Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 04:12 GMT+7

Thơm thảo những tấm lòng hiến đất xây trường học

Biên phòng - Thấm thía những thiệt thòi và nhọc nhằn của việc không biết chữ, nhiều người dân ở phía Đông dãy Trường Sơn đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây trường học. Những tấm lòng thơm thảo ấy đang lặng thầm ươm lên những "mầm xanh" cho tương lai.

Cùng với việc hiến đất, anh Hồ Văn Niêu (bên trái) còn tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bào khó khăn ở A Ngo. Ảnh: Trúc Hà

Không tiếc đất, chỉ sợ cháu con thất học

Tháng 9/2023, học sinh và giáo viên điểm trường Ploang (thuộc Trường Tiểu học Thanh, thôn Ba Viên, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bước vào năm học mới với bao niềm vui. Nhiều phụ huynh đưa con em đến lớp cũng tranh thủ ghé lại, ngắm nghía những phòng học vừa mới được hoàn thành cách đây không lâu. Năm học trước, học sinh ở Ploang còn phải học trong căn phòng cũ, xuống cấp và vô cùng chật chội. Mỗi khi mưa gió, thầy trò vừa học vừa tránh dột, phụ huynh có hôm không dám cho con tới trường. Thế nên, nhìn phòng học khang trang hôm nay, mọi người càng biết ơn lòng tốt của vợ chồng bà Hồ Thị Nuông.

Căn nhà của bà Nuông nằm cạnh điểm trường Ploang. Nhà khung gỗ vách nứa, lợp tôn, qua thời gian đã cũ nát, xập xệ, các vật dụng bên trong không lấy gì làm giá trị. Vợ chồng bà Nuông có 5 người con, 4 trong số đó đã lập gia đình và sinh sống nơi khác, còn cô con gái út đang theo học lớp 7. Cuộc sống nghèo khó nên thế hệ vợ chồng bà Nuông không có điều kiện đến trường. Không biết chữ, mỗi khi ra xã làm thủ tục hành chính, thậm chí khai sinh cho con, hai người chỉ biết nhờ cán bộ xã viết giúp rồi điểm chỉ vào tờ giấy. Nhiều lúc muốn tìm một giấy tờ gì đó, bà phải mang toàn bộ tập hồ sơ của mình để nhờ người biết chữ tìm hộ. Ở vào tuổi 60, vợ chồng bà quá hiểu nỗi khổ của người không biết chữ.

Việc hiến đất của gia đình bà Nuông là cả câu chuyện dài. Mấy năm trước, khi nghe thôn họp bàn tìm địa điểm xây trường, ông bà đều tình nguyện cắt mảnh đất vườn rộng 200m2 của mình để xây dựng điểm trường Ploang. Ba phòng học kiên cố đã được xây dựng ngay trên mảnh đất của gia đình bà Nuông. Chưa hết, khi thôn cần địa điểm xây nhà văn hóa cộng đồng để thay cho những buổi họp thôn phải đi mượn nhà dân, vợ chồng bà Nuông không ngần ngại cắt thêm 200m2 đất nữa để phục vụ việc cộng đồng.

Tiếp đó, giữa năm học 2022-2023, điểm trường Ploang trở nên thiếu không gian vì sĩ số học trò ngày một đông, bà Nuông bàn với chồng hiến thêm 200m2 đất để mở rộng điểm trường. Bà Nuông bảo: “Mảnh đất đó nếu giữ lại thì gia đình tôi cũng có thể canh tác hoa màu, tăng thêm thu nhập nhưng thương các cháu thiếu chỗ học. Mình không tiếc đất, chỉ sợ các cháu thất học. Đời mình nghèo khó rồi, không được học chữ rồi nên bây giờ làm được gì để giúp các cháu được đi học thì mình sẵn sàng. Thấy các cháu đến trường, trong lòng mình cũng thấy vui”.

