát cụ thể việc khai thác, vận chuyển vật liệu để xây dựng đồn, gùi hàng đảm bảo hậu cần cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời ông đã coi trọng công tác động viên tư tưởng cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị dưới xuôi lên tăng cường cho biên phòng Lai Châu, nhất là những đồng chí được điều động đến địa bàn khó khăn như: Xì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải, Tông Qua Lìn... Ông lặn lội đến làm việc với chính quyền và nhân dân các địa phương để huy động sức dân. Trong khó khăn, gian khổ, chính quyền và bà con các dân tộc đã giúp đỡ Bộ đội Biên phòng nhiệt tình, trách nhiệm. Cán bộ, chiến sĩ xác định tốt tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, nên chỉ trong thời gian ngắn, Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã hoàn thành mỗi xã biên giới một đồn Biên phòng theo đúng kế hoạch. Từ khi có đồn Biên phòng, nhân dân các xã biên giới vững tin, không có kẻ xấu tung tin đồn nhảm. Con trâu, con bò không bị bắt trộm sang bên kia biên giới. Vườn thảo quả không bị mất cắp. Nhân dân yên tâm sản xuất. Ngày chợ phiên, mọi người rủ nhau xuống chợ mua sắm, giao lưu. Ở các bản hẻo lánh, xa xôi đã có thầy giáo quân hàm xanh dạy cái chữ cho các em; thầy thuốc quân hàm xanh khám, chữa bệnh cho bà con dân bản. Cán bộ Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào trồng lúa nước, trồng ngô cao sản để xóa đói, giảm nghèo.

Tuy vậy, khu vực biên giới Lai Châu vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các thế lực phản động câu kết với nhau tiến hành "chiến tranh phá hoại nhiều mặt". Chúng dùng hàng hóa để móc nối, theo kiểu "rải thóc tráng men, bôi lem quần chúng" gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự xã hội. Tệ nạn buôn bán hàng tâm lý phát triển, tạo thành nhiều điểm nóng trên địa bàn. Chỉ huy trưởng Phạm Hữu Bồng đã cùng Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy đề ra chủ trương ổn định tình hình, kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đẩy mạnh các biện pháp công tác biên phòng, trong đó biện pháp vận động quần chúng là chủ đạo.

Những lúc này, ông càng thấm thía lời Bác dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", để từ đó ông chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị phải biết dựa vào quần chúng nhân dân, lăn lộn với các phong trào quần chúng. Ông lấy tấm gương trung thành với Đảng, tận tụy với dân của Anh hùng liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang Trần Văn Thọ, đã hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ở vùng Leng Su Sìn, nêu gương sáng để cán bộ, chiến sĩ biên phòng Lai Châu học tập, noi theo. Ông chỉ đạo cơ quan cử những cán bộ giỏi, có nhiều kinh nghiệm xuống bám nắm địa bàn, giúp chỉ huy các đồn Biên phòng nâng cao chất lượng, hiệu quả Đội công tác vận động quần chúng, đi sâu xuống tận chòm, bản tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc hiểu rõ tình hình biên giới, khắc phục khó khăn về kinh tế, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù; động viên bà con đoàn kết, định canh định cư, ổn định sản xuất. Ông rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ trinh sát biên phòng. Bằng kinh nghiệm của người thầy ở Trường Sĩ quan Biên phòng, một mặt ông lựa chọn số cán bộ đi đào tạo nghiệp vụ ở các nhà trường, mặt khác ông cùng cán bộ Phòng Trinh sát tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ nâng dần trình độ nghiệp vụ và pháp luật cho đội ngũ cán bộ này. Đi xuống các đồn ông luôn sâu sát, chỉ đạo đơn vị việc bố trí phòng thủ, cụ thể các vị trí hỏa lực, đến từng hố bắn, giao thông hào, cụm cứ điểm… bởi ông hiểu rằng máu xương của chiến sĩ quý giá biết chừng nào!

