Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:20 GMT+7

Thổ cẩm A Bung đang hồi sinh

Biên phòng - Chúng tôi đến xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị và có ấn tượng đặc biệt với những người con gái Pa Kô miệt mài bên khung cửi, dệt nên những tấm thổ cẩm bền, đẹp, với hoa văn rực rỡ sắc màu mang nét đặc trưng truyền thống của người Pa Kô. Việc làm của những người phụ nữ xã A Bung đang làm “sống dậy” một nghề truyền thống tưởng đã bị mai một, đồng thời, giúp phụ nữ Pa Kô nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

s9h3_8a
Chị Hồ Thị Nga bên chiếc khung cửi dệt thổ cẩm. Ảnh: Danh Anh

Làm “sống dậy” linh hồn của người Pa Kô

Vào thứ 2 hằng tuần, cán bộ, công chức, giáo viên xã A Bung lại thướt tha trong những bộ áo dài bằng chất liệu vải thổ cẩm truyền thống đến công sở, tôn vinh nét đẹp của những cô gái Pa Kô ở vùng núi miền Tây Quảng Trị. Anh Hồ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung, người thực hiện dự án khôi phục nghề dệt thổ cẩm chia sẻ: “Nếu để mất đi một nghề truyền thống, vốn là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Pa Kô là điều rất đáng tiếc. Là người con của đồng bào dân tộc Pa Kô, tôi mong muốn khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm để được thấy bà con khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống mỗi dịp lễ, Tết. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn triển khai dự án hồi sinh thổ cẩm Pa Kô đã ấp ủ bấy lâu”. 

Từ ý nghĩa của dự án được đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội đề xuất, tại Đại hội Đảng bộ xã A Bung nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa thổ cẩm vào Nghị quyết với quyết tâm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Khi được cụ thể hóa bằng chủ trương, UBND xã đã kiện toàn và thành lập 3 tổ dệt thổ cẩm ở các thôn Cu Tài 1, Cu Tài 2 và Ti Nê với 25 chị em người dân tộc Pa Kô, tuổi đời từ 30 đến 50. Họ là lực lượng nòng cốt thường xuyên dệt thổ cẩm và có trách nhiệm truyền dạy cho lớp trẻ.

“Khi các tổ dệt đi vào hoạt động, chúng tôi tăng cường quảng bá sản phẩm bằng việc giới thiệu, trưng bày tại các hội chợ thương mại của huyện, tỉnh. Mặt khác, sản phẩm thổ cẩm cũng được địa phương trưng bày tại 2 địa điểm trên địa bàn, đó là ngã ba đường lên cửa khẩu quốc tế La Lay và thôn Cu Tài 1. Mục đích trưng bày sản phẩm thổ cẩm là để quảng bá những tấm vải sặc sỡ sắc màu đến với khách du lịch gần xa” - Anh Hồ Văn Hiền cho biết thêm.

Chúng tôi đến thăm chị Hồ Thị Nga, Tổ trưởng Tổ dệt ở thôn Cu Tài 2, được chứng kiến bàn tay tài hoa của chị lướt trên từng sợi thổ cẩm đủ sắc màu bên chiếc khung cửi. Chị Nga kể, chị biết dệt thổ cẩm từ thời còn trẻ, được truyền lại từ mẹ và bà, do ngày càng ít đồng bào dùng trang phục truyền thống, nên chị bỏ dệt một thời gian dài. Khi có chủ trương của chính quyền địa phương, chị đã tham gia tích cực và truyền nghề cho các hội viên, nhất là hội viên trẻ, giúp họ vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa gìn giữ nét đẹp truyền thống của địa phương.

“Bình quân 4-5 ngày, tôi làm xong 1 tấm thổ cẩm, kích thước chuẩn dài 3,2m, rộng 0,8m. Tùy theo loại thổ cẩm trơn và thổ cẩm có đính hạt cườm mà bán được giá từ 350 đến 450 nghìn đồng/tấm. Nếu chịu khó làm cả ngày, tranh thủ thêm ban đêm thì khoảng 2 ngày xong 1 tấm. Nghề thổ cẩm đòi hỏi phải có niềm đam mê, sự chịu khó và tính kiên nhẫn mới theo được” – Chị Nga chia sẻ.

Nét văn hóa trường tồn

Đối với người Pa Kô, thổ cẩm là món đồ quý không thể thiếu trong những dịp lễ trọng đại của bản làng hoặc lễ cưới hỏi. Lễ cưới của người Pa Kô ngày nay đã có sự cách tân, thay đổi một số nghi thức, nhưng vẫn phải có lễ vật thổ cẩm. 

Ngày xưa, con gái lớn lên đầu tiên phải biết dệt thổ cẩm, làm sính lễ khi đi lấy chồng, nhưng nay thì ít người con gái học và dệt thổ cẩm. 

“Sản phẩm thổ cẩm A Bung hiện nay làm ra đều được tiêu thụ hết, nhưng chủ yếu là ở địa phương và vùng lân cận chứ thật sự chưa thể vươn xa, giá sản phẩm bán ra còn thấp, chưa tương xứng với công sức và giá trị vốn có của thổ cẩm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thúc đẩy quá trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm để thổ cẩm A Bung sẽ được tiêu thụ rộng rãi hơn ngoài địa phương, nhất là đối với khách du lịch trong và ngoài nước” - Anh Hồ Văn Hiền bày tỏ.

“Tùy theo gia đình giàu nghèo mà số tấm thổ cẩm có trong sính lễ nhiều hay ít. Nhà giàu có thì mang sính lễ có 15-20 tấm thổ cẩm, ít nhất cũng phải có 5 tấm thì lễ cưới mới gọi là thành công. Phong tục của người Pa Kô trong sính lễ nhà gái trao nhà trai phải có thổ cẩm, ngược lại, nhà trai trao lại nhà gái các lễ vật gồm chiêng, vòng tay, vòng cổ bằng bạc. Tục này vẫn duy trì từ xưa đến nay, không hề thay đổi. Ngoài lễ cưới thì thổ cẩm còn hiện diện bằng những bộ trang phục từ người già đến trẻ con trong các dịp lễ trọng của bản làng như: Lễ Ariêu, lễ mừng lúa mới và các lễ quan trọng của các dòng họ, gia đình... Mỗi người Pa Kô ở xã A Bung hầu hết đều có riêng cho mình ít nhất 1 bộ trang phục bằng thổ cẩm, người có điều kiện kinh tế thì có thể may nhiều bộ” – Chị Nga chia sẻ.

Để giúp cho nghề thổ cẩm phát triển, tạo nên thói quen trong việc mặc trang phục thổ cẩm, UBND xã A Bung đã xây dựng kế hoạch vận động toàn thể cán bộ xã, giáo viên, học sinh và các dòng họ ở các thôn may trang phục bằng thổ cẩm. Chủ trương này đã được công chức, viên chức trong xã đồng ý, ủng hộ. Hiện nay, các nhà trường trên địa bàn xã đã may trang phục thổ cẩm truyền thống cho giáo viên và học sinh.

Danh Anh

Bình luận

ZALO