Chia sẻ về việc gia đình bà Nuông hiến đất xây trường, bà Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh bộc bạch: “Chúng tôi rất mừng khi gia đình bà Nuông dù khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng hiến đất để các em học sinh có nơi học tập, rèn luyện. Với diện tích đất này, nhà trường xây dựng thêm 2 phòng học kèm khu vệ sinh sẽ được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024. Tấm lòng của bà Nuông khiến chúng tôi cảm động và nỗ lực hơn trong sự nghiệp trồng người ở vùng khó này”.

Trách nhiệm với thế hệ trẻ

Nằm ở địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở A Ngo (xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) có cơ sở vật chất khang trang, đạt chuẩn quốc gia. Để có được thành tựu đó, phải kể đến sự đóng góp của người dân trong việc hiến đất xây trường. Còn nhớ, năm 2010, khi cơ sở trường cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền xã loay hoay tìm quỹ đất mới để xây trường, anh Hồ Văn Niêu bấy giờ là Chủ tịch Hội Nông dân xã đã không đắn đo hiến 1.200m2 đất hoa màu của gia đình. Đến năm 2015, nhà trường cần thêm quỹ đất để xây nhà hiệu bộ, thêm một lần anh Niêu quyết định hiến thêm 1.000m2 đất. Nhờ việc anh Niêu hiến đất nên trường lớp ngày càng khang trang.

Thầy, cô giáo và học trò trong ngày vui khởi công điểm trường Ploang. Ảnh: Trúc Hà

Năm 2020, khi được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND xã A Ngo, anh Niêu dành nhiều hơn sự quan tâm cho bà con nghèo và chuyện trường lớp cho con em trong xã. Đầu năm 2021, khi Trường Tiểu học - Trung học cơ sở A Ngo triển khai xây dựng mô hình chuẩn quốc gia, anh Niêu cũng không ngại ngần hiến thêm đất để hoàn thiện các hạng mục cần thiết. Sinh ra, lớn lên và theo học tại xã miền núi, anh Niêu thấu hiểu nỗi khó khăn của học sinh và giáo viên khi trường lớp còn tạm bợ.

Anh cũng đã trải qua thời học sinh ở ngôi trường cũ không có không gian vui chơi, giải trí, giáo viên vất vả vì không có nhà công vụ nên anh quyết định cho đi một phần đất để giúp thầy cô và các em có thêm điều kiện dạy học. Thực ra, vì hiến một diện tích đất không hề nhỏ, anh không phải lúc nào cũng được người thân trong gia đình đồng thuận, tuy nhiên, anh đã thuyết phục người nhà. “Mình là cán bộ đảng viên, muốn vận động được các hộ dân, mình phải gương mẫu tiên phong trước, nói phải đi đôi với làm thì bà con mới tin. Thứ nữa, trường lớp đó chính là con cháu mình được hưởng lợi nên không có gì phải tiếc” - anh Niêu chia sẻ.

Cũng ở A Ngo, khi kể về tấm gương hiến đất xây trường học, người ta không thể không nhắc đến ông Hồ Lô (thôn A Rồng Dưới). Năm 1963, ông Hồ Lô may mắn được đưa ra Bắc học văn hóa, sau đó học thêm trung cấp vô tuyến điện, điện ảnh... Sau giải phóng, ông được phân công làm Đội trưởng Đội chiếu bóng của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Ông giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã A Ngo (từ năm 2000-2010), đến năm 2011 thì nghỉ hưu theo chế độ. Trong thâm tâm, ông Hồ Lô luôn suy nghĩ: “Đảng, cách mạng đã cho mình cuộc sống ngày hôm nay. Phải làm gì để luôn xứng đáng với điều ấy”, bởi vậy, ở cương vị công tác nào, ông cũng tận tâm, tận lực với công việc.

Năm 2009, khi thấy việc xây dựng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở A Ngo chưa có đủ diện tích đất, ông Hồ Lô đã quyết định hiến 4.000m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cán bộ, giáo viên, nhân viên ổn định công tác. Câu chuyện đã lâu nhưng tấm lòng thơm thảo của ông Hồ Lô cũng như anh Hồ Văn Niêu vẫn được kể mãi, bởi mỗi khi nhìn ngôi trường khang trang này, chắc chắn người ta sẽ lại nhớ đến tấm lòng thơm thảo của người hiến đất.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO