Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:29 GMT+7

Thoát suy thoái, EU thận trọng tiến bước

Biên phòng - Trong kỳ nghỉ Noel và Năm mới 2014 tại I-ta-li-a và Tây Ban Nha, không khí trên các đường phố chính ở Thủ đô Rô-ma và Ma-đrít trở nên nhộn nhịp với những dòng người đông đúc đi mua sắm cho kỳ nghỉ lễ. Hình ảnh những cửa hiệu, siêu thị tấp nập người ra vào này cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế ở Liên minh châu Âu (EU) dường như đã qua và người dân "lục địa già" bắt đầu có thể hy vọng sắp được chứng kiến một bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng hơn trong năm mới.

uerx_25a-1.jpg
Cuộc khủng hoảng nợ công từng đe dọa phá vỡ EU.  Ảnh: telegraph.co.uk
Những chỉ số đáng khích lệ

Bức tranh u ám của kinh tế châu Âu thực tế đã xuất hiện những tia sáng mới từ cuối năm ngoái khi Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 17 nền kinh tế thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng 0,3% trong quý II/2013, chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài nhất kể từ khi khối này được thành lập năm 1999. Dù mức tăng trưởng không cao và không đồng đều, song những kết quả vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp, ngành bán lẻ và kinh doanh đã phần nào cho thấy dấu hiệu chắc chắn về khả năng Eurozone đang dần thoát khỏi suy thoái. Giới phân tích cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với châu Âu mà cả nền kinh tế thế giới.

Hơn ba năm qua, những khó khăn kéo dài của "lục địa già" đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, vì châu Âu vẫn được biết đến là một trong những đầu tàu kinh tế và khu vực thương mại lớn nhất thế giới. Cuộc khủng hoảng nợ công đeo đẳng trong Eurozone đã khiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác sụt giảm, khi người tiêu dùng và giới kinh doanh châu Âu phải cắt giảm chi tiêu.

Sở dĩ Eurozone có thể khép lại "kỷ nguyên suy thoái" chủ yếu là nhờ tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng của hai nền kinh tế đầu tầu lớn nhất khối là Đức và Pháp.

Mức tăng trưởng ấn tượng 0,7% mà "đầu tàu" Đức đạt được chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước tăng, khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu và Chính phủ nới lỏng chính sách kinh tế khắc khổ. Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư được cải thiện đáng kể so với quý trước, xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu cũng là những yếu tố giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thêm sức mạnh. Thành tích này đã giúp đưa tốc độ tăng trưởng GDP của nước Đức vượt lên hàng đầu trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển.

Khác với Đức, quốc gia vốn được xem như một hình mẫu cho phát triển bền vững thì tin vui đến từ nước Pháp là khá bất ngờ. Trong suốt một thời gian dài vừa qua, nền kinh tế của đất nước hình lục lăng liên tiếp tăng trưởng âm cùng với nhiều chính sách cải cách gây tranh cãi. Những người lạc quan nhất cũng chỉ dám dự đoán kinh tế Pháp, nếu có tăng, cũng chỉ ở mức khoảng 0,2%. Do đó, con số 0,5% do Eurostat công bố là một tin vui ngoài sự mong đợi. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hai năm qua, chủ yếu nhờ lĩnh vực tiêu dùng trong nước tăng mạnh; tiếp đó là xuất khẩu, sản lượng hàng hóa và dịch vụ cũng bắt đầu tăng. Đây cũng là cơ sở để Bộ trưởng Kinh tế Pháp Pi-e Mô-xcô-vi-si khẳng định, nền kinh tế nước này đã "bắt đầu phục hồi".

Mặc dù vậy, sự ngạc nhiên lớn nhất lại đến từ Bồ Đào Nha. Sau những ngày tháng dài chìm trong suy thoái với núi nợ công khổng lồ, một trong những nền kinh tế nhỏ và yếu nhất khu vực đã lội ngược dòng ngoạn mục với việc đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 1,1%. Đây là một kết quả ít ai ngờ tới, bởi Bồ Đào Nha là một trong năm thành viên Eurozone phải viện đến gói cứu trợ trị giá hàng tỷ ơ-rô từ các chủ nợ quốc tế để tránh nguy cơ phá sản.

Suy thoái kinh tế tại Eurozone là hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công, buộc các Chính phủ đang chìm trong nợ nần phải áp dụng những biện pháp cắt giảm chi tiêu đầy đau đớn, khiến các nhà đầu tư lo lắng và gia tăng nghi ngại về khả năng tồn tại của Eurozone. Cắt giảm chi tiêu Chính phủ và tăng thuế đã tác động tiêu cực tới đời sống của người dân tại nhiều nước khu vực, khiến nền kinh tế chững lại và đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone lên mức cao kỷ lục là 12%, với 19 triệu người không có việc làm. Theo giới phân tích, trong bối cảnh u ám như vậy, mức tăng trưởng trong quý II đã chấm dứt tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài trong 6 quý liên tiếp - quãng thời gian suy thoái dài nhất gây tác động lớn tới Eurozone kể từ khi khối này được thành lập năm 1999.

Quyết tâm cải cách

Nhằm xốc lại tinh thần cho toàn khối cũng như cố gắng duy trì đà thoát khỏi suy thoái, vào Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm 2013, trong hai ngày 19 và 20-12, tại Brúc-xen (Bỉ), lãnh đạo các nước EU đã nhất trí thành lập Cơ chế giải quyết chung (SRM), gồm các thành viên chuyên giám sát hệ thống ngân hàng, xử lý các trường hợp phá sản có thể xảy ra đối với các ngân hàng tại các nước Eurozone. Đây là nền tảng của một tổng thể các biện pháp có thể giúp các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu tránh được khủng hoảng trong tương lai.

SRM sẽ quyết định xem một ngân hàng gặp khó khăn sẽ được "giải cứu" hay để cho "phá sản", nhằm tránh gây tác động xấu cho kinh tế toàn khu vực, như trường hợp của Ai-len, Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Síp thời gian qua. Đối với nhiều người, đây là nền tảng của hệ thống pháp luật được châu Âu xây dựng từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính nổ ra, nhằm tránh các vụ phá sản lớn như của ngân hàng Dexia hay Fortis khiến từ "khủng hoảng ngân hàng" trở thành "khủng hoảng nợ".

Theo đó, bắt đầu từ năm 2014, một cơ quan giám sát, được đặt tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), có trách nhiệm trực tiếp quản lý, giám sát 126 ngân hàng lớn nhất khu vực này, hiện chiếm khoảng 85% tài sản trong lĩnh vực ngân hàng ở Eurozone. Mỗi nước sẽ phải tuân theo quy định chung về giám sát và đóng cửa ngân hàng dưới sự bảo hộ của ECB. Ngân hàng ở tất cả các nước Eurozone cũng như của các nước tham gia cơ chế Liên minh ngân hàng sẽ nằm dưới sự giám sát này. Ngoài ra, một Quỹ giải thể ngân hàng cũng sẽ được thành lập kịp thời để trang trải phí tổn cho việc đóng cửa ngân hàng và cung cấp khoản tài chính khẩn cấp. Ý tưởng này nhằm tránh cho người nộp thuế không phải đóng góp cho việc cứu giúp các ngân hàng yếu kém, chấm dứt kỷ nguyên bảo lãnh ồ ạt.
49n8_25b-1.jpg
Người dân Thủ đô Ma-đrít mừng năm mới.  Ảnh: AFP

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận này cũng đặt nền móng quan trọng cho việc hoàn tất kế hoạch Liên minh ngân hàng tại Eurozone, nhằm khôi phục lòng tin vào khu vực tài chính cũng như thúc đẩy đà tăng trưởng trong khu vực. Liên minh ngân hàng vốn là mục tiêu quan trọng nhất trong tiến trình hội nhập châu Âu kể từ khi khu vực này bắt đầu sử dụng đồng tiền chung euro hồi năm 1999.

Dù thoát khỏi suy thoái, song năm 2014 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức mà các thành viên EU phải chuẩn bị tinh thần để ứng phó. Dẫu sao EU vẫn tiến về phía trước nhờ những động lực chính trị và ý thức kiên quyết bảo vệ liên minh tiền tệ chung của mỗi thành viên. Các quan chức châu Âu luôn so sánh tiến trình hội nhập với một chiếc xe đạp, bền bỉ quay bánh để tránh bị đổ. "Chiếc xe đạp" châu Âu tuy đôi lúc chuyển động khá e dè và không đi theo đường thẳng, song với những gì đã và đang diễn ra, nhất là triển vọng phục hồi sau suy thoái cùng sự quyết tâm cải cách ngành tài chính đầy khó khăn, người ta có thể thấy được rằng nó vẫn đang tiếp tục vận hành khá trơn tru và tạo đà quan trọng để EU có thể khoác lên mình tấm áo mới trong năm 2014.
Cẩm Linh

Bình luận

ZALO