Trong công tác đảm bảo đời sống của bộ đội, rút kinh nghiệm việc chuyển hàng Tết cho đồn Leng Su Sìn năm nào, ông đã chỉ đạo Phòng Hậu cần đi các địa bàn biên giới khảo sát tiềm lực, thế mạnh của từng vùng, có thể khai thác nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ. Ông đề nghị với Bộ Tư lệnh về công tác đảm bảo hậu cần, riêng với Lai Châu không nên cấp hiện vật mà cấp tiền mặt để các đồn Biên phòng chủ động mua lương thực, thực phẩm trong dân, tiết kiệm được kinh phí vận chuyển. Kinh nghiệm của Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã giúp Bộ Tư lệnh vận dụng cho nhiều địa bàn khó khăn, gian khổ trên các tuyến biên phòng. Một phong trào tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống đã được thực hiện tại tất cả các đồn Biên phòng, đồng thời tạo sức mua ở vùng biên giới, khuyến khích đồng bào các dân tộc làm kinh tế. Tất cả những điều này đã tác động mạnh mẽ đến Chỉ huy trưởng Phạm Hữu Bồng, khiến ông manh nha đến ý tưởng một đề tài khoa học "Xây dựng biên giới lòng dân". Mọi chính sách lúc này cần tập trung để an dân. Lòng dân đã đồng, tất biên cương Tổ quốc sẽ vững. Cùng với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy, ông tiếp tục xây dựng Biên phòng Lai Châu vững mạnh toàn diện. Cán bộ, chiến sĩ đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, vững vàng bám trụ nơi tuyến đầu biên giới, đủ sức đáp ứng tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bốn năm lăn lộn với biên giới Lai Châu, thời gian trôi đi chóng vánh. Đề án "Xây dựng biên giới lòng dân" vẫn còn dang dở, ấp ủ trong ông. Công tác dân vận đã cho ông những bài học quý. Chính nhân dân đã giúp rất nhiều cho ông và Bộ đội Biên phòng. Miền sơn cước Lai Châu đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó phai. Ông kể cho tôi nghe một kỷ niệm trong chuyến công tác địa bàn làm ông nhớ mãi...

Lần đó, ông đi công tác đến địa bàn huyện Tam Đường, chiếc U-oát thi thoảng lại chồm lên như con ngựa bất kham. Dưới chân núi đá ngã ba Ba Xo, trong lùm cây trước mặt, ông phát hiện một phụ nữ nửa ngồi, nửa nằm. Ông bảo lái xe dừng lại. Thấy chị phụ nữ đầu tóc rũ rượi, gương mặt tái dại đầm đìa mồ hôi, bụng chửa vượt mặt quằn quại kêu đau... Người này chắc đang trở dạ, nhìn quanh chẳng thấy một ai, ông nói với lái xe:

- Đưa chị này về Bệnh viên Tam Đường ngay!

Lái xe chần chừ ý không muốn xử lý tình huống này, cậu ta trả lời lơ lửng:

- Để xem có ai qua, ta gửi chị ấy, Thủ trưởng ạ.

- Nếu chần chừ, chị ấy nguy mất!

Ông hiểu tâm lý cánh lái xe trẻ, ngại chở đàn bà đẻ, vì quan niệm "sinh dữ, tử lành". Ông nhẹ nhàng bảo lái xe:

- Cả tôi và cậu cố đưa chị ta về bệnh viện. Nếu để lại đây, có mệnh hệ gì thì tôi và cậu sẽ ân hận.

Rồi ông chủ động dìu người phụ nữ đứng dậy, an ủi chị. Thấy thế, lái xe không thể do dự được nữa, chạy ra mở cửa sau, cùng dìu người phụ nữ lên xe. Xe chạy, người phụ nữ đau quằn quại trên chiếc xe U-oát, chị ta cũng ngại không dám kêu to. Đường Lai Châu thập niên 80 của thế kỷ trước thật kinh khủng. Người bình thường còn thấy như xóc ốc, chóng mặt, buồn nôn, huống chi người đang đau đẻ. Chỉ sau một hồi xóc tung lên, chị đã sinh trên xe. Nước ối vỡ ra, ướt đầm ghế đệm sau. Ông vừa cảm thông với sản phụ, vừa động viên lái xe bình tĩnh, lựa chọn đường để lái xe nhanh. Xe đến Bệnh viện Tam Đường, các nhân viên vội vàng cáng chị vào phòng cấp cứu. Ít phút sau, họ thông báo với ông: Bệnh viện chỉ cứu được mẹ, còn thai nhi đã chết! Ông và lái xe đứng im như mặc niệm một sinh linh bé nhỏ. Bất giác, nước mắt ông ứa ra... Giá như ông gặp chị sớm hơn. Giá như đường giao thông vùng biên giới không khốn khổ thì cháu bé được cứu sống. Ông buồn vì thầy trò ông đã làm hết sức, nhưng vẫn không đảm bảo được "mẹ tròn con vuông". Dù sao, người mẹ được sống đã là phần an ủi đối với ông. Cảm động vì sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng, sau khi bình phục, sản phụ cùng chồng đến cơ quan, mang theo gà, gạo nếp để cảm ơn ông như một ân nhân cứu mạng. Ông từ chối không được, đành gọi lái xe, công vụ mổ gà, thổi cơm nếp, mời thêm mấy anh em, khách chủ cùng vui, đậm đà tình nghĩa quân dân. Tình cảm đó lắng đọng trong ông đến tận bây giờ.

