Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 12:42 GMT+7

Thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò

Biên phòng - Ia Lốp là một xã vùng biên đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc. Vài năm trở lại đây, người dân biết vận dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, cách hướng dẫn của BĐBP nên đời sống người dân đang từng bước khởi sắc.

 6055.gif
Người dân xã Ia Lốp xóa đói giảm nghèo từ chăn nuôi bò.
Xã Ia Lốp nằm cách trung tâm huyện Ea Súp 50km, sát đường biên giới giáp với xã Nâng Kơ Lấc, huyện Cô Nhéc, tỉnh Mun-đun-ki-ri (Cam-pu-chia). Điều kiện thời tiết ở đây vô cùng khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn, đất đai kém phì nhiêu, trong khi người dân độc canh cây lúa nên trước đây, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 82%... Thế nhưng, vài năm trở lại đây, cái đói đã không còn, cái nghèo đang từng bước được đẩy lùi, đời sống người dân có bước chuyển biến rõ rệt, nhiều hộ dân đã có của ăn, của để, xây nhà mới khang trang, mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ sinh hoạt...

"Nói về cái sự nghèo khó của Ia Lốp những năm trước đây thì có thể kể cả ngày cũng không hết, nhưng nay, Ia Lốp đang đổi thay từng ngày. Đó là nhờ các anh BĐBP ở Đồn BP Ea Hleo đã hướng dẫn cách thức làm ăn và điều quan trọng là Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã quan tâm, tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất" - Ông Võ Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lốp cho chúng tôi biết.

Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông Sang dẫn chúng tôi xuống từng thôn để tiếp xúc với bà con. Anh Đặng Xuân Hùng (30 tuổi) ở thôn Của cho biết, vợ chồng anh ở Thanh Hóa vào làm công nhân quốc phòng thuộc Trung đoàn 736, Binh đoàn 16. Khi đơn vị tiến hành sáp nhập, giảm biên chế, vợ chồng anh rơi vào cảnh bần cùng. Đất đai cằn cỗi, mùa nắng không có nước tưới, mùa mưa ngập lụt, vợ chồng làm lụng đủ nghề cũng không đủ nuôi 2 đứa con.

Nhờ sự tham mưu, giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Ea Hleo, anh chị đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 5 triệu đồng, mua một cặp bê cái. Nhờ chăm sóc tốt nên chỉ hơn một năm sau, cặp bê này sinh cho cặp bê con. Thấy hiệu quả, anh vay thêm tiền mua mấy cặp bò nữa và đến nay, đàn bò của gia đình anh đã có trên 20 con.

Có cùng xuất phát điểm như gia đình anh Hùng, gia đình ông Lang Văn Sự (45 tuổi), dân tộc Thái, trú ở thôn Đừng, trước đây thuộc diện di dân lòng hồ thủy điện Cửa Đạt (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) vào Ia Lốp tái định cư năm 2004. Khi mới vào, cuộc sống muôn vàn khó khăn, quanh năm nghèo đói.

Năm 2007, khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện, ông đã mạnh dạn vay vốn mua 3 cặp bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của ông lên đến trên 20 con. Ông còn được cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Ea Hleo hướng dẫn cách trồng xen canh lúa, bắp dưới tán cây điều. Nhờ nguồn thu nhập từ chăn nuôi bò và trồng xen canh lúa, bắp mà ông đã mua được máy xay xát, xe máy và các vật dụng sinh hoạt đắt tiền...

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Sang cho biết: Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu nhờ vào nguồn thu từ chăn nuôi bò. Mấy năm trước đói nghèo vì người dân chỉ quanh quẩn mấy sào ruộng, đất đai cằn cỗi, thiếu nước tưới, lúa thu về không đủ ăn. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận được sự tham mưu, phối hợp hiệu quả của Đồn BP Ea Hleo. Từ đó, người dân được tuyên truyền, vận động để học tập và làm theo. Hiện, mô hình chăn nuôi bò đang là chủ công trong việc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

"Dân hết đói, hết nghèo thì địa phương vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây mới chỉ là những kết quả ban đầu, bởi nhìn chung, đời sống của một số hộ dân vẫn còn khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được để phấn đấu. Trong đó, công tác phát triển kinh tế-xã hội sẽ luôn được gắn với việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội" - Ông Sang nhấn mạnh.

Hoàng Xuân

Bình luận

ZALO