Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 03:55 GMT+7

Thổ Chu - Từng ngày thay da đổi thịt

Biên phòng - Quần đảo Thổ Chu (Kiên Giang) được coi là huyện đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc với 8 hòn đảo lớn nhỏ. Dù cuộc sống cách biệt với đất liền và đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo vẫn kiên cường bám đảo, sản xuất và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc. 

0vjz_5a-1.jpg
Cuộc sống làng chài rất đỗi bình yên. Ảnh: Lệ Loan.
 
Cuộc sống yên bình giữa biển khơi

Cách xa đất liền đến 230km, đảo Thổ Chu có 2.000 dân sinh sống. Cuộc sống người dân trên đảo bình lặng, chân quê như miệt vườn sông nước Nam bộ. Hằng ngày, họ quẩn quanh với việc đánh bắt và chế biến thủy hải sản, chế biến thô, chuyển vào thành phố và xuất khẩu đi các nơi, có hộ thì buôn bán nhỏ, lẻ.

Ngày trước, khi chưa có dân ra đảo, lúc đó chỉ có bộ đội, đường mòn đầy đá cuội và rừng rậm còn hoang sơ. Trên đảo, cứ một tháng mới có một chuyến tàu ra đảo, nên thư từ liên lạc với đất liền cũng phải mất ngần ấy thời gian mới đến. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ có người thân, gia đình đang hấp hối cũng không kịp chuyến tàu về nhà. Mà có về đến nhà thì mọi việc cũng đã xong xuôi. Cũng có nhiều ca bệnh cấp cứu vào trong đất liền, nhưng đi nửa chừng đã qua đời. Thậm chí, có khi nhận được thư nhà báo có người thân mất, thì hậu sự cũng đã xong từ lâu.

Bây giờ, một tuần có một chuyến tàu ra, vào nên cuộc sống người dân trên đảo có phần khởi sắc. Họ cảm thấy đất liền thật gần. Nhưng việc đi lại giữa đất liền với những đảo tiền tiêu này cũng còn rất xa xôi và mất nhiều thời gian.

"Đường sá là khó khăn nhất, vật chất, hàng hóa đưa ra đây giá cả cũng đắt đỏ. Điều thuận lợi là cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đều có ý chí, quyết tâm, có niềm tin sẽ vượt qua mọi khó khăn và luôn nghĩ rằng mọi việc rồi sẽ tốt hơn" - Thượng tá Dương Đức Mười, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152, Quân khu 9, ở quần đảo Thổ Chu phấn khởi nói.

8 hòn đảo trên quần đảo này như những chấm nhỏ giữa biển khơi. Lớn nhất và đông dân nhất vẫn là đảo Thổ Chu, còn lại các đảo khác như: Hòn Nhạn, Hòn Khô, Hòn Xanh, Hòn Cái Bàn, Đá Bạc diện tích nhỏ, thiếu nước ngọt nên không thể bố trí dân cư sinh sống. Trong khi đó, về nước ngọt thì ở Thổ Chu quanh năm không lo thiếu nhờ các giếng khoan, giếng khơi dùng trong sinh hoạt. Hơn nữa cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo còn xây bể chứa nước mưa dùng cho mùa nắng. Điện sinh hoạt trên đảo mới đủ thắp sáng đến 11 giờ đêm.

Riêng trường học mới chỉ có 3 cấp, từ bậc mẫu giáo đến lớp 9, muốn học lên, các em phải đi thêm 100km nữa ra Phú Quốc theo học... Chị Nguyễn Thị Hài, có chồng là đại úy, chính trị viên cụm chiến đấu 1, Quân khu 9, gia đình ở gần doanh trại quân đội. Hằng ngày, chị buôn bán lẹt quẹt chút mực khô, ít tôm khô cho bộ đội nghỉ phép mua về làm quà biếu gia đình.

Quê chị Hài tận Hà Tĩnh, sau nhiều lần ra đảo, về lại quê, chị cũng không đành lòng để anh một mình trên đảo nên đành chọn nơi đây an cư lạc nghiệp. Chị cho biết: Đảo bình yên thật! Nhưng trẻ con ở đây thiệt thòi nhiều lắm. Ngoài việc chạy chơi quanh quẩn trong xóm thì cũng không có dịch vụ giải trí. Mọi người hằng ngày đều bận bịu với ghe tàu, buôn bán, nên họp hành lúc có lúc không, lại thiếu kinh phí hoạt động, nên muốn tổ chức sân chơi, hội thi cho các cháu cũng không làm được.