Đầu năm 1990, tạm biệt vùng sơn cước còn nhiều "duyên nợ", Thượng tá Phạm Hữu Bồng được cấp trên điều về Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm cương vị Phó Tham mưu trưởng. Rồi ông lần lượt đảm nhiệm cương vị: Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh. Năm 1996, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ở cơ quan "thủ phủ" của lực lượng Bộ đội Biên phòng, với cương vị Tư lệnh, ông có điều kiện nắm tình hình biên giới một cách tổng quan, đầy đủ hơn từ nhiều khía cạnh, từng mặt công tác, từng mảng công việc đến toàn bộ nhiệm vụ của Công tác Biên phòng. Cùng Bộ Tư lệnh và các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất nhiều vấn đề mới về công tác Biên phòng và xây dựng Bộ đội Biên phòng, đã tạo cho ông một tầm nhìn mới của người Tư lệnh.

Sau khi Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, vấn đề biên giới, lãnh thổ đã được hai nước chủ trương đàm phán. Năm 1991, ông được Bộ Tư lệnh cử tham gia đoàn Chính phủ đàm phán với Trung Quốc. Ngày 7/11/1991 ký Hiệp định tạm thời giải quyết công việc trên vùng biên giới. Sau đó ông được cử tham gia đoàn Chính phủ đàm phán tiến tới ký Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 30/12/1999. Do nắm vững tình hình biên giới qua các thời kỳ, nắm vững thực trạng cùng với những kiến thức về biên giới khi còn là cán bộ giảng dạy ở Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng) và những kinh nghiệm đàm phán biên giới của các nước mà ông tích lũy được, đã giúp ông vận dụng, đóng góp nhiều ý kiến với đoàn đàm phán. Việc tham gia đoàn đàm phán Chính phủ để ký Hiệp ước biên giới đất liền với Trung Quốc, đã tạo thuận lợi để ông chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc tổ chức phân giới cắm mốc trên thực địa sau này. Trong ông, vẫn lắng đọng những kỷ niệm về những lần đàm phán không kém phần căng thẳng. Trong lý lẽ đấu tranh sắc sảo của ông, vẫn luôn hội tụ niềm thương cảm khi chứng kiến cán bộ, chiến sĩ dưới quyền kiên cường đấu lý, đấu trí trên thực địa để phân giới cắm mốc biên giới bằng cả công sức, mồ hôi và cả đổ máu. Hiệp ước đã ký, biên giới đã được phân định. Ông tự hào vì đã góp một phần công sức, trí tuệ cho việc xây đắp đường biên giới hòa bình, hữu nghị Việt - Trung.

Năm 1959, theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị và Nghị định 100/TTg của Chính phủ, Lực lượng Công an nhân dân vũ trang ra đời. Từ đó đến nay lực lượng đã nhiều lần thay đổi.

Khi ở Bộ Công an thì nhấn mạnh về nhiệm vụ an ninh, nhiệm vụ quốc phòng chưa được đề cập đầy đủ. Khi ở Bộ Quốc phòng, nhiệm vụ hàng đầu là huấn luyện, phòng thủ tác chiến, nhiệm vụ an ninh trật tự thiếu quan tâm chỉ đạo. Trong khi tính chất nhiệm vụ của công tác Biên phòng là sự gắn kết chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tạo thành chức năng nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, không được coi nhẹ mặt nào, tùy tình hình cụ thể mà nhấn mạnh quốc phòng hay an ninh cho phù hợp. Từ đó đòi hỏi phải có một lực lượng nòng cốt chuyên trách với hệ thống tổ chức chỉ huy thống nhất xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở. Nhưng lực lượng lại liên tục không ổn định. Hệ thống tổ chức luôn luôn biến động, phân tán, chia cắt, thiếu tập trung, quy hoạch cán bộ các cấp bị phá vỡ, cán bộ, chiến sĩ thiếu an tâm công tác... Trước tình hình đó, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã có báo cáo kiến nghị lên cấp trên cần có Nghị quyết cơ bản, lâu dài về Xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới. Trên cơ sở nghiên cứu một cách toàn diện, công phu và đúc rút những vấn đề tinh túy hợp lý nhất của các nghị quyết trước đây, để làm rõ tính tất yếu khách quan và sự cần thiết về chức năng nhiệm vụ hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng. Trong quá trình chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị, ông được Thường vụ Đảng ủy phân công cùng đồng chí Phó Tư lệnh Chính trị tham gia với Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương hoàn chỉnh Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới. Tại hội nghị Bộ Chính trị thông qua "Nghị quyết 11 về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới", ông được mời tham dự và đã trực tiếp báo cáo, giải trình làm rõ nguyên nhân vì sao tổ chức lực lượng Bộ đội Biên phòng nhiều năm không ổn định để Bộ Chính trị xem xét thảo luận.

