Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:05 GMT+7

“Thời điểm vàng” trong phòng, chống dịch Covid-19

Biên phòng - Những ngày qua, một số nước châu Âu, châu Mỹ, nơi có nền kinh tế và y học phát triển hàng đầu thế giới, đang bị “vỡ trận” với tốc độ lây lan chóng mặt của dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng dân cư. Có hàng chục ngàn người Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở các vùng tâm dịch châu Âu, châu Mỹ, đổ xô về Việt Nam “trốn dịch”, tạo nên một áp lực lớn ở nhiều cửa khẩu đường không và đường bộ của nước ta. Đây là “thời điểm vàng” trong phòng, chống dịch Covid-19 tại nước ta, từ đó, hàng loạt biện pháp cứng rắn đã được triển khai. Có thể nói, Việt Nam đã huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

azp0_7a
Lực lượng Kiểm dịch y tế và BĐBP kiểm tra thân nhiệt khách du lịch trước khi nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hải Luận

Các “trọng pháo” ở tuyến đầu

Theo đó, Quân đội có hơn 120 điểm doanh trại, ký túc xá sinh viên một số trường đại học, khách sạn... trở thành trung tâm cách ly 14 ngày theo quy định. Đến thời điểm này, Việt Nam đang trong tầm kiểm soát dịch rất tốt, đa số bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đều từ nước ngoài về, được khống chế từ cửa khẩu, trung tâm cách ly. 

Nước ta bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trực tiếp và sớm nhất từ “ổ dịch” thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cuối năm 2019. Lúc Vũ Hán đang báo động về dịch, nước ta chưa có ca nào dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay thời điểm đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp Chính phủ, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ban hành chỉ thị chống dịch, đồng thời, đưa ra khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” - đã bao hàm về độ khẩn trương và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh.

Việt Nam có 7 tỉnh chung đường biên giới với Trung Quốc, hàng trăm cửa khẩu quốc tế, quốc gia, lối mở, người qua lại và giao thương hàng hóa trực tiếp với Trung Quốc; nhiều tỉnh, khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 80%. Đây thực sự là áp lực rất lớn trong công tác chống dịch ở các cửa ngõ tuyến đầu. Trước và trong Tết Nguyên đán Canh Tý, chấp hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng BĐBP triển khai thêm 535 tổ, chốt chặn với gần 3.000 quân dọc tuyến biên giới Việt – Trung. Dưới giá rét “cắt da cắt thịt”, bộ đội vẫn phải làm lán ngủ giữa rừng để “bịt” tất cả các ngả đường qua lại biên giới, ngăn không cho dịch Covid-19 xâm nhập vào bên trong. Tại các cửa khẩu, BĐBP đã huy động lực lượng và phương tiện, giải quyết được hai nhiệm vụ cơ bản nhất: Ngăn dịch không cho xâm nhập qua biên giới và đảm bảo an toàn cho thông thương hàng hóa xuất, nhập khẩu. 

Cửa khẩu đường biển, đường sông, đường hàng không trên tất cả các tuyến biên giới và nội địa, lực lượng BĐBP, Công an, Y tế, Hải quan... luôn đề cao trách nhiệm, xem đây là nhiệm vụ đặc biệt, như những “trọng pháo” ở tuyến đầu, sớm phát hiện và ngăn chặn dịch xâm nhập vào đất nước. 

“Bài võ” hữu hiệu

Bài học kinh nghiệm lớn nhất của Việt Nam ngay từ đầu đã ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống dịch. Sử dụng mọi “vũ khí”, Bộ Y tế ứng dụng mạng xã hội, nhắn tin qua điện thoại cho toàn dân biết cách phòng, chống dịch, khai báo y tế điện tử...

Điều đặc biệt, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch  Covid-19 họp và tập huấn trực tuyến, kết nối với hơn 700 điểm cầu trong cả nước, tạo nên tính thống nhất từ Ban chỉ đạo Trung ương đến Ban chỉ đạo cấp huyện, xã. Phương pháp và phác đồ điều trị từ tuyến bệnh viện Trung ương đến phòng khám khu vực tuyến huyện giống nhau (trừ những ca nặng). Ngoài ra, các bệnh viện Trung ương thành lập những “đội đặc nhiệm”, sẵn sàng xuống hỗ trợ ở tuyến tỉnh, huyện. Qua thành công khống chế dịch ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bình Thuận là bài học điển hình nhất. 

Cách ly ngay lập tức là “bài võ” hữu hiệu đối với công tác phòng, chống bệnh dịch Covid-19. Lần theo “dấu vết” di chuyển của bệnh nhân nghi nhiễm và đã bị nhiễm, tìm ra người tiếp xúc với F1, F2, F3... Ban chỉ đạo các cấp đã thực hiện nhuần nhuyễn: Vòng cách ly thứ nhất, người nhà bệnh nhân được coi như là bệnh nhân và được cách ly trong các cơ sở y tế. Vòng cách ly thứ hai, những người tiếp xúc gần với người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân cũng được cách ly tập trung. Vòng cách ly thứ ba, người tiếp xúc với người tiếp xúc thì tiến hành cách ly tại nhà, có sự giám sát chặt chẽ của các ban, ngành, chính quyền sở tại. Vòng cách ly cuối cùng là cách ly toàn bộ thôn, khu phố hoặc toàn xã. 

Giai đoạn đầu dịch bệnh Covid-19, nước ta chỉ có 16 ca nhiễm bệnh và đã chữa khỏi hoàn toàn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nhận xét: “Việc huy động lực lượng Công an và Quân đội tham gia cách ly tập trung ngay từ những ngày đầu là một bài học kinh nghiệm lớn trong công tác phòng, chống dịch”. Ngày 22-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Quốc phòng, đã nhấn mạnh: “Quân đội của chúng ta luôn là trụ cột của quốc gia, đặc biệt khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm thì vai trò chủ đạo, tính chất nòng cốt của Quân đội càng được thể hiện rõ hơn và phát huy mạnh mẽ”.

“...Khi xảy ra dịch bệnh, chúng ta đã phản ứng rất nhanh, rất kịp thời, rất chính xác... Toàn dân làm, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thế giới đánh giá Việt Nam rất cao trong phòng, chống dịch” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết luận tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 20-3-2020, về công tác lãnh đạo phòng, chống dịch Covid-19.

Giai đoạn 2 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn nhiều so với giai đoạn đầu. Ngày 23-3, chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian 2 tuần tới có ý nghĩa quyết định nên các cấp, các ngành, hệ thống chính trị cần nỗ lực, cố gắng. "Đã quyết liệt rồi, chặt chẽ rồi thì càng quyết liệt, chặt chẽ hơn, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”. Thủ tướng yêu cầu huy động thêm nguồn nhân lực Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các địa phương và tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống dịch. Thực hiện những biện pháp: Bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các khu cách ly tập trung an toàn, bố trí thêm địa điểm cách ly, phương tiện vận chuyển và nhân lực phục vụ cách ly tập trung, không để lọt, không để lây nhiễm. Đẩy nhanh tiến độ sàng lọc, xét nghiệm phát hiện người mắc bệnh. Tổ chức cách ly điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Khoanh vùng, khống chế nguồn lây trong cộng đồng. 

Hải Luận

Bình luận

ZALO