Đổi thay trên đảo tiền tiêu

Những ngày đầu ra đảo, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo cũng vô vàn khó khăn. Mùa biển động năm 1993, lúc đó ghe tàu không ra, vào được nên khi cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo bị sốt rét cấp tính, phải cấp cứu bằng trực thăng. Năm 2014, cũng có một cán bộ ở Trạm ra-đa 610, Vùng 5 Hải quân phải dùng trực thăng để cấp cứu do bị tụ cầu khuẩn.

Khi đảo Thổ Chu được phân về cho Quân khu 9 quản lý, vấn đề y tế chăm sóc sức khỏe được quan tâm nhiều hơn. Quân khu đã tăng cường thêm một kíp mổ, cộng với kíp mổ của đảo nên giờ đây, trên đảo đã cấp cứu được cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, kể cả lúc thiên tai vẫn có thể mổ được trung phẫu đến ruột thừa. Lực lượng quân y trên đảo hiện nay cơ bản đã đảm bảo được các ca cấp cứu thông thường và cả những ca khó.

Năm qua, Trung đoàn 152 cùng với các lực lượng đứng chân trên đảo đã tổ chức cứu hộ hai chuyến tàu của ngư dân bị đắm. Nhiều ghe tàu của bà con bị chìm cũng được bộ đội ở đây kéo giúp sửa chữa. Nhiều năm liền, Trung đoàn 152 đã giúp cho ngư dân trên đảo được yên tâm đánh bắt, làm ăn sinh sống. Điều đặc biệt là, những ca cấp cứu ngư dân làm ăn trên biển hay người dân trên đảo hiện nay, đã kịp thời chuyển về tuyến sau an toàn.

Còn nhớ, mùa biển động năm 2010, một ca sinh khó trên đảo không thể chuyển vào đất liền cấp cứu. Thời điểm đó, cả nhân lực và cơ sở vật chất y tế trên đảo còn thiếu thốn. Ngay cả bác sĩ cũng không có người nào chuyên mổ sản phụ nên không dám thực hiện ca mổ. Tuy nhiên, tình thế lúc này quá bức bách, các bác sĩ trên đảo đành gọi điện về trao đổi trực tiếp bằng điện thoại với các bác sĩ trong đất liền. Qua điện thoại, các bác sĩ trong đất liền hướng dẫn đồng nghiệp từng bước thực hiện ca mổ khó đó, nhờ vậy mà đã cứu sống được cả mẹ và con.
Mới đây, ngày 3-2-2015, Quân khu 9 đã thành lập Bệnh xá Quân dân y đảo Thổ Chu, tăng cường tập trung các y bác sĩ chuyên khoa. Trước đây, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo thường lo lắng về tình trạng sức khỏe, nhưng bây giờ, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y đã đủ sức cấp cứu, mổ thành công và xử lý được những ca bệnh nặng. Do đó khi bị bệnh, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đều tập trung khám, chữa bệnh ở Bệnh xá Quân dân y đảo Thổ Chu này. Ngay cả sinh đẻ cũng đã có bác sĩ chuyên khoa sản túc trực tại đây.

Lần khác, vào cuối năm 2014, cách đảo Thổ Chu 20 hải lý, trong một đêm mưa gió bão bùng, sóng biển dữ dội, một chiếc ghe của ngư dân bị sóng đánh bạt ra xa, ghe đã bị "phá nước" sắp chìm. Ngư dân trên ghe đã gọi điện cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152, cầu cứu.

Lúc đó, trời đã tối, Tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo đơn vị đưa phương tiện ra phối hợp với các ghe tàu gần đó cứu ghe bị nạn. Họ đã cứu sống thành công gần chục sinh mạng ngư dân trong đêm đó. Thượng tá Dương Đức Mười khẳng định: "Chính nhờ có sóng điện thoại liên lạc kịp thời, nhiều ca sinh khó của bà con trên đảo được cứu sống. Nhiều sinh mệnh trên các chuyến tàu đi biển gặp sóng to, gió lớn đánh chìm tàu, cũng được các chiến sĩ, ngư dân ứng cứu kịp thời".

Tại các đảo Hòn Từ, Hòn Cao bây giờ đã có dân sinh sống, nơi đây cũng có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển. Đặc biệt ở một góc nhỏ trên hòn đảo tiền tiêu này, người dân lập làng để tránh gió, tránh bão. Làng chính nằm ở bãi Ngự và một làng phụ ở bãi Dong. Mùa trở gió, dân làng chài qua khu nhà tranh vách tôn trú ngụ và trở về gian nhà chính khi biển đã yên, sóng lặng, gió bớt thổi. Cứ thế, cuộc sống làng chài này rất đỗi yên bình.
Lệ Loan

Bình luận

ZALO