Ngày 8/8/1995, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 11/NQ-TW, chuyển Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ về Bộ Quốc phòng, xác định Bộ đội Biên phòng là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 16/11/1995, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 754/QĐ-TTg, giao Bộ đội Biên phòng cho Bộ Quốc phòng quản lý. Bộ đội Biên phòng chuyển từ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về Bộ Quốc phòng.

Quán triệt và triển khai Nghị quyết 11, trong toàn lực lượng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Kế tục người tiền nhiệm, ông đã thể hiện rõ vai trò của mình, đề xuất với Đảng ủy ra Nghị quyết chuyên đề và Bộ Tư lệnh lập kế hoạch tổ chức thực hiện tạo sự ổn định nhanh chóng về tổ chức, triển khai toàn diện có hiệu quả các mặt công tác, các nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng. Nhiều đơn vị cơ sở tiến hành củng cố, xây dựng doanh trại, tổ chức đảm bảo đời sống bộ đội có nhiều chuyển biến tích cực. Tư tưởng cán bộ, chiến sĩ phấn khởi. Ông nhận ra rằng, Nghị quyết của Đảng khi xuất phát từ thực tế, khách quan, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, với ý nguyện của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Là người có kiến thức, kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn, với trọng trách của mình cùng với cụ thể hóa triển khai các chủ trương lãnh đạo chung của Đảng ủy, kế hoạch của Bộ Tư lệnh, ông đã đề xuất cần thể chế hóa Nghị quyết 11 thành các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho Bộ đội Biên phòng hoạt động. Ông chỉ đạo và trực tiếp tham gia cùng các Cơ quan pháp chế, các nhà khoa học, các chuyên gia luật pháp trong và ngoài lực lượng biên soạn Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Pháp lệnh xuất nhập cảnh, Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 34 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền... được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ thông qua và ban hành. Điều đó nói lên ông là người có vai trò quan trọng trong hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý của Bộ đội Biên phòng, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Pháp lệnh BĐBP (Pháp lệnh số 55/L/CTN ngày 7/4/1997). Ảnh: Tư liệu (Trong ảnh: Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, lúc đó mang quân hàm Đại tá, đứng thứ hai từ trái sang)

Nghị quyết 11 đang đi vào cuộc sống, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành đang trong giai đoạn ổn định và phát triển, thì lại có những ý kiến khác nhau về tổ chức Bộ đội Biên phòng. Trước tình hình đó Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương có Chỉ thị 97/CT-ĐU, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 2534/CV-TW, chỉ đạo tổng kết 3 năm (1995-1998) thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Chấp hành chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, ông đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh trước hết, tập trung chỉ đạo kiên quyết, khắc phục có hiệu quả hai khâu yếu kém nổi lên đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, truyền thống của Bộ đội Biên phòng. Đó là những sơ hở trong công tác biên phòng; những biểu hiện tiêu cực, vi phạm kỷ luật, pháp luật và tăng cường công tác giáo dục chính trị, ổn định tư tưởng. Nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Mặt khác, trong quá trình chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 11 ở các địa phương ông đã dày công cùng Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo cụ thể Bộ Chỉ huy các tỉnh, thành phát huy cao độ vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Một số Tỉnh ủy có những nhận thức khác nhau khi Tổng kết Nghị quyết 11, ông và Phó Tư lệnh Chính trị phân công nhau trực tiếp đến dự, trình bày quan điểm của Bộ Tư lệnh Biên phòng, làm rõ những vấn đề có tính chất cơ bản cả lý luận và thực tiễn của nhiệm vụ công tác Biên phòng và tính tất yếu, khách quan hệ thống tổ chức của lực lượng nòng cốt, chuyên trách, với tính thuyết phục cao. Chính những quan điểm đúng đắn đó, đã tạo thuận lợi cho các Tỉnh ủy, Thành ủy có biên giới đã hoàn thành Tổng kết Nghị quyết 11 có tiếng nói chung thống nhất, khẳng định 7 nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng được quy định trong Nghị quyết 11 rất toàn diện. Hệ thống tổ chức chỉ huy thống nhất theo 3 cấp là phù hợp cần giữ ổn định tạo tiền đề quan trọng cho thành công của việc tổng kết ở cấp Trung ương. Đồng thời trong quá trình chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 11 ở cấp Trung ương, ông cùng Bộ Tư lệnh phối hợp với Tổng cục Chính trị chuẩn bị các văn kiện, báo cáo Tổng kết. Một mặt, ông trực tiếp chuẩn bị văn bản báo cáo của Bộ Tư lệnh, nêu ra những quan điểm cơ bản, cốt lõi nhất, đúc kết lý luận và thực tiễn. Là người lính, là cán bộ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng đã từng chứng kiến những thời khắc chuyển đổi, cũng như những thăng trầm của lực lượng nòng cốt chuyên trách trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, ông hiểu rất rõ. Đã mấy chục năm rồi, Bộ Chính trị đã có 4 nghị quyết về Bộ đội Biên phòng và công tác biên phòng, mà Bộ đội Biên phòng vẫn luôn trong trạng thái không ổn định.

Ông còn làm rõ nguyên nhân hạn chế, tồn tại qua việc thực hiện là các bộ, ngành chưa quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Bộ Chính trị, chưa có sự thống nhất cao về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; nên có lúc chỉ nhấn mạnh về chính trị nghiệp vụ là chủ yếu, có lúc lại chỉ nhấn mạnh phòng thủ tác chiến... Việc chỉ đạo xây dựng tổ chức lực lượng Bộ đội Biên phòng chưa phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị nên đã tạo ra sự không ổn định. Rồi ông trình bày rõ thêm tình hình, đến đặc điểm của lực lượng; từ biên chế trang bị, đến phương thức hoạt động trên các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại; từ định hướng về tổ chức xây dựng lực lượng đến chức năng nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng để đáp ứng tình hình, nhiệm vụ mới... Được làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà lâu nay chưa đề cập thấu đáo. Khi Bộ Chính trị ủy quyền cho Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 11 ở cấp Trung ương. Báo cáo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ghi nhận: Thực hiện Nghị quyết 11, tổ chức Bộ đội Biên phòng từng bước được kiện toàn và ổn định. Chất lượng nhiệm vụ công tác biên phòng được nâng lên. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, thông suốt từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị cơ sở (đồn, trạm biên phòng). Các mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị trong toàn quân và Công an chặt chẽ hơn.

Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn đau đáu với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông đã tích cực tham gia với Đảng ủy Quân sự Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ ổn định tổ chức Bộ đội Biên phòng. Ngày 22/12/2004, Bộ Chính trị ra Thông báo 165/TB-TW kết luận: "Giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức lực lượng Bộ đội Biên phòng như đã được xác định trong Nghị quyết 11 cửa Bộ Chính trị ngày 8/8/1995. Khẳng định công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng phải đảm bảo sự tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các Tỉnh ủy, Thành ủy có biên giới...".

Là Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, mặc dù bận nhiều công việc nhưng với lòng nhiệt huyết và sự say sưa quan tâm chỉ đạo sâu sắc công tác khoa học - công nghệ. Thực tiễn công tác biên phòng rất phong phú và đa dạng. Hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia thường xuyên phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều vấn đề đặt ra cần phải tổng kết, đánh giá thành bài học kinh nghiệm, thành đề tài khoa học. Ông rất trân trọng và thực sự cầu thị mời các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về Biên phòng. Ông quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu khoa học, đào tạo học vị, chức danh khoa học của cơ quan, các Học viện, nhà trường của Bộ đội Biên phòng. Cá nhân ông cũng gương mẫu trong nghiên cứu khoa học. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: "Tổng kết chiến tranh biên giới", "Nghệ thuật tác chiến Bộ đội Biên phòng"; "Ổn định lâu dài biên giới quốc gia", "Thực tiễn là cơ sở để thống nhất nhận thức về công tác biên phòng và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng"...

Sự kết hợp giữa chỉ đạo thực tiễn với nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng đã có nhiều đóng góp có giá trị cho công tác nghiên cứu khoa học biên phòng và xây dựng Bộ đội Biên phòng, được thể hiện trong các bài nói, bài viết của ông tại các hội nghị, hội thảo. Đó chính là máu thịt, tâm huyết của ông đối với nhiều vấn đề của cuộc sống chiến đấu và xây dựng của các đơn vị biên phòng. Trong bài "Kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác biên phòng năm 2000" về phương hướng năm 2001, ông nêu rõ: "Về mặt chiến lược, phải giữ được quan hệ hữu nghị truyền thống đối với Lào, Campuchia và Trung Quốc, giữ ổn định ở địa bàn biên giới". Đề cập đến vai trò của nhân dân, ông nhấn mạnh quan điểm: "Tập trung xây dựng "thế trận lòng dân", kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng biên giới với bảo vệ biên giới". Đó là, xây dựng mối quan hệ máu thịt với nhân dân, giúp dân ổn định và phát triển sản xuất, tôn trọng và bảo vệ nhân dân. Có như thế nhân dân sẽ một lòng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh chống lấn chiếm biên giới, sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng đấu tranh phòng chống tội phạm, ổn định an ninh chính trị địa bàn khu vực biên giới. Xây dựng "thế trận lòng dân" chính là giữ yên dân, dựa vào dân để giữ nước, bằng các biện pháp tham gia các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, kết hợp kinh tế với quốc phòng, kinh tế với an ninh biên giới. Việc thực hiện các chủ trương, đối sách, Bộ đội Biên phòng phải triệt để tuân thủ "trong ấm ngoài êm", "an dân thịnh vượng".

Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, phần nói về "đội ngũ cán bộ". Và công tác cán bộ, có lần ông nói: "Con người sinh ra vốn là "nhân vô thập toàn" nên đánh giá cán bộ cũng không quá cầu toàn, phải bồi dưỡng lớp trẻ lên thay thế. Đồng thời phải đề phòng lệch lạc: Người tài thì không dùng lại dùng những người hay xu nịnh, luồn lách, cơ hội. Đây là nguy cơ lớn cho cách mạng, cho Đảng, nhân tài sẽ thui chột, kẻ dốt nát sẽ làm hại cách mạng. Chúng ta phải biết phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, cho lực lượng, đó là trách nhiệm của mọi người. Kẻ dốt nát, tham nhũng phải bị quét sạch thì đất nước mới tiến lên, xã hội mới lành mạnh, hiền tài mới được trọng dụng. Vấn đề ông đề cập đến nay đang trở thành vấn nạn. Tôi lấy làm tiếc khi ông chưa đưa được giải pháp khắc phục vấn đề này, song tôi phục ông đã manh nha đặt vấn đề từ những ngày ấy. Ông đã khởi xướng, thống nhất trong Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chỉ đạo: "Các cơ quan, đơn vị phát động trong toàn lực lượng một đợt sinh hoạt chính trị, học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với Bộ đội Biên phòng, có ý nghĩa thiết thực. Tiếp theo là chỉ thị về chấn chỉnh kỷ luật để mãi mãi chúng ta xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" - một kết tinh của văn hóa Việt Nam trong xây dựng quân đội kiểu mới". Phát kiến của ông gần với hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Luyện tập khí công ở Học viện Biên phòng. Ảnh: Tư liệu

Ông chỉ rõ: "Cán bộ đồn, tỉnh, Bộ Tư lệnh được trẻ hóa, mới bước vào cương vị lãnh đạo, chỉ huy, bên cạnh mặt mạnh cơ bản, vẫn còn những hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong điều hành, quản lý, chỉ huy. Cơ quan chỉ huy các cấp đang có sự bất cập về trình độ năng lực. Do đó, cán bộ phải khiêm tốn, học hỏi vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ. Ông cũng thẳng thắn phê phán những yếu kém trong quản lý kỷ luật, duy trì chế độ công tác ở một số đồn Biên phòng cửa khẩu, xử lý một số trường hợp còn để dân kêu ca, phàn nàn, ảnh hưởng đến quan hệ quân dân. Nhất là những biểu hiện chạy theo lối sống thực dụng, cơ hội, tính toán cá nhân. Cá biệt, có một số cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật và pháp luật. Một số đơn vị nội bộ mất đoàn kết, bè phái, cục bộ, đã ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ và uy tín, truyền thống của Bộ đội Biên phòng.

Từ thực trạng trên, ông chỉ ra những nguyên nhân và vướng mắc cần phải khắc phục và ông lưu ý: Đoàn kết phải đấu tranh, không nể nang xuôi chiều, nhưng không vì thế mà cạn tình đồng chí, đấu tranh gay gắt đến mức không nhìn nhau nữa. Trong công tác, tất nhiên có ưu, có khuyết, giúp nhau chân tình để sửa chữa khuyết điểm mới là bản chất của người cộng sản chân chính "sửa điều dở cho ai chớ nên nghiêm khắc quá, dạy điều hay cho ai chớ nên cao xa quá". Phải nhận thức đúng đắn bản chất của quyền lực, chức vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho là để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Không được sử dụng quyền lực để làm việc bất chính, để mưu cầu lợi ích cá nhân. Chức quyền có cả "ma" và "lực", "phúc họa liền kề". Chỉ sử dụng quyền lực vì mục đích cao cả mới tránh được tai họa mà thôi. Khi ở một tập thể, chưa xây dựng được quy chế lãnh đạo, quy chế làm việc, thiếu công khai dân chủ, hoặc thực hiện quy chế hình thức, nửa vời tất yếu sẽ dẫn đến sai phạm, nội bộ mất đoàn kết, anh em mất niềm tin vào lãnh đạo, chỉ huy. Bài học đó của ông chỉ ra cho lực lượng Biên phòng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong buổi Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng bàn giao chức trách Tư lệnh Biên phòng cho người kế nhiệm. Với sự có mặt đông đủ các đồng chí trong Bộ Tư lệnh, các Cục, phòng chức năng, ông đã phát biểu nêu lên một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, có thể coi là "gan ruột" của một vị Tướng trọn đời gắn bó với biên cương. Mỗi vấn đề ông truyền đạt lại là những quy luật chung, những bài học giữa lý luận và thực tiễn, đồng thời cũng là những nét riêng mang triết lý nhân sinh, bài học ứng xử mà cá nhân ông rút ra, mang tính suy ngẫm của một người chỉ huy từng trải. Đó là vai trò của người Tư lệnh, người chỉ huy cao nhất của lực lượng, ngoài năng lực, phẩm chất được rèn luyện, đào tạo theo tiêu chí của một tướng lĩnh, rất cần có một khả năng quy tụ lòng người, tâm huyết với nhiệm vụ công tác biên phòng. Trước mỗi bước ngoặt của lực lượng, phải có bản lĩnh kiên định, không dao động, ngả nghiêng, dám hy sinh vì lợi ích chung. Phải thể hiện vai trò trung tâm đoàn kết, công tâm, khách quan, không thiên vị, khen, chê rõ ràng, tạo động lực cho phong trào thi đua. Trong lãnh đạo, chỉ huy, người Tư lệnh phải có cách nhìn bao quát, nắm toàn diện nhưng phải hiểu sâu, nắm chắc vấn đề, phải mở rộng mối quan hệ hiệp đồng, phối hợp công tác với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban, bộ, ngành Trung ương. Phải có tư duy sáng tạo, nhạy bén và khả năng làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Người chỉ huy phải yêu thương chiến sĩ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

Về hưu, rời vị trí Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nhưng biên giới quốc gia với ông vẫn còn nhiều duyên nợ. Với lòng tràn đầy nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, ông đã dồn công sức, trí tuệ của mình tiếp nối công việc của những người tiền nhiệm, tham gia có hiệu quả vào việc hoàn chỉnh Luật Biên giới quốc gia và các văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành Luật Biên giới quốc gia, mà Bộ Quốc phòng tín nhiệm giao cho ông. Năm 2002, ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh khóa 3, với cương vị Phó Chủ tịch Hội. Đến nhiệm kỳ 4, ông được Đại hội Cựu chiến binh Việt Nam tái cử nhiệm kỳ thứ hai, được bầu Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội. Mười năm đóng góp sức lực, trí tuệ cho Hội Cựu chiến binh, ông tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Là Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh, ông cũng tận tụy, trách nhiệm như khi làm Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Bước chân của ông lại rong ruổi từ Nam chí Bắc, đến dải đất gian khó miền Trung, ông đến từng Hội Cựu chiến binh cơ sở nắm tình hình hoạt động, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với Hội những người lính trở về. Ông cũng có những đóng góp đáng kể công sức trong việc xây dựng Pháp lệnh Cựu chiến binh Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Ông đã gợi mở chương trình phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh cơ sở với Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành. Ông phát hiện xin số cán bộ có nhiều kinh nghiệm ở Bộ Tư lệnh Biên phòng đã nghỉ hưu về các Ban kinh tế, Pháp chế, Thanh tra của Trung ương Hội, đề xuất các địa phương bầu các đồng chí Chỉ huy Biên phòng tỉnh giữ trọng trách Chủ tịch, Phó Chủ tịch Cựu chiến binh các tỉnh như Cao Bằng, Nam Định, Hà Tĩnh, Kon Tum, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh...

Có thể nói, thời gian công tác ở Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông đã để lại những dấu ấn đặc biệt sâu sắc về công tác Hội, nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của các hội viên Hội Cựu chiến binh, nổi bật là việc cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu ở tỉnh Ninh Bình đã nhiều năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Kết thúc chiến tranh, trở về quê hương, người cựu chiến binh ấy tiếp tục nêu gương chiến đấu chống lũ giặc nội xâm; đấu tranh, tố cáo, vạch mặt những kẻ lợi dụng chức quyền để tham nhũng, thế là bị quy kết tội "vu cáo, nói xấu cán bộ" và bị truy tố, đưa ra xét xử, bỏ tù. Sau khi nhận được báo cáo kiến nghị của Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình về việc cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu đấu tranh chống tham những bị xử tù, ông Phạm Hữu Bồng với cương vị là Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh Việt Nam được phân công phụ trách công tác pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cựu chiến binh, ông đã quyết tâm vào cuộc để làm rõ sự thật, bảo vệ chân lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng và danh dự cho cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu. Mặc dù kẻ tham nhũng là người có quyền cao, chức trọng ở địa phương lại được bao che, nhưng với bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ ông đã kiên quyết chỉ đạo xác minh làm rõ sự việc và báo cáo với các cơ quan kiểm tra, thanh tra của Đảng, Chính phủ, các cơ quan Việt Kiểm sát, Tòa án, Ủy ban pháp luật của Quốc hội để chỉ đạo. Mặt khác, ông liên tục viết nhiều bài báo, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, được quần chúng đồng tình, các cơ quan Trung ương quan tâm chỉ đạo đối với các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình. Cuối cùng Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phải hủy bản án sai trái, xác định Đinh Đức Phiếu không phạm tội, kẻ tham nhũng bị xử lý nghiêm minh. Cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu được trả tự do, lấy lại niềm tin của quần chúng vào công lý. Ngày Cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu được trả tự do, vợ và người con cả đã đến cảm ơn ông Phạm Hữu Bồng và ví ông như một Bao Công ngày nay. Bà xúc động nói: Khi kết thúc chiến tranh được đón chồng từ chiến trường trở về và nay lại sung sướng đón chồng được minh oan từ nhà tù trở về đoàn tụ với gia đinh, tôi cảm ơn các cơ quan Đảng, Nhà nước đã công minh, minh oan cho chồng tôi, đem lại hạnh phúc lớn lao cho gia đình tôi.

Không chỉ cống hiến hết mình vì sự nghiệp biên phòng, cuộc đời ông còn chu toàn, tình nghĩa với quê hương. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bố ông tham gia vệ quốc đoàn, bị thương trong chiến đấu, người em út hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; mẹ ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Năm người con trai, gái của ông đều đã trưởng thành, có người là cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang. Với gia đình, ông coi trọng giáo dục con, cháu phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, quê hương, phấn đấu trở thành những người có ích cho đất nước. Ông về quê sửa sang, xây dựng cơ ngơi mà ông cha để lại, trồng cây ăn quả, với tâm niệm khi con cháu về thắp hương cho tiên tổ thì được ăn quả ngọt, và thấu hiểu bài học sâu xa: "Ăn quả, nhớ người trồng cây". Đối với xóm làng quê hương, ông nghĩ phải làm gì đó để đóng góp, để tri ân mảnh đất đã nuôi dưỡng và nâng bước ông trưởng thành. Ông đã đề xuất với làng Yên Minh, xã Trường Sơn, thành lập Quỹ khuyến học, khuyến tài. Ông tự nguyện đóng góp 150 triệu đồng làm vốn ban đầu và tiếp tục vận động con cháu trong họ, những người con xa quê đóng góp thêm. Toàn bộ số tiền đó giao cho địa phương quản lý, sử dụng với mục đích trao thưởng cho các cháu làng Yên Minh vượt khó học giỏi, đỗ đại học, cao đẳng để lập thân, lập nghiệp.

75 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, 58 năm liên tục phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng suốt đời tâm huyết với biên cương. Cuộc đời ông rong ruổi khắp mọi miền biên cương Tổ quốc. Con mắt ông mãi xanh một màu xanh của núi rừng, biển, đảo. Trái tim ông luôn đập nhịp với từng bước tuần tra của những người lính Biên phòng. Khi nghỉ hưu, tham gia Hội Cựu chiến binh, giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội, Ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam, ông vẫn làm tròn mọi trọng trách của mình. Nhưng trên hết, chặng trường chinh đầy khó khăn, gian khổ vẫn in đậm dấu son mãi mãi đối với cuộc đời ông, một vị tướng Biên phòng. Ông được Đảng, Nhà nước ghi công, trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Hai; Chính phủ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Hữu nghị. Đó chính là sự ghi nhận, đánh giá những đóng góp của ông cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia - Sự nghiệp mà ông trọn đời cống hiến.

Bùi Long Giang

Bình luận

